You are here

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ 7 

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ngày 18 tháng 7 năm 2018, tại TP. Đà Nẵng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khóa IX kỳ họp thứ 7, nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2018.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì Hội nghị, cùng các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội.

Khai mạc Hội nghị, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có những ý kiến phát biểu chỉ đạo: “Ban Chấp hành chúng ta đã đi được nửa đầu nhiệm kỳ IX (2015-2020), trên cơ sở công việc mà chúng ta làm được trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban Chấp hành phác thảo ra một chương trình làm việc với các đề mục, mỗi Ủy viên Ban Chấp hành sẽ cho ý kiến đóng góp. Đây là dịp chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của tất cả các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, những công việc đã làm được và chưa làm được, từng bước chuẩn bị cho nửa sau của nhiệm kỳ phải làm sao cho thật tốt và hiệu quả hơn”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng có ý kiến phát biểu: “Trong 6 tháng vừa qua, từng thành viên trong Ban Chấp hành chúng ta đã nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được phân công của mình, đặc biệt chúng ta quan tâm đến các khu vực, vùng miền và cơ cấu Ban Chấp hành cũng thể hiện rõ điều đó. Với những thành tựu hết sức có ý nghĩa của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa qua chúng ta tự hào dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch Đỗ Hồng Quân, có thể nói đã tạo ra những bước chuyển biến hết sức có ý nghĩa và hôm nay chúng ta sẽ kiểm lại những thành tựu, đồng thời cũng chỉ ra những việc thiếu sót cần phải bổ sung để hoàn thành kế hoạch công tác trong năm 2018”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội, trình bày Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 và Phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Ban Chấp hành. Hội nghị đã nghe các báo cáo và ý kiến tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các khu vực vùng miền về tình hình hoạt động động âm nhạc, chi hội âm nhạc địa phương; Báo cáo của các đơn vị trực thuộc như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, Website Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Hội nghị đã đánh giá cao các hoạt động tích cực của Hội trong nửa đầu năm 2018, có nhiều hoạt động hấp dẫn, có những chuyển biến mới, cách làm mới, đã mạnh dạn thực hiện được nhiều công việc có kết quả tốt như:

Tổ chức tốt các trại sáng tác do Trung tâm hỗ trợ Sáng tác, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ: Trại Sáng tác Âm nhạc Tam Đảo tại Vĩnh Phúc vào tháng 4, tham dự có 12 nhạc sĩ từ các tỉnh khu vực Bắc miền Trung và miền núi phía Bắc; Trại Sáng tác âm nhạc Đà Nẵng với chuyên đề “Âm nhạc hòa tấu, khí nhạc và hợp xướng” được tổ chức từ ngày 16 đến 30/7, tham dự có 15 nhạc sĩ thuộc 6 tỉnh, thành: Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

Cử các nhóm nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác “Ca khúc tổ khúc dân ca Nghệ tĩnh” tại Hà Tĩnh, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức, phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Hà Tĩnh, Đài Truyền Hình Hà Tĩnh làm một số chương trình nghệ thuật tri ân các nhạc sĩ, liệt sĩ; sáng tác về đề tài Biên phòng tại các vùng núi, ven biển miền Bắc, Trung, Nam và Tây nguyên; các đợt sáng tác chuyên đề cho các tỉnh Quảng Ninh, Đăk Nông…

Tổ chức 2 Lớp tập huấn chuyên môn Âm nhạc cho các nhạc sĩ thuộc khu vực Đông Nam bộ tại Tây Ninh và khu vực Duyên Hải - Nam Trung Bộ tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, gồm 16 tỉnh với 80 nhạc sĩ tham dự, đạt hiệu quả thiết thực đối với các đối tượng tập huấn. Tổ chức và tham gia các cuộc thi âm nhạc, các cuộc vận động sáng: Tham gia Hội đồng (sơ khảo và chung khảo) cùng Ban Tuyên giáo Trung ương xét giải thưởng quảng bá tác phẩm học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài “Biển xanh quê hương”; Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về TP. Đà Nẵng lần thứ 3; Phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, tổ chức xét Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh; Tham gia: Ban giám khảo Liên hoan Nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ X khu vực II-2018, trao Bằng khen kèm tiền thưởng cho 3 tiết mục xuất sắc; Cuộc thi sáng tác ca khúc về VietinBank 2018, và Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VietinBank 2018. Tham gia Ban Chỉ đạo, Ban giám khảo, Ban Tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018 (đợt 1) tại Cao Bằng, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, trao Bằng khen kèm tiền thưởng cho 7 tập thể, cá nhân có những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trong Liên hoan. Tham gia các hoạt động biểu diễn: một số chương trình với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ; Tổ chức chương trình biểu diễn phục vụ Bộ đội Biên phòng và nhân dân vùng cao tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Bảo trợ cho đêm nhạc “Khát vọng” được tổ chức tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu một số tác phẩm âm nhạc mới do các nhạc sĩ nghệ sĩ trẻ biểu diễn để quyên góp ủng hộ trẻ em gặp khó khăn.

Về công tác lý luận phê bình: với sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ sáng tạo của Hội, cuốn sách "Nhà Phê bình âm nhạc, anh ở đâu?" (442 trang) của nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu đã ra mắt (5-2018) góp một tiếng nói chính thống cho diễn đàn lý luận phê bình âm nhạc vốn đang rất thiếu và yếu. Sách chuyên khảo “Nhạc lễ dân gian Người Việt ở Nam Bộ” của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (NXB Mỹ Thuật 2017) đạt giải Nhất Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam và Giải thưởng của Uỷ ban Toàn Quốc Liên hiệp các Hội Văn  học Nghệ thuật Việt Nam.

Cũng với sự đầu tư của Quỹ hỗ trợ sáng tạo, giao hưởng thơ “Mầm sống”của nhạc sĩ Vũ Duy Cương đã hoàn thành và được công diễn tại Phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bởi Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và nhạc trưởng Pháp Michael Cousteau (7-2018).

Tạp chí Âm nhạc ra 3 tháng 1 số, chất lượng được nâng cao, chuyên sâu về âm nhạc chuyên nghiệp.

Website Hoinhacsi.vn là ngôi nhà chung của các nhạc sĩ và công chúng yêu nhạc trên cả nước. Những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đã được quảng bá bằng nhiều hình thức: tọa đàm, phần âm thanh Audio, bản nhạc, video, hình ảnh cùng những bài nghiên cứu phê bình, giới thiệu chân dung tác giả và phân tích tác phẩm, quảng bá hoạt động Hội… Với chức năng như một kênh truyền thông “đa phương tiện”, đây còn là nhịp cầu nối gần gũi giữa các nhạc sĩ với Hội.

Về công tác đối ngoại: PGS.TS, NS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tham dự Festival Âm nhạc Trung Quốc - Asean lần thứ 7 tại Nam Ninh, Quảng Tây - Trung Quốc từ 25/5 đến 31/5. Các tác phẩm “Trổ 1”, Rhapsody “Việt Nam”, “Trống cơm” được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn vào đêm 29 và 30/5 tại Trung tâm Nghệ thuật Quảng Tây; và tham dự Hội thảo khoa học quốc tế với tham luận “Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo - quảng bá các tác phẩm âm nhạc trên cơ sở truyền thống hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc”. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên CISAC khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore vào tháng 5.

Về công tác hội viên: đã trao tặng bằng chứng nhận và quà đến các nhạc sĩ lão thành, tuổi cao sức yếu có tuổi Hội tròn 60 năm nhân kỷ niệm 60 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thành lập thêm Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đắc Nông, nâng tổng số Chi hội lên 53 Chi hội trong cả nước. Chuẩn bị thủ tục để thành lập các Chi hội như: Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên… 62 nhạc sĩ hội viên thuộc diện được hỗ trợ nhân sĩ khó khăn trong đời sống đã nhận hỗ trợ đợt 2 năm 2017, theo Quyết định số 1160-QĐ/BTCTW 8/2/2017 của Ban Tổ chức Trung ương. Làm hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho một số trường hợp nghệ sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tham gia thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9 năm 2018. Ghi nhận những công lao đóng góp của các cố nhạc sĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, với Thủ đô Hà Nội.

Ban Thường vụ Hội đã gửi công văn đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên đường Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trần Hoàn tại Hà Nội. Công việc đang được xem xét. Hiện nay Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được TP. Hà Nội đặt tên cho 01 tuyến đường tại quận Bắc Từ Liêm.

Hội nghị đã thống nhất các nội dung và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác của Hội 6 tháng cuối năm 2018:

Triển khai kế hoạch tổ chức thành công “Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ III tại Việt Nam năm 2018, từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 2018, tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Ninh Bình. Mở rộng quan hệ trao đổi âm nhạc với các nước trong khu vực, và quốc tế, tham dự Hội nghị - Festival Âm nhạc lần thứ 35 Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á tại Đài Loan vào tháng 10/2018; tham dự Festival quốc tế Âm nhạc Giao hưởng tại Uzbekistan vào tháng 11/2018. Dự kiến Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Tuần lễ Festival Âm nhạc các dân tộc khu vực biên giới Việt Trung tại Móng Cái vào cuối năm 2018 nếu điều kiện cho phép.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, đã có những những bước tiến mới về việc chuyển giao công việc cho thế hệ trẻ đúng thời điểm, cần chuyên nghiệp hóa quốc tế, báo cáo thường xuyên, phấn đấu phát triển tốt, đúng hướng.

Tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 tại Hà Nội gồm các Chi hội và các Đoàn nhạc sĩ từ Huế trở ra vào tháng 9. Liên hoan âm nhạc khu vực cần tiếp tục mở rộng, có sự trao đổi, giao lưu vùng miền, để có nhiều mầu sắc âm nhạc hấp dẫn. Tổ chức Lớp tập huấn âm nhạc Khu vực phía Bắc, và Hội thảo Âm nhạc, nhân kỷ niệm 40 năm Tạp chí Âm nhạc Việt Nam. Đẩy mạnh sáng tác và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi, phối hợp với các Đài Phát thanh và Truyền hình làm chuyên mục thiếu nhi, tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục, văn hóa văn nghệ dành cho thiếu nhi trong đó âm nhạc là mảng hết sức quan trọng.

Hội cần có ý kiến và trách nhiệm về thực trạng đào tạo, giáo dục âm nhạc hiện nay, việc đào tạo các nhạc sĩ trẻ ở trong nước, việc tổ chức đào tạo âm nhạc truyền khẩu và cấp bằng tại một số trung tâm nghệ thuật, nạn “chảy máu chất xám” ngay trong nước khi có những Dàn nhạc quốc tế mới được hình thành tại Việt Nam, quan tâm đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc kế cận, trong tình hình hiện nay số người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc ngày càng giảm. Tiến tới việc thành lập Trung tâm Truyền thông và Biểu diễn Âm nhạc của Hội. Tổ chức các Hội thảo chuyên ngành về các cố nhạc sĩ như: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyến Văn Thương, Huy Du…

Tiếp tục tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 9 rộng khắp trên cả nước, nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật ở các địa phương đạt hiệu quả tốt hơn.

Xét Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018. Giới thiệu những tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trên trang web của Hội.

Đẩy mạnh việc hoàn thiện Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo tài năng trẻ và sáng tác âm nhạc tại Quảng Ninh. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạng mục Trung tâm đào tạo tài năng âm nhạc và trại sáng tác sớm đưa vào sử dụng.

Xem ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/chuyen-cong-tac-tai-da-nang-cua-ban-chap-hanh-ho...

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.