You are here

Lễ Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Tác giả: 
Thanh Nhã

Các tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh


Các tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước


Chủ tịch Trần Đại Quang


Chủ tịch Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS Trọng Bằng


Chủ tịch Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ TS Doãn Nho


Chủ tịch Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho gia đình cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên


Ông Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Nhà nước cho nhạc sĩ Vũ Thiết

Nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 20 tháng 5 năm 2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức long trọng Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016.

Dự lễ trao giải có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng đợt này.

Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhận được 31 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 209 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước của 21 Hội đồng cấp cơ sở của 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố. Kết quả có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 95 hồ sơ được đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” đủ điều kiện trình lên Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng giải thưởng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các tác giả và thân nhân các tác giả có tác phẩm, công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này:

“Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nền văn học nghệ thuật nước nhà đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân ta. Qua đó góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, tôi luyện và phát triển trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, có nhiều công hiến tạo nên nền văn học nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý người nghệ sĩ - chiến sĩ. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền văn học nghệ thuật cách mạng thời gian qua.

Các tác giả có tác phẩm, công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, bằng tài năng sáng tạo đặc biệt và sức lao động bền bỉ, đã sáng tạo nên các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, quảng bá văn học nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Đồng thời chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng và phát huy các tài năng văn học nghệ thuật; tôn vinh các văn nghệ sĩ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước. Cùng với đó cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đối với các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2016 đã vinh danh 113 tác giả: 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", có 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Nhà nước". 

Hội Nhạc sĩ Việt Nam vô cùng tự hào khi có số lượng tác giả lớn nhất trong các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 với các tác phẩm âm nhạc xuất sắc:

I. Giải thưởng Hồ Chí Minh:

1. GS.NSND Trọng Bằng (Hà Nội)

Các ca khúc “Bão nổi lên rồi”, “Nhịp máy khoan”, “Vang mãi bản tình ca”, “Chúng ta là chiến sĩ công an”; giao hưởng thơ “Người về đem tới niềm vui”; khởi nhạc phóng tác “Chào thiên niên kỷ mới”; hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng “Trường ca Tây Bắc – Điện Biên Phủ”; nhạc phim “Cù Chính Lan – người chiến sĩ trẻ”.

2. TS. Nhạc sĩ Doãn Nho (Hà Nội)

Thanh xướng kịch “Trẩy hội đền Hùng”, “Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô”; giao hưởng “Khúc tưởng niệm”; liên khúc giao hưởng 3 chương “Chiến thắng”, nhạc cho kịch múa “Một thời và mãi mãi”.

3. PGS. Nhạc sĩ Chu Minh (Hà Nội)

Các ca khúc “Tên người đẹp mãi Bến Tre”, “Nước non tên Người”, “Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ”; hòa tấu thính phòng Trio cho Piano, violon và violoncello; khí nhạc Concerto “Tuổi trẻ” cho Piano và dàn nhạc giao hưởng.

4. Cố Nhạc sĩ Hoàng Hà (Vũng Tàu)

Các ca khúc “Tiếng rừng dương”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Đất nước trọn niềm vui”; giao hưởng hợp xướng “Côn Đảo”.

5. Cố Nhạc sĩ Thuận Yến (Hà Nội)

Các Ca khúc: “Gửi em ở cuối sông Hồng (Dương Soái), “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”, “Vầng trăng Ba Đình” (thơ: Phạm ngọc Cảnh); “Người về thăm quê”, “Tình yêu không lời” (phỏng thơ: Vĩnh Quang Lê), “Em tôi” (thơ: Xuân Trường), “Chia tay hoàng hôn” (phỏng thơ: Hoài Vũ).

6. Cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên (Hà Nội)

Cụm tác phẩm nhạc nghi lễ: Trống tang lễ trống hành khúc, Hoan nghênh, Các bài kèn hiệu; ca khúc “Phủ Thông chiến thắng” (lời: Ngô Gia Khánh), “Hải cảng về ta” (lời: Trần Mai Huyên); khí nhạc “Xuân chiến thắng” và “Vọng gác tiền tiêu miền duyên hải”.

II. Giải thưởng Nhà nước:

1. PGS. NGND. NS Hoàng Cương (TP. Hồ Chí Minh)

Các tác phẩm khí nhạc: “Ký ức dòng sông” (tổ khúc 4 chương cho dàn nhạc dây); “Bài ca tháng năm” (hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng); “Trống Tràng thành” (Sonate – Ballade viết cho violoncello và piano); “Quintet” cho violon, viola, cello, contrebasse, piano; “Thác đổ” viết cho dàn nhạc giao hưởng.

2. GS.TS. nhạc sĩ Thế Bảo (TP. Hồ Chí Minh)

Ca khúc “Nửa đêm”; khí nhạc Concerto piano và dàn nhạc nhỏ; Concerto cho violoncello và dàn nhạc giao hưởng; sách “Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền”.

3. Nhạc sĩ Đỗ Dũng (Hà Nội)

Các tác phẩm khí nhạc “Sinh tử luân hồi” (Concerto cho piano và dàn nhạc); “Tổ quốc” (Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng); “Tôi nghe âm điệu quê hương tôi (giao hưởng); “Sài Gòn thu rồi đó” (Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng); “Lời cầu nguyện” (Hợp xướng – giao hưởng).

4. Nhạc sĩ Phạm Tịnh (Hà Nội)

Các ca khúc “Điều chưa thấy trong văn tự người Dao”; “Từ chân ruộng bậc thang”; “Đi chợ vùng cao”; “Bài ca nông dân Việt Nam”; “Sli lượn tình yêu”.

5. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (TP. Hồ Chí Minh)

Cac ca khúc “Giấc mơ mùa lá”; “Gió lộng bốn phương”; “Ơi mẹ làng Sen”; giao hưởng “Một nửa cõi trầm”; giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên”.

6. Nhạc sĩ  Vũ Thiết (Hà Nội)

Các ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông Trà”; “Lời sóng hát”; “Khúc tráng ca biển”; “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”.

7. Nhạc sĩ Hình Phước Long (Khánh Hòa)

Các ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”; “Đêm xoang Tây Nguyên”; “Vầng trăng nơi đảo xa”; “Khánh Hòa – một khúc ca”; “Gần lắm Trường Sa”.

8. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (Quảng Bình)

Các ca khúc “Phố biển tình anh”; “Tiếng dạ - tiếng thương”; “Tình ta biển bạc đồng xanh”; “Giọng hò quê hương”; “Thành Huế chúng mình thương”; “Lời người vọng mãi”.

9. Nhạc sĩ Văn Thành Nho (TP. Hồ Chí Minh)

Các ca khúc thiếu nhi “Điệu xòe mùa hoa ban”; “Chuồn chuồn thi sĩ”; những ca khúc “Ê-mơ-nga, anh yêu em”; “Đất nước lời ru”; “Nước non vọng khúc nguyệt cầm”.

10. NSND. nhạc sĩ  Đặng Văn Hùng (Hà Nội)

Giao hưởng “Đồng khởi”; giao hưởng thơ “Sức mạnh tình yêu” và “Vượt lũ”; âm nhạc cho thơ múa “Bài ca ra trận”; âm nhạc cho kịch múa “Đất nước”.

11. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (Hà Nội)

Các ca khúc “Bác Hồ vầng dương của chúng ta”; “Thanh niên trên công trường”; “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”; “Ca mừng Bác”; khí nhạc “Sonate cho violon và piano số 4,5,6,7,8”; hợp xướng “Ánh sáng Lênin”.

12. NSND. Nhạc sĩ Cao Việt Bách (Hà Nội)

Các ca khúc “Mang hình Bác, chúng ta lên đường”; “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”; “Cung đàn mùa xuân”; “Tiếng hát từ Quảng trường Ba Đình”.

13. Nhạc sĩ Trần Viết Bính (Đồng Nai)

Các ca khúc “Dòng sông”; “Đồng Nai mùa sầu riêng”; “Hạt gạo làng ta”; “Bài ca nông dân Việt Nam”; “Lời ru”.

14. Nhạc sĩ Nguyễn Thế Song (Hà Nội)

Các ca khúc “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”; “Nơi đảo xa”; “Tình yêu bên suối”; “Hát từ vùng gió xoáy”; “Hoa hồng biển đảo”.

15. NSND. Nhạc sĩ Quang Vinh (Hà Nội)

Các ca khúc “Vì một thế giới ngày mai”, “Rạng rỡ Việt Nam”; “Tay trong tay”; nhạc viết cho song tấu nhạc cụ dân tộc “Ngư phủ - Triều Khúc”.

16. Cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa (Hà Nội)

Các ca khúc “Mùa xuân trên sông Tô”; “Gửi em chiếc nón bài thơ”; “Gửi song La”; “Nhớ xứ Đoài”; “Vì mưa”.

17. Nhạc sĩ Trần Văn Chừng (Khánh Hòa)

Các ca khúc “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên”; “Vui mùa chiến thắng”; “Hạt cát ấy – bông hoa ấy”; “Đêm xoang Tây Nguyên”; “Bài ca 23 tháng 10”; “Trường Sa – ơi Trường Sa”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.