You are here

Công dụng kỳ diệu của âm nhạc

Tác giả: 
 Ngọc Báu

Nhạc cổ điển không chỉ là môn học bắt buộc của các nhạc sĩ tương lai, là dòng nhạc ưa thích của đông đảo người yêu nhạc, mà còn được sử dụng hiệu quả trong không ít lĩnh vực đời sống xã hội. Sau đây là vài dẫn chứng điển hình.

Kìm chân hành động quậy phá

Tại các ga tàu điện ngầm ở thành phố Melbourne (Australia), hệ thống loa phóng thanh liên tục phát các bản nhạc cổ điển. Việc làm tương tự cũng được áp dụng tại nhiều công trình công cộng tại một số thành phố khác trên thế giới, trong đó có New York (Mỹ), hoặc Tokyo (Nhật Bản).

Các nhà khoa học nhận thấy, nhạc cổ điển phát huy tác dụng “an thần”, kìm chân phần tử côn đồ. Khi nghe các bản giao hưởng của Mozart (Wolfgang Amadeus Mozart 1756 - 1791), kẻ xấu sẽ khó thực hiện các hành vi quậy phá. 

Ga tàu điện ngầm ở Melbourne (Australia), nơi đã nhiều năm phát nhạc cổ điển để chống quậy phá

Khiến con người khiếp sợ

Trong không gian tràn ngập làn điệu du dương nhạc cổ điển, tất cả trở nên ngoan ngoãn như đàn cừu con. Âm nhạc còn gây hiệu ứng khiến con người khiếp sợ. Tại một số địa điểm ở thành phố New York, người ta mở nhạc Schubert (Franz Peter Schubert 1797-1828), để người vô gia cư không ngang nhiên ở lung tung trong thành phố.

Thậm chí, “con nghiện” nhạc cuồng si không nhà cửa cũng không có sức chịu đựng vài giờ liên tục nhạc cổ điển qua hệ thống loa phóng thanh công cộng. 

Lôi kéo và đuổi nhện

Có thể sử dụng những thể loại âm nhạc khác nhau để lôi kéo (hoặc ngược lại) các loài nhện. Các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Miami đã quyết định tổ chức chương trình hòa nhạc dành cho đàn nhện. Kết quả, khi phát các nhạc phẩm nhạc cổ điển, lũ nhện giăng tơ, “xây nhà” ở những vị trí gần loa phóng thanh nhất có thể. Trái lại, tất cả đồng loạt chạy xa nhất có thể, khi loa phát nhạc dòng techno và nhạc rap!

Có thể gây hỗn loạn

Nhạc cổ điển có thể gây náo loạn. Sự cố dị thường đã xảy ra trong chương trình biểu diễn ra mắt bản giao hưởng “Lễ hội Mùa xuân” của thiên tài Igor Stavinski (1882-1971). Tối 29/5/1913, công chúng Paris ken chặt khán phòng Nhà hát Opera đã bị sốc mạnh bởi dạng âm nhạc “tàn bạo” chưa từng thấy tới mức, đám đông khán giả lịch lãm thoắt lao vào cuộc hỗn chiến bạo lực cơ bắp.

Nhạc trưởng Carmilie Saint-Saens tái mặt, ngỡ ngàng, buộc phải ngừng sớm nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc, để... chạy trốn!

Thay thuốc ngủ

Bạn trằn trọc nhiều đêm, khó ngủ? Nhạc cổ điển có thể điều trị rất hiệu quả. Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành thí nghiệm với 3 nhóm tình nguyện viên là sinh viên nhiều ngày mắc chứng khó ngủ hoặc mất ngủ.

Nhóm thứ nhất nghe nhạc cổ điển 45 phút trước lúc lên giường. Cùng thời gian, nhóm 2 nghe audiobook, nhóm 3 đối chứng- không áp dụng giải pháp nào. Kết quả, chỉ nhóm 1 gặt hái kết quả cải thiện rõ rệt chất lượng giấc ngủ.

Ảnh minh họa 

Kéo dài cuộc sống

Thường xuyên nghe nhạc cổ điển ưa thích mang lại hiệu ứng kéo dài tuổi thọ- tối thiểu ở đàn chuột thí nghiệm sau cấy ghép tim, lẽ ra đã bị cơ thể đào thải. Sau ca cấy ghép, đàn chuột được nghe những thể loại nhạc khác nhau trong thời gian 7 ngày.

Kết quả, những cá thể chuột được nghe nhạc phẩm Stravinski sống lâu nhất – 26 ngày. Nghe nhạc Mozart giúp loài gậm nhấm sống thêm 20 ngày, trái lại, nhóm chuột nghe các ca khúc nhạc đương đại của Enya (nhạc sĩ Ireland sinh 1961, dòng New Age-Pop) chỉ tồn tại 11 ngày.

(Nguồn: http://phunuvietnam.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.