You are here

Hồi ký Berlioz (9)

Tác giả: 
Berlioz - Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh

(Tiếp theo)

Chương 9

Cuộc chạm trán đầu tiên với Cherubini – Ông ấy đuổi tôi khỏi thư viện nhạc viện

Thấy hòa âm của tôi khá tiến bộ, thầy Lesueur muốn hợp thức hóa vị trí của tôi bằng cách đưa tôi vào lớp của thầy tại Nhạc viện. Thầy nói với Cherubini, giám đốc lúc ấy của tổ chức này, và tôi được chấp nhận. Rất may là dịp đó chẳng ai đòi tôi trình diện trước tác giả ghê gớm của Médée[1] bởi vì một năm trước tôi đã chọc ông ấy giận sôi máu và có lẽ ông ấy khó mà quên được việc đó.

Chuyện xảy ra như sau:

Vừa trở thành giám đốc nhạc viện khi thay thế Perne mới qua đời, Cherubini muốn báo hiệu lễ đăng quang của mình bằng sự nghiêm khắc chưa từng thấy trong cách thức tổ chức nội bộ nhà trường mà ngày ấy vốn chưa có quy tắc chặt chẽ. Để học trò nam và học trò nữ không thể gặp gỡ nhau ngoài tầm giám sát của giáo viên, ông ra lệnh nam sinh phải vào trường bằng cổng ở phố Faubourg- Poissonnière còn nữ sinh thì vào bằng cổng ở phố Bergère; hai cổng này nằm ở hai phía đối diện nhau của tòa nhà.

Một sáng nọ vì chẳng biết gì về sắc lệnh mới được ban hành tôi đã vào nhạc viện qua cổng ở phố Bergère dành cho nữ sinh. Khi tôi sắp sửa bước vào thư viện thì một người gác cổng chặn tôi lại ngay giữa sân và muốn đuổi tôi ra ngoài để sau đó trở lại chính chỗ đó bằng cổng dành cho nam sinh. Tôi thấy việc này vô lý quá nên đẩy người bảo vệ ra và đường tôi tôi cứ đi. Cái gã tinh quái ấy muốn xun xoe lấy lòng ông chủ mới bằng cách chứng tỏ mình cũng cứng nhắc như ông ấy. Thế là gã không chịu thua mà chạy đi báo cáo lại sự việc với ông giám đốc. Lúc ấy tôi đã vùi đầu vào tổng phổ Alceste được mười lăm phút và chẳng còn nghĩ gì đến việc vừa xảy ra thì Cherubini, được kẻ tố giác hộ tống, bước vào phòng đọc với gương mặt nhợt nhạt hơn cả xác chết, mái tóc dựng ngược, cặp mắt dữ dằn và bước chân giật giật hơn thường lệ. Họ đi vòng quanh chiếc bàn có mấy độc giả đang ngồi chống khuỷu, sau khi lần lượt xem xét họ, gã bảo vệ dừng lại trước mặt tôi và kêu lên: “Đây rồi!”. Cherubini giận dữ tới mức một lúc sau mới cất lời được với cái giọng Ý mà vì đang tức nên càng thêm buồn cười:

- Á à à! Chính cậu là người vào bằng cái cổng mà mà mà tui không muốn[2] cho vào à!

- Thưa ông, tôi không biết lệnh cấm của ông. Lần sau tôi sẽ tuân thủ ạ.

- Lần sau! Lại còn lần sau nữa! Thế thế thế cậu làm gì ở đây?

- Thưa ông, ông thấy đấy, tôi tới nghiên cứu các tổng phổ của Gluck.

- Cái gì cơ ơ ơ...? Cậu xem tổng phổ của Gluck á? Ai cho phép cậu vào thư viện hả?

- Thưa ông, (tôi bắt đầu mất tỉnh táo) tổng phổ của Gluck là những vở nhạc kịch hay nhất mà tôi biết và tôi chẳng cần xin phép ai để tới nghiên cứu chúng ở đây. Từ mười giờ sáng tới ba giờ chiều thư viện nhạc viện mở cửa cho công chúng và tôi có quyền tận dụng thời gian này.

- Có có có quyền?

- Vâng, thưa ông.

- Tui, tui cấm anh trở lại đây.

- Tôi sẽ cứ trở lại đấy.

- Anh tên gì? Ông hét, run lên vì giận dữ. Còn tôi thì xanh mặt:

- Thưa ông! Có thể một ngày nào đó ông sẽ biết tên tôi còn hôm nay thì ông sẽ không biết đâu.

- Bắt bắt nó lại Hottin (đấy là tên gã bảo vệ). Tống nó vào tù!

Thế là hai người cả thầy lẫn tớ, trước sự sửng sốt của những người có mặt, đuổi tôi vòng quanh chiếc bàn, lật nhào các ghế đẩu và giá nhạc mà vẫn không thể bắt được tôi. Cuối cùng tôi chạy thoát, vừa cười vừa hét bảo những kẻ truy đuổi: “Các ông sẽ không tóm được tôi lẫn tên của tôi đâu, và tôi sẽ sớm trở lại đây để nghiên cứu các tổng phổ của Gluck!”.

Đó là cuộc chạm trán đầu tiên của tôi với Cherubini. Tôi không biết liệu ông có nhớ ra chuyện đó khi tôi được giới thiệu với ông một cách chính thức hơn. Đường nào thì tôi cũng khá hài lòng khi mười hai năm sau đó, dù ông ấy cản trở tôi vẫn trở thành quản thư và cuối cùng là quản thủ của chính cái thư viện mà ông ấy đã muốn đuổi tôi ra. Còn về phần Hottin, ngày nay anh ta đã là người phục vụ dàn nhạc tận tình nhất, người hâm mộ cuồng nhiệt nhất cho âm nhạc của tôi. Trong những năm cuối đời Cherubini, anh ta còn khẳng định rằng ngoài tôi ra chẳng có ai xứng đáng thay thế bậc thầy lừng danh ở vị trí giám đốc nhạc viện. Nhưng quan điểm này đã không được Auber chia sẻ[3].

Tôi còn nhiều giai thoại tương tự để kể về Cherubini mà từ đó độc giả sẽ thấy rằng nếu ông ấy phạt tôi bằng roi da thì tôi sẽ đáp trả ông ấy bằng những con rắn chuông mà vết cắn sẽ khiến ông ấy nhớ đời.

(Còn nữa)

 

[1] Tên một vở opéra-comique của Cherubini.

[2] Nguyên văn: “...qué, qué, qué zé ne veux pas...”

[3] Auber trở thành giám đốc nhạc viện sau cái chết của Cherubini vào năm 1842. (DC)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.