You are here

Cần phân biệt dòng nhạc quê hương và nhạc sến

Tác giả: 
Nguyễn Xích Long

Để nói về các dòng nhạc, ta cần hiểu khái niệm đó chỉ là những quy ước tương đối, ví dụ nhạc cổ điển và nhạc nhẹ tưởng hoàn toàn khác biệt nhưng vẫn có những nghệ sĩ, ban nhạc chơi thành các loại nhạc bán cổ điển như Rechard Clayderman, Paul Mauriat… Hiện nay nhiều nghệ sĩ nhạc rock lại chơi các bản nhạc của Beethoven, Mozart, Bach, Paganini, Chopin theo phong cách rock như Yngwie Malmsteen, Steve Vai, Jimmy Page…. Và có cả những dàn nhạc giao hưởng, thính phòng chơi nhạc cổ điển toàn bằng ghi ta điện như dàn nhạc Sinfonity, hoặc toàn ghi ta gỗ như dàn nhạc Boston Guitar Orchestra….

Trong thế giới âm nhạc đương đại người ta phân ra rất nhiều dòng nhạc hiện đại như rock &roll, hard rock, heavy metal rock, blue, Jazz…. Với rất nhiều ban nhạc huyền thoại nổi tiếng thế giới như Beatles, Rolling Stones, Smokie, Scorpions, Deep Purple, Ledzeppelin, Black Sabath, Metallica, Satana…. Đa phần họ chơi pha lẫn giữa các dòng nhạc như jazz rock, blue rock, rock ballad…

Ở Việt Nam, nhạc hát mới thường được phân chia theo dòng như nhạc tiền chiến là những ca khúc tân nhạc trước năm 1954, nhạc đỏ là nhạc cách mạng suốt thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Mỹ; nhạc vàng là nhạc của miền Nam trước 1975; ngoài ra có dòng nhạc trẻ hoặc có lúc gọi là nhạc xanh là loại nhạc nhẹ nước ngoài du nhập vào Việt Nam thời trước 1975.

Nói về nhạc vàng là khái niệm người miền Bắc gọi các ca khúc của miền Nam trước 1975, loại nhạc này bị chính quyền miền Bắc cấm do những yêu cầu chính trị trong thời kỳ chiến tranh cho nên đã có những người dân miền Bắc bị bắt đi tù vì hát nhạc vàng trong thời kỳ này như ông Toán xồm và ông Lộc vàng và đến tận bây giờ vẫn chưa có chính sách nào chính thức cho phép lưu hành nhạc vàng tại Việt Nam. Trong nhạc vàng người ta lại chia ra vài loại như nhạc lính, nhạc quê hương và nhạc sến. Nhạc lính là những bài hát viết về lính như Nó và tôi, Rừng là thấp, Hát cho người nằm xuống, lính dù lên điểm, Đám cưới nhà binh, Lối về đất mẹ, Thư tình của lính, Xuân này con không về… với những ca sĩ nổi danh như Hùng Cường, Duy Khánh, Mai Lệ Huyền…

Nhạc quê hương là những bài hát viết về tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước con người đây là dòng nhạc có rất nhiều bài hát đi vào lòng người còn mãi với thời gian như Thương về miền Trung, Mưa trên phố Huế, Đà Lạt hoàng hôn, Hà Tiên, Ở trọ, Biết đâu ngưồn cội, Hạ trắng, Gọi tên bốn mùa, Mùa thu cho em, Áo lụa Hà Đông, Riêng một góc trời, Chiều nay không có em, Đêm nay ai đưa em về… Những bài hát này đã gắn liền với những tên tuổi của những nhạc sĩ và ca sĩ sống mãi trong lòng công chúng như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh Chín, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Chế Linh, Hoàng Oanh, Phương Dung…

Nhạc sến là những bài hát thất tình, lỡ làng bi lụy than thân trách phận ai oán rên rỉ nỉ non, èo uột. Loại nhạc này một thời được những người ăn mày ăn xin ở các bến xe, bãi chợ sử dụng nhiều để đánh động vào lòng thương cảm của người qua đường nhằm xin tiền cho nên người ta hay gọi dòng nhạc này là dòng nhạc sến xẩm. Những bài hát phổ biến của dòng nhạc này như Nhẫn cỏ cho em, Vòng nhẫn cưới, Cho vừa lòng em, Ai khổ vì ai, Đừng nói xa nhau, Mai lỡ hai mình xa nhau, xót xa, Trách ai vô tình… Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này như Vinh sử (còn được gọi là vua nhạc sến), Mặc Thế Nhân, Châu Kỳ, Thanh Sơn, Chế Linh, Ngọc Sơn, Giao Linh, Phương Dung….

Tại sao cần phân biệt giữa dòng nhạc quê hương và dòng nhạc sến? Vì gần đây khi nhạc Bolero (mà thực chất là nhạc vàng gọi bằng một cái tên khác để lách luật) bùng phát trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng vì một số lý do như một số nghệ sĩ, ca sĩ Việt kiều hải ngoại giàu có muốn quay về nước tung tiền tìm lại cái bóng một thời vàng son của mình trước đây. Một phần công chúng và xã hội trước đây bị cấm đoán bây giờ như được cởi trói, sổ lồng muốn nghe lại những bài hát trước đây được yêu thích nhưng chưa có điều kiện nghe thoải mái. Một số dân chúng tò mò muốn xem những nhân chứng sống đã bị bắt đi tù khi xã hội còn mông muội ấu trĩ như ông Lộc vàng… Trong một số chương trình game show một số người làm truyền thông và cả những người làm chuyên môn đã có những phát ngôn, quan niệm lầm lẫn, lẫn lộn giữa dòng nhạc sến và dòng nhạc quê hương. Trong khi dòng nhạc quê hương là những ca khúc có tính văn hóa nghệ thuật cao, tình cảm sâu lắng, khơi được cảm xúc say mê của người nghe qua nhiều thời đại, còn mãi với thời gian, thì dòng nhạc sến đau khổ với những thất tình chênh lệch giàu nghèo, lỡ làng bội bạc, gả bán ép duyên, dòng nhạc này không còn phù hợp với môi trường xã hội bây giờ khi mà chuyện gả bán, ép duyên hầu như không còn, hầu như không còn chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lớp trẻ bây giờ được tự do tiếp cận các hệ thống thông tin truyền thông hiện đại, phim ảnh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội đã thay đổi nhiều về nếp sống, suy nghĩ tự do, phóng khoáng hơn. Kể cả cách thể hiện tình cảm, hay thất tình cũng khác xưa rất nhiều, giới trẻ bây giờ không ngại thổ lộ tình cảm công khai, chán nhau, bỏ nhau có thể cãi chửi nhau trên các trang mạng xã hội, có thể chia tay đòi quà, có thể tự selfie, tự giải tỏa nỗi buồn bằng nhiều hình thức ăn chơi, nhảy múa, tụ tập, đi phượt… Do đó những bài nhạc sến bi lụy, ai oán, than van, rền rĩ, nỉ non, èo uột cũng không còn được giới trẻ hiện nay thấy hứng thú ngoài những bạn trẻ được thuê đi cổ vũ, vỗ tay, giương biểu ngữ mà trông mặt mũi vô cảm hời hợt, những nụ cười ngô nghê a dua bầy đàn.

Còn dòng nhạc quê hương dù có bản buồn bã nhưng vẫn là những giai điệu đẹp lắng đọng tha thiết chứ không bị bi lụy rền rĩ nỉ non như nhạc sến. Do đó, cần phân biệt dòng nhạc sến đã trở thành lỗi thời so với dòng nhạc quê hương vẫn còn mãi trong lòng công chúng.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.