You are here

Đặt lời mới cho dân ca quan họ dành cho thiếu nhi

Tác giả: 
Nguyễn Trung

“Muốn yêu tổ quốc mình, phải yêu những khúc hát dân ca”

Theo suy nghĩ của tôi, cách gìn giữ dân ca quan họ tốt nhất là làm cho quan họ sống trong lòng tất cả mọi người. Hiện nay, Dân ca quan họ đã là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại chứ không chỉ của riêng người Việt Nam. Muốn quan họ trường tồn và lan toả, tốt hơn hết là phải làm cho tất cả mọi người cùng yêu nó, say nó và mang nó sử dụng trong cuộc sống thường ngày và như thế thì Dân ca quan họ sẽ không bao giờ mất được. Từ bao đời nay,  Văn hoá quan họ nói chung và Dân ca quan họ nói riêng là sinh hoạt văn hoá nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn – một đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc, được đông đảo công chúng yêu quý và luôn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào để những nghệ nhân, nghệ sĩ tiếp thu, sáng tạo nên những tác phẩm mới..

Sáng tạo những ca khúc mới trên cơ sở những làn điệu Dân ca quan họ truyền thống là dùng dân ca quan họ để phản ánh cuộc sống đương đại của quê hương, đất nước với nhiều nội dung phong phú. Qua đó vừa tham gia vào việc bảo tồn và phát huy Dân ca quan họ, vừa đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội đương đại và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của công chúng, nhất là nhu cầu được thưởng thức. Có được những bài bản “Quan họ lời mới” không chỉ đòi hỏi các tác giả phải có lòng quý trọng, yêu say quan họ mà còn phải dày công tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu Dân ca quan họ, trên cơ sở đó sáng tạo nên những ca khúc mới, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Ở độ tuổi thiếu nhi, để hiểu và cảm thụ Dân ca quan họ cổ là rất khó, bởi ca từ thường giàu tính ẩn dụ của dân gian, các điển tích và thuật ngữ Hán - Việt; hơn nữa trên 80% các bài Dân ca quan họ là lối hát giao duyên của tình yêu đôi lứa. Trong khi đó, việc truyền dạy bao giờ cũng coi trọng quan họ cổ, nếu có lời mới cho thiếu nhi thì đòi hỏi ca từ phải thật trong sáng, gần gũi, giản dị và giàu ý nghĩa với tuổi thơ. Tuy nhiên hiện nay, các sáng tác dành cho thiếu nhi không nhiều, những bài hát hay thì lại càng hiếm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền dạy Dân ca quan họ cho lớp trẻ.

Từ khi dân ca quan họ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ có người già mà thanh, thiếu niên, nhi đồng cũng đều quý trọng, yêu mến những làn điệu dân ca truyền thống. Qua học hát, các em không những được rèn luyện về ca từ, kỹ năng nhấn nhá, luyến láy, nấy hơi, nhả âm... mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử của người quan họ. Tuy nhiên thực tế số lượng không nhiều và bài hay càng ít, việc đặt lời mới cho Dân ca quan họ cần phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ vô tình làm mất bản sắc của quan họ, do vậy vấn đề đặt ra là cần có sự chuyên nghiệp trong việc đặt lời mới.

Quan họ cổ được truyền miệng trong dân gian và vốn không dành cho thiếu nhi. Sau này để đáp ứng nhu cầu truyền dạy cho nhiều đối tượng, trên nền các giai điệu cổ đó, các tác giả đã phát triển thành những bài quan họ có lời mới ca ngợi quê hương đất nước, lao động sản xuất... Hiện nay một số làng vẫn có người sáng tác quan họ lời mới nhưng chất lượng chưa cao nên các tác phẩm khó “sống” được chứ chưa nói đến việc hấp dẫn trẻ em. Để phát triển mạnh hơn phong trào hát dân ca quan họ trong lớp trẻ, ngoài việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tổ chức hội thi, hội diễn, giao lưu hát dân ca quan họ dành cho thiếu nhi, về lâu dài chúng ta cần xây dựng kế hoạch, quan tâm đến chất lượng tại các trại sáng tác văn học nghệ thuật hằng năm, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác cho đội ngũ nghệ nhân đang hằng ngày sống cùng di sản văn hóa quan họ.

Từ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ cấp mầm non cho đến phổ thông. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển Dân ca quan họ Bắc Ninh theo cam kết của Việt Nam với UNESCO khi Dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại.  
Theo nội dung kế hoạch giảng dạy, các em học sinh được học Dân ca Quan họ theo hình thức học ngoại khóa. Mỗi năm học, học sinh được tham gia 6 buổi ngoại khóa học hát Dân ca Quan họ với mục tiêu mỗi học sinh có thể hát được ít nhất một bài hát dân ca quan họ truyền thống. Các em học sinh còn được tìm hiểu kiến thức về trang phục hát, cách têm trầu cánh phượng và hát theo lối truyền khẩu, nhịp phách từ bài dễ đến bài khó. Ngoài ra, học sinh còn được tiếp cận Dân ca Quan họ lời mới với hình thức truyền dạy do các giáo viên, nghệ nhân quan họ thực hiện và thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, trò chơi âm nhạc, sinh hoạt tổ, nhóm để tiến tới hàng năm các trường tổ chức Liên hoan, hội diễn “Em yêu làn điệu dân ca” cho học sinh ở các cấp học. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có hơn 50 Câu lạc bộ hát Dân ca Quan họ, 329 làng quan họ thực hành và 44 làng quan họ gốc.

 

Để giúp thiếu nhi tiếp cận gần nhất với di sản văn hoá Quan họ rất cần những tác phẩm đặt lời mới phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và khả năng cảm nhận của các em. Tuy nhiên nhìn vào số lượng và sức sống các tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây có thể thấy Quan họ lời mới cho thiếu nhi đang ở vào tình thế vừa thừa lại vừa thiếu. Trong những năm gần đây, một số cuộc thi sáng tác Quan họ lời mới cho thiếu nhi do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh tổ chức được phát động với quy mô rộng rãi. Gộp số sáng tác gửi về dự thi của các cuộc thi trên cũng lên tới vài trăm bài, chưa kể những sáng tác đơn lẻ không gửi dự thi. Số lượng như vậy không phải là ít nhưng những tác phẩm thực sự giá trị gắn bó lâu dài với các em thiếu nhi lại không nhiều.

Theo tôi, truyền dạy Quan họ cho thiếu nhi phải bắt đầu bằng việc truyền cho các em niềm yêu thích và say mê học hát. Quả thực với lứa tuổi các em, để hiểu và cảm nhận Quan họ cổ là rất khó bởi Quan họ vốn là lối hát giao duyên nghĩa tình giữa nam và nữ. Vì thế bên cạnh một số bài cổ có nội dung phù hợp, rất cần phải kết hợp dạy những bài lời mới để các em dễ tiếp cận. Tuy nhiên, tìm được một bài Dân ca quan họ lời mới chất lượng hiện nay không phải là dễ. Hàng trăm bài sáng tác gần đây may ra chỉ chọn được 1 - 2 bài.  Ngược lại có những bài quen thuộc, ra đời cách đây hàng chục năm vẫn được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích.

Nhạc sĩ Đức Miêng, người có uy tín lâu năm trong lĩnh vực đặt lời mới, sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Quan họ từng tâm sự: “Quan họ lời mới cho thiếu nhi hiện nay thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu”. Thừa là bởi có khá nhiều tác phẩm ra đời nhưng không được công chúng đón nhận, phổ biến. Thiếu là thiếu những tác phẩm hay, chất lượng, thể hiện được cả ý nghĩa nội dung và tính nghệ thuật trong sáng tác. Đơn cử như ở cuộc thi vừa mới diễn ra tại Bắc Ninh. Số lượng gửi về dự thi lên tới hơn 80 bài nhưng vẫn không tìm được tác phẩm nào đủ xuất sắc để trao giải Nhất.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lực lượng sáng tác hiện nay chủ yếu là những người không chuyên. Họ rất nhiệt huyết, trách nhiệm nhưng khía cạnh chuyên môn còn nhiều hạn chế. Việc đặt lời mới cho Quan họ tưởng đơn giản nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào. Tác giả phải có sự am hiểu sâu sắc về âm điệu, độ luyến láy, trầm bổng của Quan họ; phải biết sử dụng ngôn từ sao cho thật uyển chuyển, mềm mại, đúng vần điệu... Chưa kể sáng tác cho thiếu nhi cần lựa chọn những làn điệu dễ hát, dễ thuộc, dễ nhớ; ý tứ, từ ngữ phù hợp với lứa tuổi. Nhiều tác phẩm hiện nay thể hiện chưa phù hợp khiến các em khó tiếp nhận, do đó khó có thể có đời sống lâu dài được

Nhu cầu đã có, lực lượng sáng tác cũng có, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng sáng tác và tạo dựng đời sống cho các tác phẩm. “Không có bột không thể gột nên hồ. Vì thế quan trọng nhất vẫn là phải bồi đắp thêm về nghề nghiệp cho các tác giả. Nếu chỉ hô hào, cổ vũ sáng tác nhưng không trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng thì không thể đòi hỏi thu về tác phẩm hay. Mặt khác, những tác phẩm đã qua tuyển chọn cũng cần có kế hoạch cụ thể để truyền dạy, lan tỏa như: Đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa vào dạy ở các câu lạc bộ, trường học, tổ chức thêm nhiều cuộc thi khuyến khích các em hát bài mới… Theo thời gian, tác phẩm nào thực sự chất lượng sẽ khẳng định được vị trí trong lòng công chúng.

Tóm lại, ngoài yếu tố chuyên môn, muốn có nhiều sáng tác âm nhạc tốt cho thiếu nhi cần phải hiểu rõ tâm tư, tình cảm, sở thích của các em. Mang suy nghĩ, cách diễn đạt của người lớn đưa vào tác phẩm và áp đặt, bắt các em phải hiểu, phải yêu là vô cùng khiên cưỡng. Một tác phẩm thành công cần được truyền tải bằng ngôn từ trong sáng, phản ánh được tâm hồn, tính cách các em, đồng thời lồng ghép những thông điệp gần gũi, giản dị, giàu ý nghĩa. Phải luôn nhớ rằng: Chúng ta đang sáng tác cho thiếu nhi, vì thế hãy chọn cách tiếp cận bài hát thật tự nhiên như chính sự hồn nhiên, vô tư của các em.

Ai cũng biết dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với lứa tuổi thiếu nhi thì khó có thể trông đợi các em hiểu ngay được cái hay, cái đẹp trong Dân ca Quan họ cổ. Việc đặt lời mới phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi đóng vai trò rất quan trọng giúp các em kết nối, bồi đắp tình yêu Quan họ từ những ngày thơ bé, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy Di sản Văn hoá Phi vật thể này mãi mãi trường tồn và lan toả.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.