You are here

Tam tấu ba chương

Tác giả: 
Nguyễn Xuân Thủy
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

NGUYỄN XUÂN THỦY

 

Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy nguyên quán tại Nghệ Tĩnh. Ông hiện Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

 

SỰ NGHIỆP

 

Năm 1983, khi vừa tròn 13 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhập ngũ, trở thành Thiếu sinh quân và theo học chuyên ngành Violon tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). 7 năm học hệ sơ-trung, nhạc sĩ Xuân Thủy được trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc và là học trò cưng của NGƯT Tạ Đôn. Những năm 1985-1986, Hà Nội “nở rộ” phong trào nhạc nhẹ. Theo xu hướng âm nhạc trong nước thời ấy, thầy Tạ Đôn và thầy Hồng Hải đã thành lập một đội nghệ thuật gồm có đủ “ban bệ” ca – múa – nhạc, trong đó Xuân Thủy đảm nhiệm chơi Guitar Bass. Đội nghệ thuật quy tụ nhiều tài năng nghệ thuật như: đội Nhạc có Trường An, Hồ Hữu Thái, Trường Sơn, Xuân Thủy; đội Ca có Mạnh Cường, Anh Phương, Vũ Hoàng; đội Múa có Hiền Trang, Hồng Hà, Minh Tâm, Khánh Trâm… đã luyện tập và đi biểu diễn tại nhiều đơn vị trong Quân đội, được nhiều chiến sĩ yêu mến. Quá trình tiếp xúc với nhạc nhẹ, nhạc sĩ Xuân Thủy bắt đầu đam mê sáng tác và phối khí. Hành trang người lính mang theo khi về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4 là lượng kiến thức không nhỏ và trái tim âm nhạc đầy nhiệt huyết. Dường như sự nghiệp học hành luôn theo đuổi, để rồi năm 1993, anh lại tiếp tục được Đoàn cử đi học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) dưới sự hướng dẫn của GS, TS, NSND Phạm Minh Khang. Khi còn học tại Nhạc viện Hà Nội, năm 1995, nhạc sĩ Xuân Thủy tham gia cộng tác giảng dạy tại khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) .Năm 2001, anh được Nhà trường nhận về làm giảng viên khoa Âm nhạc. Lớp lớp thế hệ học trò của anh khi ra trường đều trở thành “cây” sáng tác vững, được lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu chuyên môn cao, như Nguyễn Tuấn Khanh (Đoàn Văn công Quân khu 9), Phi Ưng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum), Đoàn Nguyên Hiếu (Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội), Lê Đặng Bảo Anh (Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân) và nhiều nghệ sĩ khác. Trong thời gian này, anh đã được đi nhiều nơi như Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa… để sáng tác, dàn dựng, trải nghiệm và tích lũy vốn sống quý báu, làm giàu tri thức để sau này anh vững vàng hơn trong sự nghiệp sáng tác của mình.

 

SÁNG TÁC

 

Khoác trên mình màu xanh áo lính đã hơn 30 năm, các sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng cũng là một mảng mạnh với nhạc sĩ Xuân Thủy như: ca khúc “Hành trang người lính hát” (Giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật - Báo chí (1999-2004) Bộ Quốc phòng), “Chiến sĩ khỏe” (Giải tư Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2004), “Bước chân người lính” (Giải B Liên hoan đơn ca và ban nhạc do Tổng cục Chính trị tổ chức năm 2000), “Khát vọng bầu trời”, “Lính trẻ trên quê hương Bác”, “Lính nhà giàn”, “Đến với Trường Sa”, “Phố đảo”… Là người đa cảm, trái tim của người nhạc sĩ quân đội luôn rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, cuộc sống và con người. Những ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng đã trở nên thân quen với khán giả như: “Hạ Long thần tiên”, “Cửa Lò biển hẹn”, “Những lời nhân ái”, “Lời con muốn nói”, “Vậy thôi”, “Em-Mùa xuân”… Bên cạnh sáng tác ca khúc, anh còn thành công trong lĩnh vực sáng tác Khí nhạc và Nhạc cho múa. Một số tác phẩm khí nhạc như: Ballad “Chuyện tình Mỵ Châu” viết cho dàn nhạc giao hưởng; Tứ tấu đàn dây; Tam tấu bộ Gỗ; Sonate cho Piano; Hòa tấu dàn nhạc “Mặt đất và bầu trời”; Nhạc cho thơ múa “Nguồn sáng”; Nhạc cho múa “Bà mẹ Vân Kiều”, “Bà Then”, “Con đường huyền thoại”… đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các Hội diễn toàn quốc, toàn quân.

 

TẶNG THƯỞNG

 

Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ XIII năm 2014. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng giành cho một nhà giáo đầy tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ mà còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để nhạc sĩ Xuân Thủy tiếp tục “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Thể hiện: 
Thư Hương - Tuyết Minh - Phan Việt Cường
Thông tin thêm: 

 

THƯ HƯƠNG (FLUTE)

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, từ nhỏ, nghệ sĩ Thư Hương đã được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp với bác ruột là nghệ sĩ violin Bùi Công Thành, anh họ là nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Dù đã theo học piano nhưng Hương lại được gia đình hướng sang học flute (sáo tây), một loại nhạc cụ thường được dùng trong dàn nhạc giao hưởng cổ điển phương Tây, khá kén người học. Thời điểm đó ít người học sáo flute vì flute không phổ thông bằng các loại nhạc cụ khác như piano, violin hay guitar. Tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng đại học loại xuất sắc tại Nhạc viện Hà Nội là thành quả xứng đáng cho những tháng ngày học tập đầy khó khăn và nỗ lực của chị. Sau đó, Hương tiếp tục theo học nâng cao tại Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch trong 4 năm. 

36 tuổi nhưng Thư Hương đã có gần 30 năm gắn bó với cây sáo flute, tình yêu và tất cả tâm huyết Hương dồn cho công việc giảng dạy và biểu diễn với các thành viên của nhóm nhạc Ngũ tấu kèn gỗ Fantasia. Thường xuyên biểu diễn với vai trò một nghệ sỹ độc tấu và chơi hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và dàn nhạc thính phòng Hafnia của Đan Mạch, Thư Hương cũng tham dự nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế và những chương trình hòa nhạc trong nước như sự kiện hòa nhạc đường phố Luala Concert 2013, Giai điệu mùa thu, chương trình Gặp gỡ Đông-Tây…

Là một nghệ sỹ chuyên chơi nhạc cổ điển phương Tây, tiếp xúc với dòng nhạc này từ rất sớm nhưng Hương luôn ý thức gìn giữ và phát huy âm nhạc dân tộc khi thể hiện các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam. Với tiếng sáo nhẹ và cao, biểu đạt đầy sắc thái tình cảm, mềm mại, Hương đã mang đến một màu sắc mới cho những nhạc phẩm Việt Nam như Tiếng sáo quê hương, Bèo dạt mây trôi, Đêm phương Nam, Hương bưởi, Hoa thơm bướm lượn…

Trở về sau 4 năm du học tại Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch, với niềm đam mê âm nhạc và mong muốn đem tiếng sáo đến gần với công chúng, Thư Hương cùng với những người bạn - đồng nghiệp của mình là nghệ sĩ Oboe Phan Việt Cường, nghệ sỹ Clarinet Trần Khánh Quang, nghệ sỹ kèn Cor Kim Xuân Hiếu và nghệ sỹ Bassoon Văn Thanh Hà thành lập nhóm Ngũ tấu Kèn gỗ Fantasia năm 2006. Sự độc đáo của nhóm nhạc là mỗi thành viên chơi một loại kèn khác nhau trong bộ gõ (Flute, Oboe, Clarinet, Bassoon, Cor) nhưng lại tạo nên sự hòa quyện màu sắc âm thanh đa dạng.

 

PHAN VIỆT CƯỜNG (OBOE)

 

Nghệ sĩ Oboe Phan Việt Cường hiện đang là Trưởng bộ môn Kèn gỗ, Khoa Kèn - Gõ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh cùng nghệ sĩ Flute Thư Hương, nghệ sỹ Clarinet Trần Khánh Quang, nghệ sỹ kèn Cor Kim Xuân Hiếu và nghệ sỹ Bassoon Văn Thanh Hà thành lập nhóm Ngũ tấu Kèn gỗ Fantasia năm 2006. Sự độc đáo của nhóm nhạc là mỗi thành viên chơi một loại kèn khác nhau trong bộ gõ (Flute, Oboe, Clarinet, Bassoon, Cor) nhưng lại tạo nên sự hòa quyện màu sắc âm thanh đa dạng.

 

TUYẾT MINH (PIANO)

 

Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Minh là giảng viên lâu năm của khoa piano Học viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam.Bà đã đạo tạo nhiều thế hệ học sinh xuất sắc hiện đã trở thành các giảng viên đang công tác và giảng dạy tại nhiều trường Đại học lớn như : Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội...

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Tam tấu ba chương

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
3 + 14 =