You are here

'Dư âm' - khúc tình đơn phương

Tác giả: 
Hà Thu

Ca khúc "Dư âm" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gắn với mối tình trong sáng, vô vọng ông dành cho em gái một người bạn.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết nhiều ca khúc cách mạng, thế nhưng tình khúc nổi tiếng nhất ông để lại cho đời là bản nhạc Dư âm, viết năm 1949, thời kỳ ông mới bước chân vào con đường sáng tác. Sau bảy thập niên, tác phẩm duy trì sức sống lâu bền, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện trong các sự kiện, chương trình văn hóa.

Gần nhất, nhạc sĩ Đức Trí sử dụng ca khúc để tạo không khí lãng mạn, hoài niệm trong phim điện ảnh Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh). Ở phân cảnh mở đầu, khi Diễm Tình (Minh Tú đóng) chạm mặt họa sĩ Hưng (Hà Việt Dũng), giai điệu êm ái của Dư âm vang lên, phù hợp với nội dung về cuộc gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.

Kim Chung (vai Lan, tóc ngắn), Kim Xuân (vai Thủy, tóc dài) hát bài "Dư âm" trong phim "Kiếp hoa" do soạn giả cải lương Trần Lang viết kịch bản, chiếu năm 1954. Video: Youtube Quán nhạc cầm

Trước đó, ca khúc từng được sử dụng trong phim Kiếp hoa (soạn giả cải lương Trần Lang viết kịch bản, Claude Bernard đạo diễn, Công ty Điện ảnh Kim Chung sản xuất năm 1954 ở Hà Nội). Bản nhạc vang lên trong nhiều phân cảnh tình cảm giữa nữ chính Ngọc Lan (Kim Chung đóng) và Thiện (Trần Quang Tứ đóng), khắc họa mối tình nơi đô thị phồn hoa. Cuối phim, khi Ngọc Lan hội ngộ Thiện sau nhiều biến cố, anh đàn cho người yêu và em gái cô hát Dư âm.

Trước khi qua đời năm 2019, Nguyễn Văn Tý nhiều lần nói về hoàn cảnh viết ca khúc. Lúc đó, người vợ đầu của nhạc sĩ đã mất sáu năm, nhiều bạn bè tìm cách mai mối cho ông. Một ngày, ông về nhà người thân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chơi, được bạn giới thiệu cô em gái 22 tuổi. Ông lịch sự trò chuyện cùng cô nhưng thú nhận không có cảm xúc. Bất ngờ, trong lúc hai người tán gẫu, cô em kế xuất hiện sau lưng cô chị, nhìn ông với ánh mắt to tròn, đen láy, khiến nhạc sĩ thất thần.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ. Ảnh: Tư liệu.

Hôm sau, trong lúc ông uống trà cùng bạn ngoài sân, cô em 16 tuổi ra sân chơi rồi gảy đàn, khe khẽ hát. Hình ảnh ấy ám ảnh ông, tuy nhiên, ông chọn im lặng vì biết cô gái còn quá trẻ, hai người không thể đến với nhau. Lúc ấy, nhạc sĩ công tác ở Đoàn Văn hóa tiền tuyến, Cục Quân huấn, Quân đội nhân dân Việt Nam. Về đơn vị, ông thức trắng đêm viết Dư âm. Bài hát mở đầu bằng hình ảnh "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ". Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét ca khúc lấy cảm hứng từ mối tình trong sáng, khiến người nghe ở mọi lứa tuổi tìm thấy một phần của mình trong đó. Bằng bút pháp miêu tả lãng mạn, nhạc sĩ gợi ra không gian êm đềm với trăng, gió, thiếu nữ.

"Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời..."

Tùng Dương hát "Dư âm" với bản phối của nhạc sĩ Thanh Phương. Video: Youtube Tùng Dương

Ca khúc được viết ở nhịp 2/4, có nhiều đoạn luyến láy trữ tình. Ông Phạm Xuân Nguyên thích việc nhạc sĩ ví von "anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ". "Từ những năm cuối thập niên 1940, nhạc sĩ đã có tư tưởng cởi mở, trân trọng phụ nữ. Ông nhận mình là căn lầu vắng đìu hiu, mong chờ ánh sáng tình yêu từ ánh trăng - tượng trưng cho cái đẹp", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Tùng Dương - một trong những ca sĩ từng thể hiện Dư âm - yêu thích tinh thần lãng mạn của ca khúc: "Đó là cuộc tình mộng mị, đẹp nhưng buồn, như một câu chuyện liêu trai. Tình cảm chưa hề được bày tỏ, hai người không đến được với nhau nên càng day dứt, đơn côi. Những cảm xúc trong trẻo ấy khiến ca khúc của ông sống mãi với thời gian".

Khi hát Dư âm, Tùng Dương thể hiện sự khắc khoải, gai góc qua bản phối của nhạc sĩ Thanh Phương. Trước anh, các nghệ sĩ như Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Ánh Tuyết từng thể hiện thành công bài hát, được khán giả nhiều thế hệ yêu thích.

Sáu năm trước khi Nguyễn Văn Tý mất, Ánh Tuyết từng đến thăm ông trong ngôi nhà ở Trần Khát Chân, TP HCM. Giữa những âm thanh ồn ã trong căn hẻm nhỏ, ca sĩ khẽ ngân nga: "Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...". Ông khép hờ mắt hồi tưởng rồi nói: "Chú sống được đến bây giờ là nhờ những dư âm đó đấy".

Ánh Tuyết nhớ lại: "Ông hay nói mình nhút nhát, nhất là khi muốn bày tỏ tình cảm với ai đó. Ông quan niệm tình yêu khó đến, khó nắm bắt nhưng khi điều đó thật sự tồn tại trong trái tim mỗi người, nó sẽ ở lại mãi mãi. Tình yêu ấy, dù không thành nhưng ông luôn trân quý, giữ trong thế giới riêng của bản thân".

Cuối đời, ông thừa nhận vẫn không thể quên ánh mắt, nụ cười của người con gái 16 tuổi năm xưa. "Tôi yêu dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật mà yêu. Bài hát thì còn mãi, yêu như thế cũng được và tốt đấy chứ".

Bản nhạc "Dư âm" do nhà Nhà xuất bản Lúa Vàng ấn hành năm 1952, ca khúc được xem là một trong những nhạc phẩm tiêu biểu nhất của thời kỳ tân nhạc lãng mạn thập niên 1940. Ảnh: Tư liệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Nghệ An. Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài bài Dư âm, ông nổi tiếng với nhiều ca khúc như Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.