You are here

Vũ khúc mừng Tây Nguyên

Tác giả: 
Nguyễn Văn Thương
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

NGUYỄN VĂN THƯƠNG

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919, quê ở Thừa Thiên - Huế. Nguyên là Giám đốc Đoàn Ca Múa Nhạc Việt Nam. Nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Nguyên cố vấn Đoàn Ca Múa Nhạc nhẹ Sài Gòn. Giáo sư cấp II.

Ông là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của Tân nhạc ở nước ta. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh trưởng trong một gia đình yêu nghệ thuật, lên 9 tuổi đã học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách Pháp. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp Trung học tại Quốc học Huế, ông đã viết Trên sông Hương là một trong những tác phẩm Tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1939, khi ra học ở Hà Nội, ông viết Đêm đông nổi tiếng. Năm 1942, khi làm việc ở Trung tâm Bưu điện Sài Gòn, ông viết Bướm hoa. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là một trong những tác giả nổi tiếng thời tiền chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của ông ra đời và gây được ấn tượng mạnh mẽ. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp như thơ múa Chim gâu, kịch múa Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông… Sau Bài ca trên núi viết cho phim Vợ chồng A Phủ, Nguyễn Văn Thương bước vào Kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những ca khúc, hợp xướng gây ấn tượng như: Bài ca Việt - Lào, Dâng Người tiếng hát mùa xuân, Gửi Huế giải phóng, hợp xướng Dân ta đánh giặc anh hùng. Tiến lên toàn thắng ắt về ta…

Ông còn nổi tiếng với những tác phẩm khí nhạc như: Lý hoài nam (độc tấu sáo trúc, cộng tác với Ngọc Phan), Buôn làng vào hội, Quê hương (cộng tác với Hoàng Dương). Sau khi tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức,nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương dường như bừng khởi trong khí nhạc. Ông đưa ra từ những tiểu phẩm nhỏ đến các tác phẩm lớn như: Ngày hội non sông (độc tấu sáo trúc và bộ gõ), Rhapsodie số 2 cho đàn t'rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho violoncelle và piano… đặc biệt là thơ giao hưởng Đồng khởi đã từng trình diễn lần đầu tại Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1971.

Từ sau giải phóng năm 1975, ông vẫn tiếp tục sáng tác: Adagio Bên dòng sông Thương cho violoncelle và piano, ca khúc Thu Hà Nội - mùa thu tuyệt vời… Bên cạnh sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn đóng góp lớn trong sự nghiệp quản lý và đào tạo âm nhạc nước nhà.

Khi là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ông đã có công đưa hệ Trung cấp Âm nhạc cổ truyền lên hệ Đại học. Cũng tại nôi đào tạo âm nhạc này, ông còn viết các tập sách giáo khoa âm nhạc như Tuyển tập piano (Trung cấp), Tuyển tập 16 bài dân ca và dân vũ Việt Nam (soạn cho piano) do Nxb. Peters (Đức) ấn hành năm 1972. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm sân khấu như Mệ Lệnh, Cải Tô và sách dịch Beethoven (Nxb. Thanh niên). Đã có Tuyển tập 10 bài hát với phần đệm piano, Tuyển tập ca khúc Nguyễn Văn Thương và Album Audio tác giả.

Ông được Nhà nước phong tặng nhiều huân, huy chương, nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nghệ sĩ nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Thể hiện: 
Nguyễn Bích Ngọc - Nguyễn Tuấn
Thông tin thêm: 

 

NGUYỄN BÍCH NGỌC (VIOLON)

 

Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học. Ông được xem là người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo violin ở Việt Nam, nhưng bản thân ông lại tiếp xúc với cây đàn này khá trễ. Ông sinh năm 1940 ở tỉnh Bình Định, năm 14 tuổi tập kết ra Bắc theo Đoàn Văn công Liên khu V và là diễn viên múa nhỏ tuổi nhất đoàn. 

Tuy là diễn viên múa nhưng ông có một tình yêu lớn đối với âm nhạc, đặc biệt là cây đàn violin, thuở nhỏ ông đã mua sách để tự học nhạc lý và khám phá thế giới âm nhạc. Người thầy violin đầu tiên của ông chính là nhạc công Ngụy Zoách (người Hoa) cùng đoàn. Mỗi lần dàn nhạc của đoàn nghỉ giải lao giữa buổi tập, ông thường tranh thủ mượn đàn của nhạc công Ngụy Zoách để “tập ké”. Lãnh đạo đoàn thấy ông rất đam mê với violin nên cho phép học thêm cây đàn này, nhưng với điều kiện là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn viên múa của mình. Tình yêu với cây violin lớn dần trong tâm hồn ông chỉ chờ thời cơ là bộc lộ. 

Khoảng năm 1958 có chuyên gia Liên Xô sang dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông may mắn là một trong những người được chọn về học với chuyên gia. Và cũng từ dịp này mà ông đã thể hiện năng khiếu và tố chất đặc biệt về violin của mình. Hai năm sau ông được cử sang học ở Nhạc viện Tchaikovsky. Tốt nghiệp đại học năm 1966, ông về nước giảng dạy, đến cuối năm 1967 ông trở lại Nhạc viện Tchaikovsky để học nghiên cứu sinh. Năm 1970 tốt nghiệp, trở về giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cho đến năm 1990 thì chuyển về giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM cho đến lúc qua đời (1999). 

Ông là người có tâm với sự nghiệp đào tạo, năm 1970 trở về nước, dù nhận được lời mời về làm solist cho Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ kịch (thời đó chế độ lương và bồi dưỡng cho solist rất cao) nhưng ông lại chọn môi trường giảng dạy để làm người “đưa đò” cho những tài năng triển vọng violin. 

Hơn 30 năm làm công tác giảng dạy, ông đã đào tạo nhiều thế hệ violin tài năng với những nghệ sĩ như Bùi Công Thành, Khắc Hoan, Tăng Thành Nam... và những người trở thành trụ cột giảng dạy violin hiện nay như GS-TS-NSƯT Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, nghệ sĩ Châu Sơn, trưởng Khoa Dây Học viện Âm nhạc Quốc gia... 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo, GS Bích Ngọc đã được Nhà nước tặng danh hiệu Giáo sư, Nghệ sĩ ưu tú và Huân chương lao động hạng Nhì. 

 

NGUYỄN TUẤN (PIANO)

 

Ban biên tập Website Hội nhạc sĩ Việt Nam đang tiếp tục cập nhật thông tin nghệ sĩ Piano Nguyễn Tuấn tới quý vị khán thính giả.

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Vũ khúc mừng Tây Nguyên

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
3 + 0 =