You are here

Giáo dục toàn diện nghiêng một cách toàn diện

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Ảnh minh họa: nguồn Internet

Giáo dục toàn diện là phương châm chủ đạo trong hoạt động giáo dục nước ta, hướng tới phát triển con người đầy đủ các mặt đức, trí, thể, mỹ. Trên thực tế, việc tiếp thu một nền giáo dục toàn diện có thực sự tạo ra được con người toàn diện hay không, đó lại là vấn đề khác. Chưa kể, Việt Nam đã áp dụng một nền giáo dục toàn diện, vậy tại sao phải tiến hành đổi mới toàn diện, triệt để nền giáo dục ấy? Điều đó chứng tỏ, giáo dục toàn diện mới là mong ước của nhà quản lý giáo dục, còn kết quả thế nào sẽ được xã hội kiểm chứng. Để kiểm chứng tính chất toàn diện của nền giáo dục ấy, chúng ta hãy thử xem xét cơ cấu môn học ở các cấp học.

Từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh học đầy đủ các môn: đức, trí, thể, mỹ, từ lớp 10 tới 12, hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật đã bị loại khỏi chương trình. Ngoài ra, khảo sát Thời khóa biểu của học sinh có thể thấy tính chất thiên vị các môn bồi dưỡng về trí dục. Các môn thể, đức, mỹ tham gia cơ cấu môn học nhằm thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện hơn là nhằm đào tạo con người có năng lực tương ứng. Bằng chứng cho thấy, học sinh tiếp thu các môn thể, mỹ ở trường phổ thông không có khả năng thi vào khối trường thể thao hay nghệ thuật chuyên nghiệp. Thực trạng này đã tạo ra khoảng cách giữa giáo dục phổ thông và đại học. Vì, những gì dạy ở nhà trường không thể kết nối với cấp học cao hơn, thậm chí kể cả trung học chuyên nghiệp (khối thể, mỹ).

Vấn đề trên có thể định lượng, định tính thông qua thời lượng và cách thức truyền dạy ở nhà trường. Qua đó cho rằng, các môn thể, đức, mỹ không chỉ chiếm số tiết ít ỏi, mà quan trọng là đã không được dạy đúng tính chất đặc thù môn loại.

Về Đức, học sinh tiếp xúc thông qua môn Giáo dục công dân. Trên cơ sơ lồng ghép với Giáo dục công dân, học sinh, thậm chí cả thầy cô giáo dễ dàng nhầm lẫn giữa hai hệ thống chuẩn mực: đạo đức và pháp luật. Hệ thống chuẩn mực đạo đức biểu hiện thông qua chuẩn tắc ứng xử giữa người với người, mang tính tự giác, thể hiện mức độ ổn định trong cấu trúc văn hóa. Trong khi hệ thống pháp luật là bộ quy tắc ứng xử bắt buộc, do nhà nước đặt ra theo ý chí quyền lực, có thể thay đổi theo từng thời kỳ phát triển. Pháp luật bình đẳng trước mọi người, nhưng lại không thể đi sâu vào từng mối quan hệ giường cột, như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè. Đạo đức hướng con người tới năng lực tự lập pháp, tự điều chỉnh hành vi từ bên trong. Xuất phát từ chỗ tích hợp đạo đức và pháp luật vào môn Giáo dục công dân, nhà trường đã làm sai lạc ý nghĩa căn bản của đạo đức. Nhiều trường sáng kiến thêm dạy cho các em (học sinh lớp 9) cơ cấu tổ chức xã hội, hội đồng nhân dân các cấp… Sau kỳ thi, những kiến thức trên bắt đầu rơi rụng và vào đến cuộc sống thì hoàn toàn biến mất.

Về Thể: môn học này chiếm vị trí hết sức khiêm tốn, khoảng 1 đến 2 tiết/1 tuần. Theo nghiên cứu thực nghiệm, tập thể dục thực sự có tác dụng khi duy trì tối thiểu 150 tiếng/1 tuần, đặc biệt, thời lượng này cần dàn trải suốt 5 buổi/1 tuần. Thông qua biện pháp đó nhằm rèn luyện con người tính kỷ luật, thói quen thể dục đều đặn giúp nâng cao khả năng chịu đựng, bền bỉ, dẻo dai. Học sinh ngày nay đa số đến trường bằng xe máy, ô tô, lười vận động, môn thể dục càng đóng vai trò quan trọng, phụ trợ, bổ sung, giúp các em có sức khỏe tốt. Song, với thời lượng 1, 2 tiết/1 tuần, thói quen tập thể dục không những không thể hình thành mà còn gây lãng phí thời gian. Bên cạnh đó, bài học, động tác thể dục cũng là một vấn đề khiến cho tình trạng ngán ngấm phổ biến ở học sinh.

Trụ cột cuối cùng là Mỹ. Học sinh từ cấp tiểu học đến cuối cấp II được dạy môn âm nhạc, mỹ thuật (đến lớp 9, hai môn này tích hợp vào cùng một giáo trình). Riêng bộ môn âm nhạc, học sinh được học hát đi kèm với kiến thức âm nhạc, như giới thiệu tiểu sử nhạc sĩ, lý thuyết âm nhạc... “Âm nhạc là môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tư tưởng, tình cảm con người”. Trong đó, “lời ca” là một trong nhiều phương tiện biểu hiện, không phải duy nhất. Trong khi đó, cơ sở giáo dục chỉ dạy cho học sinh học hát, không được tiếp xúc với nhạc cụ, kiểm tra bằng hình thức chép nhạc. Nghệ thuật là bộ môn kết hợp chặt chẽ giữa học và tập. Trên thực tế, nhà trường đã tách biệt hai phương diện này khiến cho học sinh không có điều kiện tiếp xúc, cảm thụ nghệ thuật. Thay vì dạy các em cách thưởng thức, cảm thụ nghệ thuật thông qua các biện pháp thực hành, trải nghiệm, thầy cô lại dạy lý thuyết một cách nửa vời. Vì vậy, học sinh không có cơ sở neo đậu tâm hồn trên những bài học xa rời nghệ thuật. Chưa kể, việc chọn môn “Hát nhạc” làm nội dung chính ngay từ xuất phát điểm đã thể hiện tư duy thực dụng, tầm thường, nhằm thông qua lời ca để tuyên truyền, giáo huấn. Tình trạng trên tiếp tục thể hiện ở môn mỹ thuật. Thay vì dạy học sinh thủ pháp biểu hiện của nghệ thuật tạo hình, nhà trường dạy vẽ chân dung, hết vẽ thầy, cô đến Bác Hồ… Kết quả là, sản phẩm giáo dục đã tác động trực tiếp vào xã hội khiến cho loại nhạc thảm họa, mỹ thuật cổ động thô thiển làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Những sản phẩm này đã gieo trồng trên thửa ruộng cằn về tư duy thẩm mỹ và canh tác bằng phương pháp kỹ thuật phản nghệ thuật ở nhà trường.

Qua đó thấy rằng, nhiều môn học ở nhà trường đã không hướng tới trang bị cho học sinh kỹ năng, khả năng cần thiết, đặc biệt, các môn đức, thể, mỹ không được truyền dạy theo đặc thù môn loại. Tình trạng sa sút đạo đức, thể chất, thẩm mỹ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu khởi nguồn từ giáo dục và kết thúc trong văn hóa. Trước bối cảnh thay đổi xã hội hiện đại càng đặt ra cho nhà quản lý nhiệm vụ đổi mới mới toàn diện, từ tiên đề, triết lý cho đến chương trình, nội dung, phương pháp, tư duy… giáo dục mà một trong những điểm nhấn căn bản là phải nhận diện những khiếm khuyết, yếu kém, nghiêng lệch bên trong cấu trúc của nó. Cùng với trí dục, các môn đức dục, thể dục, mỹ dục trở thành hành trang văn hóa cho học sinh mang theo trên bước đường chinh phục chân trời tri thức, sáng tạo vô tận. Những môn học trên có khả năng di chuyển sâu vào trong cơ tầng văn hóa, hoạt động một cách hiệu quả trong điều kiện xu hướng lựa chọn ngày càng đa dạng. Cùng với chất lượng, giáo dục Việt Nam góp phần đáng kể vào hiện tượng “tị nạn giáo dục”. Nếu nhà quản lý không coi đây như một mối nguy cơ, trong tương lai tòa thành này không chỉ nghiêng trên cơ cấu của nó, mà còn xô nghiêng cả giường cột nhân lực để phát triển đất nước.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.