You are here

Haydn: Concerto trumpet

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Tác giả: Joseph Haydn.
Tác phẩm: Concerto trumpet giọng Mi giáng trưởng, Hob. VIIe/1
Thời gian sáng tác: Năm 1796.
Công diễn lần đầu: Anton Weidinger biểu diễn tại Burgtheater, Vienna vào ngày 28/3/1800.
Độ dài: Khoảng 15 phút.
Đề tặng: Haydn đề tặng tác phẩm cho người bạn lâu năm của mình, nghệ sĩ trumpet Anton Weidinger.

Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro
Chương II – Andante
Chương III – Allegro (Rondo)

Thành phần dàn nhạc: Trumpet độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet (trumpet tự nhiên), timpani và dàn dây.

Đối với người từng là một trong những nhà soạn nhạc đáng kính trọng nhất thế kỷ 18 và 19, số lượng các tác phẩm dành cho nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc của Haydn lại ít một cách đáng ngạc nhiên. Với 104 giao hưởng, 68 tứ tấu đàn dây và 47 piano sonata, danh mục sáng tác của ông chỉ có 17 concerto, hầu hết trong số đó đã bị thất lạc. Nhiều tác phẩm chỉ được viết cho một buổi hoà nhạc duy nhất rồi sau đó bị gạt sang một bên, không còn ai quan tâm đến tương lai của nó nữa. Trong số những gì còn sót lại, bản concerto trumpet giọng Mi giáng trưởng có lẽ là bản nhạc được biết đến nhiều nhất.

Sự thiếu vắng các bản concerto của Haydn không phải vì ông không có khả năng sáng tác mà phần nhiều đến từ tính cách và sở thích cá nhân. Ông (không như Mozart) không phải là nghệ sĩ biểu diễn (trên thực tế ông là một người chơi piano và violin tài năng). Rất ít tác phẩm của ông có tính phô trương mặc dù thật nghịch lý rằng nhiều bản nhạc của ông khó chơi hơn âm thanh của chúng. Trong trường hợp này chính là concerto trumpet của ông – thực sự là một thách thức vô cùng lớn đối với những cây trumpet vào thời của Haydn.

Thế kỷ 18, trumpet là nhạc cụ với một ống đồng được cuộn lại, dài khoảng 8 feet (khoảng 2,4m, gấp đôi trumpet tiêu chuẩn ngày nay), được chơi bằng cách thổi vào từ một đầu và âm thanh sẽ phát ra từ đầu kia, không có van ở giữa để điều chỉnh. Nó có thể tạo ra âm thanh “tự nhiên” trong chuỗi âm bồi, có các quãng lớn ở âm vực thấp và nhỏ hơn ở âm vực cao vì vậy nó có thể chơi các thang âm thay vì chỉ những câu kèn lệnh bằng cách chuyên tâm vào những nốt cao. Người chơi có thể tạo ra những âm thanh ở giọng khác bằng cách tháo chốt thay một ống có độ dài khác nhưng vì cần thời gian để làm như vậy nên hầu như nguyên tắc sáng tác là chỉ áp dụng một giọng trong toàn bộ chương nhạc (ngày nay trumpet có van điều khiển với 3 ống cố định có thể điều khiển không khí chạy qua một hoặc nhiều hơn những ống này, giúp người chơi lựa chọn 7 độ dài khác nhau và qua đó chơi toàn bộ các nốt trong âm vực). Cuối thế kỷ 18, đã có nhiều nỗ lực nhằm cải tiến nhạc cụ này, trong đó có nghệ sĩ trumpet nổi tiếng thời bấy giờ Anton Weidinger. Một loại trumpet mới ra đời, được gọi trumpet có phím (keyed trumpet). So với loại trumpet trước đây, thay đổi lớn nhất là sự thêm vào phím có chức năng đóng mở những lỗ trên ống, qua đó khiến nó có thể chơi được toàn bộ các nốt bán cung trong toàn bộ âm vực (cũng được mở rộng gấp đôi so với trước đây). Hào hứng với cây trumpet được cách tân này, Weidinger đã tới gặp người bạn thân của mình, Haydn và nhờ ông sáng tác một concerto cho mình. Nhiệt tình đáp ứng, chỉ vài tháng, Haydn đã hoàn thành bản concerto cho trumpet đầu tiên và cũng là duy nhất này.

Trên thực tế, phải sau 4 năm Weidinger mới công diễn ra mắt tác phẩm này. Lý do cụ thể không được tiết lộ nhưng nhiều khả năng Weidinger cần thời gian để nắm vững kỹ năng sử dụng loại trumpet mới này. Trong tác phẩm, Haydn đã tận dụng tối đa ưu thế của loại nhạc cụ mới, sẽ không thể chơi bản concerto này trên loại trumpet cũ. Chương I đặc biệt phô trương và chói sáng một cách bất thường. Chương II giàu chất trữ tình với một giai điệu quý phái tương tự như trong oratorio The Creation mà Haydn bắt đầu sáng tác cùng năm với bản concerto này. Chương cuối hân hoan cho thấy rằng Haydn chưa bao giờ quên ý tưởng hạ màn theo phong cách tuyệt đẹp cho một tác phẩm độc tấu.

Chương I cho thấy Haydn khoái trá với nhạc cụ mới này như một đứa trẻ vui đùa với món đồ chơi của mình vậy. Ông tinh nghịch để trumpet tham gia cùng dàn nhạc với vài nốt nhạc trong phần mở đầu, tất cả đều có thể chơi trên trumpet loại cũ (được gọi là trumpet tự nhiên). Chỉ đến khi vào phần độc tấu, trumpet có phím mới thể hiện sự vượt trội của mình, chơi những nốt nhạc mà không thể có trên trumpet tự nhiên, đặc biệt khi xuất hiện chủ đề 2 ở giọng Đô thứ liên quan. Kể từ đó, trumpet hát, nhảy múa với những âm giai nửa cung thỉnh thoảng lại đóng vai nhân vật phô trương với những câu nhạc khoe kỹ thuật của người biểu diễn, dường như Haydn muốn nhắc nhở mọi người rằng cái nhạc cụ mới này vẫn là trumpet. Chương nhạc được viết theo hình thức sonata, trumpet mở rộng chủ đề đầu tiên và tham gia đối thoại với dàn nhạc trong phần phát triển, nhưng nghệ sĩ độc tấu vẫn đóng vai chính. Phần tái hiện lặp lại chủ đề chính một lần nữa do trumpet thể hiện dẫn đến một cadenza. Dàn nhạc trở lại và kết thúc chương nhạc.

Trong chương II hoàn toàn không có chỗ cho sự phô trương và những câu chuyện đùa vui. Một giai điệu nhẹ nhàng có thể hát lên được (cantabile). Chương nhạc cũng có cấu trúc 3 đoạn (ABA) giống như một bài hát. Dòng chảy giai điệu trữ tình có thể quen thuộc với chúng ta ngày nay, nhưng vào thời điểm đó, điều này gần như là không thể khi khán giả đôi chỗ chứng kiến trumpet trở thành phần đệm cho dàn nhạc.

Chương III là một rondo tràn đầy năng lượng. Trumpet chơi các nốt lặp đi lặp lại một cách nhanh chóng, các nốt láy cũng như những hình tượng âm nhạc lấp lánh khác được thể hiện như nhằm chứng tỏ sự vượt trội của nhạc cụ mới, sự linh hoạt hoàn toàn có thể sánh với bất cứ loại kèn gỗ nào. Toàn bộ âm vực của nhạc cụ được khai thác tối đa nhằm đem lại hiệu quả cho chương nhạc này.

Dù rằng có được những ưu thế nhất định so với trumpet tự nhiên nhưng trumpet có phím không phải không có nhược điểm. Ngoài việc khó biểu diễn thành thạo hơn nhiều thì đó chính là âm sắc của nhạc cụ mới, nó không có được âm thanh rực rỡ của trumpet mà gần với oboe hoặc clarinet hơn. Trumpet có phím chỉ thực sự tồn tại được vài chục năm. Tới những năm 1830, trumpet có van xuất hiện và chính thức khiến trumpet có phím biến mất trong đời sống âm nhạc. Số phận bản Concerto trumpet của Haydn thì may mắn hơn nhiều. Mặc dù sau buổi biểu diễn ra mắt tại Vienna vào ngày 28/3/1800 (vốn cũng rất trống vắng và được đón nhận thờ ơ), tác phẩm gần như bị lãng quên và chỉ được xuất bản vào năm 1931. Tuy nhiên, ngày nay Concerto trumpet của Haydn đã đứng vững qua thử thách thời gian, trở nên một tác phẩm quen thuộc, thường xuyên được biểu diễn và nằm trong danh mục bắt buộc của bất kỳ nghệ sĩ trumpet cổ điển nào trên thế giới.

Haydn: Trumpet Concerto / Tarkövi · Minkowski · Karajan-Academy of the Berliner Philharmoniker:

https://www.youtube.com/watch?v=NHjgSiTBddM&ab_channel=Karajan-Akademied...

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.