You are here

‘Chiều hải cảng’: Lời vĩnh biệt quê hương của người thủy thủ Leningrad

“Chiều hải cảng” (Вечер на рейде) là một ca khúc nổi tiếng, được nhà soạn nhạc Xô-viết Vasily Solovyov-Sedoy sáng tác dựa trên lời thơ của Alexander Churkin tại Leningrad vào tháng 8/1941, ngay trước khi thành phố bị Phát-xít Đức phong tỏa. Đây là một trong những bài hát Nga được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

Hoàn cảnh sáng tác “Chiều hải cảng” được Vasily Solovyov-Sedoy nhớ lại như sau: “Vào tháng 8/1941, cùng với một nhóm các nhà soạn nhạc và nhạc công, tôi tình cờ tham gia vào công việc sắp xếp hàng hóa ở cảng Leningrad. Đó là một buổi chiều tuyệt vời, với tôi, dường như chỉ có thể xảy ra ở đây, vùng Baltic. Cách đó không xa trên bến cảng có một con tàu, từ đó vang lên âm thanh của đàn accordion và một bài hát. Chúng tôi vừa hoàn thành công việc của mình, vừa nghe các thủy thủ hát rất lâu. Ngày mai, có lẽ họ sẽ tham gia một chiến dịch nguy hiểm. Tôi đã có ý tưởng viết một bài hát về buổi tối tuyệt vời này…”.

Là người có mặt cùng nhà soạn nhạc vào thời điểm đó, nhà thơ Alexander Churkin hồi tưởng: “Soloviev-Sedoy ngồi im lặng và trầm ngâm. Khi chúng tôi lái xe về nhà, anh ấy nói, ‘Buổi chiều tuyệt vời. Đáng để viết một bài hát’. Hình như anh ấy đã có giai điệu rồi, vì anh ấy nói ngay cho tôi nội dung cần có như thế này: Các thủy thủ rời thành phố thân yêu, tạm biệt…”.

Ngày hôm sau, Churkin viết lời thơ theo đề xuất và đưa cho Solovyov-Sedoy. Ba ngày sau nhà soạn nhạc gọi cho ông và nói: “Tôi đã hoàn thành bài hát”.

Mặc dù bị các quan chức ngành văn hóa chê là “ủy mị” khi mới ra mắt, bài hát đã thực sự chinh phục được trái tim những người lính và các tầng lớp quần chúng nhân dân, dần dần được biết đến trên khắp các mặt trận.

Theo lời kể của M. I. Vainer, lúc đó đang phụ trách Đoàn nhạc Trung ương của Hải quân Liên Xô, “Chiều hải cảng” đã được đoàn nhạc của ông biểu diễn và được thu âm, được phát nhiều lần trên đài phát thanh. Vào năm 1942, đoàn biểu diễn bài hát này trong chuyến lưu diễn ở Moskva và thành công rực rỡ.

Sau này, Solovyov-Sedoy nhớ lại: “Tôi nghĩ về những thủy thủ đã cống hiến sinh mạng của mình để bảo vệ tuyến đường biển đến thành phố của chúng tôi, và tôi đã chìm trong mong muốn mãnh liệt được thể hiện tâm trạng và cảm xúc của họ bằng âm nhạc”.

Nhà soạn nhạc Yuri Milyutin nhận xét, qua “Chiều hải cảng”, Vasily Solovyov-Sedoy đã tìm thấy một giai điệu chung cho tất cả các thành phần dân cư Xô-viết trong bối cảnh chiến tranh, và bài hát đã thực sự trở thành một phần của văn hóa dân gian Nga.

Ở Nga, bài hát còn được biết đến qua các tên gọi “Hát đi các bạn!” và “Vĩnh biệt thành phố yêu dấu”.

Lời tiếng Nga của “Chiều hải cảng”:

Споёмте, друзья, ведь завтра в поход
Уйдём в предрассветный туман
Споём веселей пусть нам подпоёт
Седой боевой капитан.

Прощай любимый город!
Уходим завтра в море,
И ранней порой
Мелькнёт за кормой
Знакомый платок голубой.

А вечер опять хороший такой,
Что песен не петь нам нельзя.
О дружбе большой, о службе морской
Подтянем дружнее друзья.

Прощай любимый город!
Уходим завтра в море,
И ранней порой
Мелькнёт за кормой
Знакомый платок голубой.

На рейде большом легла тишина,
А море окутал туман
И берег родной целует волна
И тихо доносит бaян.

Прощай любимый город!
Уходим завтра в море,
И ранней порой
Мелькнёт за кормой
Знакомый платок голубой.

Lời Việt: Tân Huyền

Tiền tuyến chờ đợi ta,
Cùng hát mừng đồng chí,
Chúng ta sẽ nhổ neo lên đường mai này.
Đồng chí quý mến ơi !
Cùng ta hãy hát ca,
Hát lên bài chiến thắng để biệt li.
Thành phố xinh xắn mến yêu ơi !
Ngày mai ta sẽ vắng xa rồi.
Làn sóng thúc hối ta,
Biển khơi đón chúng ta,
Thoáng xa bao khăn trắng vẫy chào ta.

(Nguồn: http://redsvn.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.