You are here

HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM - từ khẩu hiệu thành giai điệu

Tác giả: 
Fan Fương
AttachmentSize
Image icon 0001.jpg130.7 KB

Cách mạng Tháng 8 thành công. Trong sự phấn khởi tột cùng của toàn dân khi giành được chính quyền, hàng chục cuộc mít tinh, cổ động, diễu hành của quần chúng, đoàn thể các ngành các giới, các lứa tuổi… thu hút hàng nghìn người liên tục được tổ chức để chào mừng thắng lợi của cách mạng. Đồng hành và góp phần không nhỏ trong không khí tưng bừng náo nhiệt của các sự kiện đó là tiếng vang hùng tráng của các dàn nhạc kèn cùng những bài hát yêu nước & cách mạng buổi ban đầu như: Cùng nhau đi hồng binh (của Đinh Nhu), Tiến quân ca (của Văn Cao), Diệt phát xít (của Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (của Đỗ Nhuận), 19 tháng 8 (của Xuân Oanh) v.v…

Lúc bấy giờ nhiều người còn hỏi nhau “cụ Hồ Chí Minh có phải là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc không?” bởi từ trước nhân dân thường chỉ truyền tai nhau Nguyễn Ái Quốc là vị lãnh tụ cách mạng huyền thoại cao siêu, là vị cứu tinh sắp đưa nước ta thoát vòng nô lệ. Cho đến ngày cụ Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, nhân dân mới dần hiểu cụ Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt khi đang đọc tuyên ngôn cụ dừng lại hỏi “tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, hàng vạn người đồng thanh đáp lại “rõ ạ !”, thì khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân không còn nữa, thay vào đó là một tình cảm gần gũi thân thiết, cũng từ đó nhân dân tin tưởng, dành tình cảm, lòng thành kính, sự ngưỡng mộ đối với lãnh tụ và tạo nguồn cảm hứng để những giai điệu đầu tiên ra đời trong các bài hát ca ngợi Người.

Thời kỳ đầu cách mạng lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thường được tôn xưng là Hồ Chủ tịch, tuy nhiên các bài hát về Hồ Chủ tịch từ những ngày đầu độc lập đến suốt cuộc kháng chiến đã dùng nhiều đại danh từ nhân xưng khác nhau như Cụ, Bác hoặc danh từ tôn xưng như Cha già dân tộc. Điều này liên quan đến hoàn cảnh xã hội, phong tục tập quán của cả Việt Nam và thế giới.

Trước cách mạng tháng 8, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, xã hội Việt Nam là một bức tranh ảm đạm, với 90% dân số là nông dân, nông thôn Việt Nam bị cai trị bởi lũ cường hào, ác bá, lý dịch đại diện cho chính quyền, với sự thâu tóm ruộng đất của bọn địa chủ, phần lớn nông dân không một thước đất cắm dùi phải đi ở hoặc làm thuê cho địa chủ, tình cảnh vô cùng đói khổ & cùng cực của người nông dân cũng như bộ mặt nông thôn xơ xác tiêu điều đã được đặc tả trong nhiều tác phẩm văn chương hiện thực thời bấy giờ, không hiếm hoàn cảnh người nông dân như chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Ở thành thị, trừ một số công chức chính quyền và nhà buôn, còn đại đa số là dân nghèo kiếm sống bằng đủ loại nghề: buôn thúng bán mẹt, cu li xe hoặc những nghề khốn khổ nhất, từ đó phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, bộ mặt thành thị trừ những phố Tây, còn lại dân nghèo phải ở trong những khu ổ chuột không điện, không nước sạch, vô cùng lộn xộn, nhếch nhác và bệnh tật. Công nhân trong các nhà máy hầm mỏ bị bóc lột thậm tệ, làm 10 giờ một ngày với đồng lương chết đói, các cuộc biểu tình đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm đều bị đàn áp tù đày. Hơn thế nữa, với chính sách đàn áp tàn bạo & bóc lột triệt để, bọn thống trị còn đặt ra hàng trăm thứ thuế quàng vào cổ người dân như trong bài Đồng tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân) của cụ Phan Bội Châu mà từ thời trước 1970, học sinh lớp 7 (lớp 9 ngày nay) đều phải học thuộc lòng:

Các thức thuế các làng thêm mãi,
Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
Thuế chó cũi, thuế lợn bò,
Thuế diêm, thuế rượu, thuế đò, thuế xe.
Thuế các chợ, thuế chè, thuế thuốc,
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thõa,
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kỳ.
Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xia kia mới thật lạ lùng,
Làm cho thập thất cửu không,
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.

Ghi chú:

- Thuế con hát đàn: đánh vào các gánh hát và tài tử, diễn viên.

- Thuế đàn đĩ thõa: đánh vào nhà thổ, mại dâm

- Lưỡng kỳ : Bắc kỳ và Trung kỳ

-Thuế xia (Chier: tiếng Pháp nghĩa là phân người) đánh vào những người làm nghề đổ thùng - dọn phân người trong các thành thị.

- Thập thất cửu không: 10 mất, 9 không (thành ngữ ý nói mất hết không còn gì). 

Tranh châm biếm trên báo Diễn đàn Đông Dương ngày 5/11/1926 vẽ một tên thực dân bảnh bao thẳng lưng giơ tờ lệnh đốc thuế trước mặt người dân bản xứ áo the khăn xếp đi chân đất đang còng lưng cõng một bao tải thuế & thuế (tiếng Pháp impôts & taxes đều có nghĩa là thuế).

Toàn bộ chính sách cai trị & bóc lột của thực dân phong kiến khiến đại đa số nhân dân Việt Nam sống trong tình trạng một cổ hai tròng, bần cùng hóa & kiệt quệ, ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 45 tuổi. Do vòng đời ngắn ngủi nên từ bắc miền Trung trở ra hình thành phong tục tảo hôn và khao lão - nhiều cặp trai gái từ 13 tuổi trở lên đã thành hôn, phụ nữ 18 tuổi đã 2, 3 con, 35 tuổi đã thành bà nội bà ngoại. Các suất đinh (đàn ông) cứ 50 tuổi ta (49 tuổi dương lịch) là tổ chức lễ lên lão (hoặc khao lão): làm vài mâm cỗ cúng thần thánh gia tiên rồi mời bà con thân thuộc đến ăn khao, từ sau hôm đó các vị đã khao lão đi ra đường đều được mọi người chào bằng Cụ. Phong tục ấy đã ăn sâu vào đời sống xã hội, khi cách mạng mới thành công, các vị thành viên chính phủ hoặc quan chức cao cấp trên 50 tuổi đều được gọi bằng Cụ một cách tôn kính như phong tục vốn có: cụ Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe v.v…

Còn theo tập quán quốc tế, trong lĩnh vực khoa học, những nhà khoa học phát minh ra một lý thuyết, một định luật hoặc một công nghệ cải tạo được cả thế giới thì đều được gọi một cách tôn kính là Cha đẻ, ví dụ ông Archimedes được tôn xưng là Cha đẻ của những con số, ông Isaac Newton được tôn xưng là Cha đẻ của định luật vạn vật hấp dẫn ông Albert Einstein được tôn xưng là Cha đẻ của thuyết tương đối v.v... Trong lĩnh vực chính trị, các nhà cách mạng, chính trị gia làm chuyển hóa cả một thể chế, một xã hội, hoặc giành được độc lập cho tổ quốc cũng đều được tôn xưng là Cha già hoặc Người cha, ví dụ: Ông Mahatma Gandhi  (1869- 1948) chống thực dân Anh, giành độc lập cho Ấn Độ nên được nhân dân Ấn Độ tôn xưng là Thánh Gandhi - Cha già của nhân dân Ấn Độ. Ông Sheikh Mujibur Rahman (1920 - 1975) được nhân dân Bangladesh tôn xưng là Người cha của nhân dân Bangladesh. Ông Lý Quang Diệu được tôn xưng là Người cha lập quốc Singapore v.v…Sau khi đọc tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch được nhân dân Việt Nam tôn xưng là Cha già dân tộc.

Trung thu năm Ất Dậu (20/9/1945) Hồ Chủ tịch mời các cháu thiếu nhi đến Dinh Độc lập (nay là Phủ Chủ tịch) để vui tết trung thu. Các cháu thiếu nhi miền Nam vì hoàn cảnh xa xôi không đến được nên đã viết thư cho Hồ Chủ tịch với cách gọi đặc sắc của miền Nam: Kính thưa Bác Hồ, đây cũng là lần đầu tiên đại danh từ Bác được dùng. Hồ Chủ tịch cũng rất thích đại danh từ này bởi nó vừa gần gũi vừa thân thương như trong một gia đình, từ đó xưng hô với cấp dưới Hồ Chủ tịch xưng là Bác và các chú, với thanh thiếu nhi Hồ Chủ tịch xưng là Bác và các cháu, với đông đảo quần chúng mọi lứa tuổi thì Hồ Chủ tịch xưng là Bác và đồng bào. Đại danh từ Bác được dùng phổ biến cho đến ngày nay.

NS Lưu Bách Thụ

Tháng 10 năm 1945, NS Lưu Bách Thụ (lúc đó 31 tuổi) đã viết bài Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh, cuối năm 1945 bài này đã được hát đồng ca lần đầu tại rạp Sán Nhiên Đài, phố Đào Duy Từ Hà Nội trong Hội nghị tổng kết của công an Đồn Hàng Trống về bảo vệ an ninh trật tự những ngày đầu cách mạng. Sau đó được biểu diễn tại Nhà hát lớn trong Hội nghị UBND Hà Nội gặp gỡ những người có công với cách mạng. Sau khi xuất bản ngày 11/1/1946 với bút danh Thụ Trang, NS Lưu Bách Thụ trình và xin phép Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu chuyển bài hát lên kính biếu Hồ Chủ tịch.

Ngày 30/1/1946 Hồ Chủ tịch đã ký tặng vào góc trên bên trái bản nhạc gửi lại cho tác giả và qua ông Bộ trưởng Trần Huy Liệu gửi những lời căn dặn động viên đến tác giả cùng giới nhạc sĩ cần viết nhiều bài hát hay phục vụ nhân dân & cách mạng. Đối với tác giả đây là một vinh dự to lớn, NS Lưu Bách Thụ đã cuộn bản nhạc có chữ ký của Hồ Chủ tịch như một báu vật cho vào ống nứa gắn kín lại và mang theo bên mình suốt 9 năm kháng chiến. Khi về tiếp quản thủ đô 10/1954, bài hát mới được sửa cả nhạc và lời như ngày nay.

Ngày 6/1/1946 Hà Nội bình minh sớm hơn mọi ngày, toàn thành phố rộn ràng như ngày hội bởi hôm đó là ngày bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Khắp nơi trống dong cờ mở hát hò cổ động, loa gọi nhắc nhở đôn đốc động viên đồng bào đi bầu cử. Cũng như những người dân Hà Nội, NS Minh Tâm (21 tuổi) vui mừng thực hiện nghĩa vụ công dân của nước Việt Nam mới, ông đã đi bầu ở điểm bầu cử là trụ sở Hội Trí Tri - cũng là nơi ông đang dạy học (nay là trường Nguyễn Văn Tố - 47 phố Hàng Quạt Hà Nội). Sau khi bỏ phiếu, trên đường về ông đã choáng ngợp hòa vào dòng người trong một không khí hào hùng khôn tả, với những đoàn diễu hành đi theo tiếng trống ếch thiếu nhi rộn rã, đâu đâu cũng nghe câu khẩu hiệu vang rền Hồ Chí Minh muôn năm… Hồ Chí Minh muôn năm. Câu khẩu hiệu đó hiện lên rõ rệt trong tâm trí và cảm xúc của Minh Tâm như giai điệu một bài ca. Ông vội về nhà ngồi trước đàn piano dạo lại giai điệu nóng hổi ấy. Suốt một ngày đêm ông đã hoàn thành bài hát ca ngợi Hồ Chủ tịch, đặt tên bài hát đúng như câu khẩu hiệu đầy giai điệu: Hồ Chí Minh muôn năm. Để cùng hoàn chỉnh lời ca, NS Minh Tâm nhờ người bạn thân rất yêu âm nhạc là ông Phạm Văn Xung (xuất thân là nhà giáo dạy môn Vạn vật trường trung học, sau làm tham tá lục sự tòa án Hà Nội, trưởng đoàn Hướng đạo sinh Hồng Bàng, Hội viên Hội khuyến học Việt Nam). Sau đó đưa trình Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu. Ông Liệu đồng ý và yêu cầu cho tập sớm để kịp phục vụ lễ chào mừng các đại biểu quốc hội mới của Hà Nội. Bài hát được nhanh chóng in ra từ bản khắc gỗ của họa sĩ tài hoa Mạnh Quỳnh. 

NS Minh Tâm

 

Tiếp theo là những ngày Minh Tâm cùng dàn nhạc kèn Vệ quốc đoàn (do NS Đinh Ngọc Liên chỉ huy) tập cho một số đội thiếu nhi và đoàn thể quần chúng hát thuộc bài này.

1 giờ chiều ngày 12/1/1946 trên sân cỏ rộng mênh mông của khu Đông Dương học xá (nay là diện tích cả phường Bách khoa và trường Đại học Bách khoa Hà Nội gộp lại) hơn 3 vạn quần chúng đã đội ngũ chỉnh tề để dự lễ mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng 6 đại biểu quốc hội khóa 1 của Hà Nội vừa trúng cử gồm các vị:

1. Hồ Chí Minh                        4. Trần Duy Hưng

2. Hoàng Văn Đức                  5. Nguyễn Văn Luyện

3. Vũ Đình Hòe                        6. Nguyễn Thị Thục Viên

Trước khi khai mạc, NS Minh Tâm và dàn kèn Vệ quốc đoàn đã tập hát nửa giờ cho các đoàn quần chúng. 2 giờ chiều, từ xa vòng ngoài đã nghe vang dội tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”, biết là Hồ Chủ tịch và đoàn đại biểu đã đến, hai NS Đinh Ngọc Liên và Minh Tâm đã chỉ huy dàn nhạc và dàn đồng ca - hát vang nhiều lần bài Hồ Chí Minh muôn năm rất thành công, Hồ Chủ tịch rất hài lòng. Sau khi Hồ Chủ tịch an tọa trên lễ đài, Người gọi Minh Tâm đến, vì hết chỗ nên Người cho phép Minh Tâm ngồi ngay bậc dưới chân Người và rút thuốc lá mời vị lão thành ngồi cạnh một điếu và cho Minh Tâm một điếu để tỏ lòng khen ngợi, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Minh Tâm. Từ đó trong các buổi mít tinh long trọng, bài hát này luôn được cử nhạc kèn sau quốc ca, đến năm 1948 mới thay bằng bài Lãnh tụ ca của Lưu Hữu Phước & Nguyễn Đình Thi. 19/5/1950 trong dịp kỷ niệm lục tuần đại khánh của Hồ Chủ tịch (mừng thọ Hồ Chủ tịch 60 tuổi) tại ATK có Hồ Chủ tịch tham dự, Đội thiếu nhi nghệ thuật của NS Lưu Hữu Phước đã hát bài này rất hay được Hồ Chủ tịch khen ngợi và chia kẹo. Các nhân chứng sống của Đội như các NS Nguyễn Ngọc Oánh, Vĩnh Cát, Vĩnh Long đã kể lại vô cùng hào hứng. Đến nay những cán bộ kháng chiến, sĩ quan và chiến sĩ quân đội nhân dân từ 75 tuổi trở lên nhiều người còn nhớ và thuộc bài này.

NS Nguyễn Văn Khánh 

Trước nay khi nhắc đến NS Nguyễn Văn Khánh, người ta chỉ nhớ đến 2 bài lãng mạn của ông đó là bài Nỗi lòng và bài Chiều vàng, ít ai biết rằng bằng nghệ thuật tài hoa trên cây đàn ghita, 26 tuổi ông đã sáng tác bài Nước Việt Nam có cụ Hồ Chí Minh và cho xuất bản tại Hà Nội ngày 22/1/1946.

Bài này cũng được trình diễn nhiều lần tại các cuộc hội nghị hoặc sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng.

Trong số thư của các cháu thiếu nhi ở các vùng xa gửi cho Hồ Chủ tịch dịp tết trung thu 1945, chính Phong Nhã là người đầu tiên đọc được trên bì thư của các cháu thiếu nhi miền Nam đề là kính thưa Bác Hồ, Phong Nhã hết sức tâm đắc với đại danh từ Bác, anh đã ấp ủ một đề tài để sáng tác bài hát nói lên tình cảm của thiếu nhi với Bác Hồ.

NS Phong Nhã

Cuối năm 1945 tại Ấu Trĩ Viên (nay là CLB thiếu niên Hà Nội) có một cuộc họp sinh hoạt của Đội thiếu niên tiền phong, lúc đó Phong Nhã 21 tuổi đang là Tổng phụ trách Nhi đồng cứu quốc Hà Nội, trong cuộc họp anh Tổng phụ trách đưa một đề dẫn để các em thiếu nhi thảo luận đó là “Bác Hồ yêu ai nhất và Ai yêu Bác Hồ nhất”?

Sau khi thảo luận sôi nổi, tất cả các em đều thống nhất ý kiến là Bác Hồ yêu thiếu nhi nhất và Thiếu nhi yêu Bác Hồ nhất. Ý tưởng đó hiện rõ trong tâm tư người Tổng phụ trách để tháng 4/1946 Phong Nhã hoàn thành bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng.

(bút tích của tác giả)

Bài này được ráo riết tập luyện để đúng sinh nhật Bác, các cháu đã lần đầu tiên biểu diễn cho Bác, Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng và các vị lãnh đạo khác xem, được Bác khen ngợi. Sau năm 1954, để diện phục vụ rộng hơn và thống nhất một số từ với nguyên bản, bài hát được đổi tên là Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.

Như vậy từ tháng 10/1945 đến tháng 5/1946 chỉ có 4 bài ca ngợi Hồ Chủ tịch, đó cũng là 4 bài hát đầu tiên viết về Người.

Do tình hình khẩn trương và ác liệt thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc từ 19/12/1946 đến hết năm 1947, nên từ năm 1948 mới lại có những bài hát mới về đề tài ca ngợi Hồ Chủ tịch. Chỉ kể từ 1948 đến 1954 trước ngày quân ta về tiếp quản thủ đô, có những bài sau:

1. Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1948)  nhạc Lưu Hữu Phước, lời Lưu Hữu Phước + Nguyễn Đình Thi (Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi, toàn Việt Nam đón chào ngày mới…) sau quen gọi là Lãnh tụ ca.

2. Việt Nam mình có cụ Hồ Chí Minh (1948)  nhạc và lời Vân Đông (Trên trời có ánh thái dương, Việt Nam mình có cụ Hồ Chí Minh…).

3. Cha về là chiến thắng (1948)  nhạc và lời Vũ Thế Khanh (Hồ Chí Minh cha chúng ta về một ngày thu muôn ánh sao bay rợp thành đô…)

4. Bé yêu Già Hồ (1948)  nhạc và lời Đỗ Nhuận (Em đây em bé tí tẹo tèo teo, bé muốn Già Hồ bế bé bé yêu…)

5. Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (1949) nhạc và lời Văn Cao (Người về đem tới ngày vui, mùa thu nắng cỏ Ba Đình, với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời.)

6. Mong Bác Hồ vào Nam (1949)  nhạc Hoàng Việt, lời Hoàng Việt + Minh Trị (Mong Bác Hồ vào liền xứ Nam chơi cho thỏa lòng đồng bào ước mơ…)

7. Hồ Chí Minh vinh quang (1949)  nhạc và lời Văn Đức (Toàn dân Việt Nam hằng nhớ người Cha, soi sáng con đường tranh đấu…)

8. Kính dâng Cha già (1950)  nhạc và lời Mai Khanh (Ánh bình minh bừng lên, trời Nam trong sáng Cha về trong nắng vui tươi…)

9. Bài ca Hồ Chí Minh (1950)  nhạc và lời Phạm Văn Chừng (Việt Nam cách mạng một mùa thu, toàn dân có đấng cứu tinh dìu vùng lên phá gông tù…).

10. Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1951)  nhạc và lời Đỗ Nhuận (Vừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ, Hồ Chí Minh thân yêu của dân…).

11. Nhớ ơn Hồ Chí Minh (1952)  nhạc và lời Tô Vũ (Hồ Chí Minh suốt đời vì nhân dân đấu tranh, Người xót xa đời đau thương dân nghèo không áo cơm…).

12. Nhớ ơn Hồ Chủ tịch (1952)  nhạc và lời Phan Huỳnh Điểu (Một mùa xuân reo vui trong lòng chúng ta tưng bừng…).

13. Áo Bác Hồ (1952)  nhạc Nguyễn Văn Thưởng, lời Nguyễn Mạnh Thường (Tỏ lòng kính mến Cha già của chúng ta, chiếc áo từ hậu phương mang lên dâng tới Người…).

14. Lá cờ thi đua (1953)  nhạc Trịnh Thọ lời Đỗ Nhuận (Phấp phới tung bay lá cờ thi đua, từng đoàn chiến sĩ cố công diệt thù…)

15. Đón ảnh Bác Hồ (1953)  nhạc và lời Văn Ký (A kìa Bác Hồ, Bác Hồ người thương dân cày, bao lâu rồi nhà ta mong chờ Người về đây mà xem xóm làng đổi mới…).

16. Đêm nay Bác không ngủ (1954)  nhạc và lời Văn Thắng (Trước ngọn đèn giữa rừng Việt Bắc, đêm nay Bác luôn nở nụ cười chiến thắng…).

Đến nay có tới nghìn bài hát và các thể loại âm nhạc khác viết về đề tài Hồ Chủ tịch với nội dung ngày càng hay và sâu sắc hơn, hình thức và thể loại ngày càng phong phú quy mô hơn nhưng chúng ta không thể quên 4 bài hát đầu tiên ca ngợi Hồ Chủ tịch - những bài hát hơn 70 năm trước-với giai điệu trong sáng, cấu trúc giản dị, lời ca chân thật mộc mạc thể hiện sự chân tình của tác giả - cũng là tình cảm của toàn dân đối với Hồ Chủ tịch, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, học tập đạo đức lối sống của vị lãnh tụ vĩ đại. Vì thế 4 bài hát đó mang ý nghĩa lịch sử trong nền âm nhạc cách mạng.

Tuy nhiên, cũng như con người, bài hát nào cũng có số phận của nó. Có thể cùng một đề tài, đã từng được phổ biến như bài Du kích ca của Đỗ Nhuận thì sống mãi với thời gian, còn bài Du kích quân của Nguyễn Đình Thi, cả một thời kháng chiến được phổ biến rộng rãi ở đồng bằng Bắc bộ thì đến nay kể cả trong các ngày truyền thống của quân đội (từ du kích mà lên) cũng không thấy nhắc tới nữa. Đó cũng là trường hợp bài Hồ Chí Minh muôn năm của Minh Tâm và Nước Việt Nam có cụ Hồ Chí Minh của Nguyễn Văn Khánh - 2 trong 4 bài đầu tiên ca ngợi Hồ Chủ tịch - nay đã bị lãng quên./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.