You are here

Độc đáo đàn gỗ dừa

Tác giả: 
Lương Định

Năm 2012, một bộ nhạc cụ dân tộc khoảng 10 chủng loại, với 27 nhạc cụ làm bằng gỗ dừa của hai nghệ nhân Lê Thanh Liêm (Lê Dân) và Võ Văn Bá (Ba Bá) ở Bến Tre được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục là bộ đàn độc đáo đầu tiên của Việt Nam được chế tác từ chất liệu cây dừa. Cho tới thời điểm hiện nay, đây là bộ nhạc cụ truyền thống dân tộc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Nghệ nhân Võ Văn Bá bên bộ sưu tập nhạc cụ bằng gỗ dừa

Ai đã từng đặt chân đến xứ dừa Bến Tre sẽ nhận thấy những sản phẩm phục vụ sinh hoạt đời sống của người dân nơi dây đa phần được làm từ cây dừa. Cây dừa còn là nguyên liệu để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm ngoài việc được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Cảm hứng từ cây dừa quê hương, họa sĩ - nhạc sĩ Lê Dân đã có ý tưởng và khởi xướng chế tác những cây đàn dân tộc bằng gỗ dừa. Và người hiện thực hóa ý tưởng ấy chính là nghệ nhân chế tác đàn nổi danh xứ dừa Võ Văn Bá ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre.

Nhạc sĩ Lê Dân (trái) và nhạc sĩ - nghệ nhân Võ Văn Bá đang so đàn, diễn tấu bằng nhạc cụ làm từ gỗ dừa

Ông Võ Văn Bá vốn là một nhạc công chơi được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, lại là một nghệ nhân chế tác đàn có tiếng, nên khi được ông Lê Dân gợi ý thử nghiệm chế tác những cây đàn bằng gỗ dừa, ông Võ Văn Bá bắt tay thực hiện ngay.

Ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, công sức từ việc lựa chọn gỗ tới cưa xẻ, đục đẽo, bào, gọt, chạm, khắc, chỉnh âm để làm ra 27 nhạc cụ hoàn toàn bằng gỗ dừa, đó là các loại đàn cò, đàn kìm, đàn gáo, đàn sến, đàn tranh, đàn đáy, đàn bầu, bộ trống, mõ, kèn…

Theo ông Bá, chế tác một cây đàn từ gỗ dừa khó hơn nhiều so với các loại gỗ khác, bởi "thịt" của gỗ dừa thường rất nhiều xơ và bột, dễ vỡ nên trong quá trình làm phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu, mất nhiều thời gian. Khi tạo dáng xong rồi phải dùng máy chà nhám làm cho gỗ thật mịn, bóng lên, nổi rõ những đường vân và có sắc đỏ au.

Điều khiến ông Ba Bá băn khoăn nhất chính là trước đó ở Bến Tre nói riêng và vùng Nam bộ nói chung, chưa có nghệ nhân nào chế tác các loại nhạc cụ truyền thống từ gỗ dừa. Bởi nhược điểm của gỗ dừa khi làm nhạc cụ thì âm thanh không đạt được độ rung, tiếng kêu nhỏ, không vang vọng như những loại gỗ khác.

Tuy nhiên, với niềm đam mê, sự quyết tâm cao độ, cùng những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong nghề, trải qua quá trình thử nghiệm, cuối cùng ông nhận thấy gỗ dừa hoàn toàn có thể chế tác được các loại nhạc cụ, nếu gỗ dừa dùng chế tác là loại lâu năm (từ 80 năm trở lên) và chỉ dùng phần thân dưới.

Những nhạc cụ bằng gỗ dừa do nhạc sĩ - nghệ nhân Ba Bá chế tác

Để khắc phục nhược điểm âm thanh phát ra không lớn, ông Ba Bá đã có sáng kiến chế thêm bộ phận lò xo và micro để có thể khuếch âm thanh lớn hơn, ngân dài hơn cho các loại nhạc cụ như đàn gáo, kìm, sến, bầu… Riêng cây đàn ghita do ông Lê Dân vẽ mẫu, ông Ba Bá đã cho gắn thêm bộ khuếch tán âm thanh điện tử để tạo ra âm thanh ngọt hơn, ngân vang hơn.

Bộc bạch với giới truyền thông, có lần ông Ba Bá tâm sự rằng, khi thấy ở Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc nhiều dân tộc từ lâu đã có nhạc cụ riêng để thể hiện bản sắc hóa của dân tộc mình, nhưng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn sở hữu loại hình đờn ca tài tử độc đáo mà nhạc cụ sử dụng vẫn còn mang tính vay mượn, chưa có những nhạc cụ đặc trưng của riêng mình nên ông đã quyết tâm thực hiện bằng được bộ đàn dân tộc truyền thống bằng gỗ dừa dành cho các ban nhạc đờn ca tài tử của xứ dừa Bến Tre.

Lúc sinh thời, khi tiếp cận những cây đàn làm từ gỗ dừa, giáo sư chuyên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê đánh giá cao về chất lượng âm thanh và cả hình dáng những cây đàn. Không những thế, bộ nhạc cụ độc đáo này có có giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân xứ dừa Bến Tre, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Ông cho rằng, không một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới trong tiến trình phát triển lại không có âm nhạc đi cùng.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.