You are here

Có một Hà Trần hát ở cõi thơ

Tác giả: 
Lê Thiếu Nhơn

Ca sĩ Hà Trần không hề xa lạ với công chúng âm nhạc. Từ bệ phóng gia đình, với người cha là NSND Trần Hiếu và người chú là nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Hà Trần nhanh chóng có được vị trí trong giới biểu diễn. 

Ca sĩ Hà Trần hát hay như thế nào, hầu hết khán giả đều biết. Tuy nhiên, ca sĩ Hà Trần làm thơ như thế nào, lại là một điều bất ngờ thú vị với không ít khách thi ca!

Khi đời sống xuất bản cởi mở hơn, rất nhiều nhân vật trong làng showbiz ra sách dưới dạng tự truyện hoặc hồi ký, như một niềm vui tao nhã. Song, không mấy ai thuộc phái chân dài hoặc phái son phấn dám phô diễn khả năng sáng tác. 

Hiếm hoi lắm mới có tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như và tiểu thuyết Mặt nạ của Tinna Tình. Còn thơ thì chỉ có tập Bốn mùa là em của Hoa hậu Giáng My được quảng bá rầm rộ nhất. 

Giữa bối cảnh ấy, tập thơ Thập kỷ yêu của ca sĩ Hà Trần nổi bật lên với sự dằn vặt khó tìm thấy ở những người gắn bó không gian hồ hởi đám đông áo lụa váy mỏng: “Ta trốn mình nơi này, lại gặp mình chỗ kia/ Dọc ngang cũng là chốn ấy/ Ta về lại giữa ta, kiệt quệ trong thời gian bạc màu”.

Ca sĩ Hà Trần không xem thơ như một thứ trang sức hào nhoáng hoặc một thứ đạo cụ ấn tượng. Chị không chọn thơ để lập danh, nhưng lại chọn thơ làm điểm tựa. 

Hay nói đúng hơn, thơ cho ca sĩ Hà Trần một góc nhỏ để thổ lộ, để khao khát, để thở than như chính chị chia sẻ: “Mẹ là người đưa tôi đến với thi ca. Từ những bài thơ non nớt thuở lên 8 đến khi người qua đời, mẹ là độc giả duy nhất, và là nhà biên tập của tôi. Những gì tôi viết cho người, từ đó, trở thành mối riêng tư không thể tỏ bày…”. 

Sớm mồ côi mẹ, ca sĩ Hà Trần vẫn tiếp tục đồng hành với những câu thơ lưu dấu khắc khoải: “Em bấn loạn tự thân hoang mạc/ Không tách rời nổi thói quen được ủ ấm trong ảo giác một vòng tay”.

Tập thơ Thập kỷ yêu của ca sĩ Hà Trần khá mỏng, chỉ vỏn vẹn 15 bài. Tập thơ được in với mục đích “dành tưởng nhớ mẹ”, nhưng lại giúp công chúng hiểu thêm về ca sĩ Hà Trần. 

Dù chị hồi hộp Nhắn nhủ độc giả: “Tôi yêu những bài hát/ Tôi thương nỗi cô đơn/ Tôi tội những bài thơ/ Không tranh nhau làm hoa hậu/ Nếu đọc thơ tôi/ Thì xin mỗi ngày chỉ đọc một bài/ Để hôm nào cũng có hoa khôi”, song thơ của chị hoàn toàn không đơn giản là những vần điệu du dương. 

Thơ Hà Trần khởi nhịp từ bồi hồi trước mảnh đất Thăng Long gắn bó suốt tháng năm hồn nhiên của mình: “Bạn khóc mừng hội ngộ/ Giữa thành phố xanh xao cổ kính/ Câu hát trở ngược thời gian/ Về Hà Nội nhỏ bé lạ lùng/ Mới như chưa từng cũ thế…/ Đợi ngày về trên chuyến tàu quá khứ/ Bắp mới óng chiều đông/ Hà Nội hồng than ấm/ Đàn vịt xiêm rụt cổ mài ức trắng trên mặt nước ao bèo xanh ngắt/ Sóng sánh một góc chùa phủ rêu/ Ôi, tuổi thơ còn thơm mùi sơn mới/ Đỗ lại bên chân khách lữ hành/ Bao tròng mắt long lanh” đến những khoảnh khắc bất an đổ vỡ: “Đêm cuối mùa tăm tối/ Trinh nữ rầu lòng/ Khóc một người đàn bà/ Vội vàng trôi qua đời trinh nữ/ Bỏ lại sau lưng/ Ấu thơ/ Lúng liếng/ Dỗi hờn”.

Cảm giác chủ đạo trong thơ của ca sĩ Hà Trần là sự chênh vênh được mất. Cái nhớ nhung không muốn thét gào, cái hờ hững không nỡ lãng quên. 

Những câu thơ lỡ làng vì nhận ra Cổ tích không của Andersen cũng chập chờn: “Không còn tiếng xe đêm về muộn/ Không còn tiếng thì thầm con gái/ Không còn mối tình vất vưởng trong làn gió heo may/ Chỉ còn người thiếu phụ/ Bên khung cửa/ Xe thời gian/ Dệt màn ký ức/ Vào hư vô”

Những câu thơ sốt ruột vì phút giây Tự hát không vơi muộn phiền: “Anh ngần ngại, bóng chảy vào đêm/ Bóng anh tan bóng em/ Tàn cơn hoang dã/ Nắm tay cười ngô nghê…/ Phố thêm người điên/ Khóc cười định mệnh/ Đau man dại, tim trần sao hóa giải/ Đành ngồi lại bên sông, tự hát thầm”

Khác với ca sĩ Hà Trần nồng nhiệt ở sân khấu rực rỡ đèn màu, ca sĩ Hà Trần lặng lẽ trước thi ca lại đeo đẳng bơ vơ và cô quạnh. Trong thơ, ca sĩ Hà Trần bày ra nhiều cuộc đối thoại, rồi cuối cùng cũng thành độc thoại. 

Thử một lần Nói với anh mà cũng chỉ nói với mình: “Em – cô gái xanh xao bên khung cửa xanh/ Đếm những giọt mưa xanh màu vô vọng/ Họa mi vẫn hót bản tình ca câm lặng/ Chỉ anh là chẳng biết gì…/ Hãy xua đi nỗi buồn em im vắng/ Anh bước qua như khách lạ vô tình/ Chẳng biết dưới chân một loài cỏ dại/ Ngập ngừng níu bước người đi”

Vì vậy, Nhật ký của ca sĩ Hà Trần đành vớt vát những lời thương vô vọng: “Dòng sống luân chuyển qua những tác phẩm của tạo vật/ Không chối từ ai/ Ngập xuống bùn anh, giãy giụa, rồi lún sâu hơn/ Em tiếc quá, sinh ra mang thân phận đàn bà/ Chẳng thoát nổi kiếp luân hồi qua những người đàn ông/ Và chẳng một mình chịu đựng nổi nỗi cô đơn kinh khiếp đẽo gọt vào định mệnh/ Đã đeo em vào anh/ Như một nút khuy trên ngực áo”.

Khi sự nghiệp ca hát đang ở đỉnh cao, ca sĩ Hà Trần tuổi 26 đã làm đám cưới với chàng trai Việt kiều Đoàn Bình rồi theo chồng sang Mỹ định cư. Đó là một sự chọn lựa không đơn giản. 

Không còn những tràng vỗ tay tưng bừng của khán giả, ở vùng đất khác, với văn hoá khác, ca sĩ Hà Trần vỗ về bản thân bằng cách Trò chuyện với thơ: “Em vẫn đi trên đường phố ồn ào/ Dưới mỗi bước chân, một mảnh đời sống dậy/ Ở đây không ai tìm em/ Lời ca ngày qua em đã vắt kiệt/ Những hao mòn/ Tỉnh giấc hiu quạnh/ Bừng thức trong em ngàn mắt đêm/ Anh có hình dung nổi/ Không ai biết em chốn này/ Đời sống là con phù du/ Mà chỉ khi xoãi chân du mộng/ Mới thoát khỏi/ Bao ám ảnh vô hình…/ Những người da đen đi qua em/ Bóng họ/ Là vệt áo trắng mờ/ Phải chăng hạnh phúc cũng như thế/ Bóng của một con sông/ Trong lòng hoang mạc? Em ngồi lại với đêm/ Phía bạt ngàn sắc đen/ Nhen nhúm một ngọn hồng/ Bập bùng vòng ngực rỗng/ Chờ anh đến/ Ngày mai”

Trong tĩnh lặng, qua thơ, ca sĩ Hà Trần tự ngẫm nghĩ, tự truy vấn, tự giãi bày. 

Nhờ vậy, chân dung ca sĩ Hà Trần có nét đẹp của một người phụ nữ trải nghiệm và thao thức: “Thập kỷ yêu nhìn xung quanh chán ngán/ Người ta già đi không trưởng thành khôn lớn/ Ham hố đua đòi những chuyện không đâu/ Khí hậu nóng lên, lòng người lạnh lẽo/ Chiến tranh giấu mặt lái buôn/ Cổ phiếu gia tăng tức thời dầu tăng giá/ Không biết ông nào giật dây?”

Và ca sĩ Hà Trần biết cách xem nhẹ danh lợi để trân trọng hạnh phúc đơn sơ, với chồng và với con: “Thập kỷ yêu cuối cùng còn lại gì? Tình yêu lớn không cần ca ngợi/ Tôi ươm một hạt mầm xương thịt/ Vẫn khấp khểnh lo đặt nhầm thời/ Sau này sống sao chỉ với lòng nhân?”

Một đoạn thơ với năm câu thơ, nhưng lại xuất hiện hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất “Thập kỷ yêu cuối cùng còn lại gì?” chỉ là một câu hỏi mông lung, nhưng câu hỏi thứ hai “Sau này sống sao chỉ với lòng nhân” lại là một nỗi trắc ẩn khiến người đọc phải giật mình!

Thơ của ca sĩ Hà Trần có ưu điểm về nhạc cảm, nhưng hơi rời rạc về cấu tứ. Hạn chế ấy không có gì đáng chê trách với một tác giả không có xu hướng đi theo con đường thi ca chuyên nghiệp. 

Bài thơ rung động nhất trong tập thơ Thập kỷ yêu của ca sĩ Hà Trần là Dấu tích một chùm ba tương đối dài. Khái niệm “chùm ba” của ca sĩ Hà Trần không phải ba bài gắn kết thành một chùm, mà ba bài liên đới với nhau rất mạch lạc. 

Đầu tiên là an ủi bản thân: “Ban mai loang vào ánh sương hoang/ Người tình ơi, cứ ra đi vội vã/ Chớ có lại gần người đàn bà tuyệt vọng/ Nàng dáng điệu trẻ thơ/ Khóc bằng đôi mắt xanh không ngấn nước/ Và khâu lên môi mình/ Nụ cười thênh thang…”

Tiếp theo là nhắc nhở tình nhân: “Có gì đủ đền bù nỗi mỏi mòn chờ trông? Vạt nắng cuối ngày giăng ngang nỗi nhớ/ Em héo mòn nuôi tình khôn lớn/ Cho xanh lại tóc anh/ Định mệnh rủ ta vào cuộc chơi hữu hình thân phận/ Những người tình lang thang buồn hơn gió chiều đông/ Cả hai xoay vần tìm mắt bão/ Kẻ chiến bại là em – chiến binh tử thương níu môi cười/ Bóng cuồng dại phủ bờ môi dịu mát/ Ấm lòng anh” và khép lại là sự xoa dịu cho đôi bên dẫu đắng cay chín lầm lạc mười ngộ nhận: “Giữa hai ta bao điều khác biệt/ Giữa tình yêu và tham vọng phù hoa/ Anh lầm lũi đi, em ở lại thênh thang/ Cõi này cõi kia, chia nhau nửa con mắt nhớ”.

Ca sĩ Hà Trần thành công ở lĩnh vực âm nhạc, nhưng với chị, thi ca cũng không phải chuyến dạo chơi thong dong. 

Ca sĩ Hà Trần nâng niu những câu thơ như một phần yếu đuối đời mình: “Tôi nuôi những bài thơ như một bà mẹ độc thân lo con thơ dại chưa đủ ra đời. Những xâm thực đời sống, những định kiến bao trùm thế giới văn chương có thể làm chúng tổn thương. Các con tôi chỉ biết đến mẹ, nảy mầm và sinh sôi từ tâm hồn mẹ. Thơ đem đến cho tôi sự thăng hoa cảm xúc, lối tư duy và một giải thoát tinh thần khác ngoài âm nhạc. Thơ – nhạc khác biệt, nhưng chúng đều trưởng thành từ thế giới quan và triết lý sống của riêng tôi”

Liệu ca sĩ Hà Trần sau Thập kỷ yêu còn làm thơ không? Chắc chắn còn, vì thơ cho chị cơ hội khám phá chính mình: “Tôi đi tìm mãi khoảng trời xanh/ Màu lam biển sóng/ Màu chàm ngàn mây/ Chỉ thấy thời gian bất chợt/ Dội về năm tháng vơi đầy...”

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.