You are here

Dấu ấn 2016 của tình yêu Hà Nội

Tác giả: 
Cát Vận

Không thể không hồi hộp và cảm động khi được tham dự các đêm tác giả của các nhạc sĩ Hội viên Hội âm nhạc Hà Nội vì đây không phải chỉ là sự  “bứt phá ngoạn mục” của Lãnh đạo Hội mà còn là sự nỗ lực của các nhạc sĩ trong việc “chắt lọc” tinh túy nhất của cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình để đưa lên sân khấu những tác phẩm tiêu biểu.

Với suy nghĩ như vậy, tôi được dự chương trình Tình yêu Hà Nội 2016 giới thiệu tác phẩm của ba nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Thế Song, Ngô Quốc Tính tại Nhà hát lớn Hà Nội đêm 26 tháng 11 vừa qua được coi như niềm vinh dự của một hội viên và là niềm tự hào về các đồng nghiệp của mình. Tôi biết, nhiều nhạc sĩ ngồi cạnh tôi và ngồi chật kín khán phòng cũng có nhiều người suy nghĩ như tôi và cũng không ít người đến để vừa chia sẻ, thông cảm vừa có cách nhìn “rất nghiêm khắc” về  đồng nghiệp.

Suy nghĩ của tôi bị cắt ngang khi Đoàn hợp xướng Hanoi Harmony cất lên những âm thanh đầu tiên của bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được chuyển soạn thành hợp xướng không nhạc đệm. Những âm thanh trong trẻo, thuần khiết mở đầu đêm diễn đưa không gian nhà hát lớn vào “thánh đường nghệ thuật” kỳ ảo.

Trong đêm diễn, các tiết mục lần lượt được trình bày xen kẽ tác phẩm của ba tác giả tạo nên sự da dạng, phong phú nhiều màu sắc. Nếu Nguyễn Tài Tuệ cùng với Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi là những Suối Mường Hum chảy mãi, Mùa Xuân gọi bạn, Xuân về trên bản Nhắng Mơ quê là dòng chảy âm nhạc dân gian vô tận, thì Tình yêu bên suối, Tiếng hát trên đỉnh Pò Hèn, Hà Nội Xuân, Chiều Thu, Biển mưa và đặc biệt là Nơi đảo xa làm cho khán giả và người yêu nhạc thêm yêu Thế Song bởi ca khúc của anh giàu chất thơ và hình ảnh với ngôn ngữ giai điệu mộc mạc, giản dị khi anh hướng tác phẩm của mình vào cuộc sống thật nơi biên cương, hải đảo và cả Hà Nội nơi anh sinh ra và trưởng thành.

Cùng hòa quyện với tình cảm và ngôn ngữ ấy, Ngô Quốc Tính tạo cho mình một phong các riêng không thể nhầm lẫn với Huyền diệu biển, Mai Em mười bảy, Trên công trường rộn tiếng ca, Hương hồi Xú Lạng, Hồ Tây chiều nhớ. Mỗi bài hát là đều có  một cách biểu đạt rất riêng song trong toàn bộ vẫn mang phong cách rất Ngô Quốc Tính. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong tác phẩm nhạc không lời của anh: bản tam tấu viết cho violon, cello và piano toát lên nhiều nhân tố mới xen nhau liên tục khiến người nghe khó có thể cảm nhận ngay một lúc trong khán phòng. Nhạc không lời và có lời tương hỗ nhau, giao thoa nhau trong cùng một con người sáng tạo là như thế, không ai có thể giấu mình trong nghệ thuật được! Cũng vì thế, song tấu cello và piano của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là sự nối tiếp những âm hưởng dân gian vô tận.

Đêm diễn thành công cũng phải kể đến sự đóng góp tài năng của các ca sĩ Anh Thơ, Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Khánh Linh, Phương Anh, Nhật Thủy, Hồng Ngọc cùng những nhạc sĩ phối khí đã hết mình tạo nên những âm thanh mới trong những bài ca quen thuộc.

Tình yêu Hà Nội 2016 tôn vinh những nhạc sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về VHNT của Hội Âm nhạc Hà Nội khép lại những hoạt động âm nhạc chính của Hội trong năm 2016 đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc và những đồng nghiệp của ba tác giả Nguyễn Tài Tuệ, Thế Song và Ngô Quốc Tình.

Xin chúc mừng các anh và hy vọng những dấu ấn mới trong các chương trình Tình yêu Hà Nội kế tiếp.

11/2016

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.