You are here

Hội nhạc sĩ Việt Nam 60 năm đồng hành cùng dân tộc

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

(Đề dẫn Hội thảo)

60 năm - tròn một hoa giáp. Người 60 tuổi gọi là “kỳ lão” được làm lễ “lục tuần” hay “đáo tuế” (trở lại chu kỳ 60 năm), tức là lễ thọ tạ ơn đất trời.

60 năm tuổi của Hội Nhạc sĩ không chỉ tựa như cuộc đời một con người, mà là cộng lại nhiều cuộc đời của nhiều thế hệ, là sự liên kết và nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của trên 1500 hội viên, trong đó nhiều người đã ra đi mà tác phẩm vẫn để lại cho đời, nhiều người đang tiếp tục sáng tạo góp phần vào sự nghiệp âm nhạc chung của đất nước.

Trước khi thành lập, Hội Nhạc sĩ đã được thai nghén không phải 9 tháng 10 ngày, mà trong suốt 12 năm, tròn một giáp: ngay sau ngày lập nước vào 25/9/1945 đã ra mắt Đoàn Âm nhạc - một đoàn thể nhạc sĩ ở Hà Nội có mục đích gây dựng nền âm nhạc Việt Nam mới, một trong những hạt nhân hình thành nên Hội Văn hóa Cứu quốc (tiền thân của các hội nghệ thuật sau này trong đó có Hội Nhạc sĩ).

60 năm - 9 khóa, mỗi khóa là một chặng đường phát triển theo lịch sử đất nước. Chúng ta điểm qua vài nét mỗi nhiệm kỳ để thấy Hội Nhạc sĩ đã lớn lên như thế nào trong suốt quá trình “đồng hành cùng dân tộc” trải qua mấy thập niên chiến tranh gian khổ, những bộn bề thời hậu chiến và công cuộc đổi mới cuối thế kỷ XX, rồi những cơ hội và thử thách đầu thế kỷ XXI.

 

Khóa 1 (1957-1963) với Chủ tịch Nguyễn Xuân Khoát và Tổng thư ký - Đỗ Nhuận

Ban Chấp hành (BCH) có 11 trên tổng số gần 40 người (11 nhạc sĩ trong BCH đầu tiên nay chỉ còn lại người duy nhất là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý).

Trong Tường thuật hội nghị đầu tiên, nhạc sĩ Phan Thanh Nam đã viết: “Bộ tóc hoa râm lẫn bên mái đâu xanh, giọng nói miền Nam hòa với tiếng miền Bắc, không ai bảo ai mọi người cùng ý nghĩ: đây là một gia đình ấm cúng”.

30/12/57 Bộ Nội vụ đã ký nghị định chính thức thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhập hai hội âm nhạc - Hội Nhạc sĩ sáng tác và Hội Nhạc sĩ biểu diễn và huấn luyện thành một đại gia đình âm nhạc Việt Nam.

 

Khóa 2 (1963-1983) với Tổng thư ký Đỗ Nhuận

BCH đông nhất 37 nhạc sĩ (12 người trong Ban Thường vụ).

Nhiệm kỳ đặc biệt, dài nhất, 20 năm, được gọi là “nhiệm kỳ máu và hoa”.

Trong bối cảnh đấu tranh thống nhất đất nước, đây cũng là lúc phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, như đã tổng kết trong bài Một thời đạn bom, một thời hòa bình (Cát Vận - Tân Huyền): “một bảo tàng âm nhạc cách mạng - một bảo tàng bằng âm thanh sống động, phi vật thể mà hiện hữu vì nó vẫn có mặt thường ngày trong cuộc sống đa chiều hôm nay”. Đây là giai đoạn đúng nghĩa “âm nhạc đồng hành cùng dân tộc”, hào hùng và bi tráng với các phong trào Tiếng hát át tiếng bom ở miền Bắc, Hát cho đồng bào tôi nghe ở miền Nam, với chương trình Khắp nơi ca hát trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam

Về sáng tác: ra đời nhiều “bài ca đi cùng năm tháng”. Trong lĩnh vực nhạc hàn lâm đã để lại những mốc son khởi đầu cho các tác phẩm đầu tiên cho thể loại quy mô - liên khúc giao hưởng, kịch múa và opera.

Về biểu diễn và đào tạo: hình thành đội ngũ chuyên nghiệp. Bắt đầu giành được các giải thưởng quốc tế, đỉnh cao là hiện tượng Đặng Thái Sơn

Sau năm 1975 Hội mở rộng đội ngũ, hình thành các hội âm nhạc và chi hội nhạc sĩ ở các tỉnh thành.

 

Khóa 3 (1983-1989) với Tổng thư ký Huy Du

BCH có 29/243, tỉ lệ 1/8 hội viên. Hội được bổ sung thêm đội ngũ Hội Văn nghệ giải phóng.

Nhiệm kỳ “cải tổ”: thời mở cửa chuyển đổi cơ chế quản lý dẫn đến nhiều thay đổi về tổ chức và hoạt động của Hội. Giai đoạn “xiết chặt hàng ngũ” đoàn kết bảo vệ hỗ trợ nhau, khẳng định “Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp” trong đó nhấn mạnh tính chất xã hội. Nhiều đêm tác giả được tổ chức: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du, Đoàn Chuẩn; đặc biệt có đêm nhạc tác giả trẻ: 60 romances Đặng Hữu Phúc (1986) và nghệ sĩ cao niên: đêm nhạc độc tấu của Thái Thị Liên (1988). Về đối ngoại, lần đầu tiên âm nhạc giao hưởng Việt Nam được giới thiệu trọn vẹn ở nước ngoài: đêm khí nhạc tại Novosibirk 1987.

Đây là nhiệm kỳ của âm nhạc nhập cuộc với những trăn trở, tìm tòi, vấp váp, ngộ nhận. Trước đây đồng nhất một kiểu tư duy nghệ thuật coi âm nhạc chỉ là vũ khí tuyên truyền, hô hào động viên. Đã tới lúc quan niệm âm nhạc thiên về ngợi ca đã trở thành công thức giáo điều không thể chấp nhận được. Âm nhạc còn bày tỏ nỗi cô đơn, cái Tôi và có chức năng phê phán. Chương trình Trần trụi 87 của nhạc sĩ Trần Tiến trở thành hiện tượng trong đời sống âm nhạc.

 

Khóa 4 (1989-1995) với Tổng thư ký Ca Lê Thuần

BCH có 9 người trên tổng số 380 hội viên.

Từ 1990 định kỳ vài 24 Tết là ngày truyền thống họp mặt hội viên tại 51 Trần Hưng Đạo. Từ 1993 bắt đầu có giải thưởng hàng năm.

Đối mặt với cơn sốt âm nhạc hải ngoại, Hội cho in gần 300 băng nhạc tác giả, tổ chức 4 đêm Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam.

 

Khóa 5 (1995-2000) với Tổng thư ký Trọng Bằng

BCH có số người ít nhất 7(tổng số 486 hội viên).

Năm 1997 Hội nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Giai đoạn chuyển giao thế kỷ, vai trò của văn hóa được ghi nhận là nền tảng tinh thần xã hội. Hội chú trọng sáng tác khí nhạc, nhiều tác phẩm khí nhạc thể loại lớn: giao hưởng, tổ khúc giao hưởnng, concerto… Từ 1999 có quỹ tài trợ sáng tác. Hoạt động biểu diễn khí nhạc nở rộ với các chương trình Hòa tấu 95, Tình yêu Tổ quốc, Bầu trời xanh… Mở rộng công tác đối ngoại: 1995 Hội là thành viên Hiệp hội các nhạc sĩ châu Á (ACL)

 

Khóa 6 (2000-2005) với Tổng thư ký Trọng Bằng

BCH có 9 người (tổng số hội viên: 934).

Phát triển Hội: thành lập các tổ chức trực thuộc Hội - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả (2002) và Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc (2005).

Sáng tác - biểu diễn: nhiều đêm tác giả - Vĩnh Cát, Đinh Quang Hợp, Đỗ Dũng, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Đặng Hữu Phúc…

Có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành âm nhạc , trong đó có Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TU mới thành lập.

Cùng Viện Âm nhạc tổ chức hai hội thảo: Ca khúc với công cuộc đổi mới đất nước 2002, Âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay 2003.

Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, khích lệ sáng tác khí nhạc. 2004 Hội mời chuyên gia Nga masterclass tập huấn sáng tác, kết nối với các nhạc sĩ định cư nước ngoài (Nguyễn Thiên Đạo, Lân Tuất).

 

Khóa 7 (2005-2010) với Chủ tịch Đỗ Hồng Quân

BCH có 10 người (tổng số hội viên: 923).

Nhiệm kì chuyển giao thế hệ. Năm 2007 Hội nhận Huân chương Sao Vàng.

Dấu ấn xuất bản là hai cuốn sách Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩNhạc sĩ Việt Nam.

Kỷ niệm Hội Nhạc sĩ tròn 50 tuổi, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết: “Tôi nhớ… nhớ ngày xưa lưu luyến ấy bao nhiêu hình ảnh, tình cảm đẹp đẽ thân thương. Cũng có những tháng năm, Hội đã trải qua những cơn bão bùng sóng gió, con thuyền chòng chành trên biển cả, hàng ngũ xao động, nhưng rồi cũng đến lúc trời yên biển lặng. Và nửa thế kỷ qua, cũng đã đôi ba lần thuyền trưởng đổi thay, hướng dân con thuyền lao vút tới phía trước, đến với những phương trời, rực rỡ, tươi sáng hơn” (Nhớ buổi ban đầu lưu luyến, 2007).

 

Khóa 8 (2010-2015) với Chủ tịch Đỗ Hồng Quân

BCH có 17 người (tổng số hội viên: 1356). Tỉ lệ gần 1/80.

Nhiệm kỳ trẻ hóa, năng động, tinh thần đoàn kết cao. Năm 2014 Hội nhận danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Mở rộng hoạt động: thành lập thêm nhiều chi hội (tổng 46 chi hội); bảo trợ hoạt động của Dàn nhạc giao hưởng Rhapsody, Dàn nhạc thính phòng, CLB Bel canto, CLB đàn bầu…

Sáng tác - biểu diễn: kỷ niệm 1000 Thăng Long (2010) nhiều tác phẩm ra đời, đặc biệt khí nhạc và thanh nhạc quy mô lớn (hợp xướng, thanh xướng kịch); xuất bản tập bài hát chủ đề “biển đảo” Biển đông dậy sóng. Các hoạt động khác: 12 liên hoan khu vực; Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày truyền thống hàng năm; các chương trình ca nhạc: Âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc (2012, kỷ niệm 55 năm Hội Nhạc sĩ), Là người con đất Việt (2014) ủng hộ miền Trung lũ lụt; phục dựng Cô Sao, đưa Cô Sao về “quê hương” Sơn La.

Lý luận: ghi nhận trao thưởng các công trình đồ sộ âm nhạc Việt Nam - tác giả tác phẩm (tái bản 2012), Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI (2010), bộ sách 5 cuốn 1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (2010); các cuộc hội thảo trong liên hoan khuc vực 2-3 cuộc mỗi năm xoáy mạnh vào các chủ đề: Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc hiện nay, Những vấn đề về tính dân tộc và hiện đại trong âm nhạc.

Đối ngoại: Festival âm nhạc mới Á - Âu 2014 - 200 nghệ sĩ của 33 quốc gia. Hội có đại biểu tham gia các sự kiện âm nhạc quốc tế Đức, Nga, TQuốc.

Nhiệm kỳ của thời công nghệ thông tin và mạng xã hội với hoạt động tích cực của website và trang Hội Nhạc sĩ trên Facebook. Dù chưa đủ điều kiện kinh phí và nhân lực, website vẫn cố gánh vai trò báo điện tử, cập nhật thông tin hoạt động Hội, quảng bá tác giả - tác phẩm, kết nối giữa các hội viên, giữa giới nhạc với công chúng, kể cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

 

Khóa 9 (2015-2020) với Chủ tịch Đỗ Hồng Quân

BCH gồm 21 người (tổng số gần 1500 hội viên). Do hoạt động ngày càng mở rộng, nhiệm kỳ này có nhiều phó chủ tịch nhất (4 người) và lần đầu tiên có nữ.

Trong nửa chặng đường đã làm được nhiều việc:

Sự nối tiếp những thế mạnh của nhiệm kỳ 8: sự kết nối giữa các vùng miền qua hoạt động giao lưu và biểu dương lực lượng như liên hoan khu vực (trong đó luôn kèm theo hội thảo), trại sáng tác, chương trình ngày âm nhạc…

Sự kiện quốc gia: tổ chức biểu diễn opera Lá đỏ (5 đợt), các cuộc phát động sáng tác theo chủ đề, Liên hoan nhạc kèn 2017, các chương trình kỷ niệm sự kiện hoặc tôn vinh tác giả (hỗ trợ đêm tác giả Doãn Nho, Hoàng Dương, Huy Du, Thái Thị Liên…). Hoạt động biểu diễn gây dấu ấn trong đời sống xã hội còn có thể kể thêm 10 đêm nhạc Tình yêu Hà Nội của Hội Âm nhạc Hà Nội.

 Sự kiện quốc tế: Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016, cùng lúc với Hội nghị ACL (Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương) tại Hà Nội.

Về xuất bản: ra kỷ yếu ảnh 60 năm âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Thành tựu hoạt động của Hội Nhạc sĩ đã được nhận bằng Huân chương Độc lập hạng I (1987), Huân chương Hồ Chí Minh (1997), Huân chương Sao Vàng (2007), Danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân (2014).

 

Cùng nhìn lại chặng đường đã đi của hơn 8 nhiệm kỳ, đánh giá thực tại để cùng hướng đến tương lai xây dựng ngôi nhà chung vững chãi hơn, ấm cúng hơn, Hội thảo kỷ niệm 60 năm tuổi đời Hội Nhạc sĩ tại hai trung tâm âm nhạc lớn nhất nước HN & TPHCM chú trọng đến các nội dung sau:

1/Quá trình lịch sử: âm nhạc mới Việt Nam với tiến trình từ lúc hình thành và phát triển qua các chặng đường kháng chiến chống ngoại xâm, giai đoạn đổi mới, tự khẳng định mình trước xu thế toàn cầu hóa.

2/Những góc nhìn từ các vùng miền khác nhau, từ các lĩnh vực khác nhau: sáng tác (thanh nhạc - khí nhạc, dàn nhạc dân tộc, âm nhạc thiếu nhi), biểu diễn (nhạc hàn lâm, cổ truyền, giải trí), lý luận - nghiên cứu - phê bình, giáo dục phổ thông - đào tạo chuyên nghiệp; quảng bá âm nhạc: báo chí, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin…

3/Tác giả - tác phẩm: những gương mặt hội viên tiêu biểu. Những tác phẩm tiêu biểu với các thể loại khác nhau: ca khúc phổ thông, ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, giao hưởng - thính phòng, opera.

4/Vai trò và hoạt động của Hội Nhạc sĩ cũng như các hội âm nhạc, các chi hội địa phương trong đời sống xã hội và công tác đối ngoại; những đề xuất cho tương lai.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.