You are here

Định mệnh - Tôi trở thành nhà phê bình âm nhạc

Tác giả: 
Hector Berlioz

Giờ là lúc tôi phải kể lại tình huống đã khiến tay tôi bị cuốn vào cái bánh răng của nghề phê bình. Humbert Ferrand, Cazales và Carné, những tên tuổi khá nổi trong giới chính trị gia nước ta, vừa mới thành lập một tờ tạp chí văn chương có tên Revue Européenne (Tạp chí Âu châu)[1] nhằm bênh vực cho các quan điểm tôn giáo và quân chủ của họ. Họ cần thêm vài cộng tác viên cùng tham gia để hoàn thiện đội ngũ.

Humbert Ferrand đã đề xuất để tôi gánh vác mục phê bình âm nhạc.

- Nhưng tôi không phải là nhà văn, tôi bảo khi được anh đề nghị, văn tôi viết dở tệ và tôi thật sự không dám...

- Anh lầm rồi, Ferrand đáp, tôi đã đọc những lá thư anh gửi, anh sẽ sớm quen với những kỹ năng còn thiếu. Vả lại chúng tôi sẽ xem lại các bài anh viết trước khi đem in và chúng tôi sẽ chỉ ra những lỗi có thể cần chỉnh sửa. Hãy cùng tôi đến gặp Carné, anh sẽ biết điều kiện cộng tác ở đó thế nào.

Ý nghĩ về một thứ vũ khí như vậy được đặt vào tay tôi để bênh vực cho cái đẹp và để tấn công những gì tôi thấy là trái ngược với cái đẹp khiến tôi nhoẻn cười ngay lập tức còn sự cân nhắc về chuyện nguồn lực tài chính vốn luôn rất eo hẹp của mình sẽ được tăng lên chút ít đã đưa tôi đến quyết định cuối cùng. Tôi theo Ferrand tới chỗ Carné và mọi việc được thu xếp xong.

Tôi chưa bao giờ tự tin nhiều vào bản thân trước khi thử sức mà bản tính nhút nhát này có vẻ còn tăng lên sau một cuộc phiêu du kém may mắn mà tôi đã tiến hành trong địa hạt bút chiến âm nhạc. Đó là vào dịp những lời báng bổ mà các tờ báo đương thời theo phe Rossini nhằm vào Gluck, Spontini cùng toàn bộ trường phái thể hiện kịch tính và có lương tri, những lời lẽ ngông cuồng của họ nhằm chống lưng và ca tụng Rossini cùng hệ thống âm nhạc duy cảm của ông ta, sự vô lý đến khó tin trong lập luận của họ để chứng minh rằng âm nhạc, dù kịch tính hay không, chẳng hề có mục đích nào khác ngoài việc quyến rũ đôi tai và chẳng có tham vọng biểu đạt những cảm xúc và những đam mê; cả đám những lời ngớ ngẩn ngạo nghễ được những kẻ đến các nốt nhạc trong thang âm cũng chẳng biết mà lại dám phát biểu khiến tôi hết sức bực bội.

Khi đọc những lời huyên thuyên của một trong những kẻ điên rồ đó, tôi đã nảy ra ý muốn đáp trả.

Tôi cần một diễn đàn có uy tín nên đã viết thư cho ông Michaud, biên tập viên và chủ bút tờ Quotidienne (Nhật báo) đang thịnh hành lúc đó. Tôi trình bày với ông mong muốn, mục đích và những ý kiến của mình, cam kết gắng hết sức mình trong cuộc chiến này. Bức thư nửa nghiêm túc nửa buồn cười của tôi đã khiến ông hài lòng và hồi âm ngay lập tức. Đề xuất của tôi được chấp nhận và người ta nóng lòng chờ bài báo đầu tay của tôi. Tôi vừa hét vừa nhảy lên vì vui sướng: “A! Những tên khốn! Ta nắm được chúng bay rồi!” Nhưng tôi đã nhầm, tôi chẳng nắm được gì cả, chẳng nắm được ai hết. Quá thiếu kinh nghiệm trong nghệ thuật viết lách, quá thiếu hiểu biết về thế giới cũng như về quy tắc báo chí và đam mê âm nhạc thì quá dữ đội để bước đi đầu tiên của tôi không phải là một bước sai lầm đúng nghĩa. Bài viết mà tôi mang đến cho ông Michaud, ngoài việc quá ư lộn xộn và cực tệ trong diễn đạt, đã vượt xa khỏi phạm vi bút chiến và quá hung hăng so với dự tính. Nghe tôi đọc nó và khiếp sợ trước sự táo tợn của tôi, ông Michaud bảo: “Có thể những điều đó đúng cả đấy nhưng anh đập vỡ cửa kính mất rồi; tôi tuyệt đối không thể cho phép một bài báo như vậy trên tờ Quotidienne.” Tôi lui về sau khi hứa sẽ viết lại. Sự biếng nhác và nỗi chán ngán khi phải nể nang dè chừng ùa đến nhanh chóng và tôi chẳng làm gì thêm nữa.[2]

Nếu kể về sự biếng nhác của tôi thì phải nói là lúc nào cũng vô cùng đại lãn trong việc viết văn. Tôi đã thức nhiều đêm để soạn nhạc, công việc phối khí khá là mệt mỏi đôi khi khiến tôi ngồi bất động bên bàn suốt tám giờ liên tục mà chả buồn nhúc nhích dù chỉ để thay đổi tư thế; và chẳng phải là không cần nỗ lực khi tôi quyết định đặt bút viết một trang văn xuôi nhưng ngay khi viết đến dòng thứ mười (ngoại trừ vài dịp rất hiếm hoi) là tôi đã đứng lên, đi lại trong phòng, nhìn ra phố, mở cuốn sách đầu tiên rơi vào tay mình và cuối cùng là tìm mọi cách để chống lại nỗi nhàm chán và mệt mỏi xâm chiếm mình mau chóng. Tôi đã phải nỗ lực quay lại viết tiếp tám đến mười lần để hoàn thành một bài cho chuyên mục thường kỳ trên tờ Journal des Débats. Tôi thường dành ra hai ngày để viết ngay cả khi đề tài khiến tôi vừa ý, vui thích hay cực kỳ hứng thú. Và bài viết mới nhiều gạch xóa và lem luốc làm sao! Phải xem bản nháp của tôi cơ...

Với tôi soạn nhạc là một là một thiên chức, một niềm hạnh phúc còn viết văn là một lao động nặng nhọc.

Tuy nhiên được H. Ferrand khích lệ và thúc giục, tôi đã viết cho Revue européenne một số bài phê bình biểu lộ lòng khâm phục với Gluck, Spontini và Beethoven. Sau khi sửa bài theo những nhận xét của Carné, bài đã được đăng và đón nhận một cách khoan dung[3]. Và thế là tôi bắt đầu hiểu được những khó khăn trong cái nghề nguy hiểm mà theo thời gian sẽ góp một phần thật quan trọng và cũng thật tệ hại trong cuộc đời tôi. Việc tôi không thể thoát khỏi nó cùng những tác động nhiều mặt lên sự nghiệp nghệ sĩ của tôi tại Pháp và những nơi khác cụ thể thế nào, ta sẽ thấy ở phần sau.

(Trích Hồi ký Hector Berlioz, chương 21. Lê Ngọc Anh dịch)

Chú thích:

[1] Có lẽ là tờ Correspondant vì tờ Revue Européenne đến năm 1831 mới xuất hiện và thay thế tờ Correspondant. (DC)

[2] Nhưng có lẽ không lâu sau thất bại đầu tiên với tờ Quotidienne, Berlioz đã đăng được một bài cùng đề tài trên tờ Corsaire, một nhật báo về nghệ thuật và thời trang. Hai bài tương tự sau đó được đăng vào các ngày 11/1/1824 và 19/12/1825. Sau đó có vẻ như ông không viết báo nữa cho tới năm 1829 khi bắt đầu cộng tác với hai tờ CorrespondantBerliner allgemeine musikalische Zeitung. (DC)

[3] Bài đầu tiên được đăng vào ngày 21/4/1829. Cũng khoảng thời gian này Berlioz bắt đầu cộng tác với tờ Berliner allgemeine musikalische Zeitung. (DC)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.