You are here

“Cải lương” sau ngày trăm tuổi

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Năm 2018 đánh dấu sự kiện nghệ thuật ca kịch Cải lương tròn 100 tuổi. Có rất nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra quanh sự kiện này. Não trạng chung của người trong cuộc là hoài niệm về quá khứ vàng son, trăn trở trước hiện tại và lo lắng cho tương lai.

So với Tuồng, Chèo, Cải lương phần nào vẫn giữ được nét phôi phai của thời kỳ hoàng kim. Nhiều người có thể kể tên hàng loạt tên tuổi, diễn viên gạo cội trong loại hình nghệ thuật này, từ Phùng Há, Kim Cương, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Diệp Lang, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Thanh Thanh Tâm, Thanh Tòng cho đến Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Vũ Linh, Tài Linh, Quế Trân… Đối với Chèo, Tuồng, ít ai còn nhớ vài tên tuổi từng gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Tất cả đều đã lùi vào dĩ vãng. Tuồng, Chèo cũng ít có cơ hội xuất hiện trên truyền hình, ít nhất so với nghệ thuật Cải lương. Như vậy, so với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác có tư cách lịch sử, văn hóa lâu đời, Cải lương nhờ sinh sau đẻ muộn mà vẫn gây ảnh hưởng trong lòng khán thính giả và thời đại. Cải lương cũng có đông đảo khán thính giả mộ điệu dành sự ưu ái cho mình, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Về miền Tây, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân quê bình dị ghé tai sát vào chiếc máy nhỏ xíu nghe Cải lương. Đó là một hình ảnh đẹp cho thấy tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống chưa hề phai hay bị đánh mất, đồng thời chỉ ra yếu tố làm nên giá trị bất tử của nghệ thuật Cải lương, đó chính là khán thính giả.

“Mặt trời đứng bóng rồi xế. Sự vật thịnh rồi suy”. Đó là quy luật muôn đời trong trời đất. Đối với một loại hình nghệ thuật đã bước qua tuổi 100, những người làm nghề hẳn đã đủ sâu sắc, trí tuệ để nhìn lại mình, thương về quá khứ và hướng tới tương lai trong sự khó khăn của hiện tại. Tìm hướng đi cho nghệ thuật Cải lương theo xu hướng cắm sâu vào lòng văn hóa dân tộc, để khi thời gian qua đi, nó trở thành một phần không thể tách rời di sản văn hóa đất nước. Có một điều dễ dàng nhận thấy, thị hiếu đã thay đổi. Cải lương từng có thế hệ khán thính giả thủy chung, đã và đang sản sinh ra các thế hệ kế tiếp. Những người sinh sau đẻ muộn, lớn lên trong bối cảnh văn hóa đa dạng, thế giới rộng mở, toàn cầu hóa với sự phát triển cao về khoa học, công nghệ, không thể giống thế hệ trước. Nhưng, không hẳn vì thế mà họ quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Đã đến lúc cần làm những cuộc đối thoại xuyên thời gian để làm nên lịch sử. Văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng là những giá trị được thỏa thuận. Nó không hề tồn tại một cách mặc nhiên. Quá trình này đòi hỏi sự tương tác thường xuyên giữa người làm nghệ thuật và khán thính giả. Cuộc đối thoại này làm nảy sinh ý tưởng mới, cách làm nghệ thuật mới, thay đổi tư duy của cả người trong lẫn ngoài cuộc.

Trước bối cảnh văn hóa đa dạng như hiện nay, thay vì “ngồi khóc mộ Đạo Tiên” mà thực chất khóc cho số phận mình, giới làm nghệ thuật cần đánh giá, tổng kết lại di sản văn hóa của ca kịch Cải lương. Loại hình nghệ thuật này vốn có khả năng hấp thu đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật, dạng thức văn hóa, từ sự hấp thu đa tạp, nếu thiếu chọn lọc dễ làm cho bản sắc nhạt nhòa. Giống như hai khía cạnh của một hình tượng, Cải lương một mặt thích ứng nhanh chóng với sự biến đổi, mặt khác dễ làm suy giảm bản sắc cá biệt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà danh từ Cải lương trở thành “tính từ ám chỉ sự sến súa, màu mè, thấp cấp…” như lời thở than của nghệ sĩ Bạch Tuyết trong bài: “Tự tình Cải lương: Trăm năm chìm nổi với đất” đăng trên Thời báo Kinh tế Sòn Gòn số Xuân kỷ hợi 2019. Trong quá khứ, Cải lương từng là tính từ, nhưng hàm ý chỉ sự “đổi mới”.

Năm 1920, ông Trương Văn Thông ở Sa Đéc lập đoàn hát Tân Thinh. Nhân sự kiện này, hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu đã viết câu đối để ủng hộ: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích hướng văn minh”. Câu đối này trích dẫn nhiều trong các tài liệu đề cập tới nguồn gốc nghệ thuật Cải lương. Theo đó, Cải lương có tôn chỉ ban đầu dựa trên mục tiêu bảo tồn di sản (lương truyền) tuồng tích cũ kết hợp với đổi mới (cải cách) ngôn ngữ biểu hiện (hát ca). Theo thời gian, đối tượng của sự đổi mới là “tuồng tích”, lối “hát ca” bị rơi rớt, chỉ còn lại tính từ Cải lương nhằm chỉ tên một thể loại kịch hát. So với nhiều loại hình nghệ thuật khác, tên thể loại thường dùng danh từ đi kèm với tính từ đóng vai trò bổ ngữ, như Thơ mới, Nhạc mới, Chèo văn minh, Chèo cải biên, Tuồng cổ cải lương… Như vậy, tên gọi Cải lương đã chuyển hóa từ tính từ sang danh từ. Trên con đường lịch sử đã đi qua, có ngã rẽ dẫn Cải lương đến tình trạng “sến súa, màu mè, thấp cấp…”. Đây có phải đặc trưng của Cải lương hay chỉ là nhận xét chủ quan của một bộ phận khán thính giả?

Trước khi đi vào củng cố, nâng cao địa vị Cải lương, cần kiện toàn hệ thống sản phẩm, tổng kết kinh nghiệm, đúc kết giá trị, tinh tuyển vở diễn kinh điển, những trích đoạn đã thành mô thức điển hình, từ đó tập trung vào xu hướng bảo tồn đi đôi với thể nghiệm sáng tác mới. Xác định rõ yếu tố nào cần bảo lưu, gìn giữ, yếu tố nào có thể thay đổi, đặc biệt trên phương diện công nghệ có sự xích lại gần hơn giữa sân khấu truyền thống và hiện đại. Các yếu tố phụ trợ có thể nâng cấp một cách đồng bộ, như ánh sáng, bố cảnh, trang trí sân khấu, phục trang, hệ thống âm thanh, không gian ba chiều… Bao trùm lên nghệ thuật Cải lương là đặc trưng loại hình, giống như gien di truyền không thể cải biến để người nghe nhận ra Cải lương. Bên cạnh đó, người làm nghệ thuật cần tổ chức nhiều chương trình tương tác với khán thính giả, giúp hiểu sâu hơn về nghệ thuật Cải lương. Đừng vội tìm đất diễn cho Cải lương. Đất diễn tuy quan trọng, nhưng không phải yếu tố then chốt quyết định sự thịnh suy của một loại hình nghệ thuật. Châu Âu từng chứng kiện sự hưng thịnh của nghệ thuật Nhạc kịch (Opera) hai thế kỷ XVII-XVIII. Vậy mà hơn một thế kỷ qua, người ta phải bất lực trước sự tàn lụi của nó. Các nước châu Âu không thiếu những nhà hát nguy nga, tráng lệ, nhưng thiếu khán thính giả dành tình yêu cho loại hình nghệ thuật này. Khán thính giả và tình yêu của họ được nuôi dưỡng sẽ góp phần phục hưng Cải lương. Tình yêu nào cũng cần gìn giữ, bồi đắp bằng sự hiểu biết. Cơ tầng văn hóa của khán thính giả chính là trường khí quyển giúp cho nghệ thuật Cải lương đi qua, duy trì, phát triển suốt thời gian lịch sử và không gian văn hóa.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.