You are here

Ballad Huyền thoại mẹ

Tác giả: 
Nguyễn Thị Nhung
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

NGUYỄN THỊ NHUNG

 

Bà sinh ngày 16 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội. Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Đã nghỉ hưu. Cư trú tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Trong Kháng chiến chống Pháp, bà tham gia hoạt động trong Đội Văn nghệ học sinh Nguyễn Huệ, Đội Văn nghệ Khu Học xá Trung ương, dự Đại hội Văn công toàn quốc năm 1954 trong Đội Văn nghệ học sinh Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (1968), bà đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Bulgarie (chương trình trên Đại học và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (1969-1972). Bà là giảng viên lâu năm của Nhạc viện Hà Nội, Phó Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội. Cho đến nay, khi đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên âm nhạc. Bà là vợ nhạc sĩ Huy Du.

Một số tác phẩm tiêu biểu như: Tác phẩm khí nhạc: Đau thương và phẫn nộ, Quê mẹ, Vũ khúc (viết cho piano), hai thơ giao hưởng Nữ anh hùng miền Nam và Khát vọng, Tổ khúc giao hưởng Khúc hát sớm mai, Ballade viết cho violon, basson và pianoHuyền thoại Mẹ (Giải Ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996)… Thanh nhạc: Tuyển chọn ca khúcBâng khuâng. Những công trình nghiên cứu lý luận: Nhạc khí gõ và trống đế trong Chèo truyền thống (Nxb.Âm nhạc, 1979), Hình thức âm nhạc (Nxb. Âm nhạc, 1991), Thể loại âm nhạc (Nxb.Âm nhạc và Nhạc viện Hà Nội, 1996) và nhiều tiểu luận, biên khảo, bài báo…

Bà đã được tặng thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ văn hóa, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác

Thể hiện: 
Nhóm Nghệ sĩ
Thông tin thêm: 

 

NGÔ VĂN THÀNH (VIOLON)

 

GS.TS.NSND Ngô Văn Thành sinh ngày 24 tháng 4 năm 1951 tại Hà Nội. Ông thuộc thế hệ những học sinh violon đầu tiên của Thủ đô sau ngày giải phóng, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong cái nôi âm nhạc. Tuy vậy, có thể nói rằng, con đường đến với âm nhạc đã lớn lên cùng với những năm tháng chiến tranh ác liệt của đất nước. 

Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang ra miền Bắc, trường Âm nhạc phải sơ tán về vùng Xuân Phú, Bắc Giang. Suốt 7, 8 năm học tập tại vùng quê này, dưới những căn hầm trú ẩn tránh bom đạn kẻ thù, từng nốt nhạc hàng ngày vẫn được vang lên réo rắt, du dương từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của thầy và trò trường Âm nhạc Việt Nam, trong đó có Ngô Văn Thành. Sự thiếu thốn vật chất, sự gian khổ, nguy hiểm của cuộc chiến tranh không làm vơi đi niềm say mê âm nhạc trong ông. Sự ác liệt của bom rơi đạn lạc trở nên tầm thường trước những tâm hồn đẹp đẽ và đầy khát vọng ấy.

Hạnh phúc đối với ông lúc đó là được biểu diễn. Biểu diễn cho bộ đội, biểu diễn cho bà con nông dân trong lúc lao động, tăng gia sản xuất hay biểu diễn trong đoàn văn công. Không cần phải gượng ép tình yêu âm nhạc cứ thế lớn dần trong ông, nhân đôi sự nỗ lực, nhân đôi khát vọng rằng vào một ngày kia, tiếng vĩ cầm sẽ được vang xa hơn, bay khỏi nơi miền quê sơ tán để đón lấy ánh sáng của cuộc đời, của thời đại.

Những ngày tháng học tập, rèn luyện hăng say và không ngừng cố gắng của Ngô Văn Thành tại Trường Âm nhạc Việt Nam đã tạo được sự yêu mến, tin tưởng của các thầy. Năm 1969, thầy Nguyễn Bích Ngọc từ Liên Xô trở về, cũng là lúc Ngô Văn Thành học lên đại học. Thầy chính là người đã phát hiện ra tiềm năng violon và có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới con đường phát triển của Ngô Văn Thành. 

Năm 1973, sau khi biểu diễn báo cáo chương trình chuẩn bị dự thi, ông và nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh đã được Bộ Văn hóa Việt Nam cử đi thi tại cuộc thi Âm nhạc quốc tế mang tên Tchaicovsky-scow, Liên Xô. Tháng 6 năm 1974 cuộc thi được tổ chức ông đã được Bằng khen của vòng II và được đánh giá đầy triển vọng của Hội đồng giám khảo và đã tuyển thẳng ông vào học năm thứ nhất Nhạc viện Tchaicovsky.

Với sự nỗ lực không ngừng suốt 8 năm liền học tập tại Liên Xô ông đã được đi biểu diễn tại Phần Lan, tham dự các cuộc thi violon quốc tế. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học ông vinh dự được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Năm 1982 ông đã xuất sắc tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn Violon – Đây là học vị cao nhất của ngành biểu diễn tại Nhạc viện Tchaikovsky – Matxcova, Liên Xô. Trở về Việt Nam, ông bắt đầu hành trình cống hiến cho sự nghiệp biểu diễn, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành Violon của đất nước.

May mắn lớn nhất mà GS.TS. NSND Ngô Văn Thành có được khi trở về nước giảng dạy tại khoa đàn Dây – Nhạc viện Hà Nội chính là ông có được những học trò tài năng, có đam mê, gợi mở cho ông nhiều phương pháp giảng dạy và nghiên cứu mới. Đối với ông mỗi một học trò thành công trên con đường âm nhạc, cũng giống như ông hoàn thành xong một đề tài nghiên cứu khoa học. Bởi đó mới chính là kết quả thiết thực nhất, cần có nhất đối với một người nghệ sĩ – giảng viên luôn đặt mơ ước và kỳ vọng đối với học sinh của mình.

Sau hơn 10 năm giảng dạy, năm 1996, một lần nữa ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam với đề tài: “Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Violon ở Việt Nam”. Đây là sự đúc kết quá trình nghiên cứu lịch sử phát triển nghệ thuật Violon ở Việt Nam và đề xuất được những giải pháp nhằm đào tạo các tài năng Violon mang tầm trình độ quốc tế. Bằng khả năng và niềm đam mê với nghề ông đã trở thành một người thầy hạnh phúc và thành công, bởi ngay từ những năm đầu làm việc ông đã có những học sinh đạt giải nhất cuộc thi quốc gia như: Nguyễn Công Thắng – Phó chủ nhiệm khoa Đàn Dây của Học viện Âm nhạc; nghệ sĩ Đỗ Xuân Thắng, nghệ sĩ Trần Quang Duy và nhiều nghệ sĩ xuất sắc như Nguyễn Mỹ Hương, Nguyễn Thu Bình, Lê Hoàng Lan, Phan Tố Trinh, Trần Anh Tú,…Đặc biệt có Đỗ Phương Nhi – hiện tượng tài năng Violon Việt Nam, được biểu diễn trong và ngoài nước khi mới 11 tuổi. Những học trò của ông đã trưởng thành và hiện đang giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam.

Năm 1997, ông xây dựng dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và đảm nhiệm vai trò giám đốc của dàn nhạc. Trong gần 20 năm phát triển, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã đóng góp vào quá trình nâng cao dân trí cho người dân Thủ đô và người dân trong cả nước và đồng thời còn tạo ra được một thế hệ nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, đam mê với âm nhạc và đủ khả năng hội nhập với quốc tế. Đặc biệt ông còn được biết đến như một nhà quản lý luôn quan tâm tới nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Năm 2010 dàn nhạc dân tộc Việt Nam đã được thành lập tại Học viện Âm nhạc quốc gia, làm sống lại những giá trị âm nhạc dân tộc tưởng như bị lãng quên theo thời gian. Đồng thời ông cũng là người đầu tiên dàn dựng và biểu diễn một số tác phẩm của Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng như: “Concert Thăng Long”- Đàm Linh, “Concerto Fantasic” – Phúc Linh, “Tuổi trẻ” – Hoàng Vân, “Sonate số 4 và 5” – Nguyễn Văn Quỳ; đồng thời ông cũng biểu diễn thành công một số tác phẩm Violon kinh điển của Việt Nam như: “Miền Nam quê hương ta ơi”, “Sonate Những cô gái phương Nam”, “Chiều quê hương”,… 

Nhìn lại hành trình cống hiến của GS.TS. NSND Ngô Văn Thành, có thể thấy được sự nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí đáng khâm phục của ông. Từ năm 1974 đến nay, ông thường xuyên độc tấu Violon, hòa tấu Thính phòng, lĩnh tấu, Concertmaster dàn nhạc giao hưởng ở hầu hết các thành phố, địa phương ở Việt Nam và ở một số nước như: Liên Xô và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan, Lào,…Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng cũng như danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng tiêu biểu như: Bằng khen danh dự cuộc thi Violon thế giới Tchaicovsky – Matssxcova (Liên Xô) năm 1974, Bằng khen Bộ Văn hóa Thông tin năm 1993, 1997, 2000, 2006, 2010; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000, Huy chương vì Sự nghiệp Văn hóa thông tin năm 2000, Huy chương vì Sự nghiệp giáo dục năm 2000, Huân chương lao động hạng ba năm 2000, Huân chương lao động hạng hai năm 2011, Huân chương lao động hạng hai của Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2011, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2000, 2011; Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2012.

Những thành quả không phải là nhỏ này, như GS.NSND Bùi Gia Tường nhận xét: “được hun đúc từ một quá trình rèn luyện gian khổ và nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để trở thành một trong những giáo sư đầu ngành hiện nay”. Đồng nghiệp, học trò và bất cứ ai từng làm việc, tiếp xúc với GS.TS.NSND Ngô Văn Thành đều có thể cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết luôn cháy sáng trong trái tim ông. Cùng với cây vĩ cầm – người bạn đường hết mực thủy chung, ông đang tiếp tục đặt những bước chân miệt mài trên con đường phát triển nền âm nhạc nước nhà. Những nốt nhạc sĩ còn vang mãi trong trái tim của người nghệ sĩ đất Hà thành.

 

THU HÀ (PIANO)

 

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hà tên khai sinh là Trần Bạch Thu Hà (ngày 12 tháng 11 năm 1949-) là một nghệ sĩ nhân dân piano và nhà giáo nhân dân Việt Nam, từng là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. 

Bà sinh tại Praha (Tiệp Khắc), nhưng quê nội tại làng Đông Thái, Hà Tĩnh. Bà là con gái đầu lòng của nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng bí thư Trần Phú), là chị cùng mẹ khác cha với nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Hiện nay bà là phu nhân của Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên.

Năm 1951, bà theo bố mẹ về sống tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1969, bà được tuyển chọn đi du học đại học ngành âm nhạc tại Kiev trong 6 năm.

Sau 8 năm về nước làm việc, năm 1984 bà Hà lại được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovski, Moskva.

Tại Việt Nam bà giảng dạy tại khoa Piano, Nhạc viện Hà Nội và đảm nhiệm các chức vụ: trưởng khoa, giám đốc Nhạc viện. 

Hơn 30 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Liên Xô đến nay, Giáo sư Trần Thu Hà đã đóng góp to lớn cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam nói chung và chuyên ngành piano nói riêng trên cả ba lĩnh vực công tác: đào tạo, biểu diễn và quản lý.

Là một giáo sư đầu ngành Piano của Việt Nam bà đã tham gia giảng dạy đào tạo từ sơ cấp đến Tiến sĩ âm nhạc nhiều thế hệ nghệ sĩ tại Nhạc viện Hà nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Hoàng Phương, đoạt giải nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản; Trần Thái Linh (piano) đoạt giải nhất đồng đội tại cuộc thi hòa tấu kèn - piano châu Á tổ chức tại Thái-lan năm 2005; Lưu Hồng Quang đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi piano mang tên Chopin châu Á năm 2006 và giải 3 ở bảng C dành cho thí sinh lứa tuổi 16 đến 19 trong cuộc thi piano quốc tế tại Ý...Bà đã hướng dẫn thành công 2 người bảo vệ thành công Tiến sĩ âm nhạc, hiện nay bà đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh và nhiều học viên cao học.

Bà đã lãnh đạo Nhạc viện Hà Nội không ngừng vươn lên trở thành trung tâm đào tạo nổi tiếng trong khu vực đào tạo từ bậc sơ cấp tới bậc nghiên cứu sinh (tiến sĩ).

Ngoài giảng dạy, đào tạo các tài năng âm nhạc piano, làm công tác quản lý tại Nhạc viện Hà Nội, Giáo sư Trần Thu Hà còn là nghệ sĩ piano của nhóm nhạc cổ điển "Ngũ tấu Hà Nội"- gồm 5 thành viên là các giáo sư, giảng viên Nhạc viện Hà Nội, được xem là một hiện tượng của âm nhạc Việt Nam đương đại. 

Bà được phong nhiều danh hiệu cao quý nhất của do Nhà nước Việt Nam trao tặng như:

Học hàm Phó giáo sư (1990), Giáo sư (2001)

Nghệ sĩ Nhân dân

Nhà giáo Nhân dân

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Huân chương Lao động hạng nhất (2006), hạng Nhì.

Giải thưởng phụ nữ Việt Nam (2003)

và nhiều giải thưởng cao quý về âm nhạc.

Ngoài ra bà còn là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI.

 

PHÚC LINH (FAGOT)

 

Giáo sư, Tiến sĩ Phúc Linh Phúc Linh nguyên là Viện trưởng Viện Âm nhạc, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông là nghệ sĩ độc tấu kèn Basson, nhà sư phạm và là người tham gia tâm huyết trong việc duy trì bảo tồn nền âm nhạc truyền thống. Không chỉ có vậy, ông còn tham gia sáng tác âm nhạc trên nhiều lĩnh vực: Giao hưởng;nhạc thính phòng; (Concerto; Kèn) và sáng tác cho các nhạc cụ dân tộc... Trên tất cả các lĩnh vực ông đều gặt hái được nhiều thành công. Nhạc sỹ là một người được đào tạo rất chính qui tại trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) và sau đó được tiếp tục đào tạo ở Hungary nên các sáng tác của ông luôn gắn liền với nền móng folklore cùng sự trăn trở với nền âm nhạc truyền thống. Bởi vậy, trong các sáng tác của ông ở nhiều lĩnh vực đã mangđược phong cách riêng khá độc đáo. Vì thế ông đã có không ít tác phẩm được giải thưởng trong và ngoài nước, đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt như: Ngũ tấu "Gánh lúa" tham dự trong "Liên hoan âm nhạc Thái Bình Dương" tại Nhật Bản, tam tấu "Improvisation" tham gia "Liên hoan âm nhạc Châu Á". Hai tác phẩm "Đêm đông" và "Hội mùa" đã tham gia diễn đàn nhạc sỹ sáng tác cho nhạc truyền thống Đông Nam Á tại Bangkok-Thái Lan (1997) và nhiều tác phẩm khác...

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Ballad Huyền thoại mẹ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
7 + 3 =