You are here

Lắng nghe thông điệp từ "Mầm sống" của Vũ Duy Cương

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Chúng ta được nuôi dạy bằng nhiều điều to tát, trong đó có một niềm tự hào hết sức kỳ vĩ: con người đã, đang và sẽ chinh phục thiên nhiên!

Đến một ngày… không đẹp giời, ta chợt ngộ ra rằng Mẹ Thiên nhiên chính là nguồn vật chất nuôi dưỡng phần xác của ta, cũng là nguồn cảm xúc sáng tạo cho phần hồn của ta. Tiếp tục giương cao ngọn cờ cải tạo thiên nhiên, hay phải cải tạo chính mình đây? Vẫn lạm dụng và hủy hoại thiên nhiên bằng vũ lực có ý thức và vô ý thức, hay cần học cách ứng xử với môi trường thuận theo quy luật tự nhiên?

Đã từ lâu môi trường sinh tồn được coi là vấn đề mang tính toàn cầu. Nay ta đưa mối quan tâm này lên tầm quốc gia cũng là muộn, nếu muộn nữa thì cái giá phải trả sẽ ngày càng đắt. Cũng từ lâu thông điệp cấp bách cho cả nhân loại được chuyển tải qua các loại hình nghệ thuật khác nhau, và hẳn sẽ còn rất lâu nữa vẫn được nhiều quốc gia xếp vào diện đề tài nóng.

Từ cái nhìn thức thời về môi trường sinh thái, nhạc sĩ Vũ Duy Cương kể một câu chuyện bình dị như chính bản thân các nhân vật trong đó: Đất và Cây. Câu chuyện không lời gửi một message vừa thâm trầm tính triết lý vừa bay bổng chất thơ, nhẹ nhàng mà ám ảnh, chứ không hô hào khẩu hiệu lớn lao cho cuộc giao chiến một mất một còn. Cũng không vận đến hình thức âm nhạc quy mô hoành tráng, Mầm sống được gói gọn trong gần 11 phút với thể loại giao hưởng thơ một chương.

Nhạc sĩ Vũ Duy Cương và nhạc trưởng M.Cousteau (2018)

Các phần Mở đầu - Trình bày - Phát triển - Tái hiện - Coda được gắn kết liền mạch như kiểu liên khúc nonstop. Những móc xích giữa chúng là đôi ba nhịp gian tấu làm nền hoặc chỉ vài nét giai điệu đưa đẩy dẫn dắt. Trong dòng chảy đó, tính phát triển chiếm ưu thế không chỉ ở phần giữa (đúng như tên gọi của nó: phần Phát triển), mà còn là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các phần còn lại. Tính tương phản chất chứa trong mỗi chủ đề được sinh ra từ sự biến đổi không ngừng đó. Mặt khác, tính thống nhất cũng được đảm bảo khi phát triển các chủ đề “tương phản cùng nguồn”, nói cách khác, những chủ đề không đại diện cho các nhân vật đối đầu.

Chủ đề mở đầu: là một tổ hợp các nét nhạc có mối quan hệ ruột thịt với “dấu hiệu ADN” c1-b-g-b-c1. Từ bốn nốt đầu tiên của bè violon II ở nền trì tục (ô nhịp 1), motif này được đan cài vào các bè tô điểm cho phần đệm (các ô nhịp 2-3) [thí dụ 1a], sau đó chính thức chậm rãi vang lên ở các bè basse với vai trò giai điệu chính (ô nhịp 4) [thí dụ 1b]. Điểm thêm vào nền đệm còn có motif nhảy lên quãng 5 c2-g2 của flute và piccolo (các ô nhịp 3 và 5-6), cứ như có cái gì đó lóe lên, nứt ra từ lòng đất cằn khô [thí dụ 1b].

Thí dụ 1a:

Thí dụ 1b:

Chủ đề 1: vẫn duy trì nền đệm của bè violon điểm thêm motif “lóe lên” của flute và piccolo, chính từ motif này đã hình thành giai điệu của basson (ô nhịp 9) nhấn nhá vào các quãng 4 và 5, đặc biệt motif f-b-es1 (ô nhịp 10) rất gần âm điệu dân ca Trung bộ, một vùng khí hậu khá khắc nghiệt [thí dụ 2].

Thí dụ 2:

Giữa lòng đất cằn cỗi đã nhú lên một chồi non nhỏ nhoi như niềm hy vọng mong manh. Mầm xanh cố trỗi dậy giữa đất trời bao la. Đó là lúc chủ đề 1 phát triển ở các âm sắc khác nhau với cường độ mạnh dần. Bao quanh nó, đan xen vào nó ngoài giai điệu chủ đề mở đầu còn có các bè bối lúc quay cuồng chuyển động, lúc dày đặc âm nền trì tục với chất liệu phần lớn được lấy từ các nhân tố của tổ hợp chủ đề mở đầu.

Chủ đề 2 (Adagio - ô nhịp 60): hình ảnh mầm xanh vươn lên đẹp như mơ được tô vẽ bằng giai điệu dịu dàng, thanh thoát ở âm vực cao (flute), phảng phất câu hát mở đầu bài dân ca quan họ Hoa thơm bướm lượn [thí dụ 3].

Thí dụ 3:

Một khi phần Trình bày không xây dựng các chủ đề đối kháng như kiểu “chính với tà”, “ta với địch”, thì phần Phát triển cũng không diễn tả cuộc chiến triệt tiêu nhau giữa các thế lực thù nghịch. Tiếp tục đẩy mạnh sự tương phản thông qua các thủ pháp phát triển đã có ở phần trước, phần Phát triển (từ ô nhịp 97) dồn dập biến đổi các chủ đề (chủ yếu là chủ đề mở đầu và chủ đề 1) bằng cách cắt vụn hoặc nối dài, thu nhỏ hoặc phóng to, nối ghép hoặc đan lồng chúng vào nhau. Các nhân tố quen thuộc trở nên mới mẻ trong các cung bậc, tiết tấu, âm sắc, âm lượng khác nhau.

Dù bị vùi dập thế nào thì mầm non vẫn cứ vươn lên mà sống. Dù điều kiện tự nhiên nghiệt ngã đến đâu, con người vẫn phải tìm cách thích nghi cao nhất trong sự tôn trọng cân bằng sinh thái. Mọi sự giành giật, tranh cướp, đánh đấm, đấu đá giữa người với người, dù nhân danh bảo vệ thiên nhiên hay cải tạo môi trường thì rút cục vẫn chỉ làm tổn hại thiên nhiên mà thôi. Ở đây không ai chống ai, không ai thắng ai, chỉ có sự tương tác giữa các sinh vật với nhau và với môi trường sống, chỉ có khát vọng về hòa bình cho nhân loại và sự an lành cho hành tinh xanh này.

Sự trở lại của chủ đề mở đầu và chủ đề 1 với nhiều đổi thay đã tạo nên phần Tái hiện động (từ ô nhịp 179). Giai điệu chủ đề 1 giãn nhịp, rộng mở hơn, không còn kèm theo nền đệm đầy bất an nữa [thí dụ 4, so sánh với thí dụ 2].

Thí dụ 4:

Chủ đề 2 không xuất hiện, chỉ có vài nét gợi nhớ, dường như mầm non đã lớn đến mức khó mà nhận ra nó. Thế vào đó là giai điệu mới (ô nhịp 196), có thể xem đứa con chung của chủ đề 1 và 2 này như khúc khải hoàn ngợi ca sự trưởng thành của mầm non ngày nào, ngợi ca vạn vật hài hòa trong mối quan hệ cân bằng môi trường sinh thái [thí dụ 5].

Thí dụ 5:

Tác phẩm kết thúc bằng motif nhảy lên quãng 5, âm thanh mỏng manh đơn độc của chủ đề mở đầu giờ đây dõng dạc cất lên trong khoảng âm rộng và âm lượng lớn, như tiếng kèn kêu gọi thức tỉnh trước bình minh. Dòng âm thanh đang dâng lên cao trào bỗng bị chặn đứng bởi một dấu lặng đột ngột xuất hiện trước nhịp cuối, và khoảnh khắc yên lặng ngắn ngủi (chỉ nửa nhịp!) đã tăng thêm sự tương phản cho âm lượng mạnh mẽ của toàn bộ dàn nhạc trong hợp âm cuối. “Dấu chấm hết” này xét về mặt hòa thanh còn tạo thêm một bất ngờ nhờ màu âm độc đáo - độc đáo và không đoán trước được bởi nó hoàn toàn thoát khỏi nguyên tắc kết nối quen thuộc của vòng hòa thanh cổ điển phương Tây [thí dụ 6].

Thí dụ 6:

Không nặng nề tính học thuật với các nguyên tắc phức điệu nghiêm khắc và hòa thanh bài bản, Mầm sống hướng tới ngôn ngữ biểu hiện giản dị, tự do, đa sắc. Điều này thấy rõ chẳng những ở kết cấu không quá lệ thuộc vào cách phân đoạn rành mạch và các thủ pháp phát triển chủ đề theo cấu trúc truyền thống cổ điển, mà còn ở cách kết nối bè chủ yếu theo nguyên tắc chiều ngang rất ưu ái các quãng đặc trưng của ngũ cung, ở hòa thanh màu sắc với các chồng âm linh hoạt trên các quãng 2, 4 và 5.

Góp phần tạo nên hình tượng âm nhạc và tính kịch cho tác phẩm còn có vai trò của âm lượng và âm sắc nhạc cụ. Giai điệu thẳm sâu của Đất trong chủ đề mở đầu được giao cho các bè basse, còn hình tượng Cây ở các chủ đề 1 và 2 đều bắt đầu ở kèn gỗ (chủ đề 1 - basson, chủ đề 2 - flute): tính mộc! Cũng cần kể đến vai trò bộ gõ với tiết tấu chủ yếu dựa trên chất liệu dân gian của đồng bằng Bắc bộ đã đem lại nhịp điệu sống động cho một đời cây từ khi nảy mầm cho đến lúc vươn lên trời cao.

Vẫn có một niềm tin, rằng: mầm tốt gieo đất xấu khó sống, mầm yếu nhưng được bao bọc trong môi trường tốt vẫn sống được. Con người cũng thế, như cỏ cây, nếu được nuôi nấng và lớn lên trong môi trường tốt ắt đơm hoa kết trái.

Có được môi trường an lành thì ta mới có thể sống an nhiên. Song, làm sao để có được môi trường như thế cho những mầm non của chúng ta?

Một “câu hỏi treo”!

Thôi thì hãy cứ cùng nhạc sĩ Vũ Duy Cương gieo mầm sống, mầm tin, mầm yêu cho chính mình, cho những người làm nhạc và yêu nhạc.

26-09-2018

Video Đêm công diễn Giao hưởng thơ "Mầm sống" của nhạc sĩ Vũ Duy Cương:

Nghe tác phẩm khí nhạc Giao hưởng thơ "Mầm sống" tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/khi-nhac/mam-song

Nhạc sĩ Vũ Duy Cương sinh ngày 4 tháng 8 năm 1953 tại Hà Nội.

Nhạc sĩ từng học Đại học Sư phạm II khoa Lý (1969-1971), đã nhập ngũ và là diễn viên Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1971-1986), học Đại học sáng tác hệ chính quy Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1986-1990), công tác tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn (1991-2008), là Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2008-2015), Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII và khóa IX.

Tác phẩm tiêu biểu: các giao hưởng thơ: Chân trời bến đợi, Sinh sôi, Mầm sống; nhạc thính phòng: 7 biến tấu cho piano, Sonate cho piano, violon, violoncelle; nhạc cụ dân tộc: độc tấu nguyệt và dàn nhạc dân tộc Làng chài, hòa tấu dàn nhạc dân tộc Cầu phúc; các hợp xướng: Tiếng hát non xa, Lên non, Hương đời lời ru; các ca khúc: Bài ca non sông, Phố phường Hà Nội, Trăng xuân, Trai rừng, Chợ phiên, Mai em lại về, Tình khúc mùa xuân, Cái cò đi đón cơn mưa, Đêm đừng vội đi

Giải thưởng: nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của các Hội diễn và Liên hoan chuyên nghiệp.

Thơ giao hưởng Mầm sống do Hội Nhạc sĩ Việt Nam hỗ trợ kinh phí, hoàn thành 2017-2018, được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam công diễn vào 7-7-2018 dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Michael Cousteau (Pháp) tại Phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tác phẩm dự kiến được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trình tấu dưới cây đũa chỉ huy của nữ nhạc trưởng Nathalie Marin (Pháp) tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 15-12-2018.

Nhạc sĩ Vũ Duy Cương và nhạc trưởng M.Cousteau (2018)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.