You are here

Chuyện cấp phép biểu diễn và sự cố 7 người chết tại Lễ hội âm nhạc

Tác giả: 
Quốc Bảo

Bộ VHTTDL giao Thanh tra Bộ khẩn trương chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan, đơn vị, rà soát lại cơ sở pháp lý, quy trình cấp giấy phép tổ chức Chương trình " Lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng" và báo cáo Bộ trước 14h ngày 18.9.2018.

Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) vào ngày 16.9 đã làm 7 người chết và nhiều người trong tình trạng sức khỏe không ổn định. Liên quan đến sự kiện này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu báo cáo vụ 7 người chết sau lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội.

Theo đó, Bộ VHTTDL giao Thanh tra Bộ khẩn trương chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan, đơn vị, rà soát lại cơ sở pháp lý, quy trình cấp giấy phép tổ chức Chương trình " Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng" và báo cáo Bộ trước 14h ngày 18/9/2018.

Cấp phép đúng quy trình, sự cố xẩy ra ai chịu trách nhiệm?

Tại buổi họp báo, chiều 17.9, Công an Thành phố Hà Nội công bố thông tin ban đầu về vụ việc. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: Tất cả các hoạt động đều phải được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Những chương trình có các yếu tố là người nước ngoài phải được UBND TP đồng ý.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Chương trình đã được cấp phép và đơn vị tổ chức chương trình cũng đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ việc chi trả bản quyền theo quy định của Luật”.

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về việc có hay không đơn vị tổ chức biểu diễn đã không thực thi đầy đủ các quy định của luật pháp, trong đó có việc chi trả tiền tác quyền trước khi thực hiện chương trình, ông Tô Văn Đông khẳng định: “Đơn vị tổ chức chương trình đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ việc chi trả bản quyền, nếu chương trình không thực hiện thì có nghĩa là họ sai. Vì vậy, nếu họ không thực hiện thì có thể đưa ra tòa”.

Công viên nước, nơi xẩy ra sự cố làm 7 người chết

Các cơ quan quản lý liệu có đang tiếp tay cho doanh nghiệp lách luật?

Tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, tại điểm b Khoản 1 Điều 9 (về thủ tục cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang) và tại điểm đ Khoản 3 Điều 24 (về thủ tục cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) có quy định thủ tục phải có “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng Nghị định 15/NĐ-CP quy định phải cam kết thực hiện quyền tác giả với chính tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chứ không phải cam kết với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định về thủ tục hành chính. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ nghĩa vụ thực hiện quyền tác giả tại Khoản 3 Điều 20 như sau: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản, quyền công bố tác phẩm của tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.  Quy định của Luật cũng cho thấy rõ việc xin phép, trả tiền nhận bút hay thỏa thuận về thực hiện quyền tác giả phải đúng chủ thể, là việc giữa người sử dụng âm nhạc với chủ thể quyền ở đây chính là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứ không phải với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24.03.2016 ban hành mẫu đơn cam kết trong đó lại thể hiện việc cam kết giữa tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là điều hết sức vô lý, bất cập, trong một thời gian dài đã gây tổ hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả.

Do đó, ngày 19.10.2016 của Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL sửa đổi một số Điều của Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, quy định rõ việc bãi bỏ mẫu văn bản cam kết nói trên.

Thông tư 10 được thay thế thông tư 01 của Bộ VHTT &DL

Thế nhưng trên thực tế, dù quy định này có hiệu lực từ ngày 01.01.2017, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép biểu diễn nghệ thuật, cho đến nay vẫn sử dụng mẫu văn bản cam kết đã bãi bỏ này, trong đó có Sở VHTT Hà Nội như thời gian vừa qua đã cấp các Giấy phép biểu diễn nghệ thuật nhưng không tuân thủ đúng thủ tục hành chính liên quan đến thực thi quyền tác giả đã được quy định tại các Nghị định, Thông tư nêu trên, cũng như qua phát ngôn của ông Tô Văn Động - GĐ Sở VHTT HN: “…họ đã ký cam kết với sở sẽ thực hiện đầy đủ”, bất chấp quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm một cách công nhiên, mặt khác đã tạo kẽ hở để các đơn vị tổ chức biểu diễn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với mức độ càng lúc càng trở nên thường xuyên và tinh vi hơn.

Tuân thủ luật pháp hướng đến một xã hội văn minh

Theo thông tin từ VCPMC, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, số lượng các live show/chương trình biểu diễn (chương trình quy mô tương đối lớn) có hành vi xâm phạm quyền tác giả là trên 35 chương trình, với phạm vi ở cả nhạc Việt Nam và nhạc nước ngoài.

Do đó, bên cạnh việc các tổ chức/cá nhân, người sử dụng âm nhạc cần thay đổi nhận thức, ý thức pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả theo quy định của pháp luật, các Cơ quan quản lý nhà nước càng cần ý thức và tăng cường trách nhiệm hơn nữa trước công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt đối với những tài sản trí tuệ hết sức đặc thù, nhạy cảm và dễ bị xâm phạm, nhằm tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế; đồng thời cần ý thức được trách nhiệm trước những chính sách pháp luật có thể dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn và không phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật.

Việc khởi kiện các hành vi xâm phạm là phương án mà tác giả buộc phải áp dụng và pháp luật đã quy định. Tuy nhiên, dù thắng kiện hay có đòi bồi thường được đi chăng nữa thì hành vi trái pháp luật cũng đã xảy ra, quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã bị thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, và luật pháp Việt Nam cũng như các Điều ước, cam kết với Quốc tế chưa được tôn trọng đúng mức!

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp phép biểu diễn:

- Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;

- Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP

- Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/03/2016 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP;

- Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19/10/2016 của Bộ VHTTDL sửa đổi một số Điều của Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL.

Điều 2 Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL quy định Bãi bỏ một số điều, khoản, điểm của Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, tại Khoản 5 Điều này có quy định rõ về bãi bỏ “Khoản 15 Điều 13 về Mẫu số 14: Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”.

(Nguồn: http://m.danviet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.