You are here

Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức gặp mặt hội viên Xuân Kỷ Hợi 2019

Tác giả: 
Thanh Nhã

Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, ngày 29 tháng 1 năm 2019, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật hội viên khu vực Hà Nội theo truyền thống hàng năm.

Tới dự có: bà Bùi Thục Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan, ban ngành liên quan; các nhạc sĩ lão thành, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của thủ đô...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ: nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội.

Xuân năm nay, để ghi nhận những đóng góp quí báu của các nhạc sĩ lão thành đã đồng hành cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ những ngày đầu thành lập (1957), Ban Chấp hành Hội đã cám ơn và tặng quà cho các nhạc sĩ 80 tuổi, 84 tuổi, 85 tuổi: nhạc sĩ Cao Khắc Thùy, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Trung Kiên, Đỗ Dũng, Nguyễn Chính, Vũ Mão, Lê Xuân Họ, Nguyễn Viết, Văn Hà, Vũ Nhật Thăng, Phạm Minh, Trần Thanh Hải, Phan Phúc, Tô Ngọc Thanh, Bùi Đức Hạnh, Nguyễn Trọng, Dương Viết Á, Vũ Hướng, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Vĩnh Cát, Huy Thục, Đôn Truyền…

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thay mặt Ban Chấp hành Hội, đã đánh giá tổng kết kết quả hoạt động năm 2018 và đề ra phương hướng công tác năm 2019:

Trong năm 2018 đối với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có thể nói là một năm đầy ắp các sự kiện lớn và hoạt động hết công suất, đó là sự nỗ lực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và các nhạc sĩ, nghệ sĩ từ 54 Chi hội trong toàn quốc.

Hội đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, có nhiều đóng góp tích cực đối với đời sống âm nhạc của đất nước; có những chuyển biến mới, cách làm mới như việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn hoặc tổ chức Liên hoan âm nhạc khu vực I, tiến tới hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ giao lưu với nhiều mầu sắc âm nhạc vùng miền, phong phú đa dạng.

Ngay từ những ngày từ đầu tháng Giêng năm 2018, Hội đã tổ chức được lớp tập huấn tại Tây Ninh cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ và liền sau đó có cuộc hành hương ra Côn Đảo viếng thăm hương hồn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, tặng Bảo tàng Côn Đảo một tác phẩm lớn viết về Côn Đảo đó là vở kịch múa đã đạt giải A của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017 “Khoảnh khắc bất tử” do nhóm tác giả đứng đầu là NSND Phạm Anh Phương, âm nhạc Đỗ Hồng Quân.

Bước đột phá việc củng cố, phát triển Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cả về nhân sự, tổ chức, đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn đời sống âm nhạc hiện nay, góp phần tạo môi trường hết sức thuận lợi cho hoạt động của các nhạc sĩ. 

Tổ chức các trại sáng tác Âm nhạc ở Tam Đảo, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế... tập hợp được nhiều tác phẩm phong phú với nhiều thể loại, đặc biệt là lĩnh vực khí nhạc, hợp xướng, với tất cả các chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, mảnh đất con người, ca ngợi truyền thống cách mạng, tình yêu đôi lứa…

Tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 tại Hà Nội gồm 32 đoàn và các Chi hội nhạc sĩ từ Huế trở ra. Liên hoan âm nhạc đã có 42 tác phẩm được lựa chọn để dàn dựng và biểu diễn.

Tổ chức Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018, từ ngày 18 đến 19 tháng 12 tại Hà Nội. Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 61 công trình, tác phẩm xuất sắc, có chất lượng tốt để trao giải thưởng: 02 giải A; 08 giải B; 29 giải C; 19 giải Khuyến khích; 3 tặng thưởng. Đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải khu vực phía Bắc tại Hà Nội vào sáng 22 tháng 1; tổ chức trao giải cho khu vực phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 24 tháng 1/2019.

Tổ chức thành công “Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ III tại Việt Nam năm 2018, từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 2018, tại Thủ đô Hà Nội và Ninh Bình với sự tham gia của hơn 100 nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn quốc tế đến từ trên 40 quốc gia trên thế giới, cùng 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam, Phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh ... biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại Festival Âm nhạc Quốc tế mới Á Âu 2018 đạt hiệu quả rất tốt.

Đón chào một năm mới với những kế hoạch mới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề ra một số công việc trọng tâm năm 2019:

Tổ chức Liên hoan Âm nhạc 13 chi hội Đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau vào tháng 6/2019; Tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II (khu vực phía Nam) gồm các chi hội và các đoàn nhạc sĩ từ Đà Nẵng trở vào tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 (3/9) và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019); Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức 2 Trại sáng tác Âm nhạc tại phía Bắc và phía Nam; phối hợp với các tỉnh, các chi hội địa phương tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn âm nhạc cho các nhạc sĩ các chi hội địa phương phía Bắc...

Về công tác đối ngoại, tiếp tục mở rộng quan hệ trao đổi âm nhạc với các nước trong khu vực và quốc tế, dự kiến một số hoạt động: Phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành lập Đoàn nhạc sĩ đi thực tế tại các tỉnh biên giới phía Nam và nước bạn sáng tác về đề tài “Tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước Việt Nam – Campuchia” (quý I/2019); Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Liên hoan Âm nhạc các tỉnh chung biên giới Việt Trung tại Lạng Sơn (quý II năm 2019); Lãnh đạo Hội thăm và làm việc tại Nhạc viện Thượng Hải, Trung Quốc (tháng 6/2019)...

Chuẩn bị chu đáo các bước theo Chỉ thị của Ban Bí thư về Đại hội các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật vào 2 năm 2019, 2020.

*

Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã có Chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân gian với chủ đề “Hà Thành 36 phố phường” của các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm, với các tiết mục: Ca trù “Cảm Thu”, lời thơ: thi sĩ Nguyễn Khuyến; biểu diễn: ca nương, Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng, nghệ nhân Tạ Văn Hợi (kép đàn), nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đàm (Quan viên cầm Chầu);  “Cô Bé Thượng Ngàn”, biểu diễn: NSƯT Văn Ty, Trần Hùng; tốp ca nữ “Điệu xòe thương nhau”, sáng tác: nhạc sĩ Vương Khon, biểu diễn: Tốp nữ; “Chầu Mười Đồng Mỏ”, biểu diễn Xuân Đậu, Hiếu Nhi và tập thể các nghệ sĩ của Trung tâm...

Xem ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/hop-mat-tat-nien-mau-tuat-chum-anh-1

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.