You are here

Giữa "mê cung" danh hiệu

Tác giả: 
Ðông Mai

Việc Hát xoan thoát khỏi tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp” là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình tìm kiếm danh hiệu của các di sản Việt Nam.

Năm 2017 khép lại với việc Việt Nam sở hữu thêm hai danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ UNESCO (cho các hồ sơ Bài chòi Trung Bộ và Hát xoan Phú Thọ). Như vậy, tính từ dấu mốc 1993, khi Việt Nam lần đầu sở hữu danh xưng Di sản Thế giới, chúng ta đã có tổng cộng 24 hồ sơ được vinh danh trên mọi lĩnh vực.

24 năm - 26 danh hiệu

Năm 1991, ở thời điểm bắt đầu hội nhập với thế giới, Chính phủ Việt Nam đã cho phép xây dựng năm hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới. Đó là các trường hợp của cố đô Huế, vịnh Hạ Long, khu di tích và danh thắng Hương Sơn, khu di tích Đinh - Lê ở Hoa Lư (Ninh Bình) và rừng quốc gia Cúc Phương.

Hai năm sau, vào tháng 12 năm 1993, trong kỳ họp tại Colombia, Tổng Giám đốc UNESCO khi đó - ông Federico Mayor Zaragoya, đã ký văn bản công nhận Quần thể Di tích Huế là Di sản Thế giới. Năm tiếp theo, đến lượt vịnh Hạ Long được nhận danh hiệu này. Ba hồ sơ còn lại không được thông qua, bởi không đáp ứng được những tiêu chí khắt khe từ UNESCO.

Thành công và cả những thất bại đầu tiên ấy, đã giúp dư luận Việt Nam biết đến một "đấu trường" quốc tế mới: danh hiệu Di sản Thế giới từ UNESCO. Ở đó, mỗi quốc gia vừa có cơ hội sở hữu những di sản được tôn vinh như tinh hoa của nhân loại, vừa phải "gánh" trách nhiệm bảo tồn nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế cho những "tài sản chung" này.

Phải chờ tới 5 năm sau đó, Việt Nam mới tiếp tục có cơ hội xuất hiện trên bản đồ Di sản Thế giới của UNESCO. Lần này, vào năm 1999, cùng một lúc, hai di sản của tỉnh Quảng Nam là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An cùng được tổ chức uy tín này công nhận. Để rồi, bốn năm nữa (2003) là trường hợp Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nhưng, bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm danh hiệu của các di sản Việt Nam diễn ra vào giữa những năm 2000, khi UNESCO đưa ra khái niệm danh hiệu mới: Di sản Văn hóa phi vật thể (từ 2005). Việc lập hồ sơ xin "ứng thí" ở hạng mục này, cũng như việc Việt Nam bắt đầu tiếp cận với danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới đã giúp chúng ta liên tục... tăng tốc trên bảng thành tích chung của mình.

Từ gần chục năm qua, dư luận đã bắt đầu quen với việc chúng ta đều đặn mỗi năm nhận về một hoặc hai danh hiệu cấp thế giới của UNESCO, thuộc hai hạng mục Di sản Văn hóa Phi vật thể hoặc Di sản Tư liệu. Cá biệt, năm 2016, chúng ta được công nhận liên tiếp tới ba danh hiệu, bao gồm Tín ngưỡng thờ Mẫu (Di sản Văn hóa phi vật thể), Mộc bản trường Phúc Giang và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (cùng thuộc hạng mục Di sản Tư liệu).

Bởi thế, nếu kể từ năm 2003 tới nay, Việt Nam chỉ có thêm bốn danh hiệu Di sản Thiên nhiên - Văn hóa hoặc hỗn hợp Thế giới thì trong hai lĩnh vực còn lại, chúng ta đã có thêm 18 lần được ghi nhận khác, để nâng "bảng tổng sắp huy chương" lên con số 26 danh hiệu quốc tế.

Bài toán "nâng cấp" và nguy cơ "hạ cấp"

Đáng chú ý, bên cạnh việc xây dựng và đệ trình lên UNESCO những hồ sơ mới, nhiều Di sản Thế giới tại Việt Nam được lên kế hoạch "nâng cấp" danh hiệu cho mình.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực Di sản Thế giới, sau lần vinh danh đầu tiên, vịnh Hạ Long và vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng lại được UNESCO tái vinh danh lần thứ hai ( vào các năm 2000 và 2005) với những tiêu chí bổ sung về giá trị. Thậm chí, vịnh Hạ Long đang được lên kế hoạch để trình UNESCO công nhận lần thứ ba, với việc mở rộng diện tích sang khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Hoặc, ở lĩnh vực Di sản Tư liệu, sau khi được công nhận ở cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010, bia tiến sĩ Văn Miếu lại tiếp tục "ứng thí" và được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu cấp Thế giới vào năm 2011.

Thế nhưng, trong những lần "nâng cấp" ấy, trường hợp của Hát xoan Phú Thọ vào cuối năm 2017 vừa qua vẫn được dư luận chú ý nhất.

Năm 2011, hát xoan Phú Thọ đã từng được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp". Để rồi bây giờ, đây là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam (cũng là đầu tiên trên thế giới) được UNESCO đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cần nhắc lại, theo quy định của UNESCO, khi một di sản được bảo tồn tốt và hết nguy cơ "biến mất" thì có thể được chuyển sang danh sách "đại diện của nhân loại". Nhưng ngược lại, trong trường hợp được bảo vệ không tốt, di sản "đại diện của nhân loại" sẽ bị chuyển sang trường hợp "có nguy cơ biến mất". Đó là biện pháp chuyên môn để bảo đảm các quốc gia luôn có sự quan tâm đầy đủ với các di sản được vinh danh, thay vì "bỏ rơi" sau khi nhận danh hiệu.

Bởi thế, nhiều người đã gọi thành tích của hát xoan Phú Thọ vừa qua là "một màn bứt phá ngoạn mục" trong câu chuyện "hậu danh hiệu" - khi mà chúng ta từng nói rất nhiều về việc các di sản dễ bị... lãng quên hoặc "khai thác" bừa bãi sau khi được vinh danh.

Nhưng, để lặp lại thành tích như hát xoan Phú Thọ không dễ, nếu người ta nhìn sang câu chuyện của vịnh Hạ Long và ca trù - hai di sản thế giới còn đang "gặp" vấn đề với UNESCO.

Trước đó, kể từ năm 2009, vịnh Hạ Long đã được UNESCO đưa vào danh sách khuyến nghị và yêu cầu giải trình thường xuyên về những hoạt động ảnh hưởng tới tính nguyên trạng của di sản, đặc biệt là việc lấn biển xây đô thị và khai thác than. Và, dù rất nhiều biện pháp bảo tồn đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai, vịnh Hạ Long đến nay vẫn chưa được UNESCO rút tên khỏi danh sách khuyến nghị.

Còn với ca trù, ngay từ năm 2009, di sản này cũng từng được UNESCO xếp vào danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp" như trường hợp hát xoan. Nhưng, cho đến thời điểm này, sau tám năm, chúng ta vẫn chưa có một đề án bảo tồn cấp quốc gia cho ca trù - điều kiện tiên quyết để di sản này có thể được bảo tồn một cách dài hơi - chứ chưa nói tới việc "nối gót" hát xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Như chia sẻ của các chuyên gia, khó khăn nhất trong việc bảo tồn ca trù nằm ở chỗ địa bàn của di sản này trải khắp 14 tỉnh, thành phố. Và ở mỗi tỉnh, thực trạng của ca trù lại có những diễn biến hết sức phức tạp và rắc rối. Tình trạng theo kiểu "cha chung không ai khóc" là một rào cản rất lớn của ca trù, nếu nhìn sang trường hợp hát xoan Phú Thọ.

Trên lý thuyết, một Di sản Thế giới nếu không bảo đảm tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của UNESCO về việc bảo tồn, thì hoàn toàn có thể bị "hạ cấp" và thu hồi danh hiệu từng có. Điển hình, năm 2009, điều này từng xảy ra với trường hợp Di sản Thung lũng Elbe tại Dresen (Đức).

Nguy cơ ấy có thể chưa xảy ra ngay với các Di sản Thế giới tại Việt Nam. Nhưng, sẽ là không thừa, nếu chúng ta chỉ mải mê chạy theo các danh hiệu mới mà quên đi những nguy cơ đang tiềm ẩn.

Việc nhiều hồ sơ liên tục được tôn vinh, cũng như những phân cấp theo quy định của UNESCO, đã khiến dư luận có lúc lúng túng hoặc nhầm lẫn khi "liệt kê" thành tích.

Chẳng hạn, lĩnh vực Di sản Thế giới (áp dụng với các di sản "vật thể") được chia làm 3 hạng mục nhỏ là Di sản Thiên nhiên (được hình thành tự nhiên), Di sản Văn hóa (có bàn tay con người) và Di sản Hỗn hợp (mang đặc tính của cả hai loại trên). Lĩnh vực Di sản Tư liệu được chia làm hai cấp: cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương (vinh danh vào các năm chẵn) và cấp Thế giới (vinh danh vào các năm lẻ). Lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể bao gồm hai hạng mục: Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

(Nguồn: http://nhandan.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.