You are here

Hội nghị Quốc tế tại TP. Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc): Quản lý nghệ thuật: Hội nhập và phát triển xuyên biên giới

Tác giả: 
Thanh Nhã

Hội nghị Quản lý nghệ thuật Hội nhập và phát triển xuyên biên giới


Các đại biểu


Các nhạc sĩ Chu Minh và Đỗ Hồng Quân và các đòng nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quảng Tây

Từ ngày 10 đến 13 tháng 11 năm 2017, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Quốc tế: “Quản lý nghệ thuật: Hội nhập và phát triển xuyên biên giới” do Trung tâm Trung Quốc-Asean, Uỷ ban Quản lý Nghệ thuật của Viện Nghệ thuật Quốc gia và Đại học Nghệ thuật Quảng Tây tổ chức.

Có hơn 70 lãnh đạo, hơn 160 chuyên gia và các học giả đến từ các nước ASEAN, và các tổ chức quản lý, đào tạo nghệ thuật Trung Quốc, hơn 100 giáo viên, sinh viên của 40 trường đại học ở Trung Quốc, đã tập trung tại diễn đàn này để tham gia vào sự phát triển hợp tác, và phát triển nghệ thuật quốc tế.

Nhận lời mời của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và GS. Nhạc sĩ lão thành Chu Minh đã tham dự sự kiện này.

Nhiều bài tham luận có giá trị và phát biểu đặc biệt của các giáo sư, giảng viên, lãnh đạo, quản lý nghệ thuật, Học viện nghệ thuật, Đại học nghệ thuật… của Trung quốc và các nước Asean tham dự Hội nghị như: GS Tian Chuanyu - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý Nghệ thuật, Hội Khoa học Nghệ thuật Trung Quốc; GS Chen Yingxin, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; GS Xie Renmin, Phó Chủ nhiệm khoa Nghệ thuật Nhân văn, Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; GS Peng Jixiang - Phó Chủ tịch Hiệp hội quản lý Nghệ thuật Trung Quốc; GS Wang Yanxin - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Nam; GS Lan Fan - Học viện Điện ảnh Thượng Hải, Đại học Thượng Hải; GS Ding Fang - Trưởng khoa Nghệ thuật, Đại học Renmin rung Quốc; GS Wang Desheng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thẩm mỹ, Đại học Capital Normal, Bắc Kinh; GS Zhu Danhong - Giảng viên khoa Nghệ thuật Nhân văn, Trường Đại học Quảng Tây; GS Cao Yangyang - Giảng viên Viện Điện ảnh Meishi, Đại học Trùng Khánh; GS Huang Zhaowen - giảng viên khoa Nghệ thuật truyền thống, Học viện Múa Bắc Kinh; GS Sun Yuanshu - Giảng viên khoa Nghệ thuật Nhân văn, Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; GS Sun Jianhua - Phó Giám đốc phòng Giáo dục, Văn hoá và Du lịch, Trung tâm Trung Quốc; GS Narin Sungrugsa -  Chủ nhiệm môn Quản lý Cộng đồng, Khoa Quản trị Khoa học, Đại học Silpakom, Thái Lan; GS Rachakorn Wachirasirodom -  trợ lý nghiên cứu và đào tạo, Khoa Quản trị Khoa học, Đại học Silpakom, Thái Lan; GS Ian Hodiani, Chủ tịch Đại học Nghệ thuật Quốc gia Bandung Indonesia; TS Bemly Yohanes Timmerman - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Bandung, Indonesia; TS Christine Claudia Lukman - Đại học Maranatha Christian, Bandung, Indonesia; GS Een Herdiani - Viện trưởng Viện Nghệ thuật và Văn hoá Quốc gia Bandung, Indonesia; PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Các bài tham luận, phát biểu, tập trung vào các chủ đề “Xây dựng lý thuyết và đổi mới phương pháp luận", "Thừa kế, đổi mới và phát triển: Động lực ngành công nghiệp mới và quản lý di sản nghệ thuật quốc gia”, "Liên kết và Hợp tác: phát triển chuyên môn và đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật”, "Giao lưu và Hợp tác đa văn hoá: Quản lý nghệ thuật dưới hình thức "Một vành đai và một đường", và thảo luận chuyên sâu…

Tại lễ khai mạc, Giáo sư Cai Changzhuo - Bí thư Đảng ủy Học Viện Nghệ thuật Quảng Tây đã phát biểu: “Trường đại học này đã thiết lập quan hệ hợp tác với 46 trường đại học và cao đẳng ở 15 quốc gia và khu vực. Dựa vào "Trung tâm đào tạo nghệ thuật Trung Quốc-ASEAN", "Tuần lễ Âm nhạc Trung Quốc-ASEAN" và "Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Nghệ thuật Trung Quốc-ASEAN"… do nhà trường xây dựng đã trở thành những cầu nối quan trọng cho việc trao đổi văn hoá và nghệ thuật trong khu vực. Đây là một vấn đề quan trọng làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong văn hoá và nghệ thuật, và để đạt được cần hội nhập và đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật. Hy vọng rằng các chuyên gia và học giả tham dự Hội nghị như một cơ hội để có thể đóng góp hiệu quả, làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc đào tạo và quản lý nghệ thuật, hợp tác, trao đổi giữa các nước ASEAN”.

 

* Website Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin giới thiệu toàn văn Bài tham luận do PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trình bày tại Hội nghị:

Tăng cường liên kết và hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật

Sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nền âm nhạc chuyên nghiệp, mở ra các mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các tổ chức âm nhạc quốc tế, các nước trong phe XHCN, và đặc biệt là với Trung Quốc và Liên Xô (cũ).

Mối tình hữu nghị - hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc đã được thể hiện sinh động qua 2 ca khúc bất hủ là bài hát “Việt Nam - Trung Hoa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và “Hoa mộc miên” của nhạc sĩ Huy Du, được sáng tác từ những năm 60 của thế kỷ XX.

I. Thực trạng đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật ở Việt Nam

Quản lý nghệ thuật là một chuyên ngành mới tại Việt Nam, có tác dụng quan trọng trong việc khuyến khích phát triển nghệ thuật đúng hướng và quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật tập trung xây dựng các đội ngũ quản lý nghệ thuật có chất lượng tốt, số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý. Trong đó đã chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các đoàn nghệ thuật, những cán bộ vừa có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm và năng lực sáng tạo vừa có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, luôn tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với đơn vị. Gắn việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật với nhu cầu sử dụng, phù hợp với biên chế. Đổi mới chính sách nhằm thu hút, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cán bộ quản lý nghệ thuật. Vì vậy, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, nghệ sĩ, diễn viên… luôn giữ vững định hướng trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng, góp phần xây dựng, “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chủ động tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tích cực nghiên cứu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu nghệ thuật với nước ngoài và tiếp thu có chọn lọc tinh hóa văn hóa nhân loại, đã đạt được những tiến bộ nhất định về trình độ, năng lực biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; tích cực xây dựng các tác phẩm nghệ thuật lớn đóng góp vào kho tàng văn học, nghệ thuật dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập:

Về cán bộ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, do chưa có lớp đào tạo quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp nên hầu hết quy trình đào tạo hiện nay đều thông qua kinh nghiệm của cá nhân khi được giao trách nhiệm giám đốc nhà hát hoặc đoàn trưởng và kèm theo một tước hiệu chỉ đạo nghệ thuật.

Để đảm bảo phát triển đúng hướng của một đơn vị nghệ thuật thì yêu cầu về cán bộ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật cũng đòi hỏi có tính đặc thù riêng. Công việc này buộc cán bộ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật ngoài trình độ tổng hợp cao về văn hoá nghệ thuật, cần phải có trình độ quản lý nhân sự, bao gồm: bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn văn hoá cơ bản, am hiểu sâu sắc ngành nghệ thuật mình quản lý, có kiến thức tổng hợp về các ngành nghệ thuật khác và những lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là sự hiểu biết cặn kẽ về năng lực của từng cán bộ, diễn viên để có thể chỉ dẫn, dìu dắt và đánh giá thật đúng năng lực của họ. Vì vậy, đào tạo bồi dưỡng năng lực quản lý để lãnh đạo nghệ thuật là nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay.

Với sự phát triển của xã hội ngày nay, nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của công chúng sẽ ngày một cao. Việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật là hết sức cần thiết. Khi cơ chế thị trường đã tác động vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì ngoài việc thúc đẩy nhiều tiềm năng văn hoá văn nghệ, công tác quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng đứng trước nhiều thử thách khó khăn. Trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay còn tồn tại những mặt tiêu cực ảnh hưởng tới đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân đòi hỏi các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng về quản lý hoạt động biểu diễn phải có hành động tích cực hơn nữa để lập lại trật tự kỷ cương, đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân.

Trong tương lai sẽ có nhiều đơn vị nghệ thuật, các Đoàn nghệ thuật tư nhân, nhiều ban nhóm nghệ sĩ biểu diễn độc lập ra đời, và các nghệ sĩ ngoại quốc sẽ đến Việt Nam biểu diễn. Công việc quản lý nghệ thuật biểu diễn sẽ vô cùng nặng nề và phức tạp. Trước xu hướng thương mại hoá, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ. Trước thực trạng đó, vấn đề quản lý nghệ thuật càng thêm tầm quan trọng hơn bao giờ hết.

II. Liên kết và Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo quản lý nghệ thuật giữa Việt Nam và Trung Quốc:

Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng quan trọng và đối tác hợp tác của nhau, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lại cùng đang tiến hành cải cách mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế. Những năm gần đây, hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu nhằm củng cố tình hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác giao lưu giữa nhân dân, không ngừng đạt được những thành quả to lớn trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ Việt - Trung. Để có kết quả này, phần nào dựa trên cơ sở thúc đẩy hợp tác trao đổi: Liên kết và Hợp tác về phát triển chuyên môn và đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật.

Sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong việc đào tạo các thế hệ cán bộ quản lý nghệ thuật, văn nghệ sĩ của Việt Nam đã được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo các nhạc sĩ sáng tác, các nhà lý luận phê bình âm nhạc, nhạc công... tiêu biểu như: Hoàng Vân, Trần Ngọc Sương, Phạm Đình Sáu, Ngô Sĩ Hiển, Hoàng Đạm, Nguyễn Đình Tích, Huy Du, Chu Minh... Trung Quốc đã cử các chuyên gia âm nhạc sang Việt Nam giảng dậy như nhạc sĩ Thẩm Lệ Hồng, cung cấp sách giáo khoa về hòa thanh, phức điệu, phối khí; Nhà xuất bản Bắc Kinh đã in tuyển tập ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam, bản Tứ tấu “Tây Nguyên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Gần đây có những hợp tác về đào tạo giữa các đơn vị quản lý, đào tạo nghệ thuật của Việt Nam với Trung Quốc như: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội của Việt Nam đã hợp tác đào tạo với Học viện Nghệ thuật Quảng Tây - Trung Quốc. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã cử 20 cán bộ, giảng viên Nhà trường sang tham dự lớp tập huấn các chuyên ngành nghệ thuật như Nhạc cụ dân tộc, biên đạo múa, huấn luyện múa, Âm thanh - Ánh sáng…

Qua hiệp thương hữu nghị, nhằm đẩy mạnh sự giao lưu hợp tác giữa hai nước, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội và Học viện Nghệ thuật Quảng Tây đã quyết định thiết lập quan hệ kết nghĩa. Từ đó, hai Nhà trường sẽ cử đoàn cán bộ và giáo viên sang thăm lẫn nhau, hợp tác cùng triển khai các dự án tập huấn, cùng trao đổi kinh nghiệm giáo dục giảng dạy và quản lý nhà trường.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã giúp đào tạo các nghệ sĩ tại Nhạc viện Bắc Kinh, Thượng Hải... các chuyên ngành: Chỉ huy dàn nhạc, Piano, nhạc cụ dân tộc... như Tiến sĩ Hoa Đăng, Cổ Huy Hùng, Thu Thủy, Đồng Quang Vinh, Trần Lưu Hoàng...

III. Thực trạng việc đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một số giải pháp.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới, sự nghiệp đào tạo cán bộ quản lý nghệ thuật của Việt Nam đã và đang đạt được những thành tích đáng khích lệ, trong đó có lĩnh vực đào tạo quản lý nghệ thuật âm nhạc. Bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém, có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở đào tạo quản lý nghệ thuật từ trung cấp đến cao đẳng, đại học hiện nay cần phải nhanh chóng tập trung trí lực, tài lực và vật lực sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục được tình trạng khó khăn; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội, cho lĩnh vực đào tạo quản lý nghệ thuật, tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước cộng đồng kinh tế khối ASEAN.

 Những thuận lợi

- Việc hội nhập khu vực và quốc tế đã rút ngắn khoảng cách địa lý về giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các dân tộc, quốc gia.

- Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đây là những điều kiện mới để các giá trị văn hóa nghệ thuật của cộng đồng thuộc các nhóm dân tộc trong nước và của các nước trên thế giới được phổ biến nhanh hơn, đầy đủ hơn, rộng khắp và thường xuyên hơn, tạo ra một nhịp độ mới trong giao lưu văn hóa nghệ thuật mà hầu như không chịu bất cứ hạn chế nào về không gian và thời gian.

 - Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cơ hội để chuyển giao vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức và phát triển các ngành công nghiệp quản lý nghệ thuật và dịch vụ văn hóa nghệ thuật (công nghệ truyền thông, công nghệ sản xuất phim, băng hình, dịch vụ vui chơi giải trí).

- Quá trình hội nhập còn tạo ra cơ hội để mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo quản lý nghệ thuật góp phần nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

  - Phía Việt Nam mong muốn tiếp tục có sự hợp tác với các trường nghệ thuật Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý đào tạo Nghệ thuật, đặc biệt là quản lý biểu diễn âm nhạc và quản lý bản quyền tác giả âm nhạc.

Trong quá trình phát triển công tác quản lý nghệ thuật, chúng tôi gặp phải một số những thách thức, khó khăn như sau:

- Trước hết là sự tụt hậu về văn hóa, nghệ thuật so với tốc độ phát triển của kinh tế và so với các nước trong khu vực và quốc tế.

- Xuất hiện khuynh hướng hưởng thụ văn hóa nghệ thuật theo hướng đề cao văn hóa nước ngoài mà xa rời văn hóa dân tộc.

- Xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật đang diễn ra một cách xô bồ, thiếu chọn lọc, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Sự du nhập tràn lan các sản phẩm văn hóa độc hại của nước ngoài có thể làm cho văn hóa nghệ thuật nước nhà suy yếu và chậm phát triển. Sự thiếu vắng học sinh sinh viên trong các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống là mối quan tâm lớn hiện nay.

Một số giải pháp

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo quản lý Nghệ thuật trong xu thế hội nhập và phát triển, cần có những giải pháp sau đây:

- Cần xác định rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo quản lý Nghệ thuật là đào tạo đạt chuẩn và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

- Đẩy mạnh việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo đáp ứng những đòi hỏi của xã hội qua từng thời kỳ.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sư phạm, quản lý Nghệ thuật đặc thù, trong đó cần gắn chặt nghiên cứu khoa học với đào tạo, với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo.

- Đổi mới thực sự công tác tổ chức cán bộ nhằm mục tiêu tuyển chọn được những người giỏi, với cơ cấu hợp lý, sử dụng phát huy được tài năng của họ theo một quy trình tuyển chọn khách quan, khoa học, tăng cưởng mở rộng quan hệ, hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường, các đơn vị quản lý Nghệ thuật có thế mạnh trong nước và quốc tế.

- Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN về giáo dục và đào tạo quản lý Nghệ thuật.

Xin trân trọng cám ơn sự lắng nghe của Quý vị.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.