You are here

Khát vọng hòa bình: 'Không người lính nào thích súng đạn!'

Tác giả: 
Vũ Viết Tuân

"Tôi nghĩ người lính nào cũng như tôi, không ai thích súng đạn. Nhưng kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng..."-  nhạc sĩ Trương Quý Hải, tác giả một liên khúc trong đêm diễn Câu chuyện hòa bình sắp tới...


Đứng giữa hàng trăm ngôi mộ của đồng đội tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), cựu binh,
nhạc sĩ Trương Quý Hải vừa hát và không nén nổi nước mắt, ảnh chụp ngày 18-3-2015 trong hành
trình "Tháng 3 biên giới" - Ảnh: Nguyễn Khánh

PV Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Trương Quý Hải. Cuộc trò chuyện tập trung chủ đề về những khát khao hòa bình của những người lính từng chiến đấu chống quân xâm lược ở mặt trận biên giới phía Bắc năm xưa.

* Biên cương đã sạch bóng thù / Đồng đội ơi còn sống về đi / Trở về mái ấm quê hương / Tiện đường ghé thăm nhà tôi...

Đó là những lời tha thiết của anh linh những người lính đã hi sinh nhắn nhủ các đồng đội còn sống trong bài Hát cho người còn sống của ông.

* Ông từng là một người lính - nhạc sĩ tham gia chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc, những ngày tháng đó ông và đồng đội đã nghĩ gì khi cầm súng ra trận?

- Ngày đó anh em đồng đội chúng tôi đều ở tuổi mười tám đôi mươi và cuộc chiến xảy đến, chúng tôi buộc phải ôm cây súng.

Tôi nghĩ người lính nào cũng như tôi, như mọi người, không ai thích súng đạn. Nhưng kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Mỗi người đều bước vào cuộc chiến với những tâm tư, tinh cảm, nguyện vọng riêng. Có thể đến giờ tôi không còn nhớ chính xác tuyệt đối cho lắm.

Nhưng những suy nghĩ của anh em chúng tôi ngày đó cũng rất đơn giản. Anh nào có vợ con rồi thì lo lắng cho vợ con ở nhà. Anh nào nhà neo người thì lo lắng nếu hi sinh thì ai sẽ chăm lo cha mẹ lúc về già...

Nhưng khi bước vào cuộc chiến thì tất cả những suy nghĩ ấy đều gạt sang một bên. Còn với tôi thì mới ở tuổi thanh niên, chưa có người yêu thì chỉ xác định là làm nhiệm vụ cho thật tốt.

Sau này, khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ, anh em đồng đội chúng tôi ngồi lại với nhau thì mới khái quát lên thành những ước muốn hồi đó có vẻ lớn lao là Tổ quốc, gia đình và đồng đội.

Nhưng trên hết là chủ quyền đất nước phải giữ vững. Dù hoàn cảnh mỗi người có khác nhau, chúng tôi đều chung nhau ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước, dứt khoát không để một tấc đất rơi vào tay quân xâm lược.

Điều đó có lẽ không chỉ chảy trong huyết quản thế hệ chúng tôi mà lịch sử hàng nghìn năm trước và nghìn đời sau của đất nước ta đều như vậy.

Thời bình, mỗi khi gặp nhau chúng tôi đều cảm nhận thấy rõ sự yêu đời, lạc quan, dù có những anh em thương bình phải chạy xe ba gác, mỗi ngày kiếm được dăm chục nghìn đồng. 

 

Tôi vẫn luôn nghĩ trong các danh phận cao nhất, cũng không danh phận nào cao quý hơn người lính. Đời xưa, đời nay và nghìn đời sau vẫn vậy.

* Cuộc chiến chống quân xâm lược biên giới phía Bắc đã lùi xa được mấy mươi năm. Đến bây giờ, với những người lính biên giới năm xưa như ông còn điều gì trăn trở với những đồng đội đang nằm lại biên cương Tổ quốc?

- Thời bình, mỗi khi gặp nhau, chúng tôi thường nói nhiều về những câu chuyện còn chưa làm được cho các anh em đã hi sinh, trong đó có nhiều anh em chưa quy tập được hài cốt, vẫn còn đang nằm đâu đó nơi biên cương. Chúng tôi cũng bàn cách giúp đỡ các anh em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng điều trăn trở nhất là những mất mát, hi sinh của những anh em đã ngã xuống cần phải được ghi lại để lịch sử được tiếp nối và xương máu, tinh thần chiến đấu của những người lính được đặt đúng giá trị tôn vinh.

Bởi những anh em đã hi sinh, họ là những anh hùng. Chúng ta cần viết thêm về cuộc chiến biên giới phía Bắc, để xương máu của những anh hùng đã hi sinh không phải là vô ích. Họ chính là những người thắp lửa trong các thế hệ mai sau.

Lịch sử còn viết ít về chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam, mà lịch sử nước ta đặc biệt so với nhiều dân tộc trên thế giới là lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, có nhiều thăng trầm, nhiều khúc bi tráng, nhưng xuyên suốt đến hôm nay và mai sau là tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm.

Thế hệ sau phải được biết cụ thể chứ nếu chỉ nghe loáng thoáng thì khó hình dung ra được. Mà thế hệ lính chúng tôi rồi cũng sẽ qua đi, không thể sống mãi để kể chuyện được.

Ngoài sách giáo khoa, cần có nhiều tài liệu chính xác, chân thực hơn về những cuộc chiến ấy.


Nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải sang) cùng với những người đồng đội sư đoàn 356 hát vang ca khúc 
Về đây đồng đội ơi tại cao điểm 468, Vị Xuyên (Hà Giang), ảnh chụp ngày 12-7-2014 nhân kỷ niệm 30 năm
trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Phải chăng những ước mơ còn dang dở của các đồng đội là động lực để ông viết những lời nhắn nhủ sâu lắng của những người đã khuất với người còn sống, trong bài Hát cho người còn sống?

- Bài Về đây đồng đội ơi là tiếng gọi của những người còn sống với anh em đã hi sinh, tôi viết vào dịp làm lễ 100 ngày đài hương ở cao điểm 468. Bài hát được viết trong khoảng 10 ngày thì hoàn thành.

Nhưng nếu chỉ như vậy thì tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ bởi những anh em đã hi sinh đều có linh hồn cả, chắc chắn các anh em cũng có những tâm tình gửi lại cho người còn sống.

Cộng thêm một lần, có đồng đội nói với tôi một câu rất ý nghĩa: “Anh em mình đang sống phần đời của mình và phần đời của những đồng đội đã hi sinh trao tặng”.

Vậy nên tôi viết bài Hát cho người còn sống để trọn vẹn nghĩa tình đồng đội. Khi tôi càng có tuổi, ký ức về đồng đội, về chiến trận ngày xưa ngày càng hiện rõ hơn.

Nhiều đêm tôi mơ thấy gương mặt của những người bạn xưa. Hồi trai trẻ thì thoảng nhớ, thoảng quên, nhưng bây giờ thì những đồng đội tôi hiện về nhiều hơn.

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.