You are here

Hội thảo khoa học: “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” tại Hà Nội

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc”, nhân kỷ niệm 60 thành lập Hội (1957-2017).

Đến dự có: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Đại tá, NSƯT Nguyễn Công Bảy – Phó Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Công An Nhân dân; đại diện lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Viện Âm nhạc, các cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ có tham luận, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Hà Nội...

 PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị:

“Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có bề dày lịch sử ngót 90 năm kể từ khi xuất hiện ca khúc cùng nhau đi Hồng Binh của nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu năm 1930. Đến năm 1943, Đề cương Văn hóa của Đảng do đồng chí Trường Chinh biên soạn với phương châm “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” đã làm kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc, đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc từ ca khúc, hợp xướng, kịch hát, nhạc không lời, nhạc kịch, giao hưởng, vũ kịch và các thể loại khác, đã được các nhạc sĩ sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt là sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 và thời kỳ đổi mới. 60 năm qua âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thập kỷ trước, dòng chảy chính, dòng chủ lưu của âm nhạc Việt Nam vẫn là bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, ca ngợi tình yêu tuổi trẻ, tình yêu đất nước con người. Sáng tác thế mạnh vẫn là ca khúc, bên cạnh những  nhạc sĩ lão thành thời kỳ chống Pháp, đã hình thành một lớp nhạc sĩ trong thời kỳ chống Mỹ, và trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 một lớp nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện, khẳng định tiếng nói của mình trong xã hội. Tiếp nối các thế hệ đàn anh, lực lượng sáng tác trẻ đã đóng góp từ ca khúc, đến nhạc phim, nhạc sân khấu, nhạc không lời, âm nhạc dân tộc… chiếm được cảm tình và sự tin cậy của công chúng.

Nhìn lại 60 năm chặng đường âm nhạc cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy một nền âm nhạc đi lên, trưởng thành từ kháng chiến và đã chính thức ra đời vào tháng 12 năm 1957, cho đến nay âm nhạc Việt Nam là một nền âm nhạc hoàn chỉnh với các dòng chảy chính và với các lĩnh vực Dân gian dân tộc, dòng âm nhạc kinh điển bác học và dòng âm nhạc đại chúng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nhìn nhận, tổng kết lại chặng đường 60 năm tù khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập, tầm quan trọng của công tác lý luận phê bình trong tiến trình chung của Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.

Đã có 15 bản tham luận được trình bày và các ý kiến tham gia thảo luận:

TS. Doãn Nho với “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đề tài xuyên suốt 60 năm qua của giới nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ quân đội”; Nhạc sĩ Cát Vận với “Âm nhạc cách mạng và báo chí”; nhạc sĩ Hoàng Long – Hoàng Lân với “Âm nhạc cho thiếu nhi - Thực trạng, quá khứ và tương lai”; PGS.TS.Vũ Tự Lân với “Những vấn đề về Lý luận phê bình âm nhạc 60 năm qua, tiếp thu nền lý luận thế giới”; NCS âm nhạc Kanoh Haruka (Nhật Bản) với “Mối quan hệ Việt – Nhật 60 nay trong lĩnh vực âm nhạc”; NSND Trần Qúy với “Quá trình hình thành và phát triển nhạc dân tộc Việt Nam đương đại”; nhạc sĩ La Thăng với “Để có những tác phẩm âm nhạc thể loại lớn, những việc cần làm”; PGS Vĩnh Cát với “Giao hưởng Việt Nam - tìm lối ra tới công chúng”; nhạc sĩ Thế Việt (Thanh Hóa) với “Âm nhạc xứ Thanh đồng hành cùng quê hương đất nước”; nhạc sĩ Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh) với “Hà Tĩnh với các nhạc sĩ cả nước”; NSND Bùi Gia Tường với “60 năm – chặng đường sáng tác và biểu diễn tác phẩm Việt Nam cho đoàn Violoncelle (Cello); nhạc sĩ Văn Thu Bích (TP. Đà Nẵng) với “Hội Nhạc sĩ Việt Nam với chặng đường hơn một nửa thế kỷ hoạt động và hơn bốn mươi năm đồng hành cùng Đà Nẵng”; nhạc sĩ Nguyễn Thái Dương (Thái Bình) với “Tham luận hội nghị dưới góc độ của chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Thái Bình”; nhạc sĩ Dương Bích Hà (Thừa Thiên - Huế) với “Khái quát quá trình hình thành và những thành tựu của âm nhạc mới Việt Nam”; nhạc sĩ Nguyễn Đình San với “Bàn về đời sống âm nhạc hôm nay”

Và các bản tham luận có tính khoa học, đóng góp cho Hội thảo như:                   

“Âm nhạc Việt hôm nay - Hành trình cùng di sản” của nhạc sĩ  Nguyễn Thuỵ Kha; “Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với dự án đào tạo tài năng âm nhạc” của TS. Lê Anh Tuấn; “Lá Đỏ - niềm hy vọng mới cho Opera Việt Nam” của nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu;  “Về đời sống âm nhạc các dân tộc ở nước ta ngày nay” của nhạc sĩ Nông Quốc Bình; “Giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi học sinh phổ thông” của PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai; “Âm nhạc khu vực Tây Bắc – Trung du đồng bằng Tây Bắc Bộ gắn với bản sắc văn hoá dân tộc trong giai đoạn mới” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Dũng (Sơn La); “Âm nhạc trên sóng phát thanh’ của nhạc sĩ Trần Nhật Dương; “Công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc trong thời kỳ mới” của PGS.TS. Nguyễn Bình Định; “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” của nhạc sĩ  Xuân Liên (Thanh Hóa); “Nhạc lễ truyền thống trong đời sống tâm linh của xã hội Việt Nam xưa và nay” của nhạc sĩ Văn Hoè (Thanh Hóa); “Chuyện của nhạc và thơ – suy ra làm lời không phải dễ” của nhạc sĩ Dân Huyền; “Âm nhạc mới Việt Nam” của nhạc sĩ  Vũ Nhật Tân; “Nhạc trẻ với công nghệ thông tin và kinh tế thị trường, những cảm xúc với nghề” của nhạc sĩ  Đỗ Bảo; “Thực trạng đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc hiện nay” của Ths. Nguyễn Mai Anh…

Và ý kiến đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, về sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, các cơ quan quản lý về Văn học nghệ thuật đối với các tác phẩm Âm nhạc có chất lượng, các công trình, tác phẩm lớn, nhạc kịch, nhạc giao hưởng... Tình trạng các tác phẩm của các nhạc sĩ viết ra đã không được biểu diễn đưa ra công chúng, và phải có giải pháp để lớp trẻ quan tâm phát huy sáng tác những đề tài lớn hơn.  

Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu nêu một số vấn đề về quảng bá tác phẩm. Qua internet có thể thấy giới trẻ làm báo nhiều khi đưa tin vội vàng, thiếu hiểu biết dễ gây phản tác dụng; công chúng trẻ nhiều khi biểu hiện sự nông cạn trong sở thích, trình độ và thái độ ứng xử. Vì thế Hội càng nên tận dụng internet như một công cụ quảng bá âm nhạc sạch tới giới trẻ.

Kết thúc Hội thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những nhận xét tổng kết:

“Hội thảo đã được nghe 15 bản tham luận và lời dề dẫn của nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu, và các ý kiến trao đổi, đề đạt của PGS. TS Nguyễn Thị Nhung. Trong các bản tham luận các nhạc sĩ đã đề cập được đến những thành tựu của nền âm nhạc Việt Nam trong 60 năm qua, đồng thời cũng nhắc lại lịch sử hào hùng khi  nền âm nhạc cách mạng mới ra đời, những giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Những thành tựu từ ca khúc, hợp xướng, khí nhạc Việt Nam cũng như những thành tựu về lý luận âm nhạc đã được tổng kết nhìn nhận của PSG.TS Vũ Tự Lân. Chúng tôi cùng đồng tình với sự nhìn nhận một cách rất sâu sắc và trách nhiệm, được chia thành mảng rất rõ ràng như ca khúc thì có tham luận của nhạc sĩ Doãn Nho, bản tham luận đầy đủ, có chất lượng cao và khái quát được hết trong lĩnh vực ca khúc. Về “Âm nhạc cách mạng và báo chí” của nhạc sĩ Cát Vận, tiếng nói âm nhạc trên các loại hình phương tiện truyền thông phát thanh, báo nói, báo viết, báo in, internet và vị trí, vai trò đứng đầu trong các phương tiện truyền thông quan trọng bậc nhất của Đảng và Nhà nước là Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài tham luận về thiếu nhi của nhạc sĩ Hoàng Long – Hoàng Lân. Đây là một hồi chuông rung lên về vấn đề chúng ta quá thiếu những bài hát mới cho thiếu nhi, hoặc bài hát hay rất ít, dẫn đến các em nhỏ phải hát những bài của người lớn, không phù hợp với tâm sinh lý trẻ em, là một sự lệch lạc. Đây là một khiếm khuyết không đáng có, và sáng tác các bài hát cho thiếu  nhi hiện nay là rất cần thiết. Về vấn đề khí nhạc dân tộc thì có công trình nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, đẩy đủ, nếu muốn nghiên cứu về lịch sử âm nhạc khí nhạc Việt Nam, về khí nhạc mới thì nên nghiên cứu tham luận của NSND Trần Quí. Một phát hiện mới không chỉ cho riêng nhạc sĩ La Thăng là vấn đề của Giao hưởng Việt Nam và giới thiệu một cách rất sâu về tác phẩm giao hưởng của mình đã sáng tác, đặt ra một vấn đề có những tác phẩm có giá trị nhưng nằm trong kho lâu quá khi mà được phát hiện, chỉnh lý và biểu diễn thì nó vẫn còn nguyên giá trị như tác phẩm “Đất nước anh hùng” của nhạc sĩ La Thăng vừa được dàn nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia trình bày. Song song với vấn đề của nhạc sĩ Vĩnh Cát, nghiêng về vấn đề quản lý, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Nếu như không có cách nhìn tập trung tổng lực vào lĩnh vực khí nhạc thì sẽ dẫn đến tình trạng khí nhạc sẽ yếu đi. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình San Sự nghiệp âm nhạc giao hưởng Việt Nam đứng trước nguy cơ báo động, trầm trọng nhất là vĩnh vực khí nhạc, thực tế càng ngày số lượng học trò về khí nhạc còn ít đi.

Các tham luận của các nhạc sĩ chi hội địa phương: nhạc sĩ Thế Việt (Thanh Hóa), Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh), nhạc sĩ Thái Dương (Thái Bình)… Các nữ nhạc sĩ: Văn Thu Bích (Đà Nẵng), Dương Bích Hà (Huế)… các bản tham luận đầy tính tổng quan mỗi địa phương đều mang tiếng nói riêng của mình, và nhiều bản tham luận nữa chưa được trình bày hôm nay đã đóng góp rất nhiều vấn đề thiết thực cho tình hình đời sống âm nhạc hiện nay.

Đặc biệt là bài tham luận của nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam - Haruka (Nhât Bản), rất quí và rất xúc động, đã gợi lại hình ảnh những đoàn  nhạc sĩ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, thì nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã dẫn đầu đoàn nghệ sĩ sang Nhật Bản lưu diễn và đã ghi nhật ký lại.

Qua buổi Hội thảo, chúng ta đã đề cập được tất cả 4 lĩnh vực chính: Sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn, và đã được nghe hơn nửa số bản tham luận đầy ý nghĩa và những ý kiến trao đổi. Với một cuộc hội thảo khoa học và với môt chủ đề rất rộng là 60 năm Hội Nhạc sĩ nhìn lại một chăng đường, thì đây là một công việc khó, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi nhạc sĩ”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.