You are here

'Chụp ảnh chân dung nhạc trưởng là đam mê của tôi'

Tác giả: 
Khánh Huyền

Hơn 30 năm cầm máy và chụp ảnh bằng niềm đam mê và tâm huyết nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đã khắc họa rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ trong đó có các nhạc trưởng của Việt Nam và nước ngoài. Những tác phẩm của ông được đồng nghiệp đánh giá cao bởi tác giả đã chụp được những khoảnh khắc xuất thần của nhân vật.

Triển lãm ảnh chân dung các nhạc trưởng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán do tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Hội quán Di sản tổ chức tại Hà Nội từ ngày 17 đến 23-9 như một cuộc tổng kết đầu tiên những thành quả lao động nghệ thuật của ông. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những tác phẩm khắc họa chân dung các nhạc trưởng.

Phóng viên (PV): Dường như nhiếp ảnh với ông chỉ như một “cuộc chơi” nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, ông đã có gần 30 năm gắn bó với chiếc máy ảnh. Phải chăng môn nghệ thuật này có sức hút mãnh liệt với ông?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Tôi đã từng có thời gian công tác trong Quân đội, làm việc tại Đại đội 2, Trung đoàn 220, Sư đoàn 361. Trong thời gian ở quân ngũ, niềm đam mê nhiếp ảnh ngấm vào trong tôi từ lúc nào không biết nên mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng tôi vẫn tiết kiệm để mua một chiếc máy ảnh và tự thiết kế buồng tối để tráng phim, ảnh. Khi đó, để theo đuổi con đường nghệ thuật này, người chụp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí. Tuy nhiên, mặc dù biết đây là một môn nghệ thuật khá tốn kém nhưng vì đam mê tôi vẫn theo đuổi đến bây giờ và phải tính toán chi tiêu cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tôi nghĩ, tôi sẽ gắn bó cả cuộc đời mình với niềm đam mê này. Hơn nữa, gia đình cũng ủng hộ tôi theo đuổi con đường nghệ thuật mà tôi thích, đặc biệt là vợ tôi-một bác sĩ quân y dù rất bận rộn với công việc nhưng cũng tạo điều kiện tối đa để tôi sáng tác.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Ảnh: Trần Thành Công.

PV: Được biết triển lãm của ông với tên gọi là “27&45” nghĩa là 27 chân dung nhạc trưởng qua 45 bức ảnh nhưng tại sao triển lãm lại trưng bày 30 chân dung nhạc trưởng và 51 ảnh? Xin ông cho biết về sự thay đổi này?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Lúc đầu tôi dự định trưng bày 27 chân dung nhạc trưởng qua 45 bức ảnh, nghĩa là có những nhạc trưởng tôi chụp nhiều bức, có người chỉ có một tác phẩm nhưng trước giờ khai mạc triển lãm, tôi chọn thêm một số tác phẩm nữa nên quyết định tăng thêm số lượng ảnh trưng bày.

Tôi bắt đầu chụp chân dung các nhạc trưởng từ năm 1992, có những bức là ảnh đen trắng, chụp bằng phim chứ không phải toàn bộ chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại như hiện nay. Hầu hết các buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tôi đều đi xem và cố gắng lột tả chân thực, đậm nét chân dung các nhạc trưởng, trong đó có một số nhạc trưởng Việt Nam và nước ngoài như: Yoshikazu Fukumura, Đỗ Dũng, Graham Sutcliffe, Lê Phi Phi, Trọng Bằng, Doãn Nguyên, Đỗ Hồng Quân...


Nhạc trưởng Đặng Châu Anh.

PV: Tại triển lãm này, có nhạc trưởng nào mà ông chụp nhiều nhất và lâu nhất?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Nhạc trưởng mà tôi chụp nhiều nhất là Lê Phi Phi. Tôi bắt đầu chụp nhạc trưởng này từ năm 1996 đến nay. Không phải vì tôi yêu quý nhạc trưởng nào hơn mà chụp nhiều về họ, mà là vì Lê Phi Phi là nhạc trưởng chỉ huy rất nhiều chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mà tôi từng được xem. Hơn nữa, anh cũng là một trong những nhạc trưởng có gương mặt khả ái và phong cách chỉ huy đĩnh đạc cuốn hút tôi ngay từ lần đầu tiên. Ngoài ra, nhạc trưởng người Nhật bản Honna Tetsuji là một trong những nhạc trưởng mà tôi chụp nhiều bởi anh chỉ huy nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam. Trong buổi khai mạc triển lãm, nhạc trưởng Honna Tetsuji cũng đến dự và rất thích những tác phẩm mà tôi chụp trong các chương trình do ông chỉ huy.


Nhạc trưởng Lê Phi Phi.​


Nhạc trưởng người Nhật bản Honna Tetsuji.​

PV: Chụp ảnh chân dung đã khó mà chụp chân dung các nhạc trưởng đang chỉ huy dàn nhạc lại càng khó hơn, ông làm thế nào để khắc phục được vấn đề này?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, mỗi thể loại có một cái khó riêng. Tuy nhiên, cái khó của việc chụp ảnh nhạc trưởng là phải chụp từ trên sân khấu xuống và không được sử dụng đèn flash. Một lần bấm máy nếu không tế nhị sẽ phân tán tư tưởng của các nhạc công. Có những khoảnh khắc rất đẹp mà tôi rất muốn bấm máy nhưng phải kiềm chế bởi làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến các nghệ sĩ. Tôi thường phải căn khi có sự phối hợp mạnh giữa các nhạc công thì mới bấm máy. Một cái khó nữa là nhạc trưởng luôn luôn động mà để có được bức hình động thật đẹp thì phải có máy ảnh tốt nhưng máy ảnh của tôi thì không thể thực hiện được nên tôi cũng đành khắc phục bằng cách chụp nhiều lần, có khi đi cả buổi đi xem cũng chỉ chụp được 1 đến 2 kiểu mà cũng chưa thật ưng lắm. Có những đêm trời rét mà khi chỉ huy xong chương trình biểu diễn, hầu hết trên gương mặt các nhạc trưởng đều lấm tấm những giọt mồ hôi. Thực sự tôi rất muốn có những tấm hình lột tả sự lao động vất vả vì nghệ thuật của các nhạc trưởng nhưng chưa thực hiện được bởi máy ảnh của tôi chưa đủ tính năng để thực hiện. Biết được điều này, rất nhiều đồng nghiệp sẵn sàng cho tôi mượn máy ảnh nhưng tôi không muốn bởi việc này tôi sẽ thực hiện khi điều kiện cho phép.


Nhạc trưởng Phạm Ngọc Khôi.​

PV: Triển lãm này đã quy tụ toàn bộ những bức ảnh đẹp nhất về các nhạc trưởng của ông chưa?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: Triển lãm này gồm nhiều tác phẩm đặc sắc nhưng chưa phải đặc sắc nhất bởi tôi còn lưu giữ nhiều phim về các nhạc trưởng nhưng chưa có thời gian để tìm. Tôi chụp nhiều thể loại nhưng chủ yếu ảnh về các văn nghệ sĩ nhưng nhạc trưởng là đối tượng mà tôi thích và chụp nhiều nhất nên thời gian tới tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm về chân dung các nhạc trưởng.

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.