You are here

Hồi ký Berlioz (19)

Tác giả: 
Hector Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh)

Tưởng niệm 150 năm ngày mất nhà soạn nhạc Berlioz

Chương 19

Buổi hòa nhạc vô ích - Nhạc trưởng không biết chỉ huy - Dàn hợp xướng không hát

Các nhạc công mà tôi trù tính cho dàn nhạc đã chính thức hứa sẽ hỗ trợ, các ca sĩ hợp xướng đã được thuê, việc chép nhạc đã hoàn thành và phòng hòa nhạc đã giành giật được từ allo burbero Direttore[1], vậy là tôi chỉ còn thiếu các ca sĩ solo và một nhạc trưởng nữa. Bloc, nhạc trưởng hàng đầu của Nhà hát Odéon, rất vui lòng nhận vai trò chỉ huy buổi hòa nhạc mà tôi không dám tự mình đảm nhiệm; Duprez, hầu như còn vô danh và mới tốt nghiệp các lớp của Choron, đồng ý hát một aria trong vở Những thẩm phán tự do và Alexis Dupont dù không được khỏe nhưng vẫn tiếp tục bênh vực cho Cái chết của Orphée mà anh đã thử hát cho ban giám khảo Học viện nghe. Tôi đành lòng giao phó hai bè soprano và basse trong khúc trio của Những thẩm phán tự do cho hai ca sĩ lĩnh xướng của Nhà hát Opéra là những người chẳng có giọng hát lẫn tài năng[2].

Các buổi tổng diễn tập là khi tất cả tập luyện như để cho vui; nhiều nhạc công vắng mặt vào đầu buổi tập và một số lớn hơn biến mất trước khi kết thúc. Thế nhưng hai ouverture, khúc aria và bản cantate được luyện tập khá tốt. Khúc mở màn của vở Những thẩm phán tự do khiến dàn nhạc tán thưởng nồng nhiệt và đoạn cuối của bản cantate còn tạo được hiệu quả lớn hơn nhiều. Trong tác phẩm này, dù đề thi không bắt buộc nhưng được lời ca biểu thị rõ, sau đoạn lễ hội thần rượu tôi cho bè nhạc cụ hơi chơi lặp lại chủ đề tụng ca tình yêu của Orphée còn các bè còn lại trong dàn nhạc thì chơi đệm bằng tiếng sóng rì rào như sóng sông Hèbre[3] đang cuộn trào trên mái đầu xanh xao của chàng thi sĩ; trong lúc một giọng hấp hối ở những quãng dài cất lên tiếng kêu đau đớn được các bờ sông vọng lại này: Eurydice! Eurydice! Ôi Eurydice bất hạnh!!...

 Tôi nhớ đến những vần thơ tuyệt đẹp này trong tập Thơ điền dã:

Tûm quoque, marmoreâ caput a cervice revulsum
Gurgite quûm medio portans œagrius Hebrus,
Volveret Eurydicen, vox ipsa et frigida lingua
Ah ! miseram Eurydicen, animâ fugiente vocabat:
Eurydicen ! toto referebant flumine ripæ.[4]

Bức tranh âm nhạc đầy vẻ buồn bã lạ lẫm nhưng chứa đựng ý tưởng thi ca mà chín phần mười số khán giả nói chung là ít chữ nghĩa không nhận ra được này khiến cả dàn nhạc phải rùng mình và tiếng vỗ tay vang dậy. Giờ đây tôi thấy tiếc là đã hủy bỏ tổng phổ của bản cantate này, lẽ ra tôi phải giữ lại những trang cuối cùng[5]. Ngoại trừ đoạn lễ hội thần rượu[6] mà dàn nhạc đã thể hiện một cách cuồng nhiệt tuyệt vời thì phần còn lại không hay bằng. A. Dupont bị khàn giọng và chỉ có thể hát những nốt cao trong âm vực của mình một cách rất khó nhọc; đến tối bệnh tình vẫn không đỡ nên anh đã báo để tôi khỏi đợi anh vào hôm sau.

Thế là tôi vô cùng bực bội vì chẳng được toại nguyện ghi vào tờ chương trình hòa nhạc: Cái chết của Orphée, hoạt cảnh trữ tình mà Viện hàn lâm Nghệ thuật của Học viện tuyên bố là không thể chơi được, và được biểu diễn vào ngày *** tháng Năm năm 1828. Chắc chắn là Cherubini đã không bỏ lỡ dịp rêu rao rằng dàn nhạc không thể chơi trọn vẹn chứ chẳng thừa nhận lý do thực sự khiến tôi loại nó khỏi chương trình.

Nhân dịp tập luyện bản cantate kém may mắn này, tôi nhận thấy các nhạc trưởng không thường chỉ huy grand opéra sẽ vụng về biết bao khi đối phó với nhịp độ thất thường của đoạn récitatif. Bloc rơi vào cảnh ngộ này; ở Nhà hát Odéon người ta chỉ biểu diễn các vở opéra có thoại xen lẫn. Thế mà sau aria đầu tiên của Orphée là đến một đoạn récitatif được điểm xuyết bằng các âm hình dàn nhạc mà ông chẳng lần nào đưa được dàn nhạc vào đúng nhịp. Việc này khiến một người yêu nhạc đội tóc giả có mặt tại buổi tập kêu lên:

  • A! Cho tôi nghe các bản cantate Ý xưa cũ đi! Đó là thứ âm nhạc không cần các nhạc trưởng, nó tự chơi được.
  • Phải, tôi đáp, như lũ lừa già tự tìm được đường về cối xay.

Đấy chính là cách tôi bắt đầu kết bạn.

Dù sao bản cantate cũng được thay thế bằng phần Resurrexit trong bản messe của tôi mà dàn hợp xướng và dàn nhạc đã thuộc và buổi hòa nhạc đã diễn ra[7]. Hai bản ouverture và phần Resurrexit nói chung được đón nhận và vỗ tay tán thưởng; khúc aria mà Duprez với cái giọng ớt nhưng êm ái lúc ấy của mình đã làm tăng giá trị lên rất nhiều cũng có cái may mắn ấy. Đó là một lời khẩn cầu trước giấc ngủ. Nhưng khúc trio cùng hợp xướng được hát một cách tệ hại mà cũng chẳng có hợp xướng; các ca sĩ hợp xướng khi bỏ lỡ chỗ bắt vào đã im lặng một cách thận trọng cho tới hết tác phẩm. Hoạt cảnh Hy Lạp, mà phong cách đòi hỏi một lực lượng ca sĩ đông đảo, đã để khán giả phải lạnh nhạt.

Tác phẩm này chẳng bao giờ được biểu diễn lại kể từ đó và rốt cuộc tôi đã thiêu hủy nó[8].

Tóm lại là buổi hòa nhạc này đã có ích thực sự với tôi; trước hết nó khiến tôi được các nghệ sĩ và công chúng biết tới; điều này, trái với ý kiến của Cherubini, đã bắt đầu trở nên cần thiết; thứ đến nó cho tôi đương đầu với vô vàn khó khăn hiện diện trong sự nghiệp của nhà soạn nhạc khi muốn tự mình tổ chức biểu diễn tác phẩm của mình. Thử thách này cho tôi thấy mình còn phải làm biết bao nhiêu việc để khắc phục chúng hoàn toàn. Không cần phải nói thêm là tiền thu được chỉ vừa đủ để trả phí chiếu sáng, áp phích, tiền cho những người nghèo khổ và dàn hợp xướng kỳ cục đã biết giữ im lặng rất tốt.

 Nhiều tờ báo khen ngợi buổi hòa nhạc này một cách nồng nhiệt. Fétis (người mà từ khi...) chính Fétis đã nói về tôi tại một salon bằng những từ ngữ hết sức lọt tai và loan báo việc tôi bước vào nghề như một sự kiện đáng chú ý.

Nhưng lời đồn thổi này liệu có đủ thu hút sự chú ý của Miss Smittson đang say sưa vì thành công rực rỡ của mình không? Than ôi! Sau đó tôi được biết rằng hoàn toàn mê mải với công việc hiển hách của mình, nàng chẳng hề nghe một lời nào về buổi hòa nhạc của tôi, về thành công của tôi, về những nỗ lực của tôi và cả bản thân tôi nữa...[9].

Ký hiệu ở các chú thích:

HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.
 
Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

 


[1] Tiếng Ý nghĩa là: ông giám đốc cộc cằn.

[2] Mme Lebrun và Ferdinand Prévost. Trio có tên Mélodie Pastoral trích từ màn 2. (DC)

[3] Các tên gọi khác của sông này là Maritsa, Evros, Hebrus... Sông chảy qua Bulgaria, Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

[4] Thiên sử thi Georgica gồm 4 tập của Virgile. Trích đoạn trong tập IV, từ câu 523 đến 527, với nội dung: “Ngay cả lúc ấy, khi mái đầu từ chiếc cổ hoàn mỹ lăn xuống giữa dòng sông cha Hebrus, cái giọng chết chóc lạnh lẽo vẫn cất lên gọi nàng Eurydicen, linh hồn chàng gọi nàng Eurydicen, bờ sông vọng lại tên Eurydicen”. (DC)

[5] Bản gốc thật sự không còn tồn tại và chúng ta chỉ được biết về tác phẩm nhờ một bản sao chép bằng tay. Từ đó ta thấy các trang cuối của tác phẩm đã được Berlioz tái sử dụng và trở thành chương La harpe éolienne (Cây đàn harp gió) trong tác phẩm Lélio, ou Le retour à la vie. (DC)

[6] Đây chính là đoạn mà nghệ sĩ piano của Học viện đã ngừng chơi giữa chừng. (HB)

[7] Vào ngày 26/5/1828 chương trình cũng gồm cả bản Hành khúc tôn nghiêm của nhà thông thái. (DC)

[8] Bản sao chép của Ferrand vẫn còn tồn tại. Một buổi biểu diễn thứ hai đã được lên kế hoạch, vào năm năm sau đó, nằm trong chương trình một buổi hòa nhạc tổ chức ở Vườn Tuileries để kỉ niệm Cách mạng tháng Bảy; nhưng vì hết nến để thắp sáng nên tác phẩm được thay thế bằng La Marseillaisel'ignoble Parisienne mà dàn nhạc có thể chơi trong bóng tối. (DC)

[9] Buổi hòa nhạc có vẻ không đông khán giả (tờ Revue musicale tường thuật rằng khán phòng “gần như trống không”, còn Berlioz trong một lá thư gửi cha viết rằng “chỉ đầy 2/3”). Nhưng ít ra, như ông nhận xét, nó cũng đạt được một trong các mục đích chính. Những người tham dự bao gồm nhiều nhân vật quan trọng trong giới âm nhạc thời đó và các nhạc công rất nhiệt tình. Fétis, biên tập của tờ Revue musicale đã đăng một thông cáo đầy hứa hẹn: “Nhà soạn nhạc trẻ đôi khi quá bốc đồng trong sáng tạo của mình, nhưng anh có tài năng thiên phú lớn, phong cách hùng dũng, mãnh liệt và các ý tưởng thường đúng đắn”. Tờ Figaro, dù tiết chế hơn trong bình luận, nhưng cũng đầy những lời lẽ khích lệ (nhất là do ấn tượng từ Waverley), còn tờ Voleur thì thúc giục anh “đạt được những thành công rực rỡ mà chúng ta trông đợi từ anh”. (DC)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.