You are here

Hoạt động âm nhạc thiếu nhi: cần được định hướng đúng đắn

Tác giả: 
Nguyễn Thị Nam

Không cần phải là người trong giới âm nhạc cũng có thể nhận thấy hoạt động âm nhạc cho thiếu nhi của chúng ta hiện nay có nhiều điều bất ổn. Đã có nhiều bài báo, nhiều nhạc sĩ lên tiếng phàn nàn về nhiều chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi (bao gồm thiếu niên, nhi đồng và mẫu giáo); nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Đó là hiện tượng “sân chơi trẻ con, luật chơi người lớn” – như tít của một bài báo.

Trẻ em tham dự các cuộc thi hầu như không hát những bài của lứa tuổi mình. Chương trình “Thần tượng âm nhạc nhí” năm 2015, các em hát Ru con, Hồ trên núi, Dậy mà đi, Ôi quê tôi, (Cô Giám khảo tỉnh táo đã nói em hát bài này quá sức em và khuyên em hát bài khác - sự can thiệp cần có mà hiếm hoi của Ban Giám khảo). Năm 2016, các em hát Ngựa ô thương nhớ, Lá xanh, Thư pháp, Sông Đắkrông mùa xuân về, Bóng cây Kơ nia, Hơ Ren lên núi.

Có những bài hát đã không hợp tâm sinh lý của các em mà còn rất phản cảm. Lấy một vài ví dụ: em gái sáu, bảy tuổi quằn quại gào thét bài Trả nợ tình ( “Dốc hết tình này ta trả nợ đời. Dốc hết tình này ta trả nợ người”). Nhóm HKTM được mệnh danh là “thần đồng âm nhạc” gồm ba em từ mười một đến mười ba tuổi hào hứng và thoải mái (vì không bị ai can thiệp) hát Trả nợ tình yêu, Trái cấm tình yêu, Không say không về, Anh không yêu.

Thiếu niên bây giờ thích hát nhạc Hàn, Hoa, Anh, Mỹ ngay cả trong đời thường chứ không phải chỉ trên sân khấu. Điều này có phần ảnh hưởng của bối cảnh hội nhập và sự phổ cập ứng dụng của công nghệ thông tin (nhất là khi cũng là một cách học ngoại ngữ hữu hiệu). Nhưng để các em mải mê hát và biểu diễn các bài hát nước ngoài mà coi nhẹ, thậm chí không biết đến các bài hát Việt Nam là một sai lầm. Ảnh hưởng tự phát của văn hóa nước ngoài là điều không tránh khỏi, nhưng vấn đề chính là không có ai nom dòm đến. Nói “không có ai” thì cũng chưa hẳn đúng. Có một lực lượng chăm chú đến chuyện cho các em hát và nghe hát rất mạnh và có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là truyền hình thì tiếc thay nhiều người thực hiện các chương trình ấy thiếu trách nhiệm xã hội dù họ biết công việc của họ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của trẻ em Việt Nam. Nếu có một chút ý thức, thì những người lập chương trình, những người tuyển chọn các ứng viên, các vị Giám khảo phải loại bỏ những gì không phù hợp với lứa tuổi của các em ngay từ vòng loại. Sự tán đồng của họ là một cách khuyến khích hiện tượng lệch lạc này. Trong tham luận tại Hội thảo về âm nhạc thiếu nhi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2015, nhạc sĩ Lân Cường đã phải nói “Ngay trong chương trình Vietnam’s got Talent một sân chơi trên VTV đầu tháng 5 – 2012 đã giới thiệu nhiều tài năng ca hát nhỏ tuổi như Thanh Trúc (8 tuổi), Vũ Đình Tri Giao (9 tuổi), Trần My Anh (11 tuổi) nhưng cũng có sự lệch lạc. Ban Giám khảo phớt lờ khi các em nhỏ hát các ca khúc không phù hợp với lứa tuổi của mình. Cháu Trần Hoàng Hà với ca khúc The only ecception (Chỉ có một lần thôi) – một ca khúc về tình yêu trắc trở không hề trong sáng với lứa tuổi mười ba, nhưng BGK chỉ hết lời khen ngợi em có giọng hát trong sáng. Cháu Trần My Anh hát bài Rolling in the deep (Cuốn đi trong sâu thẳm) một ca khúc về sự tan vỡ trong tình yêu không phải dành cho cô bé mười một tuổi, BGK cũng chỉ nhận xét ca khúc quá sức với giọng hát của Trần My Anh”.

Những người làm chương trình cũng có mục đích riêng và rõ ràng của họ - đó là vì lợi nhuận. Một nhạc sĩ lão thành có nhiều bài hát thiếu nhi được yêu thích kể rằng đã có lần ông gặp Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam nói về chương trình “Đồ Rê Mí”. “Vừa rồi có một em bé hát Thị Màu lên chùa. Nó không hiểu Thị Màu là ai sao lại bắt nó hát. Tổng Biên tập đồng ý với tôi nhưng những người thực hiện không theo và nói: Đó là ý kiến của các cụ, mình vẫn có công chúng của mình”.

Có một thực tế là nhiều năm gần đây, chúng ta thiếu những sáng tác hay cho thiếu nhi. Trong quá khứ ca khúc dành cho thiếu nhi đã có nhiều bài hát hay đi vào đời sống, những bài đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng như thế chưa đủ. Yêu cầu có cái mới là mong muốn bình thường và thường xuyên, nhất là khi cuộc sống thực tại có nhiều thay đổi và cùng với điều đó là sự phát triển tâm sinh lý cùng thị hiếu âm nhạc của các em, đặc biệt là tuổi thiếu niên.

Hàng năm vẫn xuất bản những bài hát mới viết cho thiếu nhi, nhưng hiếm có bài hay và có thể đi vào đời sống. Có một vài bài được như thế thì ở khu vực nhi đồng – mẫu giáo. Sáng tác cho thiếu nhi nói chung là khó, cho tuổi thiếu niên – chưa trưởng thành nhưng muốn làm người lớn – lại càng khó hơn khi lứa tuổi này hiện nay tiếp nhận và rất nhanh chịu ảnh hưởng của các thể loại âm nhạc ngoại nhập. Vậy nên sáng tác cho các em thiếu niên phải quan tâm đến dòng nhạc mà các em yêu thích trong khi vẫn phải giữ được hồn cốt Việt.

Sự thiếu hụt bài hát hay cho thiếu nhi có nhiều nguyên nhân.

Hạn chế đầu tiên là do đãi ngộ thấp, lợi nhuận thu được bèo bọt đối với âm nhạc dành cho thiếu nhi. Trong khi viết các ca khúc “tình yêu các kiểu” chẳng cần hay cũng dễ phổ biến hơn, khả năng lợi nhuận cũng dễ dàng. Có những nhạc sĩ đã thành công và rất tâm huyết với sáng tác cho thiếu nhi nay đều đã lớn tuổi. Lớp nhạc sĩ kế cận mà có tài thì ít người chú ý đến việc viết cho các em. Cần phải có chính sách khuyến khích các ca khúc sáng tác mới dành cho thiếu nhi, từ chế độ nhuận bút đến việc hỗ trợ phát hành và phổ cập những bài hay, bài tốt. Phải chủ động đặt hàng các nhạc sĩ tài năng (sự đặt hàng này nhiều lúc đã tỏ ra có hiệu quả tích cực và thực tế), tổ chức đều đặn các trại sáng tác, các cuộc vận động, các cuộc thi viết bài hát cho thiếu nhi và có giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm thành công đi được vào đời sống.

Cần phải có một bộ phận hoặc một cơ quan chăm lo đến các hoạt động cho thiếu nhi. Tốt nhất là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội – Chi hội Âm nhạc ở các tỉnh thành nên đứng ra làm việc này. Nếu cần, Hội thành lập lại Ban Âm nhạc thiếu nhi (trước đây đã có và đã hoạt động rất hiệu quả). Bộ phận này sẽ phối hợp với Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa TT&DL, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng... Bộ Giáo dục và Đào tạo có thế mạnh khi đưa tác phẩm vào nhà trường. Bộ Văn hóa TT&DL có thể ra những quy định, chỉ đạo để loại bỏ những tiết mục, những chương trình có hại trên các sân khấu và các phương tiện truyền thông. Ủy ban Thiếu niên nhi đồng có mặt mạnh riêng lại cùng mục tiêu hoạt động vì thiếu niên nhi đồng, có thể chung tay với các tổ chức trên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng, hồi còn phục trách Ủy ban, bà Lê Thu Trà thường mời các nhạc sĩ tham gia những sự kiện do Ủy ban tổ chức, để họ thâm nhập đời sống của thiếu nhi và có thể tìm được cảm hứng sáng tác. Bây giờ lại càng nên tổ chức cho các nhạc sĩ thâm nhập đời sống thiếu nhi để hiểu hơn đời sống của các em ở thời hiện tại mà viết ca khúc. Trong thời gian vừa qua, một số tổ chức đã có những hoạt động hữu ích vì âm nhạc cho thiếu nhi (Việt Nam). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức những cuộc hội thảo về âm nhạc dành cho thiếu nhi; ví dụ Hội thảo “Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp”, và cứ hai năm một lần Bộ đứng ra tổ chức các hội diễn ca nhạc của thiếu nhi. Hội Âm nhạc Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức “Cuộc thi vận động sáng tác ca khúc cho học sinh phổ thông” chọn mười bài trong số hàng trăm bài từ khắp nước gửi về trao giải và in rồi phát cho các trường trung học tại Hà Nội.

Năm 2012, nhạc sĩ An Thuyên có sáng kiến làm chủ biên xuất bản tổng tập “Giai điệu vàng tuổi thần tiên”, công ty An Việt của ông tài trợ. Ông cùng nhóm các nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội như Lân Cường, Văn Dung, Hoàng Long, Hoàng Lân, Cao Minh Khánh thực hiện rất tâm huyết (Nhạc sĩ Phạm Tuyên được mời làm cố vấn). Tổng tập gồm 4 tập. Tập 1 là tác phẩm của các nhạc sĩ sinh từ năm 1910 đến năm 1929, tập 2 từ 1930 đến 1940... Hiện nay đã ra được những tập đầu, đang làm tập 4 và các nhạc sĩ đã nghĩ tới việc đưa các bài hát này đến các em. Nhạc sĩ Bông Mai – con gái nhạc sĩ An Thuyên – tiếp tục tài trợ cho công trình. Việc làm này góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đã có.

Tuy nhiên, những hoạt động này rất tốt, nhưng vẫn còn thưa thớt. Mà thực tại vẫn đòi hỏi có những bài hát mới sáng tác đi được vào đời sống để các em hát, và như vậy có thể làm giảm đi những ảnh hưởng không tốt của những hoạt động – những ca khúc xô bồ, láo nháo. (Trong phạm vi bài này viết về âm nhạc, chúng tôi chưa bàn đến trang phục và cách biểu diễn đã thấy của các em).

Rõ ràng, cần phải có định hướng đúng đắn cho các hoạt động âm nhạc thiếu nhi bao gồm sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có cả vai trò của gia đình.

Bây giờ mới hành động là hơi chậm. Nhưng chậm còn hơn không./.

(Nguồn: t/c Âm nhạc)

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.