You are here

Quê ta

Tác giả: 
Xuân Khải
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

XUÂN KHẢI

 

Tên khai sinh của ông là Đặng Xuân Khải, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1936, quê ở Thuận Thành, Hà Bắc.Ông tốt nghiệp Đại học Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội. Ông đã mất năm 2008, sinh thời ông cư trú tại Hà Nội.

Từ 1949, ông sinh hoạt âm nhạc trong Đội Võ trang Văn nghệ huyện Thuận Thành. Năm 1954, ông là Đội phó Đội Văn nghệ Thanh niên xung phong thuộc Tổng đội tiền phương Công trình đường sắt Việt Nam. Năm 1959, ông tốt nghiệp Trung cấp khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), là giảng viên của trường cho tới khi nghỉ hưu. Từ năm 1975, ông là Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ dân tộc Nhạc viện Hà Nội. Đã nhiều năm làm công tác giảng dạy, ông đào tạo được nhiều sinh viên trở thành nghệ nhân và là nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật, góp phần giữ gìn phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của đất nước.

Ông có một số tác phẩm cải biên, nâng cao, phát triển dân ca. Trong đó, có nhiều bài được thu đĩa, thu hình và được đưa vào giáo trình giảng dạy, đồng thời là tiết mục biểu diễn trong và ngoài nước, là những tiết mục cho Hội diễn thi âm nhạc chuyên nghiệp của các Trường và các Đoàn Văn công. Ngoài ra, ông còn đi biểu diễn và giới thiệu nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, v.v…

Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo Nhân dân; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001).

Một số tác phẩm khí nhạc tiêu biểu của ông như: Rừng sáng (Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1992); Hồi tưởng (Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1993), Nhớ về hải đảo (Giải Ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1994).

Thể hiện: 
Dàn nhạc dân tộc Việt Nam
Thông tin thêm: 

 

DÀN NHẠC DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam với 80 nghệ sĩ đã biểu diễn chương trình ra mắt vào tối 28-5-2009 tại Nhà hát Lớn Hà Nội dưới sự chỉ huy của NSND. Phạm Ngọc Khôi và NSƯT. Nguyễn Hồng Thái. Việc thành lập Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam đã góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, khuyến khích các tác giả sáng tác tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc. Ngoài các bài bản cổ, trong các chương trình biểu diễn của dàn nhạc còn khai thác sự phong phú, đa dạng, khả năng diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước; giới thiệu và đưa âm nhạc truyền thống và âm nhạc mới Việt Nam đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Hình thức hòa tấu nhạc cụ dân tộc với quy mô lớn ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ trong những năm 60 của thế kỷ trước với những Dàn nhạc của Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội... Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác các tác phẩm hòa tấu cho Dàn nhạc dân tộc như: Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Phước, Tô Vũ, Xuân Khải, Quang Hải, Trần Quý, Nguyễn Văn Thương, Thanh Tâm, Huy Thục, Thế Dân, Hồng Thái, Thao Giang... Với nhiều tác phẩm có giá trị lớn: Nông thôn đổi mới của Tạ Phước và Tô Vũ, Thánh Gióng của Nguyễn Xuân Khoát, Tây Nguyên của Trần Quý, Chung một niềm tin của Xuân Khải, Thanh minh trong tiết tháng Ba của Phúc Linh, Giai điệu quê hương của Hồng Thái...

Thời gian gần đây, những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước là động lực lớn thúc đẩy âm nhạc chuyên nghiệp phát triển, nhu cầu và trình độ thẩm mỹ âm nhạc của công chúng được nâng cao rõ rệt. Ngoài các chương trình biểu diễn âm nhạc phương Tây, công chúng còn đòi hỏi được thưởng thức âm nhạc truyền thống với những hình thức mới mẻ và sáng tạo. Chính vì vậy hình thức biểu diễn hòa tấu của dàn nhạc dân tộc ngày càng được hưởng ứng và đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống.

Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam đã nhiều lần vinh dự được Đảng và Nhà nước chọn để biểu diễn phục vụ trong các hoạt động chính trị đối ngoại quan trọng của đất nước và nhiều chương trình nghệ thuật nhân Tuần Văn hóa Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới như: Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Lào (9/2011), Liên Bang Nga (10/2011), Chương trình kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội (12/2011), biểu diễn chào mừng tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 tại Hà Nội (3/2015), Chương trình Đất nước tình yêu - Đất nước hoà bình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 tại Nhà Quốc hội (9/2015) v.v. Với nhiều chương trình đặc sắc, với nhiều thể loại âm nhạc từ cổ truyền đến hiện đại, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam góp phần quảng bá âm nhạc và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

 

 

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Quê ta

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
15 + 0 =