You are here

Câu chuyện nhạc sĩ Phạm Duy và đêm nhạc “Ngày trở về”

Tác giả: 
Trần Mỹ Hiền

(Ghi theo lời kể của nhạc sĩ Hồng Đăng)

Khi tôi làm Phó Tổng thư kí Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam có câu chuyện về nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi vẫn còn nhớ mãi.

Một buổi sáng, khi đang ở trong phòng làm việc thì có tiếng gõ cửa, tôi ra mở thấy Dương Thụ (nhạc sỹ Dương Thụ - PV) mặt phấn khởi. Tôi hơi ngạc nhiên vì Dương Thụ ít khi biểu lộ cảm xúc nếu không nói là ngoại hình lúc nào trông cũng đạo mạo, lành lạnh. 

Dương Thụ bảo: “Anh ơi, em liên hệ Coca cola muốn tài trợ kinh phí cho Hội Nhạc sĩ 4 đêm ở Nhà hát Lớn thành phố để tổ chức chương trình Nửa thế kỉ bài hát Việt”. 

Ở thời kì những năm đầu của thập niên 90, để tổ chức 4 đêm ca nhạc tại Nhà hát Lớn là một chuyện không đơn giản. Nó hẳn là số tiền rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng bỏ ra. Chúng ta có quá nhiều nhạc sĩ và tác phẩm cần được tôn vinh ở một nơi trang trọng như thế. 

Tôi bảo với Dương Thụ: “Chắc chắn chứ. Nếu được như vậy thì tốt quá còn gì bằng”. Sau khi Dương Thụ kết nối Coca cola với Hội Nhạc sĩ, chúng tôi bắt tay vào công tác chuẩn bị ca khúc. Bây giờ mới bắt đầu là khó đây, chương trình 4 đêm diễn, mỗi đêm là 20 ca khúc. Vậy sẽ có 80 nhạc sĩ sẽ được chọn. Hội Âm nhạc Việt Nam có cả nghìn hội viên, chọn ai, không chọn ai?

Tôi nghĩ, đây là chương trình Nửa thế kỉ bài hát Việt, thời gian trải dài và xuyên suốt quá trình lịch sử 50 năm, từ khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên viết Kiếp hoa đến tận những năm 1975, khi Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, vậy sẽ lấy cột mốc 3 thời kì, âm nhạc trước năm 1945, sau năm 1954, sau năm 1975.

Tôi quan niệm nói đến nửa thế kỉ bài hát Việt là tất cả nhạc sĩ có đóng góp những tác phẩm có giá trị về âm nhạc đều có thể giới thiệu, miễn là ca khúc ấy điển hình cho một giai đoạn sáng tác, cho một phong cách sáng tác. 

Bước khởi đầu cho nền âm nhạc Việt Nam thì tân nhạc là bước đi vô cùng quan trọng, mà nói đến tân nhạc thì không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy. Muốn nói gì đi nữa, vai trò của Phạm Duy trong tân nhạc của Việt Nam là không thể phủ nhận. 

Trong thời kỳ cách mạng, Phạm Duy có Bà mẹ Gio Linh rất hay. Phía Nam có những bài hát cũng vô cùng giá trị, Áo lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên. Tôi quan niệm tất cả bài hát có giá trị thì sẽ đưa lên biểu diễn lần lượt trong 4 đêm ở Nhà hát Lớn thành phố. Một bản danh sách tên bài hát và nhạc sĩ được lập nên.

Thời gian biểu diễn và giới thiệu ca khúc thì có giới hạn mà hàng trăm hội viên nhạc sĩ nào cũng thấy mình xứng đáng, rất nhiều người thắc mắc tại sao không đến lượt mình mà lại lấy mấy ông kia. 

Lúc đấy Ca Lê Thuần làm Chủ tịch Hội nhưng lại sống trong Nam, ngoài này tôi làm Phó Tổng thư kí Thường trực nên chủ trì việc chọn ca khúc để giới thiệu. Công việc không đơn giản, chọn ai, bỏ ai, được lòng người này thì mất lòng người kia.

Khi nhìn vào bản danh sách, nhiều người thấy có tên nhạc sỹ Phạm Duy, người ta mới bảo nhau: “Tại sao lại đưa Phạm Duy lên sân khấu?...”. Rồi cũng nhiều tiếng eo xèo: “Tại sao có Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến mà lại không có Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn?...”.

Mọi người nói qua nói lại rất nhiều, tất nhiên là chỉ nói qua nói lại với nhau chứ không phải là đơn thư giấy tờ kiện tụng. Hội Nhạc sĩ vẫn được coi là một trong hội “lành” nhất trong các hội văn học nghệ thuật. Tất cả kiện tụng là kiện miệng với nhau. Một số người lên Hội Nhạc sĩ, rồi lên Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. 

Ông Xuân Hồng trong Ban Chấp hành phản ứng rất quyết liệt. Nâng lên đặt xuống bao lần, sự việc này cũng ầm ĩ mất một thời gian. Vậy là bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy bị xóa khỏi đêm diễn Nửa thế kỉ bài hát Việt. Tuy nhiên, chương trình vẫn có Áo lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên. Có Hoài cảm của Cung Tiến.

Đơn vị tài trợ cho chương trình cũng đã định làm thêm mấy đêm ở Nhà hát Lớn trong thành phố Hồ Chí Minh, nhưng họ lại rút. Thế nên lúc đấy, nhạc sĩ trong Nam cũng có ca khúc hát trong chương trình  như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập...

Cho đến bây giờ thì đấy vẫn là một chương trình có thể nói nó tái hiện được lịch sử âm nhạc Việt Nam. Một cuộc ra quân tương đối hoàn chỉnh và lớn nhất cho đến tận bây giờ. 

Sau 4 đêm biểu diễn xong, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam đã đăng tất cả ý kiến phản hồi lên một số báo để phát cho hội viên. Hội Âm nhạc cũng tổ chức một cuộc họp tổng kết. 

Hôm đấy, trước mặt các hội viên nhạc sĩ khác, tôi nói: “Ai cũng biết rất rõ Phạm Duy là người có công đầu tiên khai thác dân ca Việt đưa vào bài hát mới. Có những bài hát của Phạm Duy nghe chất dân ca rất đậm và chính cái đấy là giữ Phạm Duy lại trong thế giới âm nhạc, chứ có nhiều người phản đối Phạm Duy cho đến cùng. Cái gì cũng phải rõ ràng, tội là tội, công là công”.

Ông Phạm Duy cũng có những cái “khệnh” riêng, ra ngoài thì khuỳnh khoàng chứ thực chất tâm địa cũng chẳng có gì. Lúc nào cần việc gì thì ông rất biết nhún nhường. 

Năm 2005, ông về hẳn Việt Nam sinh sống, trước đấy ông cũng đã đôi lần về nước. Phạm Duy biết ông Ngọc Bảo cũng là chỗ thân tình với ông Phạm Thế Duyệt đang là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Ông Phạm Duy sang đánh tiếng với ông Ngọc Bảo, nhận bạn bè cũ, Ngọc Bảo hồn nhiên lắm, quý bạn. Ông Duy ngỏ ý muốn về nước nhưng không hiểu mọi người có đón nhận hay không? Ý kiến của Nhà nước mình như thế nào?

Ông Ngọc Bảo nghĩ ông Phạm Thế Duyệt là một chính khách, để tiếp Phạm Duy thì cũng khó nên Ngọc Bảo lên Hội gặp tôi bảo: “Phạm Duy muốn về nước lắm, muốn có cuộc gặp với anh Phạm Thế Duyệt, Hồng Đăng với tư cách người lãnh đạo Hội Âm nhạc giúp xem nên như thế nào”. 

Tôi nói chuyện này với Trọng Bằng, lúc này là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng Thư kí Hội Âm nhạc Việt Nam. Trọng Bằng im lặng, không nói gì.

Sau buổi gặp với Ngọc Bảo, tôi lên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói với ông Phạm Thế Duyệt: “Anh nên tiếp vì đấy cũng là một người đàn anh có những đóng góp lớn cho nền tân nhạc Việt Nam. Tất nhiên, sau này anh ấy bỏ Tổ quốc ra đi nhưng giờ người ta muốn quay về quê hương xứ sở... Phần đóng góp âm nhạc của anh ấy không thể phủ nhận. Phạm Duy là người đầu tiên khai phá dân ca vào âm nhạc”. 

Sau khi nghe tôi nói, ông Phạm Thế Duyệt đồng ý tiếp nhưng mà tiếp trên cơ sở cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam chứ không phải một chính khách tiếp riêng với Phạm Duy.

Đến lịch hẹn, có tôi, Ngọc Bảo, nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Kha và Phạm Duy. Lúc đi lên đấy thì mới thấy Trọng Bằng cũng đứng ở sân. Tôi bảo anh Bằng: “Anh Bằng ơi, hôm nay anh Phạm Thế Duyệt tiếp anh Phạm Duy”. Anh Bằng bảo: “Ừ, tôi cũng đi cùng”.

Sau buổi gặp giữa ông Phạm Thế Duyệt - một chính khách và Phạm Duy - một nhạc sĩ xa xứ cùng mấy anh em nhạc sĩ ở Hội Âm nhạc Việt Nam, đến năm 2005 Phạm Duy về hẳn Việt Nam nhưng cũng từ đó không thấy Phạm Duy nhắc gì đến Ngọc Bảo.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến là Hội Âm nhạc có buổi gặp mặt cuối năm, đó là lúc tất cả các  anh em bạn bè nhạc sĩ hội viên Hội Âm nhạc tập trung nhau lại trò chuyện vui vẻ. 

Một lần, ông Long (chồng bà Tú Phương, bà Tú Phương là con gái ông Phạm Văn Đôn) nói với tôi: “Anh Phạm Duy muốn Hội mời gặp mặt cuối năm, anh xem thế nào...”. 

Tôi bảo: “Nếu như anh Duy với tư cách nhạc sĩ đến dự buổi gặp mặt cuối năm ấy thì anh em nhạc sĩ rất hoan nghênh, ủng hộ còn bảo mời thì không bởi vì theo nguyên tắc Hội chỉ mời những ai là hội viên của Hội, anh Duy lại không phải là hội viên Hội Nhạc sĩ”. 

Buổi gặp mặt cuối năm đấy, Phạm Duy cũng đã đến. Ông hòa mình vào mọi người trò chuyện vui vẻ.

Sau một năm về nước, năm 2006 Phạm Duy tổ chức đêm nhạc riêng tại Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Ngày trở về, sau đó nhiều chương trình mang tên Ngày trở về tổ chức ở các tỉnh miền Trung. 

Năm 2009, Ngày trở về được tổ chức ở Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, đây chính là nơi ông được sinh ra. Nhiều người phản ứng sao không lấy cái tên gì nhẹ nhàng hơn, lúc khốn khó thì đi mất, lúc yên ổn thì trở về, thật ra đó cũng chỉ là một ý kiến. 

Thực chất, trước đây có một bản nhạc mang tên Ngày trở về được Phạm Duy viết năm 1954 khi ông lên đường sang Pháp du học, cùng năm đó An Phú xuất bản nhạc phẩm này.

GS Trần Văn Khê, trong một bài phát biểu khi nhắc đến Phạm Duy, nói: “Đối với tôi, Phạm Duy là một người nhạc sĩ toàn diện về mọi mặt (toàn diện theo nghĩa đầy đủ nhất của hai từ “nhạc sĩ”) Duy có khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ và sự cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Duy cũng mang tánh cách rất riêng, rất “Phạm Duy”, nhưng cái riêng đó không hề lạc ra khỏi cái gốc rễ tình cảm chung của người Việt Nam.

Duy đã làm những cuộc phưu lưu “chiêu hồn nhạc” hết sức đậm đà, huyền diệu và đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và phong phú vô cùng! Duy chiêu được hồn ông thần nhạc và thành công trong nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần âm nhạc cũng mê lối “chiêu hồn” của Duy rồi chăng? 

Thành công - đối với Duy mà nói - không phải chỉ sớm nở tối tàn, mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm nhạc lẫn ca từ, không lẫn với bất kì ai, đặc biệt là những tác phẩm ấy sống mãi trong lòng người Việt say mê âm nhạc, nghệ thuật. 

Có những thể loại nhạc đối với người này là sở trường nhưng với người khác không phải là thế mạnh, còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau “chịu” đi theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy. 

Duy viết tình ca đi vào lòng người bao thế hệ. Viết hành khúc một thời cũng làm khán thính giả khó quên, hay viết trường khúc, tổ khúc... cũng làm lay động con tim âm nhạc của bao người. 

Những thể loại Duy làm ra đều được sự tán thưởng của giới mộ điệu, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Điều đó không hề dễ với một tác giả. Nó tồn tại tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt và hạnh phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian...”.

Những năm cuối đời, ông sống tại ngôi nhà ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh cùng các con trai. Sau 8 năm kể từ ngày trở về, đến đầu năm 2013, ông lâm bệnh rồi qua đời, thọ 91 tuổi...

(Nguồn:http://antgct.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.