You are here

Gìn giữ văn hóa qua âm nhạc

Tác giả: 
Yên Nga (thực hiện)

Sau khi thực hiện thành công chương trình “Chạm” - hòa nhạc giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên đất Pháp, nhạc sĩ Hoàng Thu Trang đã kịp trở về đón Tết Mậu Tuất cùng gia đình tại Hà Nội. Nhạc sĩ chia sẻ về nỗ lực của mình trong việc sử dụng âm nhạc để truyền cảm hứng giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Các bạn nhỏ gốc Việt biểu diễn trong buổi hòa nhạc “Chạm”.

- Buổi hòa nhạc “Chạm” quảng bá âm nhạc và văn hóa Việt Nam trên đất Pháp của chị đầu tháng 2 vừa qua đã thành công ngoài sức mong đợi. Chắc hẳn chị đã dồn nhiều tâm sức cho chương trình?

- Năm 2017, tôi nhận lời mời tổ chức một buổi hòa nhạc để giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên đất Pháp, nằm trong khuôn khổ của sự kiện Aux Coeurs du Vietnam - Những trái tim Việt Nam, gồm hơn 20 hoạt động để quảng bá đất nước và văn hóa Việt Nam. Tôi đã dành nhiều thời gian xây dựng ý tưởng, liên hệ, tập hợp du học sinh, người Việt tại Pháp, người Pháp yêu mến Việt Nam cho chương trình. Cái tên “Chạm” thể hiện mong muốn giai điệu, lời ca và những xúc cảm của đêm nhạc sẽ chạm đến tâm hồn của khán giả. Hơn 50% khán giả của đêm diễn ấy là người Pháp và khi buổi hòa nhạc kết thúc, họ đã nán lại rất lâu, bắt tay tôi, nói rằng, đó là một trong những buổi trình diễn âm nhạc Việt Nam đẹp đẽ nhất, cảm động nhất mà họ từng thưởng thức.

Tôi nghĩ thành công của một sự kiện còn bắt nguồn từ ấn tượng tốt đẹp. Bản thân người Pháp đều có thiện cảm với văn hóa Việt Nam. Họ thích đi du lịch Việt Nam, có thể kể thành thạo các món ăn như phở, nem, bún bò… Họ cũng chia sẻ người Việt Nam nhiệt tình, hiếu khách, chăm chỉ và cầu tiến. Với 80 nghệ sĩ không chuyên tham gia biểu diễn, “Chạm” là một sự kiện cộng đồng thu hút được đông đảo người Việt cùng biểu diễn trên một sân khấu tại nước Pháp.

- Chị có thể chia sẻ một số kỷ niệm thú vị về chương trình?

- Điều đặc biệt nhất của buổi hòa nhạc chính là khi những đứa trẻ gốc Việt được sinh ra và lớn lên tại Pháp đã tự tin đứng trên sân khấu, trình diễn các tiết mục hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Tôi đã lựa chọn 2 bài hợp xướng, trong đó có bài hát quen thuộc của Pháp “On ecrit sur les murs” được tôi chuyển soạn sang tiếng Việt. Phần đầu, các bạn nhỏ hát ca khúc bằng tiếng Việt, khán giả đã ồ lên thích thú, đến phần sau, khi các nghệ sĩ “nhí” hát bằng tiếng Pháp, rất nhiều khán giả đã hát theo. Họ làm thế không chỉ bởi đó là bài hát quen thuộc, mà còn vì họ vui khi thấy sự giao thoa văn hóa trong âm nhạc.

- Theo nhạc sĩ, có những cách biệt nào về ngôn ngữ, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt xa xứ và âm nhạc có vai trò gì để bù đắp?

- Chỉ những người sinh con ra ở nước ngoài mới hiểu, dạy cho con nói tiếng Việt và yêu mến văn hóa Việt vừa quan trọng, vừa khó khăn đến nhường nào. Khi tôi ngỏ ý muốn thành lập dàn hợp xướng, cộng đồng người Việt ở đây đã hưởng ứng nhiệt tình. Trong gần 3 tháng, dù nắng hay mưa, các anh chị đều đưa con đến để tôi dạy hát tiếng Việt, trình diễn trên sân khấu. Tôi và các mẹ phải dạy các bạn ấy từng từ, chỉnh cách phát âm, cách biểu cảm… Nhiều bạn nhỏ từ chỗ hoàn toàn không biết nói một từ tiếng Việt nào, nay đã có thể tự tin hát tiếng Việt, yêu thích âm nhạc Việt Nam và nhen nhóm tình cảm gắn bó với văn hóa Việt.

Tôi nghĩ điều thành công nhất sau sự kiện là gieo trồng, vun xới tình yêu với tiếng Việt, văn hóa Việt và quê hương trong trái tim các bạn nhỏ gốc Việt, thông qua âm nhạc.

- Chị có những dự định âm nhạc gì trong tương lai để góp phần giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

- Tôi đặt mục tiêu duy trì, tổ chức đều đặn hằng năm những buổi hòa nhạc ở các thành phố khác nhau trên nước Pháp với mục đích từ thiện, quảng bá văn hóa hoặc giúp người Việt xa xứ nhớ về quê hương, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Rằm Trung thu… Tiếp đó, tôi hy vọng truyền được tình yêu âm nhạc, sự yêu mến các ca khúc Việt Nam tới những trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp. Bởi vì khi yêu âm nhạc Việt Nam, trẻ em tự nguyện học và tiếp xúc với tiếng Việt. Tiếng “mẹ đẻ” được gìn giữ, sợi dây kết nối với văn hóa quê hương mới trở nên bền vững.

- Ngoài tại Pháp, được biết, chị còn tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật ở quê nhà. Vậy cách nào chị kết nối công việc ở hai quốc gia, hai châu lục?

- Hiện nay, tôi đang giữ vị trí giám đốc truyền thông của hệ thống đào tạo nghệ thuật có 4 cơ sở tại Hà Nội. Tôi vẫn viết nhạc cho người lớn và đặc biệt thiên về sáng tác cho thiếu nhi. Mỗi năm, tôi đều phát hành một hoặc hai ca khúc mới, được dàn dựng công phu cho các bạn nhỏ ở Việt Nam. Không dễ dàng gì khi mình sống và thức dậy theo múi giờ của đất nước này nhưng lại điều hành công việc ở một đất nước khác, trong khi vẫn phải thu xếp gọn gàng cho cuộc sống gia đình của mình. Tuy nhiên, tôi là người may mắn khi luôn có những người bạn đồng hành trong công việc. Các bạn ấy đều rất trẻ, ở khắp thế giới, có bạn ở Việt Nam, có bạn ở Pháp... Tiêu chí của tôi là chọn lựa những người năng động, thích sáng tạo và đóng góp cho cộng đồng để cộng tác. Thế giới cũng trở nên dễ kết nối hơn với những thiết bị điện tử thông minh và điều đó thực sự đã giúp tôi cùng ê kíp làm việc hiệu quả, ăn ý, thăng hoa. 

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Hoàng Thu Trang là nhạc sĩ trẻ người Việt, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Nantes, Pháp. Chị đồng thời là đạo diễn âm nhạc, tham gia công tác giáo dục nghệ thuật, làm tư vấn truyền thông cho các thương hiệu Việt Nam và nước ngoài.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.