You are here

Đào tạo âm nhạc đỉnh cao ở Việt Nam

Tác giả: 
Nguyễn Thị Nam

Đào tạo âm nhạc đỉnh cao ở nước ta được chú ý ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tiếp đó là sự góp mặt của các nhạc viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, Huế,…

Từ đó nhiều tài năng biểu diễn và sáng tác khí nhạc được đào tạo góp phần tạo lập được vị trí của âm nhạc Việt Nam trong khu vực và vươn ra thế giới, đã có nhiều giải thưởng quốc tế giá trị và đã có nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng thế giới.

Thời kỳ hội nhập giúp cho âm nhạc Việt Nam quan hệ, giao lưu với các nền âm nhạc tiên tiến khác và cũng giúp những người làm đào tạo phát triển âm nhạc nhìn lại mình ở nhiều khía cạnh.

Trước đó, ngành sư phạm âm nhạc nước ta chủ yếu tiếp nhận những phương pháp đào tạo Nga - Xô viết. Dù vẫn tốt nhưng chưa đủ khi mà bên cạnh đó còn có những phương pháp đào tạo khác cũng rất có giá trị tích cực. Những nét mới ấy đến được nước ta thông qua một số sinh viên được học tập ở các nước có nền âm nhạc tiên tiến, một số giảng viên được cử đi học tập ngắn ngày ở nước ngoài và qua những cuộc trao đổi giảng viên - nghệ sĩ Việt Nam với các nước và ngược lại. Nhưng như thế chưa đủ, theo một nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng thì ở ta vẫn còn hiện tượng “áp dụng tư duy đào tạo theo kinh nghiệm, theo kiểu truyền nghề”.

Việc tiếp nhận các phương pháp đào tạo tiên tiến khác nên được thực hiện một cách chủ động và có kế hoạch.

Cũng nên cố gắng duy trì một mặt bằng tốt trình độ của những người thầy.

Đào tạo âm nhạc đỉnh cao về biểu diễn ở ta chủ yếu thành công ở những bậc học thấp. Nhiều tài năng ở lứa tuổi thiếu niên đoạt giải thưởng quốc tế và khu vực. Rồi để tiếp tục phát triển các em thường phải tới học tập ở các học viện danh tiếng nước ngoài. Ở đó ngoài thầy giỏi, nền giáo dục âm nhạc có trình độ cao và hiệu quả, các em còn có môi trường âm nhạc và văn hóa tốt. Sự giao lưu với các tài năng trẻ từ các nước khác đến rất có ích cho các em (trong khi ở ta chưa có lưu học sinh đến từ các nước có nền âm nhạc phát triển).

Các concours, festival âm nhạc quốc tế thường xuyên được tổ chức đương nhiên là những nơi để các em tiếp nhận ảnh hưởng hoặc bộc lộ tài năng.

Việt Nam đã tổ chức được Cuộc thi quốc tế piano Hà Nội có giá trị và rất bổ ích, nhưng có năm không thực hiện được chương trình (có thể do kinh phí?). Còn festival âm nhạc thì đã có nghệ sĩ bậc thầy - giảng viên quốc tế nêu vấn đề nhưng chưa tổ chức được.

Sinh viên âm nhạc ở nước ngoài có nhiều cơ hội lên sân khấu, biểu diễn ở nhiều phòng hòa nhạc, ở nhà thờ, tòa thị chính, trường đại học, bảo tàng, sân khấu ngoài trời, v.v.

Ở ta nơi có đủ điều kiện để sinh viên biểu diễn rất hiếm và hình như cũng không có người nghĩ đến việc tổ chức biểu diễn cho các em.

Giảng viên âm nhạc ở Việt Nam cũng ít có cơ hội lên sân khấu (tháng 3 năm 2017, chương trình Spring piano concert được Học viện Âm nhạc tổ chức cho các giảng viên là một hoạt động tốt). Mà ngành này đòi hỏi giảng viên vừa là nhà sư phạm vừa là nghệ sĩ nên các chương trình diễn tấu của giảng viên là hoạt động thiết thực.

Sự xuất hiện tài năng để đào tạo nằm ngoài khả năng của nhà sư phạm. Nhưng việc họ phát hiện tài năng từ những nhân tố mảnh mai ban đầu là rất giá trị.

Ở ta việc chọn lọc đầu vào cho chặt chẽ và đào tạo có trọng điểm chưa được chú ý đầy đủ. Thêm nữa, các em chưa được tập trung cao độ vào việc học âm nhạc mà còn bị phân tán vào nhiều khâu rườm rà khác, không giống như sinh viên được đào tạo ở nước ngoài.

Có một thư viện phong phú về sách, về đĩa nhạc là điều sinh viên mong muốn. Ở Việt Nam việc này có những mặt hạn chế (liên quan đến cả khâu xuất bản và nhập khẩu, chưa kể trình độ ngoại ngữ của người học).

Thời gian qua Nhà nước đã có sự hỗ trợ thiết thực cho việc đào tạo - ví dụ ở việc sinh viên được đóng học phí thấp khi mà hoạt động đào tạo rất tốn kém. Nhà nước cũng có những chỉ tiêu cho việc đào tạo nâng cao giảng viên ở nước ngoài dù rất ít.

Còn phần lớn các em có năng khiếu thì gia đình cũng phải có năng lực tài chính mới có điều kiện du học.

Đó là về đào tạo tài năng biểu diễn.

Khu vực sáng tác khí nhạc khó khăn hơn. Thành tựu cũng có nhưng nổi trội để có thể vươn ra quốc tế thì hiếm. Đây là một lĩnh vực khó mà quan trọng khi thành quả góp phần chủ yếu làm nên giá trị của một nền âm nhạc.

Có thể đã có những tác phẩm khí nhạc tốt của sinh viên hoặc cựu sinh viên các cơ sở đào tạo âm nhạc nhưng chúng khó đến được với công chúng, ngoài chuyện kén người nghe thì còn hiếm khi được dàn dựng để biểu diễn. Ngay cả các tác phẩm khí nhạc được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì cũng chung số phận. Thỉnh thoảng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chơi tác phẩm khí nhạc của ta trong các chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng - thính phòng quốc tế. Khí nhạc Việt Nam chưa được chú ý đầy đủ và chưa có chỗ đứng trong sinh hoạt âm nhạc.

Một niềm hy vọng cho đào tạo âm nhạc đỉnh cao Việt Nam là Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7 năm 2016.

Với mục tiêu “phát hiện, đào tạo học sinh sinh viên có năng khiếu vượt trội để trở thành những nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy…” đề án đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về đào tạo tài năng trong đó có ngành âm nhạc trình độ đại học và trên đại học, trong nước và ngoài nước, có liên kết với cơ sở nước ngoài có uy tín.

Thực hiện đề án là sự hỗ trợ tốt cho việc đào tạo âm nhạc đỉnh cao ở Việt Nam cả về biểu diễn và sáng tác.

Một công việc khác rất cần quan tâm là đào tạo khán giả.

Khán giả là nguồn cảm hứng, là nguồn nuôi dưỡng các tài năng về tinh thần và vật chất. Nhiều người rất ngại tiếp xúc với âm nhạc cổ điển, thính phòng. Làm sao để dòng âm nhạc này có thể đến được với công chúng, giúp họ quen, thấm dần rồi yêu là một công việc cần thiết phải làm lâu dài.

Nhiều nước có những hoạt động thiết thực để kéo công chúng đến với dòng nhạc trí tuệ này.

Nghệ sĩ - nhà sư phạm violon Ngô Hoàng Linh có thời gian làm concert - master ở dàn nhạc Mexico kể rằng ở đó các dàn nhạc tới các trường học, vào cả nhà tù chơi nhạc, giới thiệu nhạc cụ cho mọi người. Các buổi tổng duyệt trước biểu diễn họ cho học sinh phổ thông đến ngồi chật phòng khán giả. Họ tổ chức các buổi hòa nhạc có giảng giải.

Ở ta cũng đã có một số hoạt động tiếp cận công chúng: Có vài nhóm nhạc giao hưởng thính phòng ra chơi trên đường phố, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong chương trình Toyota xuyên Việt tới hòa nhạc ở vài thành phố ít có điều kiện tổ chức hòa nhạc giao hưởng tầm cỡ.

Chương trình hòa nhạc Ngày châu Âu tháng 5 năm 2017, nữ nghệ sĩ Pháp vừa chơi các trích đoạn tác phẩm của Bach, Lizst… vừa giới thiệu về tác phẩm, tác giả. Đó là một cách hay.

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có những hoạt động để “giành” khán giả: có những buổi biểu diễn không thu tiền, có những vé dành cho những người không có điều kiện mua vé, tổ chức giao lưu giữa nghệ sĩ nước ngoài với học sinh, Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh có hoạt động giảng dạy cho các em. Nhạc viện tổ chức một số lớp học miễn phí cho trẻ em.

Những hoạt động trên đây là rất đáng quý, biết rằng các đơn vị phải cố gắng nhiều về việc lo kinh phí, nhiều khi giảng viên, sinh viên biểu diễn không lấy thù lao.

Nhưng việc đào tạo khán giả ở ta chưa được chú ý một cách bài bản, chưa thành một chiến lược, từ trung ương đến các đơn vị đào tạo và biểu diễn.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nên có Ban Khán - thính giả.

Đào tạo tài năng và khán giả âm nhạc giao hưởng thính phòng phải làm lâu dài và tốn kém. Ngoài phần tài trợ của Nhà nước, nên tìm kiếm sự hỗ trợ ở nguồn xã hội hóa.

Một điều rất quan trọng, đó là các chương trình biểu diễn cần được quảng cáo, đưa tin nhiều hơn, tốt hơn nữa; việc này phải dựa vào các đơn vị truyền thông.

***

Chỉ khi huy động được các yếu tố kể trên một cách có hiệu quả thì công tác đào tạo âm nhạc đỉnh cao mới hy vọng tiến triển tốt.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.