You are here

Feodor Chaliapin (1873-1938)

Tác giả: 
Cobeo (tổng hợp)

“Đỉnh cao nhất của nghệ thuật là thấu hiểu được tâm hồn của con người” – Feodor Chaliapin

Trong những năm đầu tiên của  thế kỉ 20, nước Nga xuất hiện một ca sĩ giọng nam trầm kiệt xuất mà tên tuổi ông cho đến tận bây giờ không chỉ là biểu tượng của riêng nước Nga mà còn là niềm tự hào của toàn thế giới. Từ đó đến nay, cứ mỗi khi xuất hiện một giọng bass mới triển vọng thì họ đều được so sánh với ông và tất cả họ đều rất hạnh phúc khi được so sánh như vậy. Địa vị của ông trong số các giọng bass cũng giống như Enrico Caruso với giọng tenor, Tita Ruffo với giọng baritone hay Maria Callas với giọng soprano. Chính ông là ca sĩ đầu tiên khiến khán giả, thậm chí là chính những nhạc sĩ có một cái nhìn khác về giọng bass, không còn coi đó là giọng phụ, làm nền cho những giọng như tenor, soprano hay baritone nữa. Con người vĩ đại đó chính là Feodor Chaliapin.

Feodor Ivanovich Chaliapin sinh ngày 13 tháng 2 năm 1873 tại Omet Tawi gần Kazan nước Nga. Tuổi thơ cậu bé tràn đầy nỗi thống khổ, đói khát và nhục nhã vì có một ông bố nát rượu và ưa bạo lực. Trong quãng thời gian từ 10 đến 16 tuổi, Feodor làm việc tại các bến sông, nhà hàng và làm tạp vụ cho các gánh hát tại địa phương để kiếm sống. Chính tại nơi đây, năng khiếu ca hát của cậu được bộc lộ và vào năm 1890, Feodor được thuê vào hát trong dàn hợp xướng tại nhà hát Semenov-Samarsky ở Ufa. Tài năng thiên bẩm đã giúp cậu sau đó được hát với tư cách solo. Năm 1891, Feodor thực hiện chuyến lưu diễn tại nước Nga với Dergach Opera. Năm 1892, khi mới 19 tuổi, chàng trai trẻ định cư tại Tiflis, Tbilisi (Gruzia) và thật may mắn, Feodor được học thanh nhạc một cách chuyên nghiệp trong vòng một năm với thầy giáo Dmitri Usatov, một giọng tenor đã nghỉ hưu và là một thầy giáo rất có kinh nghiệm, bản thân Usatov đã từng là học sinh thế hệ thứ hai của Manuel Patricio Rodriguez Garcia lừng danh. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Usatov chỉ giúp đỡ phần nào còn bản thân Feodor Chaliapin đã không ngừng nỗ lực và tự học là chính. Song song với việc học, Chaliapin cũng hát tại St. Aleksandr Nevsky Cathedral từ năm 1892 đến năm 1893.

Năm 1893, Chaliapin bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình tại Tbilisi Opera. Vào ngày 4 tháng 2 năm 1894, đêm diễn cuối cùng “Benefith”của ông tại nhà hát đã diễn ra cực kì thành công và thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân trong thành phố Tbilisi, tổng cộng Chaliapin diễn 72 buổi cho Tbilisi Opera. Sau khi rời Tbilisi, ông chuyển đến Moscow theo lời đề nghị của Usatov, người thầy giáo trước đây của ông. Trong thời gian làm việc tại Mamontov Opera và Bolshoi Theatre, Moscow, ông cũng có cơ hội được hát tại Imperial Mariinsky Opera, St. Petersburg cũng như tại một số nhà hát tư nhân tại Moscow. Vai diễn xuất sắc nhất của ông được nhiều khán giả đón nhận là Ivan Susanin trong vở opera A life of the Tsar của Mikhail Glinka. Năm 1896, Manmotov giới thiệu Chaliapin với nữ diễn viên ballet trẻ, xinh đẹp nguời Ý Iola Tornagi, vừa sang Nga để biểu diễn. Không lâu sau đó, hai người làm đám cưới và Chaliapin tỏ ra rất hạnh phúc với cuộc hôn nhân này. Họ sống tại Moscow và có với nhau 6 người con. Đứa con đầu tiên qua đời khi mới lên 4 tuổi và đã gây cho Chaliapin một chấn thương không nhỏ về tinh thần. Một người con khác là Boris sau này trở thành một họa sĩ tên tuổi (bản thân Feodor Chaliapin cũng rất có năng khiếu về hội họa) và Feodor Chaliapin Jr. sau này cũng trở thành một đạo diễn phim khá nổi tiếng.

Ngày 16 tháng 3 năm 1901, ở độ tuổi 28, Chaliapin có chuyến xuất ngoại đầu tiên. Ông có buổi biểu diễn tại Teatro alla Scala, Milan với vai Mefistofele cùng Enrico Caruso với vai Faust trong vở opera Mefistofele của nhà soạn nhạc người Ý Arrigo Boito dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng đại tài Arturo Toscanini – người mà ở giai đoạn cuối của sự nghiệp mình nhận xét rằng Chaliapin là một ca sĩ tài năng nhất mà ông từng làm việc cùng – sau 13 năm tác phẩm vắng bóng trên sân khấu này, và đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng. Khán giả sửng sốt trước một giọng bass trẻ đầy tài năng đến từ nước Nga và trong số này có cả Boito. Ông đã thốt lên: “Cuối cùng thì tôi đã tìm thấy quan niệm của tôi về vai diễn này! Cuối cùng thì tôi đã tìm thấy con quỉ của tôi rồi”! Kể từ đó tên tuổi của Chaliapin trở nên nổi tiếng khắp châu Âu và ông cũng thiết lập được mối quan hệ rất thân thiết với những giọng ca hàng đầu thế giới thời kì này như Caruso, Ruffo cũng như một số nghệ sĩ khác. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Chaliapin luôn có những tìm tòi, khám phá vô cùng độc đáo, vượt ra khỏi những khuôn mẫu trước đó. Ông luôn tâm niệm rằng, kĩ thuật thanh nhạc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn một người ca sĩ phải phản ánh được đúng bản chất của nhân vật: “Nghệ thuật hát opera phải là một bộ phận không thể tách rời và hài hòa trong tổng thể opera”.

Ngày 20 tháng 11 năm 1907, Feodor Chaliapin có buổi biểu diễn đầu tiên của mình trên đất Mĩ khi ông hát tại Metropolitan Opera. Vẫn là vai “tủ” Mefistofele trong vở opera cùng tên của Boito, ông đã lại chinh phục khán giả cũng như giới phê bình Mĩ như đã từng làm như vậy tại Teatro alla Scala. New York Press viết: “Feodor Chaliapin trong lần xuất hiện đầu tiên của mình tại Mĩ tối qua tại Metropolitan Opera đã rất thành công. Những lời chào mừng gửi đến giọng bass đến từ nước Nga này không chỉ từ những nhạc sĩ, nghệ sĩ mà còn từ những thính giả khó tính nhất New York, những người tràn đầy kinh nghiệm và sự hiểu biết kể từ khi họ chứng kiến tài năng của Caruso… Ông là một giọng bass với vẻ đẹp và sức mạnh diệu kì. Chaliapin có thể hát F với một sự thoải mái lạ thường”. Những vai diễn khác của ông trong mùa diễn đầu tiên tại Met là Don Basilio (Il Barbiere di Siviglia, Rossini), Leporello (Don Giovanni, Mozart) – mà ông chỉ học trong vòng vài ngày và Mefistophélès trong Faust của Gounod (cùng với Caruso trong vai Faust và Geraldine Farrar trong vai Marguerite). Tuy nhiên, vốn là một người rất nghiêm khắc với bản thân, Chaliapin vẫn chưa hài lòng với các buổi biểu diễn của mình và ông đã từ chối lời mời tiếp tục cộng tác từ phía Ban giám đốc Met.

Năm 1913, lúc này danh tiếng của Chaliapin đã vang lừng khắp châu Âu, Sergei Diaghilev mời ông tới biểu diễn tại London và Paris. Tại đây ông đã đạt được những thành công vang dội thông qua nhiều recital cũng như các nhà hát opera danh tiếng như Royal Opera House, Convent Garden hay Operá National de Paris. Trong các buổi biểu diễn này, bên cạnh những trích đoạn opera, Chaliapin đã hát rất nhiều các bài dân ca Nga. Chaliapin cũng đã tiến hành ghi âm các bài hát này, trong đó có một ca khúc đã mãi mãi gắn liền với tên tuổi của ông: “The Song of the Volga Boatmen” (Bài hát của những người chèo thuyền trên sông Volga). Cũng kể từ thời điểm này, ông liên tục biểu diễn tại hầu hết các sân khấu nổi tiếng trên toàn châu Âu nhưng cũng rất thường xuyên hát tại quê nhà. Từ năm 1914, ông trở thành ca sĩ chính tại Zimin Private Opera, Moscow. Tuy nhiên, khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, ông về sinh sống tại một biệt thự tại Novinsky Boulevard và biến nơi ở của mình thành một bệnh viện đồng thời ca hát tại đây cho những người lính nghe. Năm 1919, Chaliapin thành lập một phòng thu âm tại đây, sau này nó mang tên “phòng thu âm Chaliapin”.

Cách mạng tháng 10 Nga thành công, nhận thức được việc phải thúc đẩy văn hóa phát triển, chính quyền Xôviết mà đại diện là Maxim Gorky – cánh chim đầu đàn của nền Văn hóa nghệ thuật Liên Xô thời kì đó, người rất kính trọng tài năng của Chaliapin đã mời ông về làm nghệ sĩ biểu diễn kiêm chỉ đạo nghệ thuật cho Nhà hát Mariinsky tại St. Peterburg và ngay lập tức được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” của Liên bang Xôviết. Tuy nhiên do đang trong thời buổi giao thời, giữa Chaliapin và những người nắm giữ trọng trách quản lí ngành văn hóa nảy sinh mâu thuẫn. Là người đầy tài năng và tâm huyết đồng thời sở hữu một khối lượng kinh nghiệm đồ sộ qua bao năm tháng biểu diễn tại hầu hết những nhà hát lớn trên thế giới nên Chaliapin đưa ra rất nhiều kiến nghị, giải pháp để thúc đẩy nền âm nhạc cổ điển Nga nói chung và opera Nga nói riêng. Tuy nhiên những ý tưởng này đã không được những nhà chức trách chấp nhận, điều khiến Chaliapin đau đớn và cảm thấy bất lực. Ông chán nản bỏ đi lưu diễn tại nước ngoài vào năm 1921. Hành động này đã khiến Chaliapin bị tước mất danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” đồng thời cánh cửa quay trở lại nước Nga thân yêu cũng đóng sầm lại trước mắt ông. Tuy sống lưu vong tại Phần Lan rồi sau đó định cư tại Paris nhưng ông luôn hướng về nước Nga với một tình cảm đầm ấm và trìu mến. Chaliapin vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Gorky. Chính Gorky sau này là người đã biên tập cuốn hồi kí của Chaliapin: Con người và mặt nạ: 40 năm trong cuộc đời một ca sĩ. Cuốn sách được xuất bản năm 1932. Dù đang sống trong một bối cảnh chính trị đầy phức tạp và nhạy cảm nhưng Gorky không ngần ngại nhận xét về người bạn lớn của mình: “Trong nền Văn hóa Nga, vị trí của Chaliapin cũng tương đương như Pushkin”. Còn với những người Nga say mê tiếng hát của ông, Chaliapin mãi mãi giữ một vị trí vô cùng đặc biệt: “Chúng ta nhắm mắt nghe Chaliapin hát và thấy cả một tâm hồn Nga trong tiếng hát của ông”.

Ngày 9 tháng 12 năm 1921, sau 13 năm Chaliapin đã trở lại Metropolitan với vầng hào quang rực rỡ khi xuất hiện với vai diễn đã cùng ông đi vào huyền thoại: Boris Godunov trong vở opera cùng tên của Modest Mussorgsky. Deems Taylor đã viết trên tờ New York World: “Feodor Chaliapin đã mang đến cho chúng ta một điều kì diệu còn vĩ đại hơn cả ca hát, vĩ đại hơn cả diễn xuất… Ông đã sống với Boris, ông chính là Boris… Ngay khi ông xuất hiện, những bạn diễn, những cảnh vật xung quanh, những khán giả thậm chí là cả âm nhạc của Mussorgsky cũng nhạt nhòa đi. Chỉ còn lại đó Sa hoàng Boris Godunov sống động, quyền uy, đau đớn và chết chóc!”. Cho đến tận bây giờ vẫn chưa một giọng bass nào có thể thay thế nổi Chaliapin trong Boris Godunov và Mefistofele (Boito). Lần cuối cùng ông xuất hiện tại Met là vào ngày 20 tháng 3 năm 1929 khi ông vào vai Mefistophélès (Faust) bên cạnh Giacomo Lauri-Volpi, Mary Lewis và Lawrence Tibbett.

Năm 1933, Chaliapin vào vai Don Quichotte trong bộ phim-opera của đạo diễn Georg Wilhelm Pabst dựa trên vở opera cùng tên của nhạc sĩ người Pháp Jules Massenet, đây cũng là một trong những vai diễn đáng nhớ nhất của ông. Chaliapin cũng chính là người đã vào vai diễn này trong lần công diễn ra mắt của tác phẩm vào ngày 24 tháng 2 năm 1910 tại Monte Carlo.

Trong những năm cuối đời, Chaliapin sống tại Paris. Ông qua đời tại đây vào ngày 12 tháng 4 năm 1938 vì bệnh máu trắng. Năm 1984, nguyện vọng cuối cùng của ông được hoàn thành, di hài ông được chuyển về đất nước Nga yêu dấu và Chaliapin đã yên nghỉ tại nghĩa trang Novodevichy.

Feodor Chaliapin đã đặt dấu ấn quá lớn lên hầu hết những giọng bass thế hệ sau ông. Và có lẽ một trong những lời nhận xét chính xác nhất về Chaliapin là của  đạo diễn lừng danh Konstantin Stanislavsky: “Một nghệ sĩ opera phải đương đầu với không chỉ một mà là ba loại hình nghệ thuật khác nhau: ca hát, âm nhạc và diễn xuất. Điểm trở ngại này lại vừa là khó khăn lại vừa là thách thức đối với công việc sáng tạo của ca sĩ. Vấn đề gặp phải trong sự thể hiện đa dạng này là hướng đến tổng thể của 3 loại hình nghệ thuật, thông qua việc này mà ca sĩ trở nên vĩ đại hơn và tỏa ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khán giả hơn, hơn là việc cố gắng tạo ra sự kịch tính. Ca sĩ phải hòa quyện 3 nghệ thuật này vào làm một và trực tiếp chỉ huy chúng. Với tôi, Chaliapin là ví dụ điển hình cho việc làm thế nào để dung hòa các loại hình nghệ thuật khác nhau đó”.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.