You are here

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 13 tháng 1 năm 2021, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2020 và phương hướng công tác năm 2021.

Tới dự có: Lãnh đạo Cục An ninh - Chính trị - Nội vụ, Bộ Công An; Cục bản quyền - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Phó Giám đốc chi nhánh phía Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương; Hội bảo vệ bản quyền ca sĩ biểu diễn; Hiệp hội sao chép Việt Nam; Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam, cùng các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh - truyền hình; và đông đảo các thế hệ nhạc sĩ là tác giả thành viên của Trung tâm.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực; nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ lão thành Doãn Nho – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Phát biểu tại Hội nghị, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Nhận định tình hình một loạt lĩnh vực trọng điểm như trước đây sẽ khó thu được, VCPMC đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên môi trường internet, tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động. Nhờ đó, hoạt động của VCPMC trong năm 2020 vẫn được duy trì ổn định và ghi nhận những bước phát triển mới”.

Trong năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Trong đó: số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 47,5 tỷ đồng; số tiền thu tại chi nhánh phía Nam là hơn 102,4 tỷ đồng. Số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong năm 2020 là 276 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả.

VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107,4 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2021 (trước Tết Nguyên đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền là 36 tỷ đồng.

Về hoạt động đối ngoại:

Năm 2020, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) trên thế giới, số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019. Các CMOs mới ký trong năm 2020 bao gồm: SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban nha). Mặc dù tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, doanh thu lĩnh vực biểu diễn của các CMOs trên thế giới cũng bị sụt giảm rất nhiều, nhưng nguồn thu từ nước ngoài của VCPMC vẫn tăng trưởng mạnh, đến thời điểm này tăng 82% so với năm ngoái từ 1.984.692.444 đồng lên 3.606.289.785 đồng do tốc độ tăng trường lĩnh vực kỹ thuật số từ các tổ chức nước ngoài.

Năm 2020 nguồn tiền bản quyền tác giả của tác phẩm Việt Nam thu được từ nước ngoài tăng vọt so với những năm trước, trong đó chủ yếu đến từ các nước như COMPASS (Singapore), JASRAC (Nhật Bản), SACEM (Pháp), ASCAP (Mỹ), GEMA (Đức), APRA AMCOS (Úc).

Mối quan hệ hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới không chỉ giúp VCPMC quảng bá và bảo vệ kho tác phẩm Việt Nam được khai thác tại nước ngoài mà còn giúp bảo vệ kho tác phẩm nước ngoài của các chủ sở hữu nước ngoài được khai thác tại Việt Nam.

Hiện tại việc quản lý và cấp phép kho tác phẩm nước ngoài được sử dụng và khai thác tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý quyền của VCPMC.

Các hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2020 bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch COVID phức tạp, tất cả các cuộc họp với các tổ chức CMOs quốc tế và CISAC đều được thực hiện trực tuyến. Cụ thể CISAC đã tổ chức 2 cuộc họp định kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tháng 5 và tháng 11/2020 để các CMOs trong khu vực trao đổi kinh nghiệm cấp phép, lưu trữ và phân phối, chia sẻ kinh nghiệm và các phương pháp thực tiễn tốt nhất, đồng thời cập nhật tình hình phát triển lĩnh vực âm nhạc trên thế giới nói chung và cập nhật về các quy định của CISAC về tư cách thành viên nói riêng.

VCPMC tham gia 2 cuộc họp vào ngày 19 và 29/10/2020 do Ban Kinh doanh Kỹ thuật của CISAC tổ chức để thảo luận và tập huấn cho các CMO về vấn đề liên quan đến thông tin lưu trữ và 3 cuộc họp ngày 21, 22 và 28 tháng 10/2020 do Ban Truyền thông Kỹ thuật CISAC tổ chức. Nội dung chủ yếu của những cuộc họp này là giúp các CMOs nâng cấp hệ thống lưu trữ - phân phối cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả thành viên, phân tích chuyên sâu về các lĩnh vực cấp phép nhạc trong game, cấp phép quyền đồng bộ hóa trên youtube, cấp phép hòa nhạc trực tuyến, cấp phép đa lãnh thổ với các Nhà cung cấp Dịch vụ Kỹ thuật số Đa lãnh thổ như Youtube, Facebook, Tiktok. Kinh nghiệm từ các cuộc họp này đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động trên môi trường kỹ thuật số của VCPMC.

Năm 2020 cũng là năm có diễn biến mới với lĩnh vực ủy quyền. VCPMC đang tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing). Các đối tác quyền liên quan của người biểu diễn và quyền liên quan của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình trong nước và quốc tế cụ thể là Hội bảo vệ Quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI)... hiện đang trong quá trình đàm phán với VCPMC để hợp tác, phối hợp, đại diện cấp phép tại thị trường Việt Nam.

Về hoạt động chăm sóc và phát triển hội viên:

Do tác động của việc giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID, hoạt động âm nhạc trong năm 2020 diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng, vì vậy việc hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số (như các MV/video, audio ca nhạc), cảnh báo và gỡ các link vi phạm theo yêu cầu của tác giả.

Hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích của tác giả trong trường hợp tác giả có nhu cầu chuyển giao tác phẩm/quyền tác giả. Trong năm 2020 nổi lên vấn đề các hợp đồng hợp tác, chuyển quyền, độc quyền... mà tác giả ký kết với đơn vị kinh doanh bàn ghi với những điều khoản hết sức bất lợi về phạm vi khai thác, chuyển giao quyền, điều khoản độc quyền, điều khoản kiểm soát doanh thu, điều khoản về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý.

Tiếp tục ký, tái ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng cập nhật nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng âm nhạc cũng như hoạt động cấp phép và bảo vệ quyền hiện nay, phù hợp với sự thay đổi, phát triển của công nghệ.

Về hoạt động cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc:

Tình hình cấp phép các lĩnh vực:

Do ảnh hưởng của dịch COVID, hàng loạt lĩnh vực hoạt động truyền thống của VCPMC như nhạc sống, nhạc nền bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tập trung nhân lực, kỹ thuật vào các lĩnh vực truyền thông, truyền hình nên hoạt động cấp phép vẫn giữ được đà tăng trưởng.

- Lĩnh vực/loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bàn ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải... tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng...) sụt giảm nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19. Cá biệt, lĩnh vực khách sạn giảm mạnh bởi khách quốc tế không lưu trú, du lịch dẫn đến hệ thống các khách sạn 5 sao mất nguồn thu.

- Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật: Ngoài lý do dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn tê liệt trong nhiều tháng, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn thường xuyên tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

- Lĩnh vực phát thanh, truyền hình: Để khắc phục tình trạng nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình vẫn chưa thống nhất với VCPMC về mức nhuận bút, phương thức tính mức nhuận bút theo bài/lượt sử dụng; VCPMC đã hợp tác với Công ty Aibiz cung cấp công cụ đo đếm tần suất/lượt phát, nhờ đó hầu hết các Đài đã đồng thuận với phương thức VCPMC đề nghị. Mặc dù vậy vẫn còn một số đơn vị Phát thanh - Truyền hình, đặc biệt là các đơn vị truyền hình trả tiền đã viện lý do chưa đạt thỏa thuận về mức nhuận bút để cho đến nay vẫn không hoặc chưa trả tiền nhuận bút, gây thiệt hại rất lớn cho các chủ sở hữu quyền tác giả trong suốt thời gian qua.

- Lĩnh vực fìle - midi karaoke: Một số doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm (do công nghệ thay đổi) nên xảy ra tình trạng hợp đồng bị chậm thanh toán, nợ đọng hoặc phải thanh lý trước thời hạn. Nhiều vụ việc đă phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại Tòa án và thông qua các phiên hòa giải để giải quyết tranh chấp hợp đồng về chậm thanh toán.

- Lĩnh vực trực tuyến: Tăng trưởng mạnh ở hầu hết các hạng mục, có ảnh hưởng quyết định đến việc giữ vững đà tăng trưởng chung của VCPMC trong một năm tưởng chừng rất khó khăn, cụ thể như sau:

+ Website, ứng dụng di động: tăng trưởng mạnh với nguồn thu chính đến từ các ứng dụng quốc tế như: Facebook; Apple; Tiktok; Spotify; MOOV; Star Maker...

+ Nhạc chuông chờ: đã được nhận định bước vào suy thoái và cần bình ổn bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên rà soát và cảnh báo vi phạm quyền tác giả tới các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone để hạn chế mức thâm hụt ở mức thấp nhất; ngoài ra, ngay từ đầu năm 2020 đã lập tức triển khai thu các dịch vụ VAS khác như Myclip, Meclip, Onmobi, Digimusic, ViettelTV... nên vẫn giữ được mức tăng tnrởng.

+ Youtube: tăng trưởng mạnh do có sự đầu tư về nhân sự và công nghệ; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên Youtube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Trung tâm đề ra Kế hoạch hoạt động năm 2021:

- Lập kế hoạch chỉ tiêu năm 2021, cân đối và phân bổ chi tiêu các lĩnh vực cấp phép phù hợp tình hình thực tế và sự thay đổi công nghệ, hình thức sử dụng âm nhạc.

- Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong công tác tập huấn, tuyên truyền, thực thi bảo hộ quyền tác giả.

- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động, từ phương thức đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm trong các môi trường khác nhau đến cung cấp thông tin phân phối cho các tác giả thành viên.

- Áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật, khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ về thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng quyền tác giả.

- Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; đẩy nhanh tiến độ ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng ủy quyền mới, củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên VCPMC.

- Cập nhật, bổ sung biểu mức nhuận bút nhằm phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên thực tế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các tác giả, báo cáo thông qua ý kiến cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam để triển khai, thực hiện.

- Từng bước triển khai sáng kiến cấp phép chung và kế hoạch phối hợp với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

- Cử nhân sự đi dự các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu công việc nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.