You are here

Hồi ký Berlioz (10)

Tác giả: 
Berlioz - Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh

(Tiếp theo)

Chương 10

Cha cắt trợ cấp của tôi – Tôi trở lại La Côte – Quan niệm tỉnh lẻ về nghệ thuật và nghệ sĩ – Sự thất vọng – Nỗi sợ của cha – Cha đồng ý để tôi quay lại Paris – Sự cuồng tín của mẹ – Lời nguyền của mẹ.

Buổi biểu diễn bản messe lần đầu tiên của tôi đã đủ thành công để những chống đối từ phía gia đình mà tôi đang phải hứng chịu tạm thời lắng lại. Nhưng một sự việc mới xảy ra lại thổi bùng chúng lên và nhân đôi sự bất bình của cha mẹ tôi.

Tôi đã ghi tên tham dự cuộc thi sáng tác âm nhạc thường niên tổ chức tại Học viện[1]. Trước khi được phép thi thố các thí sinh phải trải qua vòng sơ khảo để loại bỏ những người yếu kém nhất. Tôi là một trong những kẻ thiếu may mắn ấy. Lần này khi biết chuyện cha tôi đã thông báo rõ ràng rằng nếu tôi cứ khăng khăng ở lại Paris thì sẽ không được dựa dẫm vào ông nữa và rằng ông sẽ cắt khoản trợ cấp cho tôi. Người thầy tốt bụng của tôi đã ngay lập tức viết thư cầu khẩn ông xem xét lại quyết định, cam đoan với ông rằng mình chẳng hề hoài nghi về tương lai âm nhạc mà tôi được dự phần và rằng âm nhạc phát tiết từ khắp con người tôi. Không may là những quan niệm tôn giáo mà thầy hòa trộn trong lập luận của mình để chứng minh rằng việc chấp nhận nghề nghiệp của tôi là một bổn phận thì lại là cách thức tệ hại nhất mà thầy có thể chọn lựa trong dịp này. Lá thư phúc đáp thô bạo, tàn tệ và gần như bất lịch sự từ cha tôi cũng là để cố tình làm tổn thương tính tự ái và niềm tin sâu kín của Lesueur. Thư mở đầu thế này: “Tôi là một người không tin đạo, thưa ngài!”. Ta có thể hình dung ra phần còn lại của lá thư.

Một thoáng hi vọng đạt được sự nghiệp bằng cách tự mình biện hộ cho thiên hướng của bản thân đã khiến tôi nghĩ rằng mình nên tạm thời nhượng bộ. Và tôi trở về La Côte.

Sau khi đón tiếp tôi lạnh nhạt, cha mẹ để cho tôi vài ngày suy nghĩ và cuối cùng đành yêu cầu tôi chọn một nghề khác bởi vì tôi không muốn theo nghề y. Tôi đáp rằng mình tuyệt đối chỉ có mỗi thiên hướng âm nhạc và rằng không thể có chuyện tôi không quay lại Paris để hiến mình cho thiên hướng đó. Cha nói: “Thế thì ta phải cam đoan với con điều này, bởi vì con sẽ không bao giờ quay lại đó!”.

Từ lúc ấy tôi rơi vào một trạng thái trầm mặc gần như hoàn toàn, hỏi gì đáp nấy, không ăn không uống, lang thang cả buổi ngoài cánh đồng và trong rừng, phần ngày còn lại thì nhốt mình trong phòng. Thật thà mà nói thì tôi chẳng hề có kế hoạch nào. Những ý nghĩ xáo động nặng nề cùng sự gò bó mà tôi phải chịu dường như đã làm lu mờ hoàn toàn trí tuệ của tôi. Ngay cả nỗi tức giận của tôi cũng tiêu tan và tôi chết dần chết mòn vì thiếu không khí.

Một buổi sớm mai cha vào phòng đánh thức tôi: “Dậy đi, ông nói, mặc quần áo xong thì sang phòng cha. Cha con mình nói chuyện!”. Tôi nghe lời mà chẳng băn khoăn hỏi xem là chuyện gì. Cha có vẻ nghiêm trang và buồn bã hơn là giận dữ. Tuy nhiên khi vào phòng ông, tôi vẫn chuẩn bị tinh thần hứng chịu một cuộc công kích mới. Những lời không mong đợi này đã khiến tôi bất ngờ: “Sau nhiều đêm không ngủ, cha đã đi tới quyết định... Cha đành lòng để con học nhạc ở Paris... nhưng chỉ một thời gian thôi. Và nếu như sau những thử thách mới mà vẫn thất bại thì con phải cho cha cái quyền tuyên bố rằng cha đã làm tất cả những gì có thể theo lẽ phải và quyết định buộc con theo một con đường khác. Con biết cha nghĩ thế nào về các thi sĩ hạng hai rồi đấy. Các nghệ sĩ hạng hai của bất kỳ ngành nghệ thuật nào cũng chẳng hơn gì. Việc thấy con ở lẫn trong đám người vô tích sự ấy với cha sẽ là một nỗi buồn chí tử, một nỗi nhục nhã ê chề!”.

Cha tôi không ý thức được rằng mình đã tỏ ra khoan dung hơn đối với các bác sĩ hạng hai, những người cũng đông đảo như các nghệ sĩ tồi và không chỉ vô tích sự mà còn cực kỳ nguy hiểm. Đây là hiện tượng phổ biến ngay cả ở trong giới trí thức tinh hoa. Họ đấu tranh chống lại quan điểm của người khác bằng những lý lẽ hoàn toàn xác đáng mà không nhận ra rằng những con dao hai lưỡi đấy có thể cũng nguy hại cho chính họ.

Tôi chẳng chần chừ gì ôm lấy cổ cha mà hứa tất cả những điều ông muốn. “Còn điều này nữa, ông nói tiếp, vì quan điểm của mẹ con về vấn đề này khác cha hoàn toàn nên cha nghĩ là không nên cho mẹ con biết quyết định mới của cha, và để tránh cho chúng ta mọi cảnh tượng đau buồn, cha yêu cầu con kín miệng và đi Paris một cách bí mật”. Ngày thứ nhất tôi đã cẩn thận không để buột ra một lời nào khinh xuất; song việc chuyển từ trạng thái buồn rầu lặng lẽ và xa cách sang trạng thái vui tươi cuồng nhiệt mà tôi khó có thể che đậy lại quá lạ thường nên không thể không khiến các em gái tôi tò mò. Và em gái lớn Nanci đã quấy rầy và năn nỉ tôi cho em biết nguyên cớ khẩn khoản tới mức rốt cuộc tôi thú nhận tất tật với em, dặn dò em phải giữ bí mật. Hiển nhiên là em đã giữ bí mật giỏi y như tôi và chẳng bao lâu sau mọi người trong nhà cùng bạn bè của gia đình, rồi cuối cùng là mẹ tôi cũng đều biết cả.

Để hiểu được những gì xảy ra sau đó, cần phải biết rằng mẹ tôi ngoài những tín niệm tôn giáo thái quá còn có chung quan điểm thảm hại về mọi môn nghệ thuật liên quan xa gần đến nhà hát mà nhiều người ở Pháp vẫn giữ tới tận ngày nay. Với bà thì các nam nữ diễn viên, các ca sĩ, nhạc công, thi sĩ, nhà soạn nhạc là những sinh vật ghê tởm bị nhà thờ phạt vạ tuyệt thông và vì thế bị định trước là sẽ đọa địa ngục[2]. Về chủ đề này, một trong các dì tôi (người mà tôi mong là ngày nay vẫn còn thành thực yêu thương và quý mến tôi) với đầu óc đầy những quan niệm do mẹ tôi khai sáng một ngày kia đã cho tôi một câu trả lời gây sửng sốt. Lúc thảo luận với dì, tôi buột miệng kêu lên: “Dì yêu quý, nghe nói là dì sẽ tống cổ cả Racine nếu ông ấy là thành viên trong gia đình hả?” - “Này anh bạn... danh dự là trên hết!”. Lesueur suýt chết sặc vì cười khi sau đó, tại Paris, tôi thuật lại với thầy cái từ đặc trưng này. Cũng như chỉ có thể dùng cách thức tương tự để thăm hỏi một bà lão láng giềng lụ khụ, bất cứ khi nào tâm trạng vui vẻ thầy lại không quên hỏi han tình hình kẻ thù mới của Racine, bà dì già cả của tôi mặc dù lúc bấy giờ dì còn rất trẻ và xinh đẹp như một thiên thần.

Do vậy mẹ tôi tin rằng khi hiến thân cho sáng tác âm nhạc (mà theo ý niệm của người Pháp là việc không tồn tại bên ngoài nhà hát) tôi đã đặt chân lên một con đường dẫn đến sự tai tiếng ở thế giới này và sự đọa đày ở thế giới bên kia. Vừa nghe phong thanh về điều sắp xảy ra, cả tâm hồn bà đã trào dâng phẫn nộ. Ánh mắt giận dữ của bà tiết lộ với tôi rằng bà đã biết tất cả. Tôi nghĩ nên thận trọng lẩn tránh và giữ im lặng cho tới lúc ra đi. Nhưng chỉ vài phút sau khi tôi rút về nơi ẩn náu là bà đã đuổi kịp, mắt long lên và mỗi cử chỉ đều bộc lộ một cảm xúc lạ lùng. Bà nói mà không còn xưng hô thân mật nữa[3]:

- Cha anh đã yếu lòng mà ưng thuận cho anh quay lại Paris, ông ấy khuyến khích các dự định ngông cuồng và tội lỗi của anh! ... Còn tôi thì tôi sẽ không chịu bị sỉ nhục như vậy và tôi chính thức cấm anh đi!

- Mẹ!

- Phải, tôi phản đối. Và tôi cầu xin anh, Hector, đừng có khăng khăng điên rồ nữa. Nhìn đây, tôi quỳ dưới chân anh, tôi, mẹ của anh, tôi khúm núm van nài anh từ bỏ việc đó.

- Ôi Chúa ơi, mẹ, hãy để con nâng mẹ dậy, con không thể chịu đựng được cảnh này.

- Không, tôi cứ quỳ!

Và sau một lát im lặng bà nói tiếp:

- Con khước từ mẹ, bất hạnh thay! Con có thể thản nhiên đứng đó nhìn mẹ quỵ lụy dưới chân con! Vậy thì, hãy đi đi! Hãy đi mà lê lết trong bùn lầy Paris để hủy hoại thanh danh, giết cha giết mẹ bằng sự hổ thẹn và đau buồn! Mẹ sẽ rời khỏi nhà cho tới khi con đã ra đi. Con không còn là con trai ta nữa! Ta nguyền rủa con!

Liệu có thể tin được rằng sự cuồng tín tôn giáo cộng với sự khinh miệt tột cùng đối với các ngành nghề nghệ thuật có trong đầu óc hẹp hòi của dân tỉnh lẻ lại có thể dẫn tới một cảnh huống như thế giữa một bà mẹ vốn dịu dàng như mẹ tôi và một cậu con trai luôn kính trọng và biết ơn như tôi. Cái cảnh quá ư bạo lực, khó tin, khủng khiếp mà tôi sẽ không bao giờ quên và đã góp phần không nhỏ để tạo ra nỗi hận thù tràn đầy trong tôi đối với những luận thuyết ngu ngốc này, những di chứng từ thời trung cổ mà ngày nay vẫn còn tồn tại ở hầu hết các tỉnh của Pháp.

Thử thách nghiệt ngã không kết thúc tại đó. Mẹ tôi đã biến mất: bà đi ẩn náu tại một ngôi nhà thôn quê tên là Chuzeau mà chúng tôi có ở gần La Côte. Giờ khởi hành đến, cha muốn tôi thử một nỗ lực cuối cùng để có được lời chào tạm biệt và để mẹ sự rút lại những lời lẽ độc địa. Chúng tôi đến Chuzeau cùng hai em gái tôi. Mẹ đang đọc sách trong vườn quả, dưới tán một cái cây. Thấy chúng tôi, mẹ đứng lên bỏ chạy. Chúng tôi chờ một lúc lâu, chúng tôi đuổi theo mẹ, cha tôi gọi mẹ còn anh em tôi thì khóc; tất cả đều vô ích; và tôi đã phải đi xa mà không ôm hôn mẹ, không nhận được một lời, một cái nhìn và mang theo gánh nặng là lời nguyền của mẹ!...

(Còn nữa)


[1] Institute de France (Học viện Pháp quốc) được thành lập từ ngày 25/10/1795. Ngày nay nó gồm 5 viện hàn lâm, nhiều tổ chức và 4 thư viện trong trụ sở. Vào thời Berlioz nó là nơi tổ chức các kỳ thi giành Giải thưởng Rome.

[2] Định kiến đối với nhà hát không chỉ là thái độ của dân tỉnh lẻ. Chỉ ít năm trước khi Berlioz viết ra điều này, cha xứ nhà thờ Saint-Roch đã không cho phép chôn cất nữ diễn viên François Raucourt tại đây. Vào năm 1824 tại đám tang của nam diễn viên Philippe đã có cảnh giận dữ ở cửa nhà thờ. Hai năm sau Talma đã có được thắng lợi cuối cùng khi theo di nguyện của chính ông, quan tài ông được chuyển thẳng đến nghĩa trang Père-Lachaise và chôn cất mà không theo nghi lễ tôn giáo trước sự quấy phá dữ dội của giới tăng lữ. (DC)

[3] Bà mẹ chuyển đại từ xưng hô từ TU sang VOUS.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.