You are here

Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2018: Chương trình hòa nhạc Thính phòng Nhạc sĩ trẻ Việt Nam

Tác giả và tác phẩm:

1. Nguyễn Thị Ngọc Tú

Nguyễn Ngọc Tú sinh ngày 28-12-1987 (tại Nha Trang)  lớn lên tại thành phố Bắc Ninh. Nguyễn Ngọc Tú học chuyên ngành nhạc cụ phương Tây (key board) tại trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Bắc Ninh 2005-2008, học chuyên nghành Đại học Sáng tác chính quy tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội 2010-2014. Tốt nghiệp xuất sắc hệ Đại học sáng tác chính quy. Được giữ lại làm việc và giảng dạy tại trường Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hiện cô đang theo học thạc sĩ chuyên ngành sáng tác Âm nhạc chính quy tại Học Viện Âm Nhạc Quốc gia Bucuresti – Rumani khóa 2017-2019.

“Robot” viết cho tứ tấu dàn dây

Với tốc độ phát triển của như vũ bão của công nghệ (trí tuệ nhân tạo) và robot đã khiến nhiều người tin rằng thời đại robot đang đến rất gần rồi, và đó chắc chắn là một xu hướng tất yếu. Robot có thể thay thế con người làm những việc giản đơn đến những điều vĩ đại đôi khi con người không thể làm được. Robot chỉ thua con người khi chúng không có trái tim và cảm xúc.

Nhưng kèm theo đó là những dấu hỏi lớn dành cho con người chúng ta, những con người sống vô cảm với xã hội những con người sống không có lý tưởng - không có trình độ rồi họ sẽ bị đào thải, trong tương lai tươi đẹp ấy họ sẽ bị những con robot thay thế! Con người sẽ tồn tại như thế nào?! Robot khao khát quyền làm người, thay thế con người nhưng dù có tinh xảo đến đâu thì thực tế chúng chỉ là những chiếc máy và do chính con người chế tạo ra, do chính con người điều khiển.

2. Nguyễn Minh Trang

Nguyễn Minh Trang sinh năm 2000. Sau hai năm học tập tại trung tâm âm nhạc Seedlink, năm 2015, Trang đã trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chuyên ngành Sáng tác khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của giảng viên chuyên ngành Ths.Phạm Minh Thành và hai giảng viên piano là nhà giáo Nguyễn Phương Chi và nhà giáo Nguyễn Minh Thảo. Tháng 10 năm 2016, Minh Trang tham gia Festival - Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) lần thứ 34 và Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ 2, tổ chức tại Việt Nam và đoạt giải thưởng ACL Tsang-Houei Hsu với một trong những tác phẩm đầu tay là “Song tấu cho sáo trúc và đàn thập lục”.  

 “Hoà tấu cho tứ tấu dây và Tỳ bà” hoàn thành vào tháng 1 năm 2018, được sáng tác với cảm hứng chính được lấy từ các khung cảnh sinh hoạt lễ hội nhộn nhịp và âm hưởng dân ca của các dân tộc ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.

Mở đầu tác phẩm là giai điệu vừa quen vừa lạ, được biến tấu từ bài dân ca Quan họ “Lý Cây Đa” và sử dụng như một phần dạo đầu, đồng thời cũng là cầu nối giữa các phần trong toàn bộ tác phẩm. Trong phần một, giai điệu chủ đề vang lên miêu tả không khí khung cảnh vùng quê ở đồng bằng trong mùa lễ hội rộn ràng với những âm thanh như tiếng ca múa, tiếng trống, tiếng chim và sự huyên náo của những gia đình, cặp đôi trai gái, bè bạn rủ nhau đi chơi hội. Phần hai, đưa người nghe đến với lễ hội của các dân tộc miền núi phía Bắc, với những tiếng bước chân nhảy múa, tiếng trống trảy hội dồn dập và tiếng khèn đặc trưng của các dân tộc vùng cao.

3. Trịnh Nhật Anh

Trịnh Nhật Anh sinh năm 2000 tại Hà Nội. Được lớn lên và nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống về mỹ thuật, cô luôn trân trọng những giá trị trong cả hội họa và âm nhạc. Cô bắt đầu học nhạc từ năm 4 tuổi. Năm 2011, cô đạt giải Nhất với bài sáng tác đầu tay của mình trong Festival Piano Yamaha. Năm 2013, tác phẩm cô sáng tác được biểu diễn trong Autumn Concert tại L'espace Hà Nội. Năm 2015, cô trúng tuyển vào ngành Sáng tác tại Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của Thạc sĩ Phạm Minh Thành. Năm 2016, cô tham gia biểu diễn tác phẩm của mình “3 tiểu phẩm cho Piano” tại Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ II tại Việt Nam.

Cho đến nay, cô đã có nhiều sáng tác cho độc tấu, hoà tấu phương Tây, phương Đông và giọng hát.

 “Ngày nắng về” cho tứ tấu dây và 2 giọng hát Soprano và Tenor

Tác phẩm đã thể hiện điều cô mong muốn là luôn giữ được nền tảng cổ điển, kết hợp những chất liệu đương đại và đậm dấu ấn nét âm ngữ người Việt.

Vận dụng những kiến thức và sáng tạo của mình trong hai lĩnh vực nhạc - họa, sự hoà quyện của dàn dây với giọng hát như gợi lên bức tranh chân thực ngập tràn ánh nắng, mùi vị chốn đồng quê Việt. Nơi có mùi rơm ngói, mặt đất, khí trời, tiếng hát ru con trong ngày giông bão đến khiến chúng ta mong chờ một ngày nắng về.

4. Phạm Xuân Cung

Phạm Xuân Cung sinh năm 1991, quê quán tại Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 

Từ tháng 9/2009 đến tháng 6/2013, anh là sinh viên Trung cấp Sáng tác Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 9/2013 đến tháng 6/ 2017, là sinh viên Đại học Sáng tác Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 10/2017 đến nay, anh là học viên Cao học Sáng tác Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Từ tháng 9 năm 2018 đến nay, anh là giảng viên cộng tác bộ môn Ký xướng âm, tại khoa Kiến thức Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Một số tác phẩm tiêu biểu: Tuyển tập 5 Prelude dành cho Piano số 1; Tứ tấu dành cho dàn nhạc dây “Mùa gặt”; Ngũ tấu dành cho Piano và dàn nhạc dây “Giấc mơ”; Tổ khúc dành cho dàn nhạc Giao Hưởng “Quê hương”; Tổ khúc dành cho dàn nhạc Giao hưởng “Trở về”.

 Tác phẩm “Ngày hội” cho tứ tấu dàn nhạc dây. Tác phẩm sử dụng linh hoạt các điệu thức dân gian Việt Nam, diễn tả không khí tấp nập, náo nhiệt của ngày Hội làng thời xưa, dưới các góc nhìn của nhiều lớp người. Từ cái nhìn của những người thuộc tầng lớp quan lại, quý tộc, cho đến những người dân thuộc tầng lớp lao động nghèo khó.

5. Phó Đức Hoàng

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phó Đức Hoàng tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ và đã theo chọn hướng đi trở thành nhạc sĩ vào năm 18 tuổi. Âm nhạc của anh mang âm hưởng và triết lý đương đại qua sự tìm tòi và phát triển màu sắc âm thanh mới mẻ, sự phóng khoáng trong hình thức và sử dụng nhạc cụ với các kỹ thuật mở rộng nhằm thách thức và tăng cường biên độ cảm thụ, lĩnh hội của người thưởng thức. Các tác phẩm của anh đã được thể hiện bởi các nhóm nhạc có tiếng trên thế giới như The Boston Musica Viva, International Contemporary Ensemble, Dàn nhạc Giao hưởng Florida, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.

Phó Đức Hoàng tốt nghiệp bằng Đại Học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc Viện Boston thuộc Trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee, bằng Thạc sĩ Sáng tác tại trường Đại học Nam Florida dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Baljinder Sekhon, Paul Reller, Marti Epstein, Curtis Hughes và Jan Swafford.

Hiện tại, anh tham gia công tác giảng dạy âm nhạc tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội.

“Rolling Loops” (Vòng Xoay Lăn) cho Double bass, Cello, Marimba và Xylophone

Tác phẩm Rolling Loops (Vòng Xoay Lăn) được hoàn thành vào năm 2014, lấy cảm hứng từ hình ảnh những vật thể hình tròn khi chúng xoay vòng. Đó có thể là hình tượng bánh xe lăn, cánh quạt quay hay chiếc bàn xoay gốm, và còn nhiều hình tượng khác. Tác phẩm không tập trung vào diễn tả ý niệm của các vật thể đó theo nghĩa đen, mà thay vào đó dựa vào hình tượng của chúng làm điểm xuất phát cho các ý tưởng âm nhạc được phát triển. Sự xoay tròn, hiểu theo ý vĩ mô, là động lực thúc đẩy tiến trình động và phát triển, và ý nhạc trong tác phẩm sẽ tựa vào đó mà vận động liên tục, từ câu nhạc này tới câu nhạc khác trên một nền tốc độ hiếm ngừng nghỉ.

6. Phan Vi

Phan Vi (Phan Ánh Vi) hiện đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chuyên ngành sáng tác. 

Phan Vi từng đạt giải Vàng bảng thi dân gian và giải Bạc bảng thi hợp xướng nữ tại Hợp xướng quốc tế Jonhannes Brahms lần thứ 10 tại Wernigerode, CHLB Ðức do Interkultur tổ chức.

Hiện tại, Phan Vi là thành viên của Hiệp hội Nhạc sĩ trẻ Đông Nam Á Nirmita (Nirmita Composers Workshop and Concert) do nhà soạn nhạc Chinary Ung đứng đầu. Phan Vi cũng từng hợp tác với chỉ huy Henri Pompidor, dàn hợp xướng Mỹ Juniata, đồng hành cùng VTV trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ”, “Thanh âm cuộc sống, muôn màu showbiz”. 

Ngoài những kiến thức được học ở trường, Phan Vi vẫn luôn muốn đem âm nhạc của mình tới gần công chúng. Vì vậy, Phan Vi đã chọn viết ca khúc, dựa trên cơ sở, nền tảng đã và đang học tại trường để đem những ca khúc của mình gần gũi hơn tới người nghe. 

Ca khúc “Đông ấm” được sáng tác vào năm 2016, khi Phan Vi đang là sinh viên năm thứ nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tựa để của ca khúc là “Đông ấm” bởi mùa đông năm đó là mùa đông đầu tiên Phan Vi được học tại môi trường âm nhạc, được sống với ước mơ của mình. Không phải mùa đông nào cũng lạnh, khi xung quanh ta có tình yêu cuộc sống và con người. Những hành động đẹp, những việc làm nhân ái luôn khiến cho con người chúng ta cảm thấy yên bình và ấm áp. Bài hát như là phương tiện giúp Phan Vi nói lên những cảm xúc của mình. Mong sao con người chúng ta, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh vẫn cảm nhận được hơi ấm của mùa đông lạnh lẽo.

7. Nguyễn Tuấn Anh

Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1996 tại thị trấn Yên Đinh, Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Bắt đầu tham gia dàn kèn nhà thờ từ năm 13 tuổi, và đệm đàn cho ca đoàn nhà thờ từ năm 15 tuổi. Năm 2016, anh gia nhập “Dàn hợp xướng trẻ công giáo Hà Nội”.

Tháng 8 năm 2017, anh bắt đầu học chuyên ngành Sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, anh tham gia dàn dựng và biểu diễn với một số đội kèn công giáo ở Nam Định, Phú Thọ, Yên Bái; và các chương trình hòa nhạc công giáo của dàn hợp xướng trẻ công giáo Hà Nội với vai trò hợp xướng viên.

Tác phẩm “Hoàng hôn” cho độc tấu piano ra đời trong quá trình ôn thi chuyên ngành sáng tác dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng.

Tác phẩm có 3 đoạn trình bày, phát triển, tái hiện, sử dụng hòa âm cổ điển kết hợp với hòa âm tự do theo ngẫu hứng tác giả. Miêu tả ánh sáng yếu ớt của buổi hoàng hôn, những chú chim bay về tổ, những cơn gió nhẹ và dòng người ra về.

8. Trần Lưu Hoàng

Nhạc sĩ / nghệ sĩ piano Trần Lưu Hoàng sinh năm 1983. Năm 2007-2011, anh tốt nghiệp Thạc sĩ Sáng tác, Nhạc viện Thượng Hải. Một số tác phẩm sáng tác của anh cho Đạo Phật đã được biểu diễn ở Thượng Hải.

Hiện nay anh là nhạc sĩ tự do và đang giảng dạy bộ môn Sáng tác, Phối khí tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Những sân khấu anh biểu diễn ở Thượng Hải bao gồm The Monk, The Orange, Bee Dee’s, the Vietnamese and Japanese Consulate.

Năm 2002-2006, anh học sáng tác với PGS.TS. Đỗ Hồng Quân.

Giải thưởng sáng tác của anh  bao gồm tác phẩm “Flute and piano” (2004) tại Hà Nội, “Composer jazz theme” ở Mỹ (2009), “Nam Mô A Di” ở Thượng Hải (2011).

Tháng 6/2013, được lời mời của lãnh sự quán và tổ chức giáo dục văn hóa Indonesia anh đã biểu diễn tác phẩm “Con Kiến” viết cho Piano và nhạc điện tử tại Jakarta trong tuần lễ giao lưu âm nhạc các nước Đông Nam Á.

Tháng 5/2014, nhóm nhạc jazz Bavaria của Đức đã biểu diễn tác phẩm phối khí cho dàn kèn Bigband “Inh Lả ơi” của Lưu Hoàng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Tháng 6/2015, Trần Lưu Hoàng được lời mời của Giám đốc Liên hoan âm nhạc quốc tế China -ASEAN lần thứ 4 mời anh sang tham dự và giới thiệu tác phẩm của mình với quốc tế trong tuần lễ liên hoan âm nhạc tại thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, Nam Ning và Học viện nghệ thuật Quảng Tây.

Tháng 10/2015, tác phẩm “Nam Mô A Di” được biểu diễn tại Festival quốc tế Âm nhạc Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Tháng 11/2016 Tác phẩm “Fantasie” của anh được Giải thưởng tưởng niệm ACL Yoshiro Irino tại Festival – Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á lần thứ 34 tại Việt Nam.

Tháng 9/2017 Tác phẩm “Lý Cây Bông” soạn cho Đàn Tranh 19 dây và bộ gõ giao hưởng đã được 2 nghệ sĩ Đức và Việt Nam biểu diễn tại trường âm nhạc Princess Galyani Vadhana Thái Lan trong tuần lễ âm nhạc các nhạc sĩ trẻ châu Á.

Tháng 11/2017 được lời mời của tổ chức âm nhạc châu Á Thái Bình Dương ACL (Asian Composer League) Nhật Bản tác phẩm “Khúc cầu nguyện” viết cho tứ tấu đàn dây đã được các nghệ sĩ Nhật Bản trình diễn trong 2 ngôi chùa Tsukiji Honguanji và Itabashi Anyouin tại Tokyo.

Tháng 4/2018 Tác phẩm “5 giờ sáng” và “Inh Lả ơi” một lần nữa được vang lên trong lễ hội Festival Huế tại Cung An Định và Điện Tây Thái Hòa trong tuần lễ Festival do Ban nhạc “Đường Chân Trời” thể hiện, là sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nhạc cụ phương Tây.

Lý Cây Bông” được sáng tác vào năm 2016. “Lý” trong âm nhạc dân gian Việt Nam, là một trong nhiều bài hát dân gian của người Việt. “Lý” cùng với những giai điệu khác như Hò, Ca Trù, Hát chầu Văn, Hát chèo,... tạo nên những nét độc đáo của những bài hát dân gian Việt Nam. 

“Lý Cây Bông” được sáng tác với cảm hứng của giai điệu cải lương dân gian Việt Nam (Lý Cây Bông). Qua tác phẩm này, anh sử dụng Đàn Tranh (19 dây) với Konga-Bongo (bộ gõ) để mang đến một “Lý Cây Bông” mới theo phong cách hiện đại nhưng vẫn mang âm hưởng dân gian Việt Nam, bao gồm 3 phần thay đổi về khúc thức cũng như nhịp độ để tạo nên một “Lý Cây Bông” hoàn toàn khác biệt.

Nghệ sĩ biểu diễn:

1. Nhóm tứ tấu Cadenza

Nhóm tứ tấu Cadenza với các thành viên Đào Hồng Nhung - violin, Nguyễn Huyền Anh - violin, Khúc Văn Khoa - viola và Lê Thu Trà - cello đều được đào tạo tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và nước ngoài. Các nghệ sĩ đã từng đạt được rất nhiều thành tích cao tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Hiện tại mỗi thành viên đều đang tham gia công tác đào tạo âm nhạc hoặc biểu diễn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO) và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO).

Nhóm được thành lập khi Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu được tổ chức lần đầu tại Việt Nam 2014. Dẫu biết loại hình nhạc đương đại rất kén người nghe nhưng với đam mê và sự quyết tâm của mình, nhóm luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo cùng các nhà soạn nhạc đương đại để những tác phẩm khi được trình diễn có thể đạt được hiệu quả cao nhất trên sân khấu.

2. Ca sĩ Ngô Hương Diệp

Ngô Hương Diệp sinh năm 1984. Năm 2012 tốt nghiệp đại học chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2016 tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Bucarest Rumani (Học bổng hiệp định của Bộ Giáo giục và Đào tạo).

Thành tích nghệ thuật:

Năm 2010, đạt giải 3 cuộc thi “Tiếng hát mùa thu” - Tiếng hát truyền hình Hà Nội.

2011, vai nữ chính Bà mẹ Hezeloide trong Opera Đức “Người đi qua thung lũng” - Pierre Oser.

2011, vai nữ chính Carmen trong Opera “Carmen” - G.Bizet.

2012, vai nữ chính Dorabella trong Opera “Cosi Fan tutte” – A.W Mozart.

2013, vai chị Vân trong Aria “Cô Sao” - Đỗ Nhuận.

2014, đạt giải Nhất trong bảng cổ điển tại Festival quốc tế Dinu Lipatti – Rumani.

2017, vai nữ chính Hương trong Opera “Lá Đỏ” - Đỗ Hồng Quân.

Hiện nay, Ngô Hương Diệp đang làm việc tại Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội.

3. Nghệ sĩ bộ gõ Mạc Thăng Long

Mạc Thăng Long tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hệ Đại học, chuyên ngành Gõ giao hưởng, dưới sự giảng dạy của PGS. Vũ Chí Nguyện.

Anh là thành viên nhóm “Gõ Pháo Hoa” và tham gia các dàn nhạc lớn như: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphony), Dàn nhạc Rhapsody Phiharmonic, Dàn nhạc Đoàn nghi lễ Công an Hà Nội, Dàn nhạc Đoàn nghi lễ Quân đội Việt Nam. 

Anh là giáo viên tại Trung tâm đào tạo Âm nhạc Hoàng Cung, Hà Nội; giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Siêu, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học Chu Văn An, trường Liên cấp Quốc tế WellSpring. 

Giải thưởng: Giải nhì “Liên hoan ban /nhóm nhạc sinh viên (mở rộng) 2016.

Anh tham gia biểu diễn chính cho Liên hoan các ban/ nhóm nhạc Sinh viên (mở rộng), Hà Nội, 2016, vị trí Drum set (Ban nhạc Electro - Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương); Tuần lễ âm nhạc Nhật Bản tại Nhật Bản năm 2012 cùng dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, vị trí Percussion; Liên hoan Âm nhạc Bộ Gõ quốc tế - Cracking Bamboo, Hà Nội, 2010, vị trí Percussion (Nhóm Pháo Hoa); Chương trình “Năm Đức tại Việt Nam 2010”, Hà Nội, 2010; Phối hợp cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và Viện Goethe - Đức, biểu diễn Âm nhạc đường phố, 87 Mã Mây/ 61 Lương Ngọc Quyến; Biểu diễn tại các khách sạn lớn L’Opera, JW Marriott Hanoi, Sofitel Metropole, Sheraton, Sofitel, Inter Continental Hanoi, My way Hotel & Residence.

4. Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Trà My

Nguyễn Trà My tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành biểu diễn đàn tranh và đàn bầu. Cô học piano khi mới 4 tuổi và lên 8 tuổi, cô chuyển sang tập trung học đàn tranh.

Năm 2007, cô đỗ thủ khoa Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện tại, tôi đang học cử nhân tại học viện này. Trong thời gian học tại đây, cô đã tham gia biểu diễn nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, như Lễ kỷ niệm 1000 năm thành phố Hà Nội, và biểu diễn chào đón tất cả các Thủ tướng ASEAN tại Việt Nam. Năm 2012, cô tiếp tục học tại Đại học Bách Khoa.

Năm 2005, cô giành giải Ba tại Cuộc thi nhạc cụ truyền thống, và giành giải Nhất năm 2007. Năm 2017, cô đạt giải Nhất sinh viên tài năng của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mới đây vào tháng 3 năm 2017, cô được mời tham gia Trại trẻ Thanh niên ASEAN do Đại học Kamphaeng Phet Rajabhat tổ chức. Vào tháng 8 năm ngoái, cô tham gia chương trình trao đổi văn hóa ASEAN (Aye 2017). Vào tháng 12, cô biểu diễn cho người Việt Nam ở Matxcơva vào dịp Tết cổ truyền và biểu diễn âm nhạc cho bệnh nhân ung thư tại một số bệnh viện.

Hiện nay cô là nghệ sĩ biểu diễn tại Nhà hát Cải Lương Việt Nam.

5. Nghệ sĩ đàn Tỳ Bà Đàm Thái Hà

Đàm Thái Hà sinh năm 1994 tại Kirov, Nga. Năm 2004, cô bắt đầu theo học âm nhạc chuyên nghiệp, chuyên ngành Tỳ Bà khoa Nhạc cụ truyền thống và đến năm 2016, cô đã hoàn thành quá trình học tập của mình với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, Đàm Thái Hà làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Trong quá trình học tập và làm việc, cô đã tham gia nhiều chương trình, sự kiện phục vụ công tác chính trị và ngoại giao, biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2015, cô đã tham gia Dàn nhạc Youth Philharmonic Orchestra do Turken Foundation tổ chức, biểu diễn tại Carnegie Hall, Manhattan, New York, Hoa Kỳ. 

6. Ca sĩ Trần Thu Hường

Trần Thu Hường sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Giang trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng Thu Hường mê ca hát từ nhỏ.

Hiện tại Thu Hường đang theo học tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thu Hường cũng là ca sĩ - MC của Nhà hát Công an Nhân dân.

Thành tích:

Giải Nhất chương trình “Tuổi đời Mênh mông”; Giải 3 tại cuộc thi “Tiếng ca học đường” 2007; Giải Nhì tại cuộc thi “Ngôi Sao Tiếng hát Truyền hình” 2007; “Sao Mai điểm hẹn” 2008; Top 6 Nhân tố bí ẩn 2014.

7. Ca sĩ Nguyễn Đình Chúc

Ca sĩ Nguyễn Đình Chúc sinh năm 1989.

Các giải thưởng:

Huy Chương Vàng cuộc thi tài năng trẻ học sinh sinh viên toàn quốc năm 2012. Đạt Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2016. 

Hiện anh đang là solist của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Giảng viên thỉnh giảng tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 

Hiện nay anh đang theo học Cao học ngành Biểu diễn thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

8. Nghệ sĩ Piano Nguyễn Dương Anh

Nguyễn Dương Anh sinh năm 1998. Anh được học piano từ năm 4 tuổi.

Năm 2017, anh tốt nghiệp hệ trung cấp 9 năm chuyên ngành piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Hiện nay, anh là sinh viên đại học năm thứ 2 chuyên ngành Lý luận tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngoài thời gian học, anh còn tham gia biểu diễn, đệm đàn, ghép nhạc cho các bạn sinh viên.

9. Nghệ sĩ Piano Nguyễn Thành Vương

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thành Vương học Keyboard tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 1999. Năm 2005 anh học tiếp Sáng tác hệ Đại học tại đây. Năm 2002, tham gia “Đại nhạc hội các ban nhạc toàn quốc lần thứ nhất” và đạt giải thưởng “Đĩa Vàng Âm nhạc” và là một trong 8 ban nhạc xuất sắc nhất cùng ban nhạc Phương Bắc. Năm 2003, anh tham gia khóa học “Hòa tấu - Tùy hứng nhạc Jazz” và được cấp chứng chỉ bởi giáo sư Lars Andersson đến từ trường Đại học Malmo - Thụy Điển.

Năm 2006, anh tham gia chương trình Bài hát Việt và đạt các giải thưởng: Giải bài hát của tháng cho các ca khúc: “Phố Chiều”, “Bài Ca Tình Yêu” (2008), “Ký ức mùa Đông” (2011); Giải bài hát được khán giả bình chọn cho các ca khúc: “Phố Chiều” (2008), “Chào Tuổi Mới” (2009), “Người Em Đã Yêu” (2013); Giải bài hát của năm với ca khúc “Ký ức mùa Đông” (2011); Giải bài hát được yêu thích nhất của năm do khán giả bình chọn với ca khúc “Người em đã yêu” (2013); Giải phối khí hiệu quả cho các ca khúc: “Yêu” (st. Duy Hùng - 2006), “Phố chiều” (2008), “Bài ca tình yêu” (2008), “Gánh hàng hoa” (st. An Hiếu - 2009), “Chào tuổi mới” (2009), “Hoàng hôn” (2011), “Chiếc hôn phớt” (st. Phạm Hải Âu -2015); Giải phối khí của năm cho các ca khúc “Phố chiều” (2008), “Em, mùa thu đến!” (2012); 2014 - 2015, tham gia khóa học viết nhạc phim do nhạc sĩ Sound designer người Hà Lan Ad Van Dongen hướng dẫn.

Các chương trình đã dàn dựng với vai trò Biên tập - Giám đốc âm nhạc:

Dự án âm nhạc Thành Vương tháng 8/2011 - Bài Hát Việt; Minishow Thành Vương tháng 8/2014 - Bài Hát Việt; Carnaval Hạ Long 2013, 2014; Chương trình ca nhạc “Mùa Thu cho Em” tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (29/9/2011); Lễ hội Áo dài “Hương sắc Hà Nội” tại Văn Miếu chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2014).

10. Nghệ sĩ bộ gõ Hyanggee Lee (Hàn Quốc)

Hyanggee Lee là nghệ sĩ bộ gõ chính của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời Việt Nam. Cô bắt đầu học âm nhạc từ rất sớm và chơi các nhạc cụ gõ cổ điển từ năm 14 tuổi. Cô từng là trưởng môn biểu diễn bộ gõ tại trường Trung học nghệ thuật Sunhwa và Đại học Nữ sinh Sook-Myung. Cô học Cử nhân và Thạc sĩ tại Đại học Duquesne và Đại học DePaul, Hoa Kỳ từ năm 2011-2015.

Nghệ sĩ Hyanggee Lee từng biểu diễn cho Dàn nhạc Giao hưởng Quảng Châu từ năm 2016-2018 và dạy tại trường Trung học Zhixin và giảng dạy tại Dàn nhạc Giao hưởng Thanh niên Quảng Châu. Cô cũng đã từng biểu diễn tại Dàn nhạc Giao hưởng Seoul từ năm 2011. Cô cũng từng biểu diễn tại Dàn nhạc Macao năm 2017.

Cô từng học với các nghệ sĩ bộ gõ giao hưởng nổi tiếng như: Marc Damoulakis (Dàn nhạc Cleveland), David Herbert (Giao hưởng Chicago), Eric Millstein (Lyric Opera), Michael Green (Lyric Opera), Andrew Reamer (Dàn nhạc giao hưởng Pittsburgh), Christopher Allen (Dàn nhạc giao hưởng Pittsburgh), Edward Choi (Dàn nhạc giao hưởng Seoul), Mi-Youne Kim (Seoul Philharmonic) và Han-Kyu Kim (Korean Symphony).

Cô đã tham gia nhiều lớp học như She-e Wu, Ed Stephan, Eric Sammut, Frederic Macarez, Christopher Deviney, Angela Zator Nelson, Alan Abel, Don Liuzzi, Joseph Pereira và Adrian Perruchon. Cô tham dự các Liên hoan Âm nhạc và hội thảo như Percussion Camp của Đại học Maryland (2007), Hôi thảo Marimbar tại Đại học Northwest Marimba Seminar (2007), Liên hoan âm nhạc Lindenbaum với đạo diễn âm nhạc Charles Dutoit (2009), Hội thảo mùa hè Eric Sammut (2011), Hội thảo về bộ gõ giao hưởng Alan Abel (2012), và Dàn nhạc trường Chautauqua (2012).

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.