You are here

"Làng tôi" bức tranh âm thanh tiêu biểu về làng quê Việt Nam ngày ấy

Tác giả: 
Tĩnh Vân

“Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung”…

Những lời ca đầu tiên trong bài hát của nhạc sĩ Văn Cao khắc họa hình ảnh êm đềm và yên ả của làng quê Việt Nam ngày đất nước vừa giành được độc lập. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đã mở cuộc càn quét, xâm lược nước ta lần thứ hai. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch năm 1946, toàn dân ta bước vào trận chiến đấu chống lại sự đàn áp, đốt phá, tàn sát đồng bào của giặc.

Cuộc chiến tranh đẫm máu ngày ấy được nhạc sĩ Văn Cao diễn tả rất bi thương, ai oán trong tác phẩm của ông:

“Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà
Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn
Đường ngập bao xương máu tơi bời
Đồng không nhà trống tàn hoang”…

Chỉ những con người sống trong thời kỳ lịch sử ấy mới thấu hiểu được hoàn cảnh khắc nghiệt của dân tộc lúc bấy giờ. Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê Việt nam sau những ngày hòa bình lập lại, chỉ biết được chiến tranh qua những trang lịch sử, sách báo và văn học, chưa bao giờ được nghe những người trong gia đình, những nhân chứng sống của ngày ấy kể về cuộc sống gian khổ và hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến ngày 11/2 âm lịch vừa qua, khi về quê cùng gia đình làm giỗ cho những người thân, tôi: đã hỏi bố: “Vì sao nhà mình lại giỗ chung ba người trong một ngày hả bố?”. Bố tôi trầm ngâm, bằng giọng buồn buồn ông chậm rãi kể lại về ngày định mệnh ấy của gia đình.

Ngày này, năm ấy (11/2 năm Đinh Hợi - 1947) quân Pháp kéo về càn quét quê tôi. Chúng bắn phá, giết hại rất nhiều người dân vô tội. Chỉ trong một ngày, làng tôi có đến mấy chục người thiệt mạng, riêng gia đình bố tôi mất ba người ở ba thế hệ, gồm bà cố nội, ông nội và bác họ của tôi.

Bà cố nội vì cất vuông vải màu đỏ, chúng tưởng bà đang giấu cờ đỏ sao vàng, liền xả súng bắn chết ngay tại nhà, còn ông nội và người bác tôi chúng vô cớ sát hại ở hai nơi khác nhau, cùng bao người dân khác trong làng. Khi ấy bố tôi mới mười ba tuổi, cô ruột tôi mới chỉ biết bò, chưa đầy một tuổi. Cùng ngày này làng tôi rất nhiều gia đình có giỗ.

Hôm đó giặc Pháp đã tập trung dân làng, bắt mọi người đứng xếp hàng để tìm một cán bộ Việt minh tên Lâm, do đã có một tên Việt gian chỉ điểm trước đó. Chúng lần lượt tra hỏi từng người, song tất cả đều nói không biết, chúng không thể ngờ rằng ông Lâm đứng ngay trước mặt tên chỉ huy Pháp, chính ông cũng là người bị tra khảo và đã trả lời không biết. Người cán bộ Việt minh đó là một cán bộ du kích mưu trí, dũng cảm, được sự che giấu của dân làng nên ông đã không bị lộ...

Đến nay đã hơn nửa thế kỷ, những hình ảnh ấy vẫn in đậm trong tâm trí của bố tôi và những bậc cao niên trong làng. Lòng căm thù ăn sâu vào tâm hồn thơ trẻ của bố tôi. Năm 1950, mới mười sáu tuổi, bố tôi giấu bà nội xung phong đi bộ đội tham gia kháng chiến, rồi các cuộc hành quân đói rét vô cùng gian khổ khắc nghiệt, ông vẫn cùng các đồng đội của mình chiến đấu dũng cảm. Năm 1953 trong một đợt hành quân, đơn vị của ông rơi vào ổ phục kích, bao đồng đội hy sinh, bố tôi bị thương và được các đồng chí của mình đưa về nhà thương chữa trị. Rồi sau khi quay trở lại chiến trường một thời gian, do sức khỏe ông bị ảnh hưởng rất nặng bởi sức ép quá lớn của đại bác, ông phải trở về hậu phương…

Chuyện của bố tôi khiến tôi liên tưởng tới biết bao làng quê Việt Nam ngày ấy. Làng tôi đã không còn xanh bóng tre như ngày nào mà “đường ngập bao xương máu tơi bời” như lời bài hát miêu tả. Không thể nói hết được tài năng của nhạc sĩ Văn Cao, chỉ bằng những âm hưởng giản dị với lời ca mộc mạc “Làng tôi” đã vẽ nên những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt nam trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến… Sự tàn bạo của thực dân Pháp làm tăng thêm nỗi hận thù của mọi người dân, mọi làng quê Việt nam, thôi thúc họ một lòng theo kháng chiến đánh đuổi bè lũ xâm lược:

“Làng tôi theo đoàn quân du kích
Cướp ngay súng quân thù trả thù xưa
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu
Cùng lập chiến lũy và đào hầm sâu”

Làng tôi đã trở thành một ký ức không thể phai mờ đối với bao thế hệ . Đó cũng là một bức tranh bằng âm thanh cho lứa tuổi trẻ sau này hiểu về làng quê Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Để tất cả mọi người càng hiểu hơn, yêu hơn quê hương mình trong những ngày hòa bình xây dựng. Những làng quê lại mãi xanh những bóng hình hiền hòa, yêu dấu.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.