You are here

Ký ức về cây Đại phong cầm đặc biệt của Nhà thờ Đức Bà Paris

Tác giả: 
Hà Lan

Một nghệ sĩ vĩ đại từng chết bên Đại phong cầm trong khi chơi nó, ông gục xuống phím nhạc và một âm thanh vang lên trong giáo đường.

"Cây Đại phong cầm trong Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn hiên ngang ở đó sau vụ hỏa hoạn, nhân chứng sống đó đã thức tỉnh tâm hồn nghệ sĩ của những người chơi dương cầm như tôi".

Đó là những ngôn từ đầy xót xa của Craig R. Whitney, cựu trưởng văn phòng Paris của tờ New York Times, sau vụ hỏa hoạn. Ông Whitney, một người chơi đại phong cầm nghiệp dư, không cầm nổi cảm xúc khi phải trải qua giờ phút ngọn lửa thiêu đốt Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame).

Những người yêu mến thanh âm của cây Đại phong cầm đã vui mừng nghe tin rằng nó nằm trong số những báu vật được an toàn sau vụ cháy. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cây đàn có bị hư hại gì không.

Cây Đại phong cầm tại nhà thờ Đức Bà ở Paris năm ngoái. Ảnh: AFP.

Vì tiếng đàn mà đến Notre Dame 

Nhạc cụ lịch sử này có 7.800 ống, nó đã sống sót qua hai cuộc Thế chiến với vài quả bom rơi vào thánh đường trong Thế chiến 1. Qua Thế chiến 2, nó vẫn sừng sững ở đó, không bị phá hủy.

"Lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng đàn đại phong cầm tuyệt vời vang lên trong phòng trưng bày phía tây Nhà thờ Đức Bà năm 1963, khi còn là sinh viên năm thứ nhất ở Pháp", ông Whitney kể.

Trước đó, Whitney đã được nghe một trong những nghệ sĩ đại phong cầm nổi tiếng nhất của Nhà thờ Đức Bà, ông Pierre Cochereau biểu diễn tại nhà thờ All Saints, thành phố Worcester, bang Massachusetts. Trong suốt 30 năm sự nghiệp với vai trò nghệ sĩ đại phong cầm chính của nhà thờ, chương trình biểu diễn tại All Saints nằm trong chuyến lưu diễn thứ 25 của ông tại Mỹ.

Ông Whitney đã chơi đại phong cầm cầm như một thú tiêu khiển trong suốt cuộc đời mình, và ảnh hưởng của Nhà thờ Đức Bà đã luôn bao phủ "sự nghiệp" của ông.

Giáo viên của ông tại nhà thờ All Saints là Henry Hokans đã học với Cochereau ở Paris. Hokans đã truyền cảm hứng cho Whitney về Nhà thờ Đức Bà, về đại phong cầm và về Cochereau. Sau đó, ông Whitney đã tìm đến Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng để nghe nghệ sĩ Cochereau chơi những hợp âm cuối cùng của bài ca thánh lễ.

Khoảnh khắc đó đã khiến Whitney kinh ngạc, những âm hưởng vẫn rót vào tai ông vang dội ngay cả khi đôi tay của nghệ sĩ đã rời khỏi bàn phím.

Số phận Đại phong cầm của Nhà thờ Đức bà Paris gắn liền với tên tuổi nhiều nghệ sĩ đại phong cầm nổi tiếng hiện chưa rõ ra sao. Ảnh: The Denver Post.

Một cái chết trên Đại phong cầm

Thực tế, nhiều nhạc sĩ vĩ đại đã chơi đại phong cầm ở Nhà thờ Đức Bà trong nhiều năm qua.

Louis Vierne, người trở thành nghệ sĩ của nhà thờ vào năm 1900, đã để lại 6 bản giao hưởng tuyệt vời và các tác phẩm được nhiều người chơi trên toàn thế giới ngày nay.

"Khi Vierne tạo ra những hợp âm, không gian trong khán phòng nhà thờ bị lấp đầy bởi thứ âm thanh khiến mọi người sửng sốt. Thậm chí, ông ấy còn nhấn nhá với những nốt nhạc khiến bản thánh ca trở nên sâu thẳm, đi vào trái tim mọi người", nghệ sĩ William Self từ Mỹ đến Paris học tập đã miêu tả về Vierne khi chơi nhạc.

Điều khiến âm sắc của bản thánh ca ấn tượng trong lòng mọi người là Vierne là một nghệ sĩ bị mù bẩm sinh. Dù thị giác của ông sau này đã phục hồi phần nào sức khỏe lại yếu kém trong phần lớn cuộc đời. Có thời điểm trong Thế chiến 1, Vierne phải nhờ đồng nghiệp Marcel Dupré thay thế ông chơi nhạc trong Nhà thờ Đức Bà.

Năm 1920, Vierne trở lại chơi cho đến năm 1937. Buổi tối định mệnh tháng 6 năm đó, khi Vierne đang trình diễn buổi đọc tấu, một bản nhạc ngẫu hứng được chuyển đến ông, Vierne lập tức biến tấu theo nó nhưng khỉ vài phút sau, ông đã ra đi mãi mãi. Cơn đau tim ập đến cướp Vierne và những bài trình diễn để đời của ông khỏi Đại phong cầm.

Tháng 1/1996, Whitney lại có mặt ở Nhà thờ Đức Bà trong tang lễ của tổng thống François Mitterrand. Mọi người lấp đầy thánh đường. Trong số 60 nhà lãnh đạo thế giới có cựu Chủ tich Cuba Fidel Castro mặc thường phục tới dự. Đại phong cầm vang lên những âm thanh như tiếng sấm rền dưới đôi tay uyển chuyển của Leguay. Bài thánh ca Sortie được người kế vị Tổng thống Mitterrand, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đón nhận.

Biểu diễn trong Nhà thờ Đức Bà Paris là đỉnh cao trong cuộc đời nhiều nghệ sĩ. Ảnh: Reuters.

Edward J. Tipton, một nghệ sĩ đại phong cầm đã sống ở Paris trong nhiều năm, cũng nhớ lại một màn độc tấu mà ông trình diễn tại Nhà thờ Đức Bà năm 2005. Đó là khoảnh khắc ông không bao giờ quên.

"Những gì xảy ra (vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà) đã làm trái tim tôi tan vỡ", ông nói.

Với những nghệ sĩ như ông Tipton, Nhà thờ Đức Bà Paris là một đỉnh cao trong cuộc đời. Với Whitney, một nghệ sĩ đã chơi đại phong cầm ở Paris và nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa bao có cơ hội chơi trong Nhà thờ Đức Bà.

Giây phút này, điều đó trở thành mong mỏi của ông hơn bao giờ hết.

(Nguồn: https://news.zing.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.