You are here

Mỏi mòn chờ... nhà hát

Tác giả: 
Lê Công Sơn - Nguyên Vân

Tình trạng một số nhà hát có từ vài chục năm trước đang xuống cấp nặng chưa được sửa chữa, nhà hát xây mới thì thiết kế không phù hợp khiến nghệ sĩ thiếu đất diễn, còn công chúng thì không có những không gian tốt để thưởng thức văn hóa.


HBSO phải thuê Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM làm điểm tập cho đoàn nhạc kịch và giao hưởng
ẢNH: ĐỘC LẬP

Sân khấu có cũng như không

Hơn 37 năm trong nghề, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng - Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM, than: “Các loại hình nghệ thuật dân tộc quá khó khăn, loay hoay tìm lối ra. Cải lương đình đám như thế mà diễn viên còn sống chật vật huống gì hát bội. Từ khi được tiếp nhận rạp hát Thủ đô (TP.HCM) đến nay, do hệ thống âm thanh ánh sáng của cải lương trước đây không còn phù hợp nên gần 5 tháng chúng tôi vẫn chưa thể biểu diễn suất nào, chỉ tận dụng mặt bằng để tập tuồng mới”.

Trước đây, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM nằm ở rạp Long Phụng (đường Lý Tự Trọng, Q.1), từ tháng 2.2017 dời về đường Châu Văn Liêm, Q.5 nên địa điểm mới nhiều khán giả chưa biết, cơ sở vật chất của nhà hát còn nghèo nàn. Vì vậy, đơn vị cũng vừa làm thủ tục xin Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM cấp kinh phí để chống dột, chống ngập cho sân khấu, đồng thời phải thay thế hệ thống âm thanh mới, nâng cấp nền sân khấu thì mới sớm đi vào hoạt động được, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.

Thân phận của rạp xiếc TP.HCM thì thê thảm hơn. Từ ngày ra đời đến nay chưa bao giờ có chỗ diễn ổn định để nghệ sĩ cống hiến. Lúc đầu “tụ tập” ở hồ Kỳ Hòa (Q.10), sau này phải thuê mặt bằng biểu diễn trong Thảo Cầm Viên (Q.1) nên nghệ sĩ sống lay lắt với nghề, rồi tiếp tục “lang thang” lên hồ bơi Lam Sơn (Q.5), Đầm Sen (Q.11), về Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và năm 2012 di dời về công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) cho đến nay. NSƯT Phi Vũ - Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho biết: “Gần 15 năm nay, chúng tôi chờ đợi khánh thành công trình rạp xiếc và biểu diễn đa năng hiện đại nhất Đông Nam Á trị giá 1.500 tỉ đồng nhưng chẳng thấy đâu”.

TP.HCM có một bộ môn nghệ thuật độc đáo nữa là múa rối, gồm múa rối nước và múa rối cạn được các du khách nước ngoài, đặc biệt trẻ em rất yêu thích. Tuy nhiên, để có sân khấu riêng, bài bản cho múa rối thì từ trước đến nay hầu như không được đầu tư. Nhà hát nghệ thuật Phương Nam phải “linh động” thuê mặt bằng tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để phục vụ khách du lịch. Trong khi đó đại diện đơn vị này tiết lộ: “Nhu cầu xem múa rối của học sinh các trường rất cao, nhưng việc tiếp cận với loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc này vẫn còn khá khiêm tốn vì không có nơi biểu diễn chuyên nghiệp, đó là một nghịch lý tồn tại quá lâu tại TP.HCM”.

Bên cạnh đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM vừa xây mới nhưng do thiết kế không đúng quy chuẩn của nhà hát hiện đại nên dù đã hoàn thiện xong vẫn chưa thể nghiệm thu.

Gần 20 năm chưa có Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), cho biết từ năm 1999, TP đã dự kiến xây nhà hát hiện đại tại số 23 Lê Duẩn, Q.1. Nhưng sau đó địa điểm này được cho là không phù hợp. Đến năm 2012, địa điểm xây nhà hát được chọn là công viên 23.9, và theo kế hoạch sẽ hoàn công, đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Vậy nhưng một lần nữa, kế hoạch này cũng không được thực hiện, và nhà hát lại nhận được thông tin về chủ trương thay đổi địa điểm: dự kiến chuyển về khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2.

Trong thời gian chờ xây dựng, việc không có nhà hát - sân khấu riêng là trở ngại rất lớn cho dàn dựng, tập luyện và biểu diễn, nhất là đối với các tác phẩm lớn. Nhà hát có 3 đoàn nghệ thuật: giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch nhưng phải tập riêng lẻ nhiều nơi. Trụ sở văn phòng của HBSO thì ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM. Rạp Thanh Vân cũ được sửa lại và làm phòng tập cho đoàn giao hưởng và nhạc kịch, nhưng vì quá xuống cấp nên ảnh hưởng ít nhiều đến điều kiện tập luyện cũng như kho nhạc cụ giá trị lớn của nhà hát; thế nên hiện nay đoàn đã chuyển sang tập tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Còn đoàn vũ kịch phải thuê địa điểm tập tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.

Ông Thạch cho biết thêm: “Thời gian vừa qua đã có những văn bản của UBND TP.HCM thúc đẩy dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM. Hiện nay, cùng với Sở VH-TT, đơn vị phụ trách dự án nhà hát, chúng tôi cũng có những tiếp xúc với các đối tác nước ngoài để tìm kiếm nguồn lực tài chính và những giải pháp xây dựng hoặc hợp tác để xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm. Địa điểm hiện tại cũng đã được chỉ định trên bản vẽ, nhưng điều chúng tôi mong muốn là việc thực hiện dự án. Chúng ta vẫn đang nghe nói rất nhiều về các bước chuẩn bị hay lời hứa, nhưng việc thực hiện để giao đất cho dự án hay những bước cụ thể khác vẫn chưa được triển khai triệt để”.

TP.HCM thiếu cả những nhà hát, sân khấu chuyên dụng cho từng loại hình biểu diễn. Ngoài Nhà hát Hòa Bình (sức chứa khoảng hơn 2.000 ghế), Nhà hát Bến Thành (hơn 1.000 ghế), Nhà hát TP.HCM (500 ghế), những đơn vị tổ chức biểu diễn dành cho lượng khán giả lớn hơn buộc phải thuê các nhà thi đấu hoặc sân vận động để thực hiện. Trong khi đó, với những chương trình quy mô nhỏ nhưng cần có không gian sang trọng phù hợp thì không phải lúc nào cũng thuê được Nhà hát TP.HCM (vì nơi đây lịch diễn luôn dày đặc).


Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM do âm thanh ánh sáng không phù hợp nên từ khi tiếp nhận
đến nay vẫn chưa thể biểu diễn. ẢNH: QUỲNH TRÂN

Hiện nay nhiều sân khấu kịch vẫn diễn tại trung tâm văn hóa hoặc nhà thiếu nhi các quận, nơi các nghệ sĩ kiêm ông bà bầu thuê lại và đầu tư thêm hệ thống âm thanh ánh sáng, máy lạnh… Chẳng hạn Sân khấu Hoàng Thái Thanh đang hoạt động tại Nhà thiếu nhi Q.10, Sân khấu Trịnh Kim Chi ở Trung tâm văn hóa Q.6…

Xung quanh vấn đề thiếu địa điểm cho nghệ sĩ biểu diễn, tại hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình do Ban VH-XH HĐND TP.HCM tổ chức mới đây, bà Đặng Hồng Linh, đại diện Sở VH-TT, cho biết: “Thực tế hiện nay các thiết chế biểu diễn văn hóa nghệ thuật chưa xứng tầm TP, hệ thống nhà hát chủ yếu tập trung ở một số quận nội thành. Tại các quận mới và huyện ngoại thành chưa có nhà hát hiện đại. Vì vậy, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật khó thực hiện những chương trình lớn để phục vụ nhân dân và nâng cao chất lượng nghệ thuật, đồng thời phải tốn tiền chi phí cho đầu tư thiết kế, thuê địa điểm. Thời gian tới, TP.HCM sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà hát và đẩy mạnh tiến độ phê duyệt, cấp vốn xây dựng để các thiết chế văn hóa đi vào hoạt động ổn định”.

Nỗi khát khao của người làm nghề

Việc mơ ước có những nhà hát nghệ thuật đúng nghĩa luôn là khát khao cháy bỏng của những người làm nghề. Thạc sĩ Hữu Luân - Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, thẳng thắn: “Các rạp biểu diễn nghệ thuật đang quá tệ. Chúng ta cứ loay hoay với những biện pháp, dự án, chủ trương không biết sẽ được thực hiện vào thời điểm nào, trong lúc văn hóa nghe nhìn ngày càng xuống cấp, kéo theo vô số hệ lụy”. Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều (Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM) bức xúc: “TP.HCM có 7 đơn vị nghệ thuật công lập do ngành văn hóa quản lý, nhưng nghịch lý là các rạp hát để biểu diễn nghệ thuật lại ngày càng ít đi khiến nhiều người dân không biết rằng TP vẫn còn có Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP, Nhà hát kịch TP, Nhà hát nghệ thuật hát bội… Tại sao vậy? Câu hỏi này chỉ những người có trách nhiệm của ngành văn hóa và cao hơn nữa là lãnh đạo UBND TP.HCM mới trả lời được”.

(Nguồn: http://thanhnien.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.