You are here

Hai khúc ca tưởng niệm hay nhất Việt Nam

Tác giả: 
Fan Fương

Suốt chiều dài 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, kể từ anh Hoàng Văn Nhủng - người liệt sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong trận Đồng Mu (phía đông huyện Bảo Lạc - Cao Bằng) ngày 5/2/1945 cho đến năm 1989, hàng vạn anh hùng dũng sĩ đã bỏ mình vì nước, trong đó giới nhạc sĩ cũng có nhiều người hy sinh như:

- Nhạc sĩ La Hối năm 1945 bị phát xít Nhật xử chém ở chân núi Phước Tượng - Đà Nẵng.

- Nhạc sĩ Bằng Cao hy sinh ở biên giới Cao Lạng.

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nguyễn hy sinh khi làm nhiệm vụ.

- Nhạc sĩ Lê Trần hy sinh trong khi đang thổi kèn thúc quân xung phong.

- Nhạc sĩ Lê Đình Luân (con bác sĩ Lê Đình Thám) hy sinh tại mặt trận Quảng Nam.

- Nhạc sĩ Nguyễn Khoa Châu (chú ruột nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi ông đang vượt sông Thạch Hãn.

- Nhạc sĩ Trần Đình Thiêm bị bom Pháp vùi trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, tay còn cầm chặt chiếc kèn clarinet.

- Ba nhạc sĩ Nguyễn Văn Diện, Nguyễn Văn Thất, Nguyễn Văn Vây hy sinh khi làm nhiệm vụ.

- Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca hy sinh ở chiến trường Rạch Giá.

- Nhạc sĩ Lê Văn Hạnh hy sinh trong chiến dịch Điện Biên.

- Các nhạc sĩ đội nhạc kèn đã qua đời trong giai đoạn đang mang hết nhiệt tình phục vụ kháng chiến như nhạc trưởng Phạm Văn Minh, các nhạc sĩ: Nguyễn An, Nguyễn Vi, Hải Châu, Hoàng Quế, Đặng Sáng.

- Các nhạc sĩ Hoàng Việt, Vĩnh Bảo đã hy sinh tại miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

- Đau thương nhất là vụ Đội văn công Trung đoàn 148 Quân khu Việt Bắc (Đội văn công Lao Hà Yên) bị phỉ tàn sát. Chiều 15/5/1952 Đội văn công hành quân đến bản Nàn Mạ (phía tây huyện Xín Mần - Hà Giang) thì đêm đó bị phỉ tập kích sát hại ngay 7 người (6 nam + 1 nữ) trong đó có nhạc sĩ Bùi Như Yên (em ruột nhà thơ Hoàng Cầm), nghệ sĩ Nguyễn Thị Hảo và 5 diễn viên. Bọn phỉ lùng sục bắt thêm được 4 diễn viên khác là các anh: Dương Bách Niên, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Chương, Nguyễn Quang Đạo. Sáng hôm sau bọn phỉ bắt 4 người đứng hàng ngang để tuyên thệ đầu hàng theo chúng, nhưng các anh đã kiên quyết chống cự và sau loạt đạn của bọn phỉ, các anh đã anh dũng hy sinh. Như vậy cả đội văn công Lao Hà Yên 12 người thì chỉ 1 người chạy thoát.

 Chiến tranh càng ác liệt, số thương vong càng nhiều. Với sự xúc động mãnh liệt và niềm tiếc thương vô hạn, trước và trong kháng chiến chống Pháp, các nhạc sĩ Việt Nam đã có những tác phẩm tôn vinh thương binh liệt sĩ, trong đó có một số bài thích hợp cho các buổi lễ truy điệu như: Chiêu hồn tử sĩ của Đỗ Nhuận, trích đoạn đầu của bài  Kinh cầu nguyện, trích đoạn cuối bài Hát Giang trường hận của Lưu Hữu Phước, bài Hồn chiến sĩ  nhạc của Tô Thanh lời của Lan, bài Vì nước hiến thân của Hải Linh (nhạc sĩ công giáo, tác giả bài Hang BêLem nổi tiếng).


Xuất bản ngày 2/3/1943 ở Hà Nội và 28/5/1943 ở Sài Gòn.


Xuất bản ngày 27/10/1945 ở Hà Nội

      


Xuất bản ngày 12/11/1945 ở Hà Nội

5 bài tiêu biểu này đều viết theo giọng thứ, được sử dụng trong các buổi lễ tưởng niệm, truy điệu các cá nhân hoặc tập thể liệt sĩ. Hình thức tấu nhạc hoặc hát là tùy hoàn cảnh địa phương và mặt trận, có thể tấu bằng dàn nhạc kèn (trong đó có cả dàn kèn của các vùng công giáo) hoặc dàn nhạc tự nguyện của quần chúng với các nhạc cụ sẵn có, không có nhạc cụ thì hát đồng ca, những cuộc truy điệu lớn thì đã có 2 dàn nhạc kèn chuyên nghiệp: Dàn nhạc kèn Vệ quốc đoàn do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy, Dàn nhạc kèn Trung Bộ do nhạc trưởng Phạm Văn Minh chỉ huy (đây là 2 dàn nhạc kèn của quân đội Pháp, sau cách mạng tháng tám đã theo về với cách mạng). Trong hoàn cảnh kháng chiến, tuy chưa có sự thống nhất chọn bài nhạc nào nhưng tất cả các buổi lễ truy điệu đều hết sức trang nghiêm long trọng, thể hiện sự xót thương và suy tôn các liệt sĩ anh hùng.

Từ sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chỉ còn dùng 2 bài Chiêu hồn tử sĩ Hồn tử sĩ.

1- Chiêu hồn tử sĩ:

Năm 1943 nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc đó 21 tuổi, bị địch bắt trong vụ treo cờ đỏ sao vàng ở huyện lỵ Kim Thành, tỉnh Hải Dương, sau đó anh bị giam ở Sở Mật thám Hải Dương rồi bị đày đi nhà tù Sơn La. Lúc đó nhà tù Sơn La cũng là nơi đang giam cầm ông Tô Hiệu - một cán bộ lãnh đạo của Đảng. Những ngày đầu trong xà lim, anh Đỗ Nhuận thường ngâm bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ cho các bạn tù cùng nghe, với nỗi uất hận sục sôi vì thấy mình cùng những bạn tù cách mạng như những con hổ bị sa cơ, để càng nung nấu thêm nỗi căm hờn giặc Pháp. Sau khi biết chính xà lim anh đang nằm, trước đó vài ngày có một chiến sĩ tên là Quan không chịu đầu hàng giặc Pháp đã cắn tay mình lấy máu viết lên tường những khẩu hiệu cách mạng, viết đến khi hết máu và hy sinh. Cảm khái và ngưỡng mộ tấm gương oanh liệt của chiến sĩ Quan, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dành thời gian sáng tác một bài hát chiêu hồn. Trong xà lim không giấy bút, anh đã sáng tác nhẩm bài Chiêu hồn tử sĩ theo thể 2 đoạn A, B có thêm một câu kết, thuộc lòng từng câu một, sau đó anh dậy bài hát cho 2 người bạn tù. Ít lâu sau ông Tô Hiệu mất, trong lúc cùng 7 người bạn tù khiêng linh cữu ông Tô Hiệu đi mai táng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và 2 người bạn tù đã cùng cất lên tiếng hát Chiêu hồn tử sĩ. Giữa chốn rừng thiêng âm u, tiếng hát càng thêm bi tráng và đầy khí phách hào hùng. Thật đặc biệt bài hát này ra đời đúng lúc để lần đầu tiên được vang lên tiễn đưa một vị lãnh đạo cách mạng.


Xuất bản năm 1945 ở Hà Nội (trong thời Việt Nam dân chủ cộng hòa) và trong quyển “Những ca khúc một thời vang bóng” xuất bản năm 1971 ở Sài Gòn (trong thời Việt Nam cộng hòa).

Sau năm 1954, tác giả đã sửa lại bài này lấy tên là Mặc niệm đồng chí và được dàn quân nhạc Bộ Tổng tham mưu dùng phổ biến đến ngày nay.

2- Hồn tử sĩ:

Năm 1943 Tổng hội sinh viên Đông Dương tổ chức cắm trại ở Mê Linh, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng. Để tưởng nhớ Hai Bà, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc đó là một lãnh đạo của Tổng hội) đã sáng tác bài Hát Giang trường hận (Hận dài sông Hát) với phần lời như sau:

Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn

  Sóng cuốn Trưng Nữ Vương gợi muôn ngàn bên nước tràn

  Hồn ai đang thổn thức trên sông, hồn quân Nam đang khóc non sông

  Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền

  Không gian như lắng nghe bao oan hồn đang xao xuyến

  Xót thương hai Nữ Hoàng tuẫn thân, dù mạng vong lửa hờn chưa tan

  Làn sóng đang thét gào gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao

  Nguyện cùng sông đẫm máu, tấm thân nát không nao

  Nhìn thấy quân Hán giày xéo sông núi nhà

  Dòng châu rơi khắp nước non mờ tối dưới trời

  Nào ai yêu nước nhà vì giống nòi, vì hận thù

  Làm sao đưa dân qua cơn đau khổ

  Người Nam anh dũng quyết dâng đời sống cho non sông

  Liều mình vào tên khói cùng người thù ta quyết không đạp đất chung

  Trai hùng tráng lúc quốc biến xả thân

  Lấy máu nóng cứu dân khỏi hồi nguy nan, chí hiên ngang

         Bao năm công đức xây đắp nên non nước nhà

         Sóng gió nguyện khắc trong tâm quốc dân không xóa nhòa

         Vì đâu vua Trưng Nữ ra quân, vì non sông tử tiết vong thân

         Nước cuốn réo rắt như thiết tha gọi quốc hồn

         Thiên thu trên Hát Giang vang tiếng lòng

         Dân đau đớn khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng

         Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng”.

Năm 1946 hai ông Lưu Hữu Phước và Hồng Lực sửa lại thành bài Hồn tử sĩ.


(Chú thích của tác giả)

Nhạc truy điệu chỉ tấu đoạn cuối bài từ dấu chữ (A) đến hết và khi nói đến Hồn tử sĩ là nói đoạn nhạc này:

Trong lễ tang các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, phần nhạc truy điệu thường theo thứ tự sau: Khi linh cữu đặt yên vị để mọi người đến viếng thì quân nhạc tấu bài Hồn tử sĩ. Khi 8 tiêu binh khiêng linh cữu ra xe tang và từ xe tang đến huyệt mộ thì quân nhạc tấu bài Mặc niệm đồng chí. Sau này còn dùng một số bài hành khúc lễ tang của các nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, Doãn Nho, Nguyên Nhung…

Hai khúc ca Mặc niệm đồng chíHồn tử sĩ đều sáng tác từ năm 1943 với cấu trúc âm nhạc chặt chẽ khúc chiết, giai điệu bi tráng uy nghiêm, tình cảm xót thương tôn kính, là điển hình mẫu mực của những khúc chiêu hồn, vì thế đã được sử dụng phổ biến và phát huy giá trị lâu dài cho đến ngày nay (trước năm 1975 bài Hồn tử sĩ còn được cả quân lực Việt Nam cộng hòa ở miền Nam sử dụng).

Hơn 70 năm trôi qua, 2 khúc ca tưởng niệm vẫn đang được tấu lên trong các lễ truy điệu long trọng, chứng tỏ không những 2 khúc ca này đã sống trong lòng nhân dân, đã đi cùng năm tháng, mà còn xứng đáng là 2 khúc ca tưởng niệm hay nhất Việt Nam.

Từ kháng chiến chống Pháp đến nay, viết về đề tài thương binh liệt sĩ hoặc cầu siêu cầu hồn, ngoài hàng trăm ca khúc, ca cảnh, ca kịch, nhạc kịch… trong đó nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tính giáo dục truyền thống cao, còn có một số rất ít tác phẩm khí nhạc hoặc Requiem - một thể loại âm nhạc lớn như:

- Bản hòa tấu Cầu hồn của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh sáng tác cho lễ khánh thành một đền thờ đạo Lão gần chân núi Ngọa Vân - Quảng Ninh. Đây là bản ngũ tấu cho tiêu, nhị, thập lục, violon, cello dài 25 phút. Với sự phối khí hài hòa, nhuần nhị, kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương tây, Cầu hồn thực sự là một bản hòa tấu xuất sắc, được giải nhì (không có giải nhất) thể loại hòa tấu thính phòng trong giải thưởng âm nhạc năm 2014 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bản hòa tấu còn được các tín đồ đạo Lão - những người tinh thông kinh Dịch đón nhận và trân trọng bởi không những phù hợp với các nghi lễ của bản đạo mà còn phù hợp cho các lễ cầu siêu, cầu hồn. Ngoài công năng phục vụ nghi lễ, tác phẩm còn nhập thế, đi vào đời sống nhân dân, rất phù hợp cho những người đang luyện tập thiền định trong yoga.

- Requiem Khúc cầu nguyện nhạc của Đỗ Dũng, thơ của Anh Thư viết cho solist, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng gồm 7 chương dài 40 phút, mượn giáo lý nhà Phật để nói lên lòng biết ơn trước sự phù hộ của các Đấng Bậc cao siêu trên trời, trong vũ trụ bao la đã giác ngộ và dẫn dắt để con người có thể vượt qua bể khổ trầm luân, tuy không cụ thể nhưng vẫn phảng phất ý tưởng cao xa đó là sự cầu mong siêu thoát. Tác phẩm này đã 3 lần được diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào các năm 2005, 2007, 2010 do Hội Phật giáo tổ chức.

- A Vietnamese Requiem là tác phẩm của nhạc sĩ gốc Việt PQ Phan ở Mỹ, dài 35 phút, dựa trên kinh Phật và hát bằng tiếng Việt với chủ đề ca ngợi và tôn vinh cái chết của hàng triệu người dân vô tội Việt Nam vì rất nhiều cuộc chiến tranh do nước ngoài gây ra tại Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử.

- Requiem - Giao hưởng số 10 Những ngôi mộ không tên của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam viết cho solist ténor, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, là bản requiem bám sát chủ đề và sâu sắc nhất, tôn vinh những chiến sĩ vô danh, những vị anh hùng vì nước quên thân. Toàn bộ tác phẩm gồm 4 chương: Khúc tưởng niệm, Bài ca người lính, Mầu xanh đất mẹ, Vĩnh cửu tên anh lấy ý tưởng từ những bài thơ của nhà thơ Trần Quốc Toản:

Chiến công anh lẫy lừng làm nên lịch sử

Tên của anh trở thành bất tử

Một tên chung của tất cả các anh

Người chiến sĩ vô danh.

Cho đến nay, bản Requiem - Giao hưởng số 10 của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam là một trong những tác phẩm âm nhạc quy mô, tiêu biểu để tưởng nhớ, biết ơn và suy tôn những anh hùng liệt sĩ trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của toàn dân tộc./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.