Hồi ký Berlioz (20)

Tác giả: 
Hector Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh)

 

Tưởng niệm 150 năm ngày mất nhà soạn nhạc Berlioz

Chương 20

Sự xuất hiện của Beethoven tại Nhạc viện - Sự e dè ghen ghét của các bậc thầy người Pháp - Ấn tượng mà bản giao hưởng giọng Đô thứ để lại trên thầy Lesueur - Việc thầy khăng khăng chống đối theo hệ thống

Trong cuộc đời người nghệ sĩ đôi khi những tiếng sấm nối tiếp nhau mau lẹ như trong các cơn bão lớn lúc mà những đám mây nạp đầy điện tích dường như tung hứng sét và thổi bùng gió lốc.

Tôi vừa mới thấy liên tiếp hiện ra Shakespeare và Weber thì ngay lúc ấy, ở một điểm khác trên đường chân trời, tôi thấy Beethoven sừng sững nhô lên. Sự chấn động mà tôi nhận được gần như sánh ngang với sự chấn động mà Shakespeare đã tạo ra với tôi. Ông đã mở ra cho tôi một thế giới mới mẻ bằng âm nhạc như đại thi hào đã tiết lộ với tôi một vũ trụ mới mẻ bằng thi ca.

Hiệp hội hòa nhạc của Nhạc viện vừa mới được thành lập[1] dưới sự lãnh đạo tích cực và say mê của Habeneck. Dù nghệ sĩ này có những sai lầm nghiêm trọng và những thiếu sót đối với bậc thầy vĩ đại mà ông yêu mến nhưng cần phải công nhận những ý định tốt đẹp của ông, sự tài khéo của ông và phải trả lại cho ông sự công bằng khi nói rằng chỉ nhờ một tay ông mà các tác phẩm của Beethoven được truyền bá vẻ vang tại Paris. Để hình thành được thiết chế tuyệt vời mà ngày nay nổi tiếng khắp thế giới văn minh này ông đã phải nỗ lực rất nhiều; ông đã dùng nhiệt huyết của mình thuyết phục một số đông nghệ sĩ mà sự thờ ơ đã trở thành thù địch khi người ta dự định cho họ cái viễn cảnh với vô số buổi tập luyện và những công việc vừa mệt nhọc vừa ít lợi lộc để đạt được một buổi biểu diễn chất lượng các tác phẩm mà khi ấy chỉ được biết đến qua những kỹ thuật khó chơi đến kỳ cục của chúng.

Ông cũng đã phải đấu tranh, và đó không phải là việc khiến ông ít nhọc nhằn nhất, với sự phản đối ngấm ngầm, sự chê trách được ngụy trang ít nhiều, thái độ mỉa mai và lấp lửng của các nhà soạn nhạc Pháp và Ý rất ít vui thích khi thấy dựng lên ngôi đền của một người Đức có các tác phẩm bị họ xem như những thứ quái dị song lại đáng gờm với họ và trường phái của họ. Những điều tiếng nọ kia về các kỳ quan của tri thức và cảm hứng mà tôi nghe thấy này thật vô nghĩa và ghê tởm làm sao!

Về việc này, thầy Lesueur của tôi, con người chính trực mà miễn nhiễm với sự hằn học và ghen ghét, yêu nghệ thuật nhưng dành tâm huyết cho những giáo điều trong âm nhạc mà tôi dám gọi là những thành kiến và điên rồ, đã buột miệng thốt ra một câu cách ngôn. Mặc dù thầy sống khá ẩn dật và mải mê trong công việc của mình nhưng lời đồn thổi về các buổi công diễn lần đầu tại Nhạc viện và các bản giao hưởng của Beethoven trong giới âm nhạc Paris đã nhanh chóng lan tới chỗ thầy. Thầy là người ngạc nhiên hơn ai hết vì cùng với phần đông đồng nghiệp tại Học viện, thầy xem khí nhạc như một thể loại thấp kém, một phần của thứ nghệ thuật có giá trị nhưng là một giá trị xoàng xĩnh và theo ý kiến của thầy thì Haydn và Mozart đã đặt ra những giới hạn không thể bị vượt qua.

Như tất cả những bậc thầy khác - như Berton người coi thường toàn bộ trường phái Đức hiện đại, như Boïeldieu người không biết quá những gì mình nghĩ và thể hiện một sự ngạc nhiên trẻ con trước bất cứ cách hòa âm nào vượt ra ngoài ba hợp âm mà mình hằng áp dụng trong suốt cuộc đời, như Cherubini người đã nén bực bội và chẳng dám truyền bá cho một bậc thầy mà sự thành công khiến ông vô cùng tức tối và làm suy yếu tòa lâu đài lý thuyết quý giá nhất của ông, như Paër người bằng sự xảo trá kiểu Ý của mình đã kể về Beethoven, người mà ông bảo từng quen biết, qua những giai thoại ít nhiều bất lợi cho con người vĩ đại này và tâng bốc kẻ đưa chuyện, như Catel người không màng đến âm nhạc và chỉ quan tâm đến khu vườn cùng những cây hoa hồng của mình, và cuối cùng như Kreutzer người chia sẻ thái độ cao ngạo xem thường của Berton đối với tất thảy những gì đến từ bờ kia sông Rhin - thầy Lesueur, dù thấy các nghệ sĩ nói chung và tôi nói riêng phát sốt vì ngưỡng mộ, nhưng vẫn giữ im lặng, giả bộ điếc và thận trọng tránh tham dự các buổi hòa nhạc tại Nhạc viện. Nếu đi tới đó thầy sẽ buộc phải hình thành và đưa ra ý kiến về Beethoven, làm nhân chứng cho sự cuồng nhiệt khác thường mà âm nhạc Beethoven đã khơi dậy; và đó là điều thầy Lesueur không hề muốn dù không thừa nhận. Thế nhưng tôi cứ nói mãi với thầy về nghĩa vụ phải biết và đánh giá theo ý kiến cá nhân một sự kiện quan trọng như sự lên ngôi của phong cách mới này, của các hình thức đồ sộ trong nghệ thuật của chúng ta đến nỗi rốt cuộc thầy thuận tình để bị kéo đến Nhạc viện vào hôm mà tại đó người ta biểu diễn bản giao hưởng giọng Đô thứ của Beethoven[2]. Thầy muốn nghe nó một cách cẩn thận và không bị bất cứ một loại phiền nhiễu nào nên đã tới ngồi một mình ở cuối một lô tầng trệt đầy những người không quen biết rồi đuổi tôi ra. Khi bản giao hưởng kết thúc, tôi đi xuống từ tầng trên vì háo hức muốn biết thầy Lesueur cảm thấy và suy nghĩ thế nào về tác phẩm đặc biệt này.

Tôi gặp thầy trong một hành lang, mặt đỏ gay và bước những bước lớn. Tôi hỏi:

- Thế nào ạ, thầy kính mến...

- Trời ạ! Tôi ra ngoài, tôi cần không khí. Thật phi thường! Thật tuyệt vời! Nó làm tôi xúc động, bối rối, đảo lộn đến nỗi lúc ra khỏi lô và muốn đội mũ lên thì tôi tưởng rằng chẳng thể tìm lại cái đầu của mình nữa! Hãy để tôi một mình. Mai gặp lại...

Tôi đã chiến thắng. Hôm sau tôi hấp tấp tới gặp thầy. Hai thầy trò ngay lập tức trò chuyện về kiệt tác đã khuấy động mình dữ dội đến thế. Thầy Lesueur để tôi nói một hồi, tán đồng với một vẻ kiềm chế những tiếng reo vui ngưỡng mộ của tôi. Nhưng dễ dàng thấy rằng người đối thoại với tôi không còn là người của ngày hôm trước và đề tài đang nói này khiến thầy đau đớn. Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục cho tới khi thầy Lesueur, người mà tôi mới moi ra được một lời thú nhận mới mẻ về cảm xúc sâu sắc của mình khi nghe bản giao hưởng của Beethoven, vừa nói vừa lắc đầu với một nụ cười kỳ cục: “Dù sao cũng chả cần viết ra thứ âm nhạc như vậy”. Tôi vặc lại: “Chớ lo thầy kính mến, viết được như vậy cũng chẳng nhiều đâu”.

Thương thay cái bản tính con người! Thương thay cho bậc thầy!... Trong câu cách ngôn giàu hàm ý được bao người khác dùng trong nhiều tình huống tương tự này có sự ngoan cố, sự tiếc nuối, sự khiếp sợ cái chưa biết, sự đố kị và một lời thú nhận ngầm về sự bất lực. Vì nếu nói “chả cần viết ra thứ âm nhạc như vậy” khi người ta đã phải gồng mình gánh chịu sức mạnh của nó và nhận ra vẻ đẹp của nó thì quá bằng tuyên bố rằng người ta phải coi chừng khi viết như thế chỉ bởi người ta cảm thấy rằng người ta không thể làm thế dù có muốn.

Haydn đã nói bấy nhiêu về chính Beethoven, người mà ông khăng khăng chỉ gọi là một nghệ sĩ piano lớn.

Grétry đã viết những cách ngôn ngớ ngẩn cùng tính chất về Mozart, người mà theo như ông bảo, đã đặt bức tượng dưới hố nhạc còn bệ tượng trên sân khấu.

Handel khoe rằng đầu bếp của mình là nhạc sĩ giỏi hơn Gluck.[3]

Nói về âm nhạc của Weber, Rossini bảo nó khiến mình đau quặn bụng.

Về phần Handel và Rossini, sự chán ghét của họ đối với Gluck và Weber không phải là vì những lý do như thế; tôi cho rằng lý do nằm ở chỗ hai người đàn ông béo bụng này cảm thấy không thể nào hiểu được hai người đàn ông có trái tim lớn kia. Nhưng sự thù ghét mà Spontini đã kích động lâu đến thế trong cả trường phái Pháp ra sức chống lại ông và ở phần đông các nhạc sĩ Ý thì chắc chắn là do thứ cảm xúc phức tạp mà tôi vừa mới nói, thứ cảm xúc khốn khổ và nực cười, bị La Fontaine lên án một cách rất đáng ngưỡng mộ trong truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho của mình.

Việc thầy Lesueur ngoan cố đấu tranh chống lại điều hiển nhiên và những ấn tượng riêng của mình đã khiến tôi hoàn toàn hiểu ra sự vô nghĩa của các học thuyết mà thầy đã cố gắng dạy cho tôi; và tôi đột ngột rời bỏ con đường mòn lớn để bắt đầu hành trình riêng qua những núi non và thung lũng, qua những khu rừng và những cánh đồng. Thế nhưng tôi hết sức che giấu và thầy Lesueur rất lâu sau mới nhận ra sự bất trung của tôi khi nghe các sáng tác mới mà tôi đã cẩn thận tránh khoe với thầy.

Tôi sẽ trở lại với hiệp hội hòa nhạc cùng Habeneck khi kể về mối liên hệ giữa tôi và vị nhạc trưởng tài khéo song thiếu sót và đồng bóng này.

Ký hiệu ở các chú thích:

HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.

Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

 


[1] Vào ngày 15/2/1828 theo một sắc lệnh của tổng giám sát nghệ thuật. Buổi hòa nhạc đầu tiên (ngày 9/3) được mở màn với Eroica, tác phẩm được biểu diễn lại vào ngày 23/3. Giao hưởng số 5 được biểu diễn vào ngày 15/4. (DC)

[2] Chính là Giao hưởng No. 5.

[3] Câu nói chính xác của Handel là: “Gluck biết về đối âm còn thua đầu bếp của tôi”. Sự thực là Waltz, đầu bếp của Handel, cũng tình cờ là một nhạc sĩ. (DC)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.