You are here

Hồi ký Berlioz (12)

Tác giả: 
Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh)
AttachmentSize
Image icon b.jpg115 KB

(Tiếp theo)
Chương 12
Tôi thi tuyển vào dàn hợp xướng - Thi đậu - A. Charbonnel - Việc nội trợ của các chàng độc thân.

Trong lúc ấy mùa đông đang đến gần. Niềm hăng say mà với nó tôi cống hiến cho việc soạn opéra đã khiến tôi có chút lơ là với học trò của mình. Những yến tiệc kiểu Lucullus của tôi không còn có thể diễn ra tại phòng ăn thường lệ trên cầu Pond-Neuf bị mặt trời bỏ rơi và bầu không khí lạnh ẩm bao trùm. Tôi cần củi sưởi và quần áo ấm. Lấy đâu ra tiền cho những thứ thiết yếu ấy? Thù lao dạy tư một franc một buổi còn xa mới đáp ứng đủ lại còn bị đe dọa sắp sửa giảm xuống gần bằng không. Tôi chỉ có thể lựa chọn quay về với cha, thú tội và chịu thua cuộc hay là chết đói! Mới nghĩ thôi là tôi đã nổi cơn thịnh nộ không thể chế ngự mà với nó tôi được tiếp đầy sức mạnh chiến đấu mới và quyết tâm làm tất cả, chịu đựng tất cả, kể cả việc rời Paris nếu cần để không phải quay về cuộc sống vô vị nhạt nhẽo ở La Côte. Niềm đam mê xê dịch xưa cũ của tôi kết hợp với niềm đam mê âm nhạc lúc ấy khiến tôi quyết định cầu viện các đại diện nhà hát ngoại quốc để xin vào một vị trí như cây flûte thứ nhất hoặc thứ hai trong một dàn nhạc ở New York, Mexico City, Sidney hay Calcutta. Tôi thà tới Trung Quốc, trở thành thủy thủ, cướp biển, lục lâm, thảo khấu còn hơn là đầu hàng. Tính tôi là thế. Thật vô ích cũng như nguy hiểm nếu có ý muốn lạ lùng là ngăn trở niềm đam mê của tôi, nếu niềm đam mê bị ý muốn đó kích hoạt thì cũng giống như ngăn chặn sự bùng nổ của thuốc súng bằng cách đè nén nó.

May mắn là việc tìm kiếm và cầu cạnh của tôi bên những đại diện nhà hát chẳng đem lại kết quả gì và tôi không biết mình sẽ quyết định ra sao nếu không hay tin Théâtre des Nouveautés  sắp sửa được khai trương và cùng với các vở kịch tạp kỹ người ta sẽ biểu diễn các vở opéra-comique quy mô nhỏ tại đó. Tôi chạy tới chỗ trợ lý đạo diễn để hỏi xin một vị trí chơi flûte trong dàn nhạc. Các vị trí chơi flûte đã đủ người. Tôi hỏi xin một chỗ trong dàn hợp xướng. Chẳng còn chỗ nào. Chết tiệt! Tuy nhiên, ông trợ lý đạo diễn ghi địa chỉ của tôi và hứa sẽ thông báo nêu người ta quyết định tăng thêm số thành viên hợp xướng. Niềm hy vọng này rất yếu ớt nhưng cũng nâng đỡ tôi được vài ngày, sau đó một lá thư từ bộ phận hành chính của nhà hát thông báo với tôi rằng người ta tổ chức một cuộc thi tuyển vào vị trí mà tôi mong muốn. Các buổi nghe thử sẽ diễn ra tại phòng hòa nhạc Francs-Maçons ở phố Grenelle-Saint-Honoré. Khi tôi đến nơi thì năm hay sáu gã khốn khổ như tôi đang chờ đợi phán xét trong sự im lặng đầy lo lắng. Trong số họ tôi thấy có một thợ dệt, một thợ rèn, một diễn viên vừa bị sa thải khỏi nhà hát nhỏ ở đại lộ và một thành viên ca đoàn nhà thờ Saint-Eustache. Cuộc thi tuyển giọng nam trầm mà giọng tôi chỉ có thể được coi là giọng nam trung hạng xoàng. Nhưng tôi nghĩ giám khảo của chúng tôi có lẽ sẽ không quá chặt chẽ. 

Đích thân ông trợ lý đạo diễn sẽ làm giám khảo. Ông xuất hiện, theo sau là một nhạc công tên là Michel người hiện giờ vẫn còn là thành viên dàn nhạc tạp kỹ. Người ta chẳng kiếm ra đàn piano cũng như người chơi piano. Cây violon của Michel là đủ để đệm hát cho chúng tôi.

Buổi thi bắt đầu. Các đối thủ của tôi lần lượt hát theo kiểu của họ, các tác phẩm khác nhau mà họ đã tập tành kỹ lưỡng. Lúc đến lượt tôi ông trợ lý đạo diễn đồ sộ, hay vui lòng gọi là Saint-Léger  thôi, hỏi xem tôi đem theo gì.

-    Tôi ấy ư? Không gì cả.
-    Ý cậu là không? Thế thì cậu sẽ hát bài nào?
-    Bất cứ bài nào ông muốn. Ở đây không có tập nhạc nào, cuốn sách xướng âm nào, cuốn luyện thanh nào sao?
-    Chúng tôi chả có cuốn nào như thế cả. Vả lại, ông trợ lý đạo diễn nói tiếp bằng một giọng hơi khinh khỉnh, tôi không cho là cậu hát được ngay khi nhìn bản nhạc.
-    Xin lỗi ông, tôi sẽ hát được ngay bất cứ bản nhạc nào ở trước mặt.
-    A! Thế thì lại khác. Nhưng vì chúng ta chả có bản nhạc nào nên cậu có thể hát bài nào cậu thuộc không?
-    Được, tôi có thể hát Les Danaïdes, Stratonice, La Vestale, Cortez, Oedipe, cả hai vở Iphigénie , Orphée, Armide...
-    Đủ rồi! Đủ rồi! Quỷ thật! Trí nhớ siêu thật! Vì cậu rất thông thái nên giờ cậu hãy hát cho chúng tôi nghe aria Elle m’a prodigué trong vở Oedipe của Sacchini.
-    Rất vui lòng.
-    Anh có thể đệm không, Michel?
-    Tất nhiên! Chỉ là tôi không biết nó được viết ở điệu thức nào.
-    Ở giọng mi giáng. Tôi hát cả đoạn récitatif  chứ?
-    Phải, nghe récitatif xem nào.

Người đệm đàn dạo một hợp âm mi giáng và tôi cất giọng hát:
Antigone ở lại với ta, Antigone là cô gái của ta,
Nàng là tất cả với trái tim ta, chỉ có nàng là gia đình ta.
Nàng không tiếc dịu dàng và săn sóc
Sự tận tình của nàng lúc ta khó nhọc mới quyến rũ làm sao...

Các ứng viên khác nhìn nhau với vẻ thảm thương trong lúc giai điệu cao quý cất lên, tiết lộ rằng nếu so với tôi, người dù chẳng phải là một Pischek hay một Lablache  thì họ hát như lũ bò chứ chẳng được như chàng chăn bò. Và thực tế là tôi đã thấy ông trợ lý đạo diễn đồ sộ Saint-Léger phác một dấu hiệu nhỏ tỏ ý, mà nói theo tiếng lóng ở hậu trường là họ đã bị đẩy xuống tận tầng hầm thứ ba . Hôm sau tôi nhận được thông báo chính thức được bổ nhiệm, tôi đã chiến thắng trước anh thợ dệt, anh thợ rèn, anh diễn viên và ngay cả anh thành viên ca đoàn nhà thờ Saint-Eustache. Công việc của tôi bắt đầu ngay lập tức và tôi nhận được 50 franc mỗi tháng .

Vậy là trong khi đợi trở thành một tác giả nhạc kịch đáng gờm, tôi hát hợp xướng trong một nhà hát hạng hai, mất mặt và bị rút phép thông công đến tận xương tủy! Tôi lấy làm kinh ngạc khi những nỗ lực của cha mẹ để lôi tôi ra khỏi vực thẳm lại thành công đến thế!

May mắn không bao giờ đến một mình. Tôi vừa giành được chiến thắng tuyệt vời này thì từ trên trời rơi xuống cho tôi hai học trò mới và tôi gặp được một đồng hương là sinh viên ngành dược tên là Antoine Charbonnel. Anh đã tới trọ ở khu Latin để theo học lớp hóa và cũng như tôi muốn hòa giọng vào bản hùng ca tằn tiện. Vừa thoáng thăm dò cảnh ngộ của nhau là chúng tôi đã cùng kêu lên gần như đồng thời, nhại theo lời nhân vật Walter trong vở Đời con bạc: “A! Cậu không có tiền! Thế thì bạn thân mến ơi, chúng ta phải liên kết lại!” . Chúng tôi thuê hai phòng nhỏ ở phố Harpe. Antoine, người đã quen thao tác với bếp lò và bình cổ cong, tự phong mình làm đầu bếp còn tôi chỉ là phụ bếp. Sáng nào chúng tôi cũng đi chợ mua thực phẩm và trong khi anh bạn ngượng chín mặt thì tôi khăng khăng cắp nách mang đồ về nhà trọ mà chẳng hề bận tâm đến việc giấu diếm trước ánh mắt người qua đường. Thậm chí một hôm giữa chúng tôi đã có cuộc tranh cãi thật sự về chuyện này. Ôi lòng tự ái của nhà hóa học!

Chúng tôi sống như những hoàng tử... những hoàng tử lưu vong với 30 franc mỗi tháng. Kể từ khi đến Paris, tôi đã chưa từng được hưởng sự sung túc như vậy. Tôi nảy ra nhiều ý thích ngông cuồng tốn kém. Tôi mua một cây piano ...  Cây piano mới kỳ quặc làm sao! Tôi trang hoàng phòng mình bằng chân dung các vị thần âm nhạc được đóng khung hẳn hoi, tôi tự tặng mình bản in thi phẩm Tình yêu của những thiên thần của Moore. 

Về phần Antoine, người khéo tay như khỉ (đó là một ví von rất dở vì loài khỉ chỉ biết phá hoại), trong thời gian rảnh rỗi đã chế tạo một loạt đồ dùng nho nhỏ dễ thương và hữu dụng. Từ các khúc củi sưởi, anh đóng cho chúng tôi mỗi người một đôi guốc gỗ rất tiện lợi. Để thay đổi sự đơn điệu trong sinh hoạt khắc khổ thường ngày, anh đã tạo ra một chiếc lưới cùng mấy con chim mồi và khi mùa xuân đến thì đem mấy thứ đó đi bắt chim cút ở cánh đồng Montrouge . Điều thú vị nhất là mặc dù tôi thường xuyên vắng mặt vào buổi tối (hôm nào nhà hát cũng biểu diễn) nhưng Antoine không hề biết rằng tôi đang bị cái họa bước lên sân khấu trong suốt quãng thời gian chúng tôi sống chung. Chẳng mấy tự hào khi chỉ là một ca sĩ hợp xướng, tôi chẳng muốn cho anh biết về vị thế khiêm tốn của mình. Trong lúc ở nhà hát tôi giả bộ như mình đi dạy đàn ở các khu xa trung tâm Paris. Lòng tự tôn của tôi cũng ngang bằng của anh! Tôi sẽ khổ sở nếu để anh bạn thấy phương cách kiếm miếng ăn lương thiện của mình, cũng như anh phẫn nộ đến đỏ mặt và đi cách xa tôi nếu lúc cùng đi trên phố tôi lại không giấu diếm miếng bánh mì mà mình kiếm được một cách lương thiện. Nói thật một cách công tâm thì sự im lặng của tôi không chỉ vì sĩ diện hão. Dù cha mẹ nghiêm khắc và bỏ mặc tôi hoàn toàn tôi vẫn không hề muốn thiên hạ làm họ đau đớn (sẽ là không kể xiết do các quan niệm cổ hủ) khi biết về bước đường tiếp theo của tôi và trong trường hợp nào thì cũng rất vô ích nếu để họ biết. Vì thế tôi sợ rằng chỉ một chút hớ hênh từ phía mình là mọi chuyện vỡ lở hết và tôi im lặng. Cũng như Antoine Charbonnel, cha mẹ tôi chỉ biết về sự nghiệp sân khấu của tôi bảy hay tám năm sau khi nó chấm dứt lúc đọc tiểu sử của tôi được đăng trên nhiều tờ báo .

(Còn nữa)

Ký hiệu ở các chú thích: 
HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.
Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

Tác giả: Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh
 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.