You are here

Câu hát đi theo

Tác giả: 
Nguyễn Quang Hưng

“Dậy mau mau mau dậy mau/Mau bước chân ta ra ngoài màn/Vừng đông sương lam dần tan/Bên núi xa xa lóe ánh vàng/Lòng sung sướng/Lòng sung sướng/Tiếng ca hòa vang trong sương mai gió xuân hây hẩy/Đàn chim líu lo cành cây”.

Mấy câu hát không biết của ai ấy, bây giờ tôi lại thuộc và hay gọi con gái những sáng dậy đi học. Mấy chục năm trước, bố tôi hát gọi chúng tôi như thế. Đấy là bài ca mà mấy chục năm trước nữa, các trại viên Hướng đạo sinh gọi nhau những hôm đi cắm trại ở ngoại thành Hà Nội, hồi bố tôi còn là học sinh, những năm Hà Nội tạm chiếm. Bố tôi nhớ, khi ấy lên Quảng Bá là ra ngoại thành cả một quãng rồi, mà đạp xe vào đến Vạn Phúc - Hà Đông cũng đã rất xa. Ngày đó, trong gió sớm tinh sương, ở ngoài chỗ những cánh đồng, những bãi đất lớn gần sông, các bạn Hướng đạo sinh gọi nhau dậy thế nào, tôi không sao biết được. Chỉ nhớ lúc bố gọi tôi dậy thì mắt bố long lanh, tay bố thoăn thoắt tháo và gấp màn, trông bố hân hoan như một chàng trai. Có mấy bài hát nữa mà một số lần họp Hướng đạo sinh Hà Nội, tôi lại thấy bố hát say sưa với những người bạn tóc đã bạc trắng hết cả.

Đấy là khi chúng tôi đã nhi đồng. Còn nếu bé con con hơn nữa, thì bố có hát câu ấy, tôi cũng không nhớ được. Được khoảng bốn tuổi gì đó, khi bắt đầu láng máng nhớ thì tôi biết là bố hát ru chúng tôi ngủ. Những câu “con cò mày đi ăn đêm/đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ông ơi ông vớt tôi nao/tôi có lòng nào ông hãy xáo măn…”, “đêm qua mới gọi là đêm/ruột xót như muốn dạ mềm như dưa…”, “tay cầm bầu rượu nắm nem/mải vui quên hết lời em dặn dò…”, bố hát ru những buổi trưa nóng bức nằm trong chiếc màn xô, vừa hát bố vừa quạt. Hình như mấy lần tôi ốm sốt, bố bọc tôi trong vỏ chăn, vừa bế vừa hát. Phải cái là nghe hát về con cò lộn cổ như thế thì tôi đâm ra tò mò và không biết nó có bị sao không nên rất hay hỏi con cò nó bị làm sao không hở bố. Rồi thấy trong câu hát còn có cả nem nữa, tôi nghĩ đến nem rán vì chưa biết đến nem nắm bao giờ, hoặc kể lể chuyện này chuyện nọ như thế thì bài hát ru lại kích thích tưởng tượng mà không thấy đầu mình chùng xuống, nói chung là rất lâu sau mới ngủ được.

Có lẽ bố tôi hát ru cả chính mình nữa. Vì đến bây giờ lớn lên, tôi thấy những người biết hát, nếu không hát thì không chịu được. Những người giọng bình thường, hát ngang ngang, sai sai lắm lúc còn i ỉ vài câu, thì những người giọng tốt, thuộc nhiều bài, lại biết giọng mình cũng khá đấy, thì làm sao mà không có lúc ngân nga cho được. Hát cho vui, cho khuây khỏa, cho đỡ nhớ nhung một thuở nào chăng. Thảo nào mà hồi lớn hơn một chút, tôi được bố cho… ghi âm cùng. Nhà có chiếc đài cát sét, bố cho băng cát sét vào cửa băng, đóng lại, ấn nút ghi âm rồi hát bài “Hòn vọng phu 2” của nhạc sĩ Lê Thương. Có những câu tôi nghe, nhớ được, rồi cứ ỉ ôi hát theo mà không hiểu gì: “Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng”…, chữ “nàng” tôi nghe nhầm và hát thành chữ “nào”. Bố tôi ghi một cách rất “đạm bạc” như thế, để nhớ hồi trẻ một số lần được ghi âm ở phòng thu và được đưa trên sóng phát thanh. Khi Hà Nội đã được giải phóng khỏi chế độ cũ, có lần hôm trước phát thì ít hôm sau bố tôi đọc được bài báo, trước là khen giọng hát của ca sĩ Anh Hoàng – là “nghệ danh” mà bố tôi lấy hồi mấy năm hát nghiệp dư trong phong trào của học sinh trung học. Sau đó bài báo nhắc nhẹ , đại ý là trong đời sống mới hôm nay, nếu chọn những bài hát mới, có khí thế thì hay hơn. Mãi sau này, bố kể lại cho tôi chuyện ấy. Còn bà bác tôi thì mấy cái Tết về Hà Nội, thường vẫn kể hồi sau 1954 vào Nam theo chồng, mang cái đĩa có mấy bài chỗ đài tiếng nói họ thu cho em mình, họ gửi tặng, thỉnh thoảng mở lên để nghe cho đỡ nhớ nhà. Ông chú tôi đi theo chị, có lần nghe thì khóc nên bác phải tắt đi.

Mẹ tôi cũng thuộc được một ít bài hát học từ lâu. Hồi tôi còn bé, có mấy buổi tối ngồi chơi cùng mẹ, mẹ vừa cười vừa hát cho tôi nghe bài “dân ca” mà mẹ nhớ được: “Bóng trăng trắng ngà/Có cây đa to/Có chú cuội già/Ôm một mối mơ//Cuội ơi ta nói cho mày nghe/Ở trên trăng mãi làm chi/Có con dế mèn/Hát trong đêm thâu/Hát xẩm không tiền/Nên nghèo xác xơ…”. Tôi nghe mà thương con dế quá! Nhưng thấy có chữ “cuội già” thì nghe thinh thích. Tôi hỏi mẹ biết bài này từ bao giờ thì mẹ tôi chỉ nhớ là hồi bé đã hát với các bạn trong làng. Một ngày tôi biết ấy là bài “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương, tôi ngạc nhiên về một bài ca với sự ăn sâu vào đời sống dân dã đến thế. Lại có lần mẹ tôi khóc vì nghe con gái tôi hát một bài. Bởi hồi mẹ còn nhỏ, mẹ cũng hát bài ấy. Bao năm tháng đi, người thì già yếu đuối dần, chỉ có những câu hát là còn trẻ.

Bố mẹ tôi là những người bình thường, mà có những câu hát nuôi giữ theo tâm hồn lâu thế, bền thế, mê say mà cũng bùi ngùi thế. Thì những người “đánh cược” đời mình vào câu hát, họ sẽ còn đắm đuối và tự thúc bách đến thế nào nếu lời ca máu thịt từ sâu trong dạ không được ngân rung! Những câu hát mà khiến họ nghĩ rằng vì chúng mà cuộc đời họ ở trên cõi đời này thêm đáng sống. Hồi đã lâu mười mấy năm rồi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yên Giang ở Hội văn học nghệ thuật Hà Tây trước đây, có kể tôi câu chuyện về việc ông đi tìm lại được các nghệ nhân trong giáo phường ca trù thôn Đồng Trữ ở Chương Mỹ - Hà Nội ngày xưa. Có đến hàng nửa thế kỷ rồi, đàn hát của họ không cất lên được. Chắc nhớ lắm cũng chỉ để âm thầm ca nho nhỏ, gảy nhè nhẹ với nhau trong buồng kín mà thôi! Như là cái lần tôi nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu ở Chanh Thôn – Phú Xuyên kể ấy, rằng mấy ông bà anh em họ rủ nhau ghi âm vào băng cát sét để thi thoảng bật lên nghe với nhau, nhớ cái ngày xưa trẻ trai, thiếu nữ, đi hát ca trù.

Về sau, theo cái đà hạn chế, cấm đoán đã trượt đi cả quãng dài, thì khi phục hưng, phục hồi văn hóa cổ truyền, với những con người như thế, đã có ít nhiều điều mai một. Mà có lẽ cũng đã tồn tại những suy nghĩ “cảnh giác” hằn thành vết trong tâm trí người ta! May thay ông Yên Giang tìm về, phỏng vấn, ghi chép, viết bài trên tạp chí và giới thiệu rộng rãi với nhiều người trong ngành văn hóa, như một tia sáng soi lại niềm say mê và kiêu hãnh, cả nỗi buồn thầm kín của một giáo phường làng quê xưa. Các ông bà cụ mà hồi ngừng câu hát thì tuổi họ còn sung sức lắm, nay bồi hồi, tưởng chúng tôi không thể nào mà có dịp hát lên nữa. Cái chỗ thôn Đồng Trữ ông Yên Giang tìm về ấy, bây giờ đã thành hoạt động bình thường. Ngoài các cụ thì có thêm những người trung niên với vài cháu nhỏ. Câu lạc bộ văn nghệ thôn quê vốn chẳng lấy gì mà dư dật. Tằn tiện lắm lắm, tằn tiện đến mức… chả có gì thì mới giữ lấy cái niềm yêu mê đàn hát quê hương mình. Nhưng người ta cứ thế đấy, giữ cho nhau, truyền cho nhau, có thi thoảng hát chúc hát mừng những đám ăn khao thượng thọ hay cưới hỏi, còn thì loanh quanh tập luyện với nhau mà thôi. Được hát lên, với nhiều người, đã là duyên nợ, là ân huệ trong đời!

Rồi ít hôm trước, tôi nghe bạn nói anh bị đau dạ dày lại phải nằm nghỉ. Bùi Trọng Hiền mà đã phải nghỉ nghĩa là “bệt” lắm! Tôi đến thăm anh và được một nửa buổi chiều nghe “người ốm” phân tích những kết quả mới của năm ròng nghiên cứu giọng hát, kỹ thuật gõ phách, chơi đàn của các danh ca, danh cầm, những người nổi lên từ hơn nửa thế kỷ trước nơi các giáo phường, ca quán phố Hà Nội, những bậc tài nhân trong giới sành chơi của các nhà phú gia hay văn thi sĩ hào hoa. Mà những con người hát ca, thơ phú ấy, cũng trong cái lớp lận đận một thời.

Chiếc võng mắc chéo phòng, bên cạnh vẫn là cái bàn tre đan thấp và máy tính đang mở, đàn, phách, trống chầu, trống cái bốn xung quanh, bảng treo tường đang phác dở các sơ đồ… Anh vẫn hăm hở nói, giảng giải cho tôi nghe về cái chỗ giữ nhịp của cụ này, chỗ láy phách của cụ kia, về những điểm xuyết, thêm thắt tinh tế, nó góp thêm cho phong thái bài hát vốn đã được biết đến qua câu chữ, nay thêm lung linh bởi tài hoa trình diễn. Anh nói sôi sôi, bay bay, vui và mạnh như không ốm đau tẹo nào, như có gì giục giã, không thể chậm trễ hơn, vì những tinh túy các tài danh Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ… ấy đã làm ra, không nói sáng rõ cho người nay hiểu, thì là có tội! Anh vừa nói, kể, vừa trầm trồ, ngưỡng vọng, lại mở những phần tư liệu ghi âm nhiều chục năm trước của viện chuyên môn để chứng minh. Và anh gõ trống theo tiếng đàn, tiếng ca của các cụ.


Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền trong lễ báo cáo kết quả dự án "Phục dựng trình thức
hát Cửa Đình người Việt
” vào 14/11/2017

Căn phòng nhỏ không có gì ngoài đồ nghề nghiên cứu, tiếng hát tiếng đàn người xưa vang vọng, thung dung, đắm đuối, thổn thức, như đang có gió về, như ngàn vạn sắc hình sông suối, như không khí phố xá những giáo phường, ca quán xưa u hoài, thầm kín, buông buông, trôi trôi phảng phất... Anh nói đến vài người trẻ bây giờ, những người như là có gì xui khiến từ xa xôi, để cũng hòa tan mình vào đàn hát mà giữ lấy. Bây giờ họ đã vững hơn nhiều rồi! May có thế, không thì dòng truân chuyên chảy từ nghiệp tổ xưa chả biết ứng vào ai. Anh sẽ giúp họ, anh sẽ cùng họ. Bởi cái cách học, cách luyện, cách chơi từ người xưa đã hiện ra rồi đây này!

Rồi tôi về gặp đạo diễn chèo nghỉ hưu đang chăm mẹ già. Mẹ đã ngoài 90, còn đi lại chậm chậm, còn tự xúc cháo được. Nhưng mẹ lẫn nhiều rồi! Đang ở Hà Đông mà cứ nghĩ là trong Đà Lạt, ra đây đã hơn năm mà hỏi đi hỏi lại là từ hôm nào. Rồi thì Giao Thừa chưa. Lại bảo có việc gì cho tôi đi làm mấy. Và con cái ở trước mặt thì có khi con này lại tưởng tên con khác. Suốt ngày mẹ lo lắng không có gì ăn… Thế mà nghe mấy tiếng trống thì mẹ lại nằm nhớ dần những câu hát xưa, rơi rụng nhiều quá rồi nhưng còn lưu được một ít. Ngày xưa tôi đi hát đúm nhé, ở Phú Xuyên mà đi chơi sang tận Hưng Yên ấy, tôi đi hát trống quân với bọn con trai con gái trong làng. Và giọng yếu của mẹ cất lên nho nhỏ hụt hụt một câu chèo… Đạo diễn mới hát cho mẹ nghe, và gõ trống tòng theo mẹ hát. Và thường đêm đêm, khi xóm ngõ đã ngủ hết, mẹ không ngủ được vì tưởng là mình đói bụng, tưởng như quỵ đến nơi ấy, bưng cho mẹ bát cháo con xong, đạo diễn lại mang trống ra hát thì thào với mẹ.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.