You are here

Mang nhạc hàn lâm đến với công chúng trẻ

Tác giả: 
Thanh Dương

Khác với hình ảnh sôi động và phá cách của dòng nhạc trẻ hay dòng nhạc thị trường đầy màu sắc, dòng nhạc hàn lâm không quá phô trương bởi kén người nghe, người trình diễn, nhưng thật sự vẫn có một vị trí rất riêng trong lòng công chúng trẻ.

Buổi hòa nhạc của “Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn”.

Những buổi hòa nhạc không diễn ra theo định kỳ, chỉ bắt đầu khi đã có sự chuẩn bị và tập luyện kỹ càng nhưng khán giả thành phố, trong đó có rất nhiều người trẻ đã đến xem và trở thành khách quen. Huỳnh Quang Thái – giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM và là Trưởng nhóm Saigon Choir – cho biết mỗi chương trình có một chủ đề khác nhau để giới thiệu đến khán giả những tác phẩm âm nhạc cổ điển chất lượng nhất. Lượng vé bán ra gần như chỉ vừa đủ cho mọi chi phí của một đêm hòa nhạc, nhưng những người trẻ vẫn say sưa, miệt mài. “Nhiều chương trình hòa nhạc của nhóm đã bán vé xong vẫn cần phải bù lỗ, nhưng cũng vì tình yêu với nhạc cổ điển mà cả nhóm ai cũng tập trung làm để cho ra sản phẩm chất lượng nhất, còn lại chỉ cần được biểu diễn là vui rồi”, vị giảng viên này giải thích.

Kén khán giả, không khó nghe

Saigon Choir – nhóm nhạc cổ điển thuộc Nhạc viện TPHCM – với lợi thế là những người được đào tạo bài bản về thanh nhạc đã chọn dòng nhạc hàn lâm để chinh phục khán giả. Những buổi hòa nhạc được nhóm tổ chức khá bài bản, tuy nhiên không diễn ra định kỳ bởi phụ thuộc vào lịch học của các thành viên trong nhóm và sự chuẩn bị khá lâu để cho ra một đêm nhạc chỉn chu. Lê Thu Hà – sinh viên năm thứ 2 của Nhạc viện TPHCM, cũng là giọng bè nữ cao của nhóm Saigon Choir – chia sẻ: “Có khi nhóm mất gần bốn tháng trời để tập cho một đêm nhạc vì dòng nhạc này thiên về tính học thuật đòi hỏi người biểu diễn phải có chuyên môn cao. Cũng theo Thu Hà, dòng nhạc này cũng đòi hỏi khán giả có một trình độ thưởng thức nhất định, nên buổi hòa nhạc dù có quy mô nhỏ nhưng vẫn đòi hỏi chất lượng biểu diễn phải chuyên nghiệp. “Nhạc hàn lâm đã kén khán giả, mà người nghệ sĩ nếu biểu diễn sơ sài thì còn ai đến với nhạc hàn lâm, cổ điển nữa”, Thu Hà nói.

Từ lâu có nhiều ý kiến cho rằng nhạc cổ điển sang trọng đến xa cách bởi không phải ai cũng nghe và cảm nhận được. Trên thực tế, tuy không quá rầm rộ và cuốn hút khán giả như nhiều dòng nhạc khác, âm nhạc hàn lâm như một dòng chảy âm ỉ, có một sức hút riêng với không ít khán giả. “Mình thường đi nghe hòa nhạc vào cuối tuần, mình thích nhạc cổ điển và không khí của những buổi hòa nhạc”, chị Minh Hoài, 25 tuổi, nhân viên của một ngân hàng, cho hay. Còn với khán giả Tuấn Đức, sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Sài Gòn, thì “ban đầu khi nghe nhạc giao hưởng hay cổ điển thực sự mình không hiểu và cảm nhận được nhiều cho lắm. Nhưng dần dà mình thấy mỗi bản nhạc thực sự là một nghệ thuật và gắn liền với nhiều câu chuyện thú vị”.

Trăn trở tìm hướng đi mới

Để tiếp cận và đưa dòng nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả, nhất là những người trẻ, thì người theo nghề phải tìm ra được hướng tiếp cận mới song vẫn không thể lơ là sự đầu tư kỹ lưỡng. Giảng viên Huỳnh Quang Thái cho biết đã có nhiều lần được khách hàng mời biểu diễn các chương trình bên ngoài, nhưng nhóm từ chối vì những nơi đó không có được không gian phù hợp.

Hơn mười năm theo đuổi dòng nhạc cổ điển, Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn định kỳ theo tháng tại khán phòng thuộc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Những buổi hòa nhạc chủ yếu để các thành viên của nhóm giao lưu học hỏi thêm về những kiến thức của âm nhạc cổ điển và khán giả yêu mến dòng nhạc này cùng ngồi lại thưởng thức, cùng chia sẻ sự cảm nhận. Bên cạnh đó, nhóm còn đầu tư dịch và trình chiếu những vở nhạc kịch cổ điển trên thế giới tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ bảy, ở số 38 Võ Văn Tần, quận 3. Đây cũng là cách để nhóm tiếp cận gần hơn với khán giả và để khán giả hiểu thêm về nhạc cổ điển trên thế giới.

Anh Nguyễn Võ Lâm, một thành viên ban tổ chức của “Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn”, cho biết nhóm đã có hơn 4.000 địa chỉ thư điện tử cá nhân của khán giả đăng ký tham dự qua các chương trình hòa nhạc, trong thời gian tới nhóm vẫn tiếp tục duy trì các buổi hòa nhạc song song với việc dịch và chiếu các vở nhạc kịch. Tuy nhiên, nhóm vẫn ấp ủ một dự án lâu dài và lớn hơn là có thể mở những lớp dạy nhạc cổ điển dành cho lứa tuổi thiếu niên, để người trẻ tiếp cận và thưởng thức âm nhạc cổ điển một cách đúng nghĩa nhất, nhưng hiện tại mọi thứ vẫn còn là dự định vì cần thời gian nghiên cứu và cả nguồn lực kinh tế.

Không chỉ những hình thức biểu diễn phục vụ khán giả được làm mới, những bản nhạc cũng được các nhóm cân nhắc trong việc hòa âm, phối khí mới hơn, gần gũi hơn để khán giả dễ cảm nhận. Chẳng hạn như nhóm Saigon Choir bắt đầu với việc làm mới một vài đoạn trong các tác phẩm cổ điển để biểu diễn – một công việc mà theo giảng viên Huỳnh Quang Thái là phải luyện tập và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đem lên sân khấu “vì nhạc cổ điển vốn nặng tính hàn lâm nếu không đủ kiến thức và tinh ý để làm mới thì rất dễ phá hỏng một tác phẩm hay”.

Việc những người trẻ theo đuổi và truyền tải âm nhạc hàn hâm đến với khán giả này thật là một điểm sáng trong bối cảnh của một thị trường âm nhạc nhiều màu sắc và theo trào lưu hiện nay.

Saigon Choir bán vé (150.000-300.000 đồng/vé) xem hòa nhạc chủ yếu qua trang fanpage và gửi thư mời đến địa chỉ thư điện tử cá nhân của khán giả đã đăng ký trước đó. Sinh viên được giảm 50% giá vé. Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn không bán vé nhưng có thùng quyên góp tiền theo sự tùy thích của khán giả xem biểu diễn.

(Nguồn: https://www.sgtiepthi.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.