You are here

Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp: Mở cửa hay không mở cửa?

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

(Kỉ niệm 60 năm Trường Âm nhạc Việt Nam)

Không đến mức gay cấn mang tính sống còn như câu hỏi bất hủ của Sheakspeare: “Tồn tại hay không tồn tại?”, song đây là một yếu tố quyết định chất lượng đầu ra và hiệu quả xã hội của lĩnh vực đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thời hiện tại.

Có mở cửa thì mới tính đến chuyện hòa nhập với thế giới bên ngoài được. Hội nhập toàn cầu là điều mà giới nhạc chuyên nghiệp luôn cố hướng tới như một cái đích đáng ước ao. Có vẻ như các nghệ sĩ biểu diễn hội nhập quốc tế hiệu quả hơn giới sáng tác, lí luận. Công bằng mà nói, trong thành công của người biểu diễn trên sân khấu quốc tế có sự góp công sức không nhỏ của giới đào tạo nước nhà, nhất là với các nghệ sĩ nhí đi thi tài tại các concours thế giới thì vai trò của người thầy càng lớn.

Còn hòa nhập với đời sống xã hội trong nước thì sao? Đây cũng là một tiêu chí gây bao trăn trở cho giới nhạc kể từ thời điểm “Mở cửa” năm 1986.

Cơ chế kinh tế thị trường đòi hỏi đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp phải quan tâm đến nhu cầu của cộng đồng “nội địa”. Ở một số chuyên ngành, thí sinh thi vào ít hơn chỉ tiêu đề ra và hiện tượng người học ít hơn người dạy là có thật. Muốn đỡ “ế” thì không thể cứ ôm khư khư mãi cung cách đào tạo cũ. Vậy là thời gian đào tạo được rút bớt, rồi thời lượng kéo theo chất lượng: tính học thuật cũng phải giảm nhẹ.

Xu hướng “nhẹ hóa” đào tạo chuyên nghiệp khiến nhiều nhà chuyên môn lo ngại, bởi theo họ “hàn lâm là hàn lâm!”, âm nhạc bác học không phải thứ đem ra làm đại trà. Đáng lo ngại nữa là căn bệnh chung của cả ngành đào tạo giáo dục ở ta hiện nay: đề cao thành tích bề nổi hơn là chiều sâu. Số lượng giáo sư - tiến sĩ tăng nhanh cũng là một biểu hiện “mở” trong đào tạo, nhưng thực tế này đáng tiếc lại mau chóng dẫn đến sự suy giảm chất lượng và uy tín của các thứ học hàm học vị.

Mặt khác, quá dị ứng với chính sách “mở” dễ dẫn đến xu hướng đóng cửa cài then tháp ngà hàn lâm, biến mình thành ốc đảo giữa mọi biến động xã hội. Các nhà chuyên môn, cả thầy lẫn trò cứ “việc ta - ta làm”, khỏi bận tâm đến đời sống âm nhạc thị trường bình dân làm chi. Sinh viên học nhiều thứ cao siêu mà vẫn không được trang bị những gì xã hội cần, thì dù có học tốt ở trường chưa chắc ra trường đã làm tốt và được làm đúng nghề.

Đóng đến mức bất cập, hoặc mở đến mức đại trà - cả hai biểu hiện cực đoan này đều có thể tạo ra những “thành phẩm lỗi”. Vậy thì vấn đề ở đây rõ ràng là phải “mở”, nhưng mở như thế nào đây?

Có thể “mở” trong giáo trình và phương pháp giảng dạy được không?

Giáo trình mở là một giáo trình linh hoạt, luôn cập nhật, không đóng băng năm này qua năm khác. Kiến thức của nhân loại ngày càng mênh mông bể sở, có cố nhồi bao nhiêu cũng không đủ. Chẳng riêng gì giáo trình đào tạo âm nhạc, chương trình giáo dục phổ thông bao lần cải tiến vẫn lao theo xu hướng tăng thêm kiến thức, sách giáo khoa cho con trẻ ngày càng khó, càng nặng, nhưng cũng càng ẩu hơn. Học dù nhồi nhét quá tải mà thiếu “hành”, thì lớp trẻ bước vào đời vẫn cứ lớ ngớ thôi.

Kiến thức cứ để trò tự tìm hiểu, tra cứu tài liệu qua sách vở và qua mạng theo gợi ý của thầy. Điều cần học là cách chọn lọc và xử lí kiến thức, là những gì mà trò tự rút ra được thông qua cảm nhận, suy xét và đánh giá của riêng mình. Cái tài của thầy là dạy trò làm được điều đó. Cái giỏi ở trò là học được điều đó một cách sáng tạo chứ không làm con vẹt nhái lại những gì có sẵn.

Chúng ta vẫn quen với mối quan hệ một chiều: trò chỉ biết thụ động làm theo thầy. Xây dựng mối quan hệ thầy trò theo tinh thần mở có nghĩa phải phá vỡ thói quen này. Âm nhạc là một ngành nghề sáng tạo nên cũng như mọi nghề sáng tạo khác rất cần có đối thoại bình đẳng giữa trò với thầy, qua đó thầy gợi mở cho trò cách tiếp cận và xem xét vấn đề, còn trò có quyền tranh luận cởi mở những suy luận độc lập, kể cả đối lập.

Còn có nhiều cách “mở” mang lại tính xã hội cho hoạt động đào tạo. Thời đại công nghệ thông tin cung cấp một phương tiện tuyệt vời: internet là cánh cửa rộng mở ra khắp mọi miền đất nước. Lớp trẻ thời @ rất thạo công nghệ thông tin. Sinh viên có thể là những cộng tác viên đắc lực cho website của Học viện. Website hoặc trang điện tử mà chỉ đơn thuần để cập nhật thông tin hoạt động thì quá phí, đó phải là diễn đàn thực hành viết bài cho các nhà hoạt động âm nhạc tương lai, góp phần giáo dục âm nhạc một cách thiết thực, chuyển tải các clip chương trình biểu diễn và quảng bá sách, giáo trình, đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện.

Internet còn là phương tiện giảng dạy từ xa và tổ chức diễn đàn workshop online. Một khi thư viện đã được số hóa còn có thể mở ngân hàng dữ liệu online cung cấp văn bản, bản nhạc, âm thanh và hình ảnh âm nhạc cho nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài nước. Việc quảng bá kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp qua mạng sẽ góp phần nâng cao dân trí, tức là không chỉ giới hạn trong đào tạo chuyên nghiệp, mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực giáo dục kiến thức phổ thông.

Một biểu hiện mở rất cần được ghi nhận, đó là sự liên kết hoạt động với các tổ chức âm nhạc khác.

Với riêng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gần đây nhất là hai cuộc Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu của Hội (2014 và 2016) có sự tham góp của giảng viên và sinh viên Học viện về nhiều mặt: gửi tác phẩm, biểu diễn và thuyết trình trong hội thảo tọa đàm. Có thể nhắc thêm đến đêm tác giả - tác phẩm Bài hát tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho (04-2016) mở màn cho chuỗi hoạt động kỉ niệm 60 năm tuổi của Học viện. Hi vọng đêm diễn đó còn mở ra một mô hình hoạt động ngoại khóa cho các khoa biểu diễn, sáng tác và lí luận. Những chương trình giới thiệu tác phẩm mới như thế có thể huy động sự tham gia biểu diễn của cả thầy và trò, sau đó lại tổ chức cho sinh viên lí luận, sáng tác và biểu diễn tọa đàm về hiệu quả đêm diễn. Rất hữu ích nếu đây trở thành sinh hoạt thường kì và có quy chế tính điểm cho sinh viên biểu diễn tác phẩm, sinh viên viết bài bình luận về chương trình biểu diễn hoặc phân tích tác phẩm mới.

Ở đây không thể không nhắc đến mối liên kết với các nhạc viện nước ngoài. Nhiều lứa học trò của Trường Âm nhạc Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sau thời gian tu nghiệp ở nước ngoài lại trở về cái nôi của mình và tiếp tục gắn bó đời mình với sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Cũng có người không trở về được nhưng từ thẳm sâu lòng mình vẫn hướng về nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ của họ bằng dòng sữa âm nhạc.

Hiện tượng chảy máu nhân tài ở nước ta đương nhiên cũng xảy ra với Học viện. Các nghệ sĩ nhạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài không trở về đâu phải lỗi ở họ. Nếu trong nước có được môi trường tốt cho hoạt động nghề nghiệp chắc chắn thu hút họ quay về nhiều hơn, nếu như không định cư thì cũng thường xuyên về giảng dạy hoặc biểu diễn. Vấn đề là làm sao để cánh cửa Học viện luôn rộng mở chào đón những đứa con tình nghĩa của mình.

Chuỗi hoạt động kỉ niệm 60 năm thành lập trường được mở rộng hơn nhiều so với những đợt kỉ niệm trước. Hội thảo khoa học của các nhà hoạt động âm nhạc, đào tạo, quản lí, nghiên cứu trong và ngoài nước được tổ chức, nhiều chương trình biểu diễn của mỗi khoa được đưa lên facebook cho thấy sức lan tỏa của sự kiện này là rất lớn. Đây cũng là dịp Học viện mở cửa đón nhận những đứa con từ mọi miền đất nước trở về mái nhà xưa.

Cũng như nhiều đứa con trở về trong dịp kỉ niệm 60 năm, tôi đã gắn cả tuổi thơ, cả những năm tháng tuổi teen của mình với Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau này cứ 5 năm một lần tới hội trường, chúng tôi lại có niềm vui được gặp lại, được nắm tay, được ôm thầy cô và bạn bè cũ. Trong niềm vui cũng có nỗi buồn nỗi nhớ không nguôi những người thầy đã ra đi. Mỗi lần sau lại vắng dần đi những gương mặt quen thuộc, bù vào đó là những gương mặt trẻ trung, những người thầy tương lai, những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà hoạt động âm nhạc tương lai.

Xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Trường Âm nhạc Việt Nam!

Xin chúc sức khỏe những người đã, đang và sẽ là ông chèo đò, bà chèo đò đáng kính, những người lái đò trên dòng sông âm nhạc với con đò mang tên đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

15-10-2016

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.