You are here

Hồi ký Berlioz (17)

Tác giả: 
Hector Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh)

Tưởng niệm 150 năm ngày mất nhà soạn nhạc Berlioz

Chương 17

Thành kiến đối với các vở opéra có lời bằng tiếng Ý - Ảnh hưởng của nó tới cảm tưởng của tôi về một số tác phẩm Mozart.

Tôi đã kể rằng trong giai đoạn lần đầu tham dự kỳ thi tại Học viện tôi giành toàn bộ thể xác và tinh thần để nghiên cứu thể loại nhạc kịch lớn; lẽ ra tôi phải nói rằng đó là thể loại bi kịch trữ tình và đây là lý do tôi lãnh đạm với Mozart.

Chỉ Gluck và Spontini mới có sức mạnh mê hoặc tôi. Thế nhưng việc tôi hờ hững với tác giả của Don Juan là có lý do. Hai vở opéra của ông được trình diễn thường xuyên nhất ở Paris là Don JuanFigaro; nhưng chúng lại được các ca sĩ Ý hát bằng tiếng Ý tại Nhà hát Ý[1]; và thế là đủ để tôi không thể không có một sự chán ghét nhất định đối với các kiệt tác này. Trong mắt tôi thì chúng có cái sai quấy vì dường như thuộc về trường phái bên kia dãy Alpes. Ngoài ra thì còn nguyên do ít phi lý hơn là tôi đã sốc trước một đoạn của vai Dona Anna mà trong đó Mozart đã kém may mắn viết ra một vocalise tệ hại tạo thành một vết nhơ trong tổng phổ xuất sắc của mình. Tôi muốn nói đến đoạn allegro trong aria cho giọng soprano (no. 22) ở màn hai, một aria quá đỗi u buồn mà toàn bộ lời thơ thể hiện một tình yêu sướt mướt tang thương nhưng đến đoạn kết ta lại thấy những nốt nhạc buồn cười và một sự vô lý chướng tai đến nỗi người ta gần như tin là chúng không thể xổ ra dưới ngòi bút của cùng một người. Tới chỗ ấy Dona Anna dường như lau nước mắt và đột nhiên buông thả mình cho những lời lẽ khôi hài thô thiển. Lời của đoạn này là: Forse un giorno il cielo ancora sentirà a-a-a (tại đây có một nét giai điệu lạ thường và theo phong cách tệ hại nhất) pietà di me.[2] Phải thừa nhận rằng đây là một cách độc đáo để người con gái quý tộc bị xúc phạm bày tỏ niềm hy vọng rằng trời xanh sẽ có ngày xót thương cô ấy!... Thật khó để bỏ qua cho Mozart một lỗi quá quắt như thế. Hôm nay tôi cảm thấy rằng mình sẵn sàng hiến một phần máu của chính mình để xóa đi cái trang nhạc đáng hổ thẹn này và vài trang khác cùng loại mà người ta buộc phải thừa nhận là có tồn tại trong các tác phẩm của ông.[3]

Vì vậy tôi chỉ có thể dè chừng trước các lý thuyết sân khấu của ông và điều đó đủ để khiến nhiệt kế đo độ cuồng nhiệt hạ xuống một mức gần bằng không.

Đúng là những cảnh lộng lẫy trang nghiêm của Cây sáo thần đã khiến tôi đầy ngưỡng mộ; Nhưng tôi chỉ được chiêm ngưỡng chúng lần đầu tiên trong phiên bản pasticcio Những bí ẩn của Iris, và sau này tại thư viện Nhạc viện tôi mới có thể biết đến tổng phổ của nguyên tác và so sánh nó với cái mớ hổ lốn khốn khổ kiểu Pháp mà người ta đã dàn dựng tại Nhà hát Opéra.

Chúng ta thấy là các tác phẩm nhạc kịch của nhà soạn nhạc lớn này đã được dàn dựng dở về tổng thể và chỉ sau nhiều năm nhờ những điều kiện thuận lợi hơn tôi mới có thể thưởng thức được vẻ quyến rũ và sự hoàn hảo ngọt ngào của chúng. Vẻ đẹp tuyệt vời của các tứ tấu, ngũ tấu và một vài sonate của ông là những thứ đầu tiên đưa tôi trở về tôn thờ tài năng thiên phú mà sự giao du rất được công nhận với những người Ý và những nhà sư phạm đối âm có thể đã làm lu mờ phần nào sự trong sáng của nó.

Ký hiệu ở các chú thích:

HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.

Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

 


[1] Théâtre-Italien hay Comédie-Italienne là những cái tên Pháp chỉ kiểu nhà hát chuyên biểu diễn bằng ngôn ngữ Ý tại Pháp.

[2] Câu hát tiếng Ý nghĩa là: “Có lẽ một ngày nào đó trời xanh còn thấy ấy ấy ấy xót thương em”. Đây là câu cuối cùng trong aria Non mi dir. Bối cảnh của aria là: Ottavio gây áp lực để Anna cưới mình nhưng Anna cho rằng việc này không thích hợp vì cha cô vừa mới qua đời. Anh kết án cô tàn nhẫn còn cô khẳng định rằng mình yêu anh và chung thủy.

[3] Tôi thấy ngay cả tính từ đáng hổ thẹn cũng không đủ để gắn lên đoạn này. Mozart ở đây đã phạm phải tội chống lại đam mê, chống lại tình cảm, chống lại thị hiếu lành mạnh và ý nghĩa thông thường, một trong những tội ác ghê tởm nhất và điên rồ nhất mà ta có thể bêu ra trong lịch sử nghệ thuật. (HB)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.