You are here

Ca khúc thiếu nhi của Phong Nhã

Tác giả: 
Nguyễn Lệ Chi

Ca khúc thiếu nhi là những bài hát viết cho trẻ em lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Giai điệu thường vui tươi, âm vực không quá rộng, ca từ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ hát. Nếu ca từ là những lời nhắc nhở các em học sinh noi theo gương tốt, làm những điều hay, giáo dục những đội viên chăm ngoan, những lớp măng non của Tổ quốc một cách nhẹ nhàng thì giai điệu vui tươi, hào hùng trong mỗi ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã lại có sức tác động mạnh mẽ, thôi thúc các em ý thức phấn đấu trong niềm vui học tập.

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 04/04/1924 tại một làng quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Ông là một trong những người đầu tiên có những sáng tác ca khúc mới có giá trị cho trẻ em ca hát.


Ảnh: Nhạc sĩ Phong Nhã ( Nguồn: sưu tầm)

Gia nhập Việt Minh từ sớm và được giao nhiệm vụ phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh nên hầu hết những sáng tác của nhạc sĩ thường mang đậm màu sàu sắc chính trị và có lẽ thế mà nhạc sĩ đã thành công tuyệt đối ở thể loại ca khúc chính ca cho thiếu nhi. Mang màu sắc chính trị rõ nét song ca từ trong các ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã lại hết sức gần gũi mà vẫn giàu hình tượng; giai điệu không phức tạp, cầu kỳ mà vẫn vẫn thể hiện được sự hào hùng, trang nghiêm thôi thúc tinh thần mãnh liệt của các em trong học tập cũng như noi gương các anh hùng thiếu niên dũng cảm, ghi nhớ công ơn của Bác Hồ kính yêu để thực hện tốt những nhiệm vụ của công dân nhỏ tuổi. Ca khúc của ông thể hiện được các đặc điểm nổi bật, như: Cách đặt vấn đề tài tình, ca khúc của ông luôn lồng ghép tư tương cách mạng dân tộc, tinh thần yêu nước mãnh liệt, thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu nhưng hết sức nhẹ nhàng trong lời ca và giai điệu âm nhạc phù hợp với tất cả các em học sinh TH và THCS trên mọi vùng miền Tổ quốc.

Về nội dung, đề tài

Là người chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động xã hội thời kì đấu tranh giành lại độc lập của nhân dân ta, tất cả những nhân tố khách quan lúc bấy giờ đã tác động vào sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã góp phần đưa đến sự trưởng thành trong sáng tác của ông.

Nhìn tổng thể, chủ đề trong những ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã thường mang nội dung ca ngợi đất nước, con người, bày tỏ tình cảm, mơ ước của thiếu nhi, nêu cao những tấm gương anh hùng dũng cảm, tinh thần bất khuất trong những năm chiến tranh ác liệt của dân tộc và đề tài về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ.

Trong bất cứ đề tài nào, ông cũng tìm được những hình ảnh tiêu biểu gợi cảm, giàu chất thơ, lời ca giản dị mà xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với nhận thức và tâm lý trẻ. Bằng những cảm xúc, tình cảm dạt dào chân thành đầy ngẫu hứng của mình, nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc đậm chất chính trị với giai điệu rất hào hùng mà lời ca lại vô cùng giàu chất thơ khiến sáng tác của ông mãi còn sức sống mãnh liệt trong lòng người yêu nhạc.

Các tác phẩm của nhạc sĩ Phong Nhã mang màu sắc chính trị nhưng không nặng nề mà ngược lại nhạc sĩ Phong Nhã với cảm xúc, tình cảm dạt dào và tự nhiên đã viết lên những tác phẩm đầy chất thơ, giàu tính nhân văn nhưng ca từ và giai điệu hết sức hào hùng thể hiện niềm tự hào truyền thống cha anh.

Đặc điểm khiến cái tên Phong Nhã trở thành nhạc sĩ của tuổi thơ đó là những sáng tác ca khúc cho thiếu nhi mang chủ trương đường lối của Đảng, bám sát tình hình chính trị, những sáng tác về Bác Hồ, về Đội và gương các anh hùng thiếu niên dũng cảm với lối sử dụng nội dung văn học vô cùng phong phú như thể hiện bằng những ca tư hết sức gần gũi với thiếu nhi.

Về thể loại ca khúc

Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã thuộc các thể loại như: Ca khúc hành khúc, ca khúc tập thể, ca khúc trữ tình.

Ca khúc hành khúc: Ca khúc hành khúc trong sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã trước tiên là các bài hát nhằm phục vụ tập thể, có giai điệu khỏe khoắn, thường viết về Đội TNTP Hồ Chí Minh, hình tượng anh hùng thiếu niên tuổi nhỏ gan dạ và ngợi ca đất nước. Các bài hát hành khúc của Phong Nhã đã đi cùng năm tháng qua thời kỳ kháng chiến của đất nước, hướng các em thiếu niên nhi đồng giác ngộ cách mạng sớm, khơi dậy tinh thần đoàn kết của TNTP Hồ Chí Minh chung tay vào công việc có ích trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình thức âm nhạc thường được viết ở thể đoạn nhạc 2 câu, đoạn nhạc 3 câu, hai đoạn đơn, tiêu biểu như: Nhanh bước nhanh nhi đồng (1944), Kim Đồng (1945), Cùng nhau ta đi lên (1950), Hành khúc Đội (1970)...

Ca khúc trữ tình: Đó là những ca khúc viết với giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu đều đặn, legato tạo sự êm ái, thể hiện sắc thái mềm mại, thấm nhuần tình yêu nước, lòng nhớ ơn các anh hùng thiếu nhi dũng cảm và tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi được nhạc sĩ miêu tả lại bằng ngôn ngữ âm nhạc hết sức tài tình. Tiêu biểu là các ca khúc: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (1946), Tình đồng đội (1950), Bác sống đời đời (1969), Cảm ơn bầu bạn bốn phương (1975), Vì đàn em thân yêu (1976),Thăm trường cũ (1978)...

Các dạng khác: Trong sáng tác của Phong Nhã, có nhiều ca khúc thể hiện tính chất vui hoạt, nhiều ca khúc thể hiện tính ngợi ca với nhiều các chủ đề phong phú. Ca khúc có tính ngợi ca như: Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Hát với Thăng Long Hà Nội (1998)...… Các ca khúc có tính chất vui tươi như: Nhanh bước nhanh nhi đồng (1945), Chi Đội em làm kế hoạch nhỏ (1977), Trên ngựa ta phi nhanh

Về cấu trúc

Hầu hết những sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã thường viết ở hình thức một hoặc hai đoạn đơn, một số bài viết ở hình thức 3 đoạn đơn.

Hình thức một đoạn đơn có các ca khúc như: Cùng nhau ta đi lên, Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, Đoàn tàu mang tên Đội, Bài ca sum họp, Bác sống đời đời, Đội ta lớn lên cùng đất nước... (Xem PL2).

Có thể thấy, rất nhiều các tác phẩm của nhạc sĩ được viết dưới hình thức đoạn nhạc, có khi là đoạn nhạc với 2 câu cân phương, có khi là đoạn nhạc 3 câu không cân phương. Ví dụ trong ca khúc Bài ca sum họp là ca khúc viết ở hình thức đoạn nhạc 2 câu, giọng C dur. Câu 1 có 12 nhịp, câu 2 có 12 nhịp và có kết bổ sung (KBS) 8 nhịp. Sơ đồ cấu trúc như sau:

Hay trong ca khúc: Đội ta lớn lên cùng đất nước .Gọng C dur được viết dưới hình thức một đoạn nhưng gồm 3 câu. Sơ đồ như sau:

Hoặc trong Bài hát: Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, giọng C dur cũng được viết ở hình thức đoạn nhạc 3 câu. Sơ đồ:

- Hình thức hai đoạn đơn gồm các ca khúc như: Nhanh bước nhanh nhi đồng, Hành khúc Đội, Làng em xanh tươi, Tàu em đi trại hè, ,… (Xem PL2).

Điển hình cho sự thành công trong ca khúc viết ở hình thức 2 đoạn đơn là ca khúc Hành khúc Đội. Bài hát viết ở giọng F dur, có sơ đồ cấu trúc 2 đoạn đơn phát triển:

- Hình thức 3 đoạn có các ca khúc như : Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đông, Kim Đồng… Trong số các tác phẩm kể tên, ca khúc Kim đồng có cấu trúc như sau:

Đây là ca khúc mang tính ngợi ca, viết ở điệu thức 5 âm (Xon cung) dưới hình thức 3 đoạn đơn phát triển:

Về điệu thức, thang âm

Qua khảo sát các ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã, chúng tôi thấy nhạc sĩ thường sử dụng điệu thức 5 âm của Việt Nam và 7 âm phương Tây.

Với 7 âm phương Tây: Nhạc sĩ thường viết ở cả hai dạng điệu thức trưởng tự nhiên và thứ tự nhiên. Điển hình trong các ca khúc viết ở điệu thức 7 âm phương Tây: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội, Cùng nhau ta đi lên, Tàu em đi trại hè…

Với điệu thức 5 âm Việt Nam: Nhạc sĩ đã xây dựng đượng khá nhiều hình tượng âm nhạc trên điệu thức 5 âm. Điển hình trong lối sử dụng điệu thức 5 âm Việt Nam qua các ca khúc như: Nhanh bước nhanh nhi đồng, Bác sống đời đời, Kim Đồng…

Trong các ca khúc, giai điệu được xem như nhân tố đầu tiên và quan trọng để tạo nên hình tượng âm nhạc. Giai điệu trong ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã thường tiến hành trong phạm vi 1 quãng tám, thường là các quãng bình ổn (quãng 2, quãng 3), liền bậc hoặc điệp âm, ít có những quãng nhảy xa, đôi khi nhảy quãng tám nhưng vẫn đảm bảo trong phạm vi giọng hát trẻ em, ít đảo phách, ít dùng tiết tấu chia tự do vì vậy giai điệu trong các tác phẩm của nhạc sĩ Phong Nhã rất dễ nhớ, dễ hát, âm vực rất phù hợp với tầm cữ giọng học sinh TH và THCS. Nhiều chủ đề được xây dựng thành công ở những quãng bình ổn, liền bậc, điệp âm... Ông khéo léo kết hợp các âm hình tiết tấu với đường nét giai điệu và ca từ để thể hiện được rõ nét hình tượng âm nhạc.

Có thể thấy, trong ca khúc “Nhanh bước nhanh nhi đồng” đường nét giai điệu được xây dựng trên điệu thức 5 âm (Rê Vũ). Chủ đề âm nhạc cũng là tên của bài hát được xây dựng một cách khéo léo với 4 âm của điệu thức.

Ví dụ 1: (Trích ca khúc Nhanh bước nhanh nhi đồng – Phong Nhã).

Trong ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, nhạc sĩ lại khiến những người yêu nhạc thán phục khi xây dựng chủ đề quán xuyến toàn bộ ca khúc với 4 âm trong điệu thức d moll tự nhiên, nói lên tâm tư tình cảm của trẻ thơ với Bác Hồ hết sức bình dị mà tha thiết, chân thành.

Ví dụ 2: (Trích ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng -Phong Nhã).

Đường nét giai điệu chủ đề mang hơi hướng dân ca Việt Nam, toát lên tính chất trữ tình, tự sự, giai điệu chủ đề đi xuống dần (quãng tám thứ 2 đi xuống), viết ở nhịp phân đôi có lấy đà làm rõ lời ca khi hát nên rất phù hợp với hơi thở thiếu nhi.

Cũng có thể dễ dàng nhận thấy ở ca khúc “Bác sống đời đời” nhạc sĩ lại một lần nữa thể hiện thành công trong việc tiến hành giai điệu trên điệu thức 5 âm (Mi Vũ). Lời ca và giai điệu hòa quyện bày tỏ được sự nhớ thương của thiếu nhi với Bác Hồ kính yêu khi Người đã đi xa nhưng như còn sống mãi dìu dắt bước đi của các em thiếu nhi.

Ví dụ 3: (Trích ca khúc Bác còn sống mãi – Phong Nhã).

Hay trong chủ đề của ca khúc Hành khúc Đội, nhạc sĩ lại thể hiện được rõ nét sức mạnh của Đội TNTP qua tiết tấu khỏe khoắn tạo nên một giai điệu vui, hào hùng. Cuối tiết nhịp thứ nhất sang đầu tiết nhịp thứ hai sử dụng nhảy quãng tám tạo sự vang sáng.

Ví dụ 4: (Trích ca khúc Hành khúc Đội - Phong Nhã).

Về nhịp điệu, sắc thái

Các sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã hầu hết được xây dựng trên những loại nhịp 2/4, một số bài viết ở nhịp 3/4, 4/4 và nhịp 6/8 dưới dạng âm hình tiết tấu không phức tạp, thường có lấy đà, thể hiện được tính chất nội dung âm nhạc.

Có thể khẳng định, dù ở bất kể nội dung, hình tượng nào thì trong ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã cũng thể hiện được tình yêu nước thấm nhuần nhưng lời ca vẫn hết sức tinh tế, nhẹ nhàng, trong sáng. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Phong Nhã thật trong lành và thuần khiết, hầu hết các tác phẩm của ông đều đảm bảo được cả hai mặt về giai điệu lẫn nội dung ca từ. Nếu ca từ là những lời nhắc nhở các em học sinh noi theo gương tốt, làm những điều hay, giáo dục những đội viên chăm ngoan, những lớp măng non của Tổ quốc một cách nhẹ nhàng thì giai điệu vui tươi, hào hùng trong mỗi ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã lại có sức tác động mạnh mẽ, thôi thúc các em ý thức phấn đấu trong niềm vui học tập.

Hiện nay, giáo dục âm nhạc ở nước ta đang mở ra nhiều hướng nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn. Qua bài viết, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra ý kiến về việc nên tăng cường sử dụng nhiều hơn nữa mảng đề tài về các hoạt động Đội, về tấm gương thiếu nhi anh dũng, Bác Hồ với thiếu nhi… trong các tiết học âm nhạc chính khóa ở bậc TH và THCS nhằm phát huy vai trò của của môn âm nhạc trong việc hướng các em tới những hành vi cao đẹp qua việc học các ca khúc giàu tính giáo dục./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Ngọc Dung (2003), Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Giáo dục.

2. T.S Đinh Phương Duy (2007), Tâm lý học, Nxb Giáo dục.

3. PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa (2012), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương).

4. Lê Văn Hồng (2001), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Đỗ Huy (1984), Cái đẹp - một giá trị, Nxb thông tin lý luận, Hà Nội.

(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.