You are here

Ca khúc cho trẻ em: Bồi đắp tâm  hồn nâng cao nhân cách

Tác giả: 
Trịnh Tuấn Khanh

Âm nhạc đối với thiếu nhi là một đề tài rất rộng lớn. Trong phần tham luận này tôi chỉ có vài ý kiến nhỏ về mảng ca khúc cho trẻ em (trẻ em gồm có thiếu nhi, nhi đồng và bé mầm non). Đó là: làm thế nào để trẻ ca hát, trẻ em thưởng thức ca hat đồng nghĩa được với việc bồi đắp tâm hồn – nâng cao nhân cách cho trẻ thơ. Để góp một phần giải quyết các vấn đề trên, trong phạm vi đề tài này xin liệt kê một số ít ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ sáng tác cho trẻ em được ưa thích. Thực trạng về việc các em, người lớn chọn bài hát để thi, để diễn hiện nay. Nhạc cho hát, nhạc cho múa, phục trang và chọn ngôn ngữ múa cho phần trẻ em ca hát.

Âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng là một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống con người. Nó có sức hấp dẫn kỳ lạ, có tác động mạnh mẽ làm cho con người tốt đẹp hơn bởi bản chất của âm nhạc là niềm vui lạc quan, nâng tâm hồn con người đến với những tình cảm cao thượng. Đối với trẻ em, âm nhạc là nguồn sữa vô tận góp phần nuôi dưỡng các em trong suốt quá trình phát triển. Ở Việt Nam hiện nay trẻ em đã chiếm 36% dân số (hơn 33 triệu trẻ em trong số hơn 93 triệu người – con số thống kê 2016). Với số lượng này chúng ta phải cung cấp nguồn “sữa vô tận” như thế nào đây, để góp phần bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ.  Xukhôn-linski nhà giáo dục kiệt xuất của Liên Xô trước kia đã từng nói: “Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc, cũng như không thể thiếu trò chơi và chuyện cổ tích. Thiếu những cái đó trẻ em chỉ là những bông hoa khô héo”. Năm 2001 tác giả Phan Thanh Phong đã ghi lại lời phát biểu của nhạc sĩ Hoàng Vân trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Hoàng Vân  khảng định: “Âm nhạc có sự tác động quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách con trẻ. Một ca khúc với sự hài hòa giữa giai điệu và ca từ có thể khiến con người sảng khoái, mang đến cho con người những cảm xúc mạnh mẽ, yêu đời. Ngược lại có những loại âm nhạc làm cho con người ta bi lụy, thậm chí tha hóa, hư hỏng. Nhiều người biết rằng xã hội phương Tây có một số lượng vị trẻ thành niên là tội phạm mà trong đó sự tác động của các loại nhạc tiêu cực là không thể phủ nhận”.

Ca khúc cho trẻ em, góp phần bồi đắp tâm hồn, nâng cao nhân cách phải là ca khúc như thế nào, đây là yêu cầu mà hầu hết khi sáng tác, người nhạc sĩ đã rõ, nhưng thực hiện được nó không phải là đơn giản. Ca khúc viết cho trẻ em hiện nay ra sao, thừa hay thiếu, các em nghe gì, hát loại bài nào? Người lớn định hướng và tập cho trẻ em loại ca khúc nào, nhạc đệm và nhạc múa cho ca khúc ra sao?…

CẦN CA KHÚC HAY - VIẾT CHO TRẺ EM

Ca khúc cho trẻ em, người cho là dễ viết, người cho là khó viết. Hai nhận định này có thể đều đúng. Đúng với người cho là dễ viết, vì người đó không yêu cầu hay. Đúng với người cho là khó viết, vì yêu cầu bài hát phải hay. Ca khúc cho các em có cần phải hay không, hay là chỉ cần ngắn gọn, khúc thức đơn giản, hát như nói, như đọc đồng dao? Trong tài liệu cải cách giảng dậy nghệ thuật âm nhạc cho trẻ mầm non, Bộ giáo dục & Đào tạo đã khẳng định: “Âm nhạc dẫn dắt trẻ đi vào thế giới của điều thiện, tạo ra được sự đồng cảm và bồi dưỡng năng lực sáng tạo của trí tuệ mà không một phương tiện nào sánh được. Ca hát tạo ra cảm xúc, là sự tác động qua lại giữa âm điệu với thính giác và tư duy. Trẻ em có khả năng ghi nhớ giai điệu âm nhạc và thể hiện lại theo hứng thú. Chúng ta thường thấy những đứa trẻ vừa đi vừa hát rất tự nhiên, say sưa, mặc dù chỉ hát cho mình nghe. Ca hát giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển khả năng âm nhạc và phát triển cảm giác nhịp điệu. Sự hứng thú vận động theo nhịp điệu âm nhạc sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ". Ngay tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ III (22-24/10/1983) đã giành một phần nội dung bàn về âm nhạc cho trẻ em. Tại hội thảo trong đại hội này, Nhà giáo – Nhạc sĩ Hoàng Long đã phát biểu: “Sáng tác bài hát cho thiếu nhi là một vấn đề rất đáng quan tâm. Trẻ em yêu cầu các nhạc sĩ có những bài hát hay và người làm công tác giáo dục âm nhạc trực tiếp, không thể để cho các em tự tiếp thu những bài hát tồi, vô bổ. Khi người ta hỏi Macxim Gorki: phải viết cho thiếu nhi như thế nào, thì Gorki trả lời: cũng giống như viết cho người lớn, chỉ có khác là phải viết tốt hơn”. Đã quá rõ! sáng tác cho trẻ em đã khó nhưng cần phải hay thì các em mới đón nhận. Điều này nhiều nhạc sĩ của Việt Nam đã làm được, nhiều ca khúc viết cho trẻ em rất hay, phải nói là để đời. Những tấm gương sáng ngời của các nhân vật lịch sử thiếu nhi được các em đón nhận rất tự nhiên trong ca khúc như: Tấm ảnh Bác Hồ, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Lỳ và Sáo, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Màu áo chú bộ đội, Em bé Bảo Ninh, Cháu yêu chú thương binh… phải chăng đây là những bài học giáo dục truyền thống cách mạng rất dễ thấm vào lòng con trẻ! Tình yêu quê hương đất nước sẽ thấm rất tự nhiên vào lòng trẻ thơ từ lúc nào không biết khi trẻ nghe và hát những ca khúc như: Múa vui, Đếm sao, Cánh én tuổi thơ, Đi học, Em yêu trường em, Em đi thăm Miền Nam, Em nhớ Tây nguyên, Niềm vui của em, Bà lý tình tang, Hò ba lý, Em yêu thành phố biển quê em… Xây dựng tình yêu thương, bồi đắp niềm tin vào mái ấm gia đình, mối quan hệ xã hôi, tình nghĩa thầy trò, kỷ niệm mái trường đến với trẻ thơ thật ngọt ngào qua các ca khúc như: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Cả nhà thương nhau, Em là bông hồng nhỏ, Cho con, Vườn cây của ba, Ba cây nến lung linh, Mồng tám tháng ba, Bông hoa mừng cô, Đi học về, Bụi phấn, Hổng giám đâu…Đưa các em vào thế giới hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh, yêu mến thiên nhiên, môi trường, gần gũi bảo vệ những con vật có ích xung quanh em như những ca khúc: Chú voi con ở Bản Đôn, Chú mèo con, Con cò bé bé, Con còng gió, Ba bà đi bán lợn con, Chú ếch con, Chim công kể chuyện, Chim chích bông, Chuyện chú kỳ nhông, Con cào cào, Sơn ca ngày mới…Không thể kể hết những ca khúc hay cho trẻ em mà các nhạc sĩ của chúng ta đã rất tâm huyết sáng tạo (xin thứ lỗi vì còn nhiều những ca khúc hay chưa được kể ra và do thời lượng nên không chú thích tên tác giả các ca khúc). Chủ quan mà nói! chính ca khúc được các em ưa thích đã tác động trực tiếp đến tâm lý và sinh lý của trẻ em như đã trình bày ở phần trên, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện cho trẻ.    

NHƯNG TRẺ EM HIỆN NAY HÁT GÌ

Thị trường âm nhạc cho trẻ thơ hiện nay có các sân chơi khá rộng, nhất là những năm gần đây, nở rộ các cuộc thi tài năng nhí trên truyền hình. Nhiều khán giả nhí, kể cả người lớn cũng đón chờ các sân chơi như Idoi kid - giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Vườn cổ tích, Hát cùng siêu chíp, Thần đồng âm nhạc Việt, Gương mặt thân quen nhí, Vườn tuổi thơ, Nhịp điệu tuổi thơ… Cũng từ những sân chơi này đã xuất hiện nhiều gương mặt nhí tài năng ca hát gắn với những ca khúc thể hiện như bé Trịnh Nguyễn Hồng Minh, Thiện Nhân, Gia Kiệt, Phương Mỹ Chi, Chu Tuấn Ngọc, Quang Anh…Cách đây 8 năm tôi cùng ca sĩ Thanh Trà có dịp được mời thẩm định giọng hát trẻ em trong Gameshow Nhịp điệu tuổi thơ (VTV8 tổ chức) có một giọng ca rất đặc biệt, đó là bé Trịnh Nguyễn Hồng Minh học lớp lớn trường mẫu giáo Mầm non Hồng Nhung Đà Nẵng. Đặc biệt hơn là bé cùng tốp nam nữ thể hiện ca khúc Chú ếch con của nhạc sĩ Phan Nhân theo phiên bản hoàn toàn mới lạ nhưng rất hiệu quả. Chú ếch con với giai điệu Jazz đầy ngẫu hứng và không kém phần vui nhộn khiến khán giả rất thích thú.. Lần đầu tiên tôi và ca sĩ Thanh Trà cho điểm tối đa. Năm 2015 bé Trịnh Nguyễn Hồng Minh đã đạt quán quân Idoi kit - giọng hát Việt nhí. Sau đó bé Nhật Minh (quán quân giọng hát Việt nhí 2016) cũng thể hiện ca khúc này. Ngoài ra còn có một số các khúc thiếu nhi được thể hiện trong các vòng thi như Vườn cây của ba, Chú voi con ở bản Đôn, Đi học, Bụi phấn, Ngày đầu tiên đi học, Đếm sao…Nhưng phải nói là rất ít các ca khúc viết cho thiếu nhi được các em thể hiện trong các cuộc thi, ngược lại hầu hết là bài của người lớn. Nếu có thêm nhiều ca khúc thiếu nhi khác, được thể hiện như Chú ếch con, Chú voi con ở Bản Đôn…thì  khán giả, phụ huynh học sinh và các nhà nghiên cứu đâu phải phân vân, thậm trí buồn rầu khi thấy các em thể hiện các ca khúc và dân ca dành cho người lớn rất mùi mẫn: Về quê, Hò biển, Giận mà thương, Xa khơi, Con cò, Người ơi người ở đừng về, Cây đàn Chapin, Hò biển, Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột… và rất nhiều ca khúc khác. Người viết bài tham luận này trước kia cũng được học chính qui chuyên ngành sư phạm âm nhạc của trường Đại học sư pham âm nhạc Trung ương, đã nhiều năm giảng dậy cho các thầy cô giáo làm công tác âm nhạc ở Đà Nẵng và  khu vực Miền Trung. Sách vở đã chỉ rõ là âm vực ca hát của trẻ được phân theo lứa tuổi Mầm non, nhi đồng, thiếu nhi, giọng nam, giọng nữ tùy theo đối tượng để sáng tác ca khúc phù hợp với các em, thường là không nên quá một quãng 8 hoặc quãng 10. Thế mà, liên tục cùng mọi người chứng kiến cảnh các em gân cổ lên, gào thét thể hiện những ca khúc không phù hợp với âm vực quãng 12-14, cộng với lời ca không phù hợp lứa tuổi. Sao vậy ! Các em tự chọn bài hay huấn luyện viên của nhóm chọn rồi dàn dựng. Không giấu giếm! trên truyền hình họ công khai và tự hào, khen nhau là huấn luyện viên A đã chon bài hay, huấn luyện viên B chọn bài phù hợp… Vâng! Có hay, nhưng đã hợp chưa? Thực tế đã thấy nhiều em có giọng rất tốt, nghe các em thể hiện những ca khúc kể trên rất hiệu quả. Nhưng xin thưa, nếu cứ hát những âm vực quá mức như vậy thì có đảm bảo cho sự phát triển giọng hát các em sau này không? Trách nhiệm của truyền hình không phải là đào tạo  mà là quảng bá, tìm nhân tài để sau đó giúp ngành văn hóa, ngành giáo dục đào tạo. (nếu các Gameshow này ở các kênh chuyên đề giáo dục thì sẽ hợp với tiêu chí hơn), Còn ở đây phần lớn các gemshow mời các ngôi sao ở nhiều lĩnh vực làm giám khảo – có cả diễn viên hài (có nhất thiết không – theo tôi nên mời thêm các chuyên gia âm nhạc thiếu nhi để thẩm định, ví dụ như các thầy cô ở các học viện âm nhạc…). Thay cho việc tập cho mỗi trẻ vài bài của người lớn làm hành trang cho việc chạy sô sau khi đã nổi tiếng, bằng việc thẩm định, định hướng để đào tạo các em sau này thì quí hơn. Thực tế  khoảng 15-20 năm trước có một số giọng ca nhí nổi danh (xin được miễn kể tên - hiện giờ CD của các em vẫn chiếm lĩnh thị trường) nay tuổi các em đã đến tuổi làm cha, làm mẹ nhưng có ai còn giọng tốt để theo nghề. Phải nói là ít lắm, không còn giọng, chứ đừng nói không thích làm ca sĩ. (không thích làm nhạc sĩ thì ô kê – vì làm nhạc sĩ  nghèo lắm). Hiện nay ở các tụ điểm nếu có các giọng ca sao nhí thì phần lớn các sao nhí này thể hiện các ca khúc người lớn, không cần lưu tâm tới lời ca, âm vực…Mở điện thoại downlod phần nhạc karaoke rồi hát. Người viết tham luận này là một trong những người trong khu vực được nhiều nơi mời làm giám khảo trẻ em biểu diễn nghệ thuật, đã chứng kiến nhiều cảnh này. Có lần trong một hội diễn cấp trường mình đã hụt hẫng phải chấm thi một cặp nam nữ học lớp 6 cứ lặp đi lặp lại “ngày mai anh bắn ra ngoài, thì hoa em sẽ tặng người nào đây – Trước ngày hội bắn – Trịnh Qúi”. Một ca khúc đủ điều kiện đến với khán giả thưởng thức, ca sĩ phải là người thứ 3 sáng tạo khi thể hiện (sau NS Sáng tác, NS phối khí), nên phải nghiên cứu kỹ tác phẩm để “tròn vành -  rõ chữ”, phải “đắm mình”khi thể hiện chứ không được hát như một cái máy. Tuy nhiên cặp nam nữ vị thành niên này sẽ phải hát như một cỗ máy, bởi ở độ tuổi lớp 6 tâm lý, sinh lý của các em chưa phải là của người lớn…Rất khó cho việc qua cái hay, cái đẹp của âm nhạc mà vun đắp tâm hồn và nhân cách cho trẻ thơ!

VÀ TRẺ EM HIỆN NAY NGHE GÌ

Năm 2015 có dịp tôi được đi thực tế ở một trường phổ thông cơ sở để khai thác lấy tư liệu văn nghệ dân gian phối hợp xuất bản đầu sách Giai điệu miền Trung của NS - Nhà nghiên cứu VNDG Trần Hồng. Khai thác xong bài chòi từ một nữ sinh lớp 8, em đó vội nhét vào 2 lỗ tai hai cục tai nghe và lắc lư nhịp nhịp có vẻ sành điệu miệng hát theo “chắc ai đó sẽ về - chắc ai đó sẽ về”một bản hit của Sơn Tùng MTP (em hát to như thể hãnh diện, mời mọi người cùng hát). Quả thực, mấy bạn lập tức ùa theo vừa hát vừa lim dim con mắt, khó nhịn được cười. Một câu hỏi đặt ra là: có phải hiện nay hiếm những ca khúc hay, đúng với lứa tuổi cho trẻ em, hay có mà không hay, không thời trang. Trên phố, công viên, khi tham gia giao thông, trước khi ngủ các em thường là nghe nhạc Hàn, nhạc tiếng Anh và một số bản nhạc trẻ đang “hốt”trên thị trường. Cứ vậy tâm hồn các em sẽ bay bổng đi đâu. Chúng tôi nghĩ, trách nhiệm định hướng cho trẻ em nghe nhạc là của người lớn và toàn xã hội. Kính đề nghị các nhạc sĩ hãy quan tâm hơn nữa, lao khổ hơn nữa để các em được hưởng những lời ca, giai điệu, âm thanh của chính những ca khúc dành cho các em.

NHẠC ĐỆM CHO CA KHÚC TRẺ EM

Ở một góc khác, đó là phần nhạc đệm. Nhạc đêm cho ca khúc có góp phần nâng hiệu quả cho ca khúc không! Ai cũng  hiểu là có. Nhưng hiện nay tôi và các nhạc sĩ thường xuyên được nghe: a lô! nơi nọ nơi kia họ hát bài của nhạc sĩ đấy, mừng! tưởng họ gọi điện trả tiền bản quyền, hóa ra là: Nhạc sĩ có nhạc phần đệm của bài ấy không? Đương nhiên rồi, nếu ông không có phần nhạc đệm thì xin bai bai, không hát bài của ông nữa! Buồn cho các ca khúc được các em yêu mến mà nhạc sĩ không lưu trữ phần nhac đệm beat. Thực tế là một ca khúc, nếu có sẵn phần nhạc đệm thì người được phân công sẵn sàng dàn dựng, biên đạo mà không cần quan tâm các em ở lứa tuổi nào, không nắn gọt, không cần dịch giọng vì nhạc đệm đã Mix rồi. Và nếu có chưa Mix, thì các nhà sự kiện cũng không quan tâm, miễn là không phải bỏ tiền ra thuê họ phối âm, phối khí. Thử hỏi khi âm nhạc đã thiếu phần sáng tạo, thì hiệu quả sẽ ra sao cho người diễn và người thưởng thức!

NHẠC CHO MÚA VÀ PHUC TRANG CHO MÚA

Thêm một góc khuất nữa là nhạc cho múa và phục trang cho  trẻ em hát múa. Đối với loại hình múa múa minh lại là một vấn đề cần phải suy nghĩ. Lực lượng viết nhạc “bài vở”cho múa (xin khoanh ở Nam Trung bộ và Tây nguyên) chúng tôi chỉ thường gặp cố NS Phan Ngọc, các NS Trúc Lam, Xuân Minh, Minh Sơn, Nguyễn Hoàng ở Đà Nẵng , NSUT Vũ Lân, Minh Trí ở ĐakLăk, Xuân Hoan, Ngọc Tượng, Đức Hà ở GiaLai, kjanđik ở Lâm đồng, NSUT AĐủ ở Kon Tum, Văn Phượng, Minh Châu ở Quảng Ngãi, Vũ Trung, Bạch Mai, Khắc Hùng ở Qui Nhơn, Ngọc Anh ở Nha Trang…phải nói là rất ít! Nhiều năm qua trong các chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, mừng Đảng đón xuân, Vườn tuổi thơ, Nhịp điệu tuổi thơ ở Đà Nẵng, nhiều tác phẩm múa, các cô giáo thường  dùng phần nhạc chung cho trẻ em và người lớn. Bất cứ một ca khúc nào dùng phần nhạc có sẵn hoặc lấy phần nhạc đệm cho ca khúc là múa được. thậm chí nhạc múa được bóc ra từ phần nhạc đệm trong karaoke. Ngôn ngữ múa minh họa và phục trang cho diễn viên nhí cũng rất tùy tiện. Giai điệu một ca khúc vang lên thì đủ các điệu múa của tuồng, chèo, dân vũ đường phố ào ào thể hiện.  Các động tác của Tây nguyên, Tây bắc và của các tộc người khác nhau được “linh hoạt”phụ diễn. Có lần thấy các em mặc đồ ÊĐê để minh họa múa cho ca khúc Niềm vui của em (ca khúc của NS Huy Hùng). Hay múa động tác xòe Thái minh họa cho ca khúc Hơzen lên dẫy (NS Nguyễn Cường). Không hiểu do tùy tiện, do kinh phí, hay muốn đơn giản mà các biên đạo thực hiện những công việc như vậy. Vô tình hay hữu ý mà người lớn đã “dẫn dắt”tâm hồn các em dần  làm quen với sự cẩu thả dẫn đến “lệch lạc”trong nghệ thuật. Cứ như vậy, triền miên từ hội diễn này sang hội diễn khác,trẻ diễn cứ nhận lời khen, giám khảo cứ nhận thù lao, ông bầu cứ nhận hợp đồng, truyền hình vẫn đưa vào giờ vàng phát sóng trực tiếp, chẳng có ai sơ tổng kết. lỗi này tại ai? lỗi của ngành giáo dục, lỗi của ngành văn hoá hay lỗi của các nhà đài,  hay là lỗi của chúng ta!

Kính thưa quí vị!

Tôi đã đi hơi lan man: nhưng đó là sự liên tưởng từ ý nghĩa, nội dung, yêu cầu đề dẫn của hội thảo: âm nhạc thiếu nhi bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ. Để tự nhủ rằng: bản thân tuổi đã lớn, còn đối với hoạt động âm nhạc mình chỉ là thế hệ đi sau. Bằng sự say mê  nghệ thuật, sự học hỏi, cầu thị trong sáng tác ca khúc, và nghiêm túc trong nghiệp vụ sư phạm âm nhạc, tôi mạnh dạn đưa ra thực trạng của trẻ em trong việc biểu diễn ca khúc, thưởng thức ca khúc hiện nay và những phụ trợ khác để trẻ em ca hát. Mong muốn góp một phần nhỏ bé giúp những người có trách nhiệm, có cái nhìn hoàn thiện hơn, thực hiện được trọn ven yêu cầu: giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi nhằm mục đích bồi đắp tâm hồn và nhân cách cho trẻ thơ. Mong quí vị chia sẻ, góp ý và trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của tất cả mọi người.

Đà Nẵng, ngày  01   tháng  07 năm 2017 

Nhạc sĩ: Trịnh Tuấn Khanh   

Emeil: tuankhanhvtv@gmail.com. Hotle: 0903597123

                                               

 

                                                     

                                      

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.